Khát vọng từ đất

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/4/2018 | 12:21:45 PM

YBĐT - Thong dong trên những con đường bê tông dài tít tắp bên những ruộng lúa, ruộng ngô xanh mướt, khung cảnh làng quê Nghĩa An đẹp lạ thường. Sẽ đẹp hơn nữa nếu cuộc sống đồng bào nơi đây ngày thêm khá giả, phát triển bền vững...

Anh Hồng kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của măng tây.
Anh Hồng kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của măng tây.

Một ngày tháng ba, chúng tôi bắt đầu hành trình đến Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây xinh đẹp để được gặp gỡ anh Hà Văn Hồng và để được tận mắt chứng kiến những điều mà người cán bộ xã này đã tiên phong, đã mạnh dạn bỏ đi "bờ xôi ruộng mật” của gia đình, đưa cây măng tây vào trồng thử nghiệm. 

Thật không quá khó để tìm ra nhà anh, ngôi nhà sàn nằm êm đềm gần nhà văn hóa thôn Đêu 2, xã Nghĩa An. Mặc dù mới đầu năm nhưng với cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nên anh khá bận rộn. Dành thời gian cho chúng tôi là anh tạm gác lại một chút công việc chung.
 
Trải qua khá nhiều vị trí công tác ở địa phương và cũng lại là người địa phương nên anh hiểu rất rõ đồng đất Nghĩa An. Trở đi trở lại cùng khát vọng thoát nghèo, anh đau đáu tìm tòi, thử nghiệm các mô hình phát triển kinh tế gia đình để nếu thành công sẽ nhân rộng ra toàn xã. 

Khoảng năm 2005, khi đi tham quan một số tỉnh phía Bắc, anh thấy mô hình du lịch cộng đồng khá phát triển, đầu tư ít, hiệu quả cao, hơn nữa phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Thấy rồi thích, nghĩ là làm, đầu năm 2006, anh mạnh dạn sửa sang nhà cửa để làm du lịch cộng đồng.
 
Anh Hồng chia sẻ: "Mô hình du lịch cộng đồng không mất nhiều tiền của đầu tư, chỉ cần cải tạo một chút không gian nhà ở của mình sao cho hợp lý, ngăn nắp mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa mà cũng chỉ là cải tạo lại khuôn viên nhà ở mình sao cho đẹp hơn. Thực tế thì khách du lịch người ta cũng thích đơn giản, hợp túi tiền chứ đầu tư sang trọng như khách sạn, mình vừa không có tiền vừa làm mất bản sắc”.
 
Khởi đầu bằng thành công này, đến nay, nhiều người dân trong thôn, trong xã đã phát triển khá mạnh mô hình du lịch cộng đồng và cho hiệu quả kinh tế cao. Không muốn dừng lại, từ một số diện tích ruộng trằm trũng kém năng suất, anh Hồng đã chuyển sang đào ao thả cá, mua các giống cây ăn quả về trồng. 

Luôn chịu khó, ham học hỏi, các mô hình anh làm đều thành công. Những thành công ấy đã tiếp thêm cho anh nghị lực, niềm tin để mạnh dạn thử nghiệm nhiều hơn các mô hình mới.
 
Anh Hồng vẫn chưa quên: "Khi thị xã Nghĩa Lộ có chủ trương chỉ đạo địa phương phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2018, qua đánh giá thì trong các tiêu chí Nghĩa An còn thiếu, có tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất. Chính bởi vậy, ngay sau đó, thị xã giao cho Phòng Kinh tế phối hợp cùng với xã nghiên cứu thực hiện mô hình tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả nhất". 

"Sau một thời gian khảo sát, thị xã tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế vận động địa phương trồng cây măng tây và đã có hơn 40 hộ dân xung phong thực hiện mô hình. Tuy nhiên, khi đi tham quan, tập huấn mô hình ở các tỉnh miền xuôi thấy khó khả thi nên các hộ không làm nữa. Thế là chỉ còn lại mình tôi. Tôi cứ nghĩ chả nhẽ mình cũng lại không dám làm... Cuối cùng, tôi mạnh dạn nhận làm" - anh Hồng chia sẻ.
 
Nói đơn giản thế thôi chứ bắt tay thực hiện mô hình với một loại cây trồng mới lạ, lần đầu tiên được thử nghiệm tại địa phương không phải là chuyện dễ dàng. Xuống tận huyện Đan Phượng rồi huyện Chương Mỹ của thành phố Hà Nội để tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, mua cây giống đem về Nghĩa An anh mới thấy gian nan.
 
Đồng đất thôn quê xưa nay chỉ quen cây ngô, cây lúa, liệu cây măng tây có phù hợp hay không, có thích nghi được không, có sinh trưởng tốt không... là những câu hỏi cứ trở đi trở lại mãi trong anh. Không làm thì sao biết được thành công hay thất bại, hơn 1.500m2 đất ruộng hai vụ lúa đã được anh chuyển trồng măng tây.
 
Đêm ngày, sớm tối, cứ hết công việc ở xã là anh miệt mài đào rãnh, lên luống, lắp đặt hệ thống tưới tự động xung quanh. Cuối tháng 9 năm 2017, những cây măng tây giống đầu tiên nhập từ Hà Nội đã được đặt xuống đồng đất nơi đây với hơn 100 triệu đồng cho tổng chi phí đầu tư giống, hệ thống tưới tự động, phân bón.
 
Những tưởng cây măng trồng xuống sẽ bén rễ xanh tươi, ai nào ngờ gặp hai đợt rét đậm rét hại nên chúng đã vàng úa, héo rũ, rồi nắng lên khiến những mầm măng chưa kịp nhú đã rữa ngay từ gốc. Không phải không nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức qua sách báo, Internet mà cũng không phải không nhờ cậy cán bộ khuyến nông thị xã giúp đỡ song cứ cứu được luống này thì luống kia lại đổ bệnh, nhiều cây trông xanh tốt đấy nhưng bới gốc đã thấy ruỗng mục tự lúc nào. Lời ra tiếng vào của dân làng càng khiến anh thêm sự hoang mang, dao động...
 
Không thể đầu hàng nhanh chóng vậy, ý nghĩ đó thôi thúc anh tiếp tục với cây măng tây. Lại tìm về huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Đan Phượng ở Hà Nội sâu sát quá trình canh tác của những người dân nơi đó, rồi nhờ họ tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và mua thêm cây giống, hạt giống để ươm gieo, trồng thay thế diện tích măng bị hỏng. 

Cứ có thời gian rảnh rỗi là anh có mặt ở ruộng để nhặt cỏ, chăm bón. Là cây trồng mới, sản xuất theo mô hình an toàn sinh học, sâu bệnh gây hại khá nhiều, chủ yếu là những loại sâu gây hại về đêm nên nếu không xử lý kịp thời thì chỉ một hoặc hai đêm sẽ có một khóm măng bị chúng "xơi tái”.
 
Ban ngày thì bận mải với công việc xã hội, chú tâm tìm hiểu kiến thức chăm sóc măng tây qua các kênh thông tin, tối đến anh Hồng lọ mọ cùng chiếc đèn pin bắt sâu ngoài ruộng đến quên cả thời gian. Những cây măng tây đã dần xanh tốt trở lại, những mầm măng đã tua tủa đội đất trồi lên là một cách trả công cho anh thật xứng đáng.
 
Ngắm nhìn đám ruộng măng vươn mình tươi xanh trong nắng, anh Hồng không giấu nổi niềm phấn khởi: "Điều cốt lõi nhất, người trồng cần nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc măng tây. Đây vốn là một loại cây thân thảo mềm, hay đổ. Mình phải biết ở nhiệt độ nào thì cây phát triển tốt, ở nhiệt độ nào thì cây ngừng sinh trưởng để có lịch bón phân. Hơn nữa, cây măng này là loại rất khó trồng, dễ nhiễm sâu bệnh, trước khi trồng phải lên luống, đất phải xử lý bằng vôi bột, phải để hai tháng cho hết các loại mầm bệnh trong đất mới bắt đầu trồng, không được trồng quá dày hoặc quá thưa... Tất cả mình phải nhớ như trong lòng bàn tay thì mới thành công được. Ngẫm lại, quan trọng nhất vẫn là ý chí và quyết tâm không ngại khó, không ngại khổ”.
 
Theo như tính toán của anh Hồng, thời gian từ khi trồng đến khi cây măng tây cho thu hoạch khoảng 6 - 8 tháng, giá bán dao động 75.000 - 130.000 đồng một cân măng, thu hoạch trong 10 tháng liên tục, một héc-ta bình quân mỗi ngày thu được 70 kg măng. Măng tây có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon và hấp dẫn. Hiện tại, đầu ra khá thuận lợi, mới có lứa măng đầu tiên mà đã có khá nhiều đơn đặt hàng của các nhà hàng trên địa bàn thị xã.
 
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Hồng thì với một địa phương như Nghĩa An có tới 95% là đồng bào dân tộc Thái, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ của người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, mô hình canh tác tiên tiến còn hạn chế, mức đầu tư cho mô hình khá tốn kém nên việc nhân rộng mô hình quả là cả một vấn đề lớn nếu không có các chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước.
 
Đơn cử như gia đình anh, với trách nhiệm của một đảng viên, một cán bộ xã, anh đăng ký trồng măng tây một phần vì phong trào chung của xã, phần nữa vì chính sự phát triển kinh tế của gia đình và cũng có phần muốn nhân rộng tới các chi hội cựu chiến binh trong xã. Thực tế là qua tuyên truyền, vận động cũng chưa có hội viên nào đăng ký tham gia.

Thong dong trên những con đường bê tông dài tít tắp bên những ruộng lúa, ruộng ngô xanh mướt, khung cảnh làng quê Nghĩa An đẹp lạ thường. Sẽ đẹp hơn nữa nếu ai cũng mạnh dạn, dám nghĩ dám làm như anh Hà Văn Hồng. Sẽ đẹp hơn nữa nếu cuộc sống đồng bào nơi đây ngày thêm khá giả, phát triển bền vững. Sẽ đẹp hơn nữa khi Nghĩa An xây dựng thành công xã nông thôn mới mạnh giàu.

Thanh Tân

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục