Thành công không đến từ may mắn

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/4/2018 | 1:43:38 PM

YBĐT - Chị Trần Thùy Dương ở huyện Văn Yên - một khách hàng đến chụp ảnh cưới cho biết: "Yên Bái mình có rất nhiều cảnh để chụp ảnh nhưng không gian ở phim trường Venus đẹp và nhiều phong cảnh để lựa chọn. Do đó, khi quyết định chụp ảnh cưới tôi chọn đến đây, không phải di chuyển nhiều nơi mất sức, mà lại có bộ ảnh ưng ý".  Địa chỉ được nhắc đến chính là phim trường của gia đình chị Nguyễn Minh Hiền và anh Nguyễn Thành Trung tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.   



Vợ chồng chị Nguyễn Minh Hiền và anh Nguyễn Thành Trung chăm sóc vườn hoa tại phim trường.
Vợ chồng chị Nguyễn Minh Hiền và anh Nguyễn Thành Trung chăm sóc vườn hoa tại phim trường.

"Sau nhiều năm đi làm thuê vợ chồng tôi tích cóp được số vốn nho nhỏ, dự định sẽ mở cửa hàng kinh doanh. Nhưng rồi, một ngày nghĩ đến Yên Bái mình dịch vụ cho thuê địa điểm chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh cưới còn rất ít. Vậy là tôi bàn với chồng vay thêm ngân hàng, anh em, họ hàng đầu tư xây dựng phim trường. Mặc dù khai trương chưa lâu nhưng đều đặn tháng nào gia đình cũng thu nhập trên 60 triệu đồng"- đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Minh Hiền, chủ phim trường Venus tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. 

Đến thăm phim trường Venus của chị Nguyễn Minh Hiền và anh Nguyễn Thành Trung vào một chiều giữa tuần nhưng không khí chụp ảnh ở đây khá tấp nập. Vừa tất bật phục vụ dịch vụ ăn uống, giới thiệu với khách các khu chụp ảnh chị Hiền vừa tươi cười chào đón tôi. Phải chờ khá lâu để chị có thời gian rảnh giữa chừng để trò chuyện.
 
Nhìn từng tốp các bạn trẻ, cặp đôi chụp ảnh cưới nhộn nhịp vào ra, chị Hiền cười tươi tâm sự: "Mình sinh năm 1992 tại chính quê hương Minh Quân này. Sau khi học xong cấp ba, đi làm thuê cho một cửa hàng áo cưới tại Hà Nội và quen anh Nguyễn Thành Trung là thợ chụp ảnh tại cửa hàng. Năm 2011, nên duyên vợ chồng, mình theo anh Trung về quê tại tỉnh Hà Nam lập nghiệp. Mình làm quản lý cho một công ty đá quý, còn anh Trung làm xây dựng”.

Và rồi sau 5 năm cùng chồng làm ăn, tuy vẫn đủ trang trải cuộc sống và tích cóp được một số vốn nho nhỏ nhưng với suy nghĩ của người trẻ, vợ chồng chị vẫn luôn nung nấu mở một cửa hàng để được tự mình làm chủ. Loay hoay chưa biết khởi nghiệp từ đâu, kinh doanh mặt hàng gì, thì nhớ lại quãng thời gian đi làm ở cửa hàng áo cưới tại Hà Nội, chị Hiền thấy phim trường chụp ảnh thường rất đông khách, mà dịch vụ này tại Yên Bái chưa phát triển. Cộng thêm điều kiện thuận lợi khi anh Trung chồng chị đã từng nhận xây dựng cho một số phim trường, chị Hiền mạnh dạn bàn với chồng về Yên Bái khởi nghiệp, mở dịch vụ cho thuê địa điểm chụp ảnh.
 
Chị Hiền tâm sự: "Khi bàn với chồng về Yên Bái xây dựng phim trường được anh ủng hộ tôi mừng lắm. Thế nhưng lúc bấy giờ số vốn trong tay của hai vợ chồng chỉ có vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng, nếu mua đất rồi xây dựng một phim trường phải mất vài tỷ. Nhớ đến mảnh đất của bố mẹ đẻ tôi ở Minh Quân vốn rất rộng nhưng là đất đồi, sỏi đá, hiệu quả kinh tế thấp nhưng lại không quá xa trung tâm thành phố. Tôi bèn xin phép bố mẹ cho vợ chồng tôi xây dựng phim trường trên mảnh đất ấy. Có đất để xây nhưng vốn lại ít, vợ chồng tôi vay thêm họ hàng nội ngoại hai bên được thêm vài trăm triệu đồng".
 
Khi số vốn trong tay đã tạm ổn, trước tiên anh chị đi tham quan khắp các phim trường ở Hà Nội để học hỏi cách làm, cách quản lý, vận hành, rồi lên mạng tìm tòi, học hỏi cách làm, xử lý ánh sáng, sau đấy mua nguyên vật liệu về tự tay xây dựng. Anh Trung xây nhà, còn chị Hiền trồng hoa.
 

Khách tới tham quan chụp ảnh cưới tại phim trường Venus.
 
Nhớ lại quãng thời gian tự tay đặt từng viên gạch nền móng, trồng từng cây hoa chị Hiền kể: "Tháng 6/2017 vợ chồng tôi bắt đầu khởi công, khâu xây dựng của chồng tôi không gặp trở ngại nhiều lắm vì anh đã xây quen rồi, chỉ có điều là vất vả thôi. Nhưng tôi ngoài phụ chồng xây dựng còn phụ trách thêm khâu trồng hoa thì lại khá khó khăn. Dù đã tham khảo xem loại hoa nào nở quanh năm, dễ chăm sóc, người bán hoa cũng truyền lại kinh nghiệm mà trồng rồi hoa vẫn chết, bị sâu bệnh, bị nấm. Phải trồng đi trồng lại vài lần tôi mới rút ra được kinh nghiệm riêng cho loại đất cằn này. Đang xây dựng thì thiếu vốn, vợ chồng tôi phải cắm sổ đỏ ngân hàng chính mảnh đất xây dựng phim trường để có thêm 200 triệu đồng tiếp tục mua nguyên vật liệu trang trí. Nhiều khi nản lắm! Bạn bè, hàng xóm cứ bảo xây dựng ở cái nơi hẻo lánh thế này ai về chụp, vợ chồng tôi lại phải tự an ủi nhau bỏ qua những lời nói ấy, cứ làm rồi sẽ thành công".
 
Sau nửa năm, phim trường rộng hơn 7.000 m2 hoàn thành, vợ chồng chị Hiền, anh Trung lại rong ruổi đến từng cửa hàng áo cưới tại Yên Bái để quảng cáo. Khung cảnh mới lạ, đầy đủ cảnh chụp ảnh trong nhà, ao hồ, ngoài trời, đồi chè, vườn hoa, không gian ăn uống... rất đa dạng và thích hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Đồng thời, giá cả lại phù hợp với 300 nghìn đồng/ đoàn chụp ảnh cưới và 30 nghìn đồng/ khách chụp ảnh thời trang. Do đó, từ khi khai trương đến nay dù chưa đầy 5 tháng, nhưng tính riêng các đoàn chụp ảnh cưới, trung bình mỗi ngày thường có từ 6 - 8 đoàn, cuối tuần từ 15 - 20 đoàn.
 
Chia sẻ thêm về lý do phim trường mới ra thị trường đã gây được sự chú ý và thu hút một lượng lớn khách hàng, chị Hiền chia sẻ: "Ngoài việc thay đổi khung cảnh hàng tháng, theo mùa, vợ chồng tôi còn thay đổi sắc màu, trang trí phim trường phù hợp với chủ đề của từng ngày lễ, vừa gây sự chú ý của khách hàng vừa thể hiện gu thẩm mỹ riêng của mình. Đồng thời, nhắc cho khách hàng nhớ những sự kiện trong năm". 
 
Chị Trần Thùy Dương ở huyện Văn Yên - một khách hàng đến chụp ảnh cưới cho biết: "Yên Bái mình có rất nhiều cảnh để chụp ảnh nhưng không gian ở phim trường Venus đẹp và nhiều phong cảnh để lựa chọn. Do đó, khi quyết định chụp ảnh cưới tôi chọn đến đây, không phải di chuyển nhiều nơi mất sức, mà lại có bộ ảnh ưng ý".

Với tinh thần, ý chí của tuổi trẻ, không ngại khó, không ngại khổ, dám nghĩ dám làm chị Nguyễn Minh Hiền và anh Nguyễn Thành Trung đã thành công trên con đường mình đã chọn. Chị Hiền khẳng định: "Với tôi, để đi đến thành công mình phải đi con đường riêng, con đường mà mình đam mê. Thành công không đến từ sự may mắn nó đến từ sự nỗ lực và không ngừng nỗ lực".

Lê Thương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục