Những mùa hoa no ấm

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/5/2018 | 8:19:09 AM

YBĐT - Vào mùa xuân, bên những bờ suối, sườn đồi, vạt núi ở Mù Cang Chải cũng là lúc hoa ban, hoa sơn tra nở trắng rừng. Bây giờ, mỗi độ xuân về, những loài hoa ấy vẫn đua nhau khoe sắc nhưng thêm vào đó là mênh mang những cánh đồng bậc thang hoa cải dầu bung sắc vàng tươi. Mùa hè và mùa thu, đây mới là mùa hoa của trăm nghìn loài thảo mộc.

Du khách thuê trang phục đồng bào Mông để chụp ảnh bên cánh đồng hoa cải dầu.
Du khách thuê trang phục đồng bào Mông để chụp ảnh bên cánh đồng hoa cải dầu.

Lạ thế! Mùa đông lạnh buốt. Lắm lúc băng tuyết triền miên. Mùa hè nhiều khi hầm hập gió lào. Bởi thế, trước đây lên Mù Cang Chải, người vùng thấp thường ngao ngán với sự hiểm trở của núi non, nghèo và khí hậu khắc nghiệt. Nhưng cũng thật diệu kỳ ở nơi "đất khó” này, bốn mùa tạo hóa lại hào phóng ban cho nhiều "kỳ hoa dị thảo”.

Nhớ lại nhiều năm về trước, cứ sau tết là cánh anh em chơi ảnh lại rủ nhau lên Mù Cang Chải - xứ sở hoa đào để săn những cánh đào hồng thắm trên thân cây sần sùi những rêu phong. Đường từ thành phố Yên Bái lên đây gần hai trăm cây số, nhưng đi xe ca phải đằng đẵng từ tinh mơ đến chập tối. Mệt mỏi quặn lưng vì đường những ổ gà, ổ voi, sỏi đá.
 
Thế nhưng, cứ đến chân đèo Khau Phạ, nhoài cổ ra mà ngắm những mảnh vườn trong bản người Mông thắm sắc hoa đào, trắng ngần hoa lê, hoa mận thì bao mỏi mệt bỗng tiêu tan. Vào mùa xuân, bên những bờ suối, sườn đồi, vạt núi ở Mù Cang Chải cũng là lúc hoa ban, hoa táo mèo hay còn gọi là sơn tra nở trắng rừng.
 
Bây giờ, mỗi độ xuân về, những loài hoa ấy vẫn đua nhau khoe sắc nhưng thêm vào đó là mênh mang những cánh đồng bậc thang hoa cải dầu bung sắc vàng tươi trong nắng mới, làm cho đất trời mùa xuân Mù Cang Chải càng thêm huyền diệu.

Mùa hè và mùa thu. Đây mới là mùa hoa của trăm nghìn loài thảo mộc. Từ những đám cỏ mọc lan dưới đất, những tràn dây leo, bụi cây lúp xúp hay đại thụ cao vút trên rừng cứ thế nở hoa.
 
Và như một thói quen, cứ mỗi lần qua đây vào mùa này lại dừng chân bên một thác nước nơi lưng đèo Khau Phạ để mãn nhãn ngắm hoa, để ngả lưng vào đá mà chiêm ngưỡng thác nước từ trên cao chảy buông như tóc núi, để hít hà thật căng lồng ngực, cho ngấm vào huyết quản cái mùi hương nồng nàn thơm mơn man trong gió núi. Đã bao lần tự hỏi, chẳng biết có phải hương hoa của muôn loài thảo mộc cùng với hoa lúa hoa ngô ở nơi này đã cho ra thứ mật ong đặc biệt có một không hai mang thương hiệu "Mật ong Mù Cang Chải” như được chiết chắt ra từ những gì tinh túy nhất của đất trời?

Giữa thu. Trời mây Mù Cang Chải cao xanh ngần ngận. Nắng hong vàng từ chân núi lên đến ngang trời những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín. Và đây, cũng là lúc hoa dã quỳ nở rộ bên nương, dọc theo những con đường lên bản. Cỏ cây, hoa lá, ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp, núi non hùng vĩ lồng trong trời biếc, khiến cảnh sắc tựa như bức họa pha lê đắm lòng biết bao du khách.

Cuối đông. Khi hầu hết mọi nơi muôn cây vào mùa thay lá thì lạ thay, riêng ở nơi khắc nghiệt này lại nhuộm hồng màu hoa tớ dảy. Thân tớ dảy mọc cao, tán rộng, thay lá từ độ tháng 10 Âm lịch. Hoa năm cánh giống hệt hoa đào, nên còn gọi đào rừng. Hoặc nhìn bông hoa giống như chiếc chuông nhỏ, nở thành chùm buông xuống nên nhiều du khách đã gọi nó là đào chuông. Và tình cờ trong một chuyến lên đây, tôi gặp chị Diệp Song Anh ở thành phố Hồ Chí Minh cùng bạn bè Hà Nội lên Mù Cang Chải. Khi ngắm nghía những bông hoa tớ dảy, chị chợt thốt lên:

- Ủa! Sao nó giống hệt với hoa anh đào trên Đà Lạt! Phải chăng, cái tên hoa anh đào ở Đà Lạt chỉ là cách gọi mỹ miều về loài hoa mà người Mông ở đây gọi mộc mạc là tớ dảy?

Thôi thì cứ mộc mạc với cái tên tớ dảy, thế mà đã có những công ty lữ hành từ lâu đã mở tour từ Hà Nội theo quốc lộ 32 lên ngắm kỳ hoa ở xứ này. Riêng với người Mông, tớ dảy bao đời đã ăn sâu vào đời sống văn hóa.
 
Nhìn hoa tớ dảy nở sớm, nở muộn, nở nhiều, nở ít, sắc màu tươi, nhạt… là người Mông đoán được năm mới việc trồng cấy thuận lợi hay trắc trở. Mùa hoa tớ dảy nở, là tín hiệu báo xuân đã đến, là mùa trai gái rộn lên tiếng khèn, câu hát tìm gọi bạn tình. Và nay, mùa hoa tớ dảy nở, sắc hoa không chỉ làm đẹp cho riêng cao nguyên Mù Cang Chải mà nó đã vượt qua bao ngọn núi vút cao như Pú Luông, Khau Phạ, Háng Gàng... để mời gọi bạn bè khắp mọi miền tìm đến ngắm hoa.

Núi rừng bốn mùa đẹp tươi là vậy, nhưng con người ở Mù Cang Chải còn nuôi bao khát vọng làm cho cao nguyên này đẹp hơn thế nữa. Mấy năm trước lên Mù Cang Chải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Thị Xuyến cho hay, để phát triển du lịch, để cho Mù Cang Chải thêm những nét đẹp riêng có, huyện sẽ nhân rộng những loài hoa bản địa như đào, ban, tớ dảy và mở mang thêm diện tích sơn tra. Anh bạn kỹ sư Phạm Tiến Lâm là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng khoe rằng, anh được huyện giao nhiệm vụ tham mưu ươm trồng những loại hoa này.
 
Nghe vậy, nhưng quen với nếp nghĩ trước đây, tôi đồ rằng ở vùng cao thì từ ý tưởng đến thực tế chắc không thể nhanh được. Ai dè, gần hai năm sau gặp lại cô bạn Trần Minh Loan làm ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải khi cô đang kiểm tra vườn ươm giống cây sơn tra, tớ dảy, hoa ban. Thấy ươm rất nhiều những giống hoa này, tôi hỏi:

- Ươm nhiều vậy, trồng sao cho hết?

- Huyện đã quy hoạch ưu tiên trồng ở những xã trong vùng trọng điểm du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, trồng ở trung tâm huyện, trồng dọc theo quốc lộ 32 và những con đường đi lên xã lên bản, trồng trong khuôn viên công sở, trường học và động viên người dân trồng làm cảnh ở vườn nhà - Loan cho biết.

Loan tặng tôi mấy cây ban giống mang về thành phố, như để sẻ chia cái tình người mộc mạc, ấm áp và mến khách ở nơi này. Cầm trên tay những cây ban nhỏ, tôi chợt mường tượng, trong mênh mông, hùng vĩ của núi rừng Mù Cang Chải và vẻ đẹp của danh thắng ruộng bậc thang, mai này những mầm hoa đang được ươm gieo đến độ trưởng thành bung hoa thì cảnh sắc nơi đây đẹp biết nhường nào.

- Riêng với cây sơn tra, chắc còn phải ươm gieo nhiều nữa, anh ạ! - Loan cho biết thêm.

Phải ươm nhiều vì loài cây này giờ được ví như cây hái ra tiền, cây hợp với trồng xen trong tán rừng phòng hộ và cả trồng thuần trên đất được quy hoạch rừng sản xuất. Ở Mù Cang Chải, giờ không thể kể hết được những gia đình người Mông ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình… thu vài chục triệu, hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ bán quả sơn tra. Rồi không chỉ có người Mông, nhiều người Kinh, anh em cán bộ, công chức, viên chức miền xuôi đang công tác ở đây cũng đã bỏ vốn đầu tư trồng sơn tra như anh Phạm Quang Thọ ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ đã tiên phong trồng mấy héc - ta. Sơn tra được chăm sóc chu đáo nên năm thứ 3, thứ 4 đã có cây bói quả. Vì sức hấp dẫn kinh tế của cây sơn tra, nên hàng năm huyện thường phải gieo ươm cây giống để đủ cho trồng mới từ 200 đến 300 ha.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế từ quả, có nhiều ý kiến chuyên môn còn cho rằng, hoa sơn tra cũng đang là một ẩn số kinh tế.
 
Ý kiến này dựa vào sự liên hệ từ rất nhiều dược tố quý trong quả sơn tra mà tôi đã đọc được ở các tài liệu khi nói về tác dụng của nó như: chữa kháng khuẩn, cường tim, làm giãn mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịch, trấn tĩnh an thần, ức chế ngưng tập tiểu cầu, điều chỉnh rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, phòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, viêm cầu thận cấp và mãn tính, hậu sản, ứ trệ, giảm kích thích ruột, tiêu chảy, lỵ...
 
Những dược tố quý ấy cũng có thể được chứa rất nhiều ở phấn hoa sơn tra, thậm chí có những dược tố quý mà ở quả không có được. Bởi vậy, nó sẽ là cơ sở để mở hướng cho việc nghiên cứu chất lượng mật ong Mù Cang Chải khi hoa sơn tra nở trắng rừng vào mùa xuân để tiến tới định hình phát triển, khai thác tối đa nguồn lợi các sản phẩm đặc hữu từ nghề nuôi ong truyền thống của người Mông hay mật ong khai thác từ rừng.
 
 
Mùa hoa sơn tra đem lại nguồn lợi lớn cho nghề nuôi ong ở Mù Cang Chải.

Bên cạnh những loài hoa quả bản địa, mới đây, xứ Mù Căng còn du nhập về những giống cây mới như cải dầu và tam giác mạch. Hàng trăm héc - ta cải dầu được Công ty cổ phần Thịnh Đạt đầu tư phát triển rồi thu mua hạt chế biến dầu ăn, mù tạt. Tuy chưa mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, nhưng niềm vui đã thấy khi qua mấy mùa hoa nở vào xuân, những cánh đồng bậc thang hoa cải dầu ở các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn... đẹp nao lòng và níu chân du khách gần xa.

Với người Mông ở Mù Cang Chải, trước đây, thu hoạch xong lúa mùa thì đồng đất bỏ không. Nay ruộng trồng thêm vụ cải dầu, thế là dân lại có thêm nguồn thu nhập mới khi mỗi héc - ta cải dầu cho năng suất trung bình 20 tạ/ha và nếu chăm sóc tốt sẽ đạt từ 22 đến 25 tạ. Với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi héc - ta cải dầu, sau khi trừ chi phí còn được thu tới hai chục triệu đồng, cao hơn trồng lúa. Đó là chưa kể những lợi ích khác như khi không ít gia đình người Mông năng động cho thuê trang phục, dụng cụ rồi thu chút ít tiền của du khách có nhu cầu chụp hình bên ruộng cải dầu; bán các sản phẩm địa phương, phục vụ ăn uống cho du khách...

Còn với những vạt hoa tam giác mạch tươi hồng, lại nghiêng nghiêng nở bên đèo Khau Phạ đúng vào lúc huyện mở Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang vào quãng trung tuần tháng 9. Tại nơi lưng đèo này có điểm bay dù lượn nên luôn thu hút rất đông du khách. Và bất kỳ ai khi đến đây cũng không để lỡ cơ hội lưu lại cho mình những tấm hình đẹp nhất giữa rừng hoa tam giác mạch.

Riêng tôi, bao năm đắm mình giữa những mùa hoa Mù Cang Chải để rồi tự ngẫm, kỳ hoa dị thảo ở xứ này xưa kia của thời đói khổ, giặc giã đã thổi hồn thiêng non cao, trời biếc làm nên khí phách can trường của con người nơi đây một lòng theo Đảng đứng lên đánh giặc giữ bản, giữ làng. Hoa hun đúc ý chí, nghị lực, tinh thần sáng tạo bao đời vượt khó để mở ra kỳ quan ruộng bậc thang cùng cuộc sống muôn sắc màu văn hóa. Và nay, họ lại biến những mùa hoa ấy tỏa hương cho sức sống mới khi người người vươn lên làm giàu bằng nhiều thứ sản vật riêng có ở Mù Cang Chải. Hoa nở để du khách trong và ngoài nước biết tới nơi đây là điểm lý tưởng. Và hơn tất thảy, những mùa hoa ấy, đã thành nơi hội tụ của bao người đang khát khao chung sức xây nên một cao nguyên Mù Cang Chải tươi mới những mùa hoa no ấm.
 
Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục