Nà Hẩu tri ân rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/4/2018 | 1:51:28 PM

YBĐT - Đồng bào Mông Nà Hẩu (Văn Yên) yêu quý rừng và giữ rừng bằng những luật tục riêng, đó là tục cúng thần rừng. Tại đây, bà con đã tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng với cán bộ kiểm lâm huyện,

Nghi thức cúng thần rừng của người Mông xã Nà Hẩu.
Nghi thức cúng thần rừng của người Mông xã Nà Hẩu.

Vào ngày cuối cùng của tháng Giêng, tôi lên Nà Hẩu để tận mắt thấy người Mông Nà Hẩu làm lễ cúng thần rừng. Đây là nghi lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân Nà Hẩu. 

Buổi sớm, sương mù chưa tan, những cánh rừng còn chìm trong màn sương trắng xóa thì người dân đã tập hợp để chuẩn bị buổi lễ cúng rừng.
 
Ông Giàng Chẩn Phử  - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu bảo rằng, từ bao đời nay, rừng đã chở che, bao bọc cuộc sống của 425 hộ đồng bào Mông ở đây. Để bảo vệ rừng cũng như phát huy phong tục tập quán truyền thống lâu đời của ông cha để lại, hàng năm, nhân dân trong xã đều tổ chức lễ hội tết rừng như lời cảm ơn thần rừng. 

Để tiến hành lễ cúng rừng, trước đó, dân làng đã họp và tổ chức quyên góp tiền mua lợn, gà, rượu, hương thơm, vàng mã và bầu ra người chủ lễ, chủ rừng. Người chủ lễ còn gọi là thầy cúng phải là người có uy tín, hiểu biết về phong tục tập quán, giữ trong mình những văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc mình.
 
Đúng 8 giờ sáng, khi những màn sương bắt đầu nhô cao khỏi những tán cây rừng già, già làng Sùng A Sành, dẫn đầu đoàn rước lễ tiến sâu vào khu rừng thiêng - nơi có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Theo sau là 6 thanh niên, nam nữ người Mông chưa lập gia đình mang theo đầy đủ lễ vật gồm: 1 con lợn đen, một đôi gà trống, mái, xôi, rượu.  Đoàn rước bắt đầu đi bộ từ trung tâm xã đến khu vực rừng già.
 
Dưới gốc cây táu mật cổ thụ 3 người ôm không xuể, thầy cúng trải các lá cọ trên bàn thờ cúng được làm bằng tre chắc chắn rồi bày biện lễ vật. 

Khi giờ lành đã đến, già làng Sùng A Sành kính cẩn thay mặt bà con dân bản dâng lễ vật, quì lạy bốn phương trời, tám phương đất, khấn mời thần rừng về hưởng lễ và chứng kiến cho lòng thành kính của dân làng: "Ơ thần núi, thần rừng! Hôm nay là ngày lành, tháng tốt, năm cũ đã qua, bước sang năm mới. Tôi là thầy mo thay mặt cho dân làng dâng lễ mọn tạ ơn thần đất, thần rừng, thần suối, thần sông đã phù hộ bản làng trong 365 ngày may mắn, không ốm đau dịch bệnh, mưa thuận gió hòa. Năm mới xin các thần xua đuổi tà ma để con cháu của người Mông Nà Hẩu được khỏe mạnh, học hành tiến bộ, đi xa đi gần không bị va quệt, đi tay không, đem tiền bạc về đầy nhà đầy cửa; mùa màng bội thu, trâu bò đầy núi, gà lợn đầy chuồng, mưa to, gió lớn, sấm sét đi về phương khác. Dân làng xin thề sẽ bảo vệ rừng thiêng, không chặt cây, phá rừng!”.
 
Đoạn thầy cúng cắt tiết gà, tiết lợn, máu tươi của gà, của lợn được dán lên gốc cây cổ thụ, đây là một hình thức báo với thần rừng là dân làng đã dâng lễ vật lên thần rừng. Sau khi được thần rừng tiếp nhận lễ vật do dân làng cúng tế, lợn gà được mang đi làm thịt, chế biến thành các món chín, để cúng tế lần 2, dâng lên thần rừng với tất cả lòng thành kính. 

Sau lễ cúng rừng là các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao truyền thống sôi động thu hút đông đảo người dân tới tham gia cổ vũ như: kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, bóng chuyền. Qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi nhằm động viên tinh thần lao động hăng say của người dân trong toàn xã.

Những năm gần đây, tết rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của bản, tổng kết công tác bảo vệ rừng, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong bản, chính quyền xã và cán bộ kiểm lâm. 

Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm, tình hình phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự thôn bản, các khoản đóng góp, các khoản được Nhà nước hỗ trợ… đều được đem ra bàn bạc công khai.
 
Cũng tại đây, bà con đã tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng với cán bộ kiểm lâm huyện, cam kết không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, không săn bắt động vật hoang dã, không đốt nương làm rẫy, có trách nhiệm tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.
 

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được bảo vệ tốt. (Ảnh: Thanh Miền)

Sau cúng rừng sẽ là cấm rừng. Theo tập tục đồng bào dân tộc Mông trong xã Nà Hẩu nghỉ kiêng ăn tết ba ngày để tạ ơn thần rừng. Trong ba ngày này, mọi người phải tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục: không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo.
 
Để thực hiện tốt việc kiêng kị này, từ vài ngày trước, chị em phụ nữ ở các gia đình phải xay ngô, giã gạo, lấy rau, lấy củi, gói bánh chưng, giã bánh dày, chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm cho người và vật nuôi. Đây cũng là dịp để bà con ăn tết hay còn gọi là ăn rằm, đi chơi nhà thăm hỏi lẫn nhau thắt chặt tình đoàn kết, chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với hy vọng những điều tốt đẹp.
 
Ông Giàng A Chúng - Trưởng thôn 3, xã Nà Hẩu cho biết, bà con trong thôn đều coi rừng là sinh mệnh của làng, vì vậy, từ nhiều năm nay, rừng được bảo vệ theo hương ước do thôn, bản đề ra và truyền miệng từ đời này sang đời khác. Hương ước quy định: mọi người đi vào rừng cấm không được đem theo dao, không được chặt cây, lấy củi, không chăn thả gia súc trong rừng cấm, gỗ mục, củi khô, cây ngã, cây đổ cũng không được lấy mang về… 

"Mọi sự xâm phạm đến rừng cấm, dù chỉ chặt một cành cây, đào một củ măng, cũng được coi là xúc phạm thần rừng, sẽ bị thần rừng trừng phạt, cả năm không được may mắn. Người vi phạm ngoài việc bị thôn phạt theo quy định, còn phải sắm lễ đưa đến rừng cấm, nhờ thầy cúng tạ tội với thần rừng” - ông Chúng nói.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được thành lập theo Quyết định số 512/QĐ-UB ngày 9/6/2016 của UBND tỉnh Yên Bái với diện tích 16.950 ha nhằm bảo tồn các thế hệ sinh thái và các loại động vật thực vật đặc trưng cho khu vực núi thấp dãy Hoàng Liên Sơn và phía Bắc Viêt Nam nói chung, trong đó có 4.700 ha rừng đặc dụng nguyên sinh thuộc xã Nà Hẩu.  
 
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm của Việt Nam như: beo lửa, gấu ngựa, hồng hoàng, gà lôi trắng, các loại chim họ khướu và nhiều loại thực vật quý hiếm khác như: dổi, sến, pơ mu, dương xỉ thân gỗ. 

Không chỉ có giá trị đa dạng sinh học mà đây còn là một trong những khu rừng phòng hộ xung yếu của lưu vực sông Hồng. Chính vì giàu tài nguyên nên rừng Nà Hẩu luôn là đối tượng nhòm ngó của các đối tượng lâm tặc. Những năm qua, biện pháp giữ rừng bằng luật tục cùng với việc tuyên truyền của cán bộ kiểm lâm nên ý thức giữ rừng ngày một nâng cao.
 
Bà Sủng Thị Pảng ở thôn 3, xã Nà Hẩu cho biết: "Cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã nói rồi, nếu phá rừng sẽ không giữ được nguồn nước, mưa lớn sẽ gây ra lũ quét, phá nương lúa, nương ngô, đe dọa cuộc sống con người. Mình sẽ vận động người thân trong gia đình và làng xóm không phá rừng. Có rừng, đời sống mới ấm no, mới phát triển được”.
 
Ông Kiều Tư Giang -  Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nhấn mạnh: "Xã Nà Hẩu nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, quỹ đất sản xuất, canh tác của xã Nà Hẩu rất khiêm tốn, cuộc sống của 425 hộ đồng bào Mông với 2.225 nhân khẩu chủ yếu dựa vào 67 ha ruộng nước và vài chục héc-ta nương rẫy trồng ngô khoai sắn nên cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Từ luật tục tết rừng được duy trì tổ chức hàng năm nên người dân Nà Hẩu không xâm hại đến rừng. Nhờ vậy, hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh vẫn nguyên vẻ hoang sơ, tán rừng già vẫn tầng tầng lớp lớp ngút ngàn xanh”.

Văn Thông

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục