Mây pha lê trên Danh thắng quốc gia

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2018 | 7:06:08 AM

YênBái - YBĐT - Với ruộng bậc thang tuyệt đẹp, người Mông ở Mù Cang Chải cũng được xem như là nghệ sĩ cảnh quan. Họ đang cùng với cùng các nghệ sĩ cảnh quan thế giới thực hiện giấc mơ mây trên tác phẩm nghệ thuật bậc nhất thế giới, tạo nên một tác phẩm có một không hai không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.


Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp, đẹp đến nao lòng là có thật. Chẳng thế mà cái tên Mù Cang Chải đã vượt qua biên giới đến với bạn bè quốc tế, hấp dẫn họ đến với Mù Cang Chải không chỉ mùa lúa chín, mùa nước đổ mà giờ là cả mùa cày, mùa cấy. 

Trong số những du khách nước ngoài đến với Mù Cang Chải có Andy Cao và Xavier Perrot - hai nghệ sỹ cảnh quan nổi tiếng thế giới với các thiết kế đầy cá tính nhưng vẫn tôn vinh vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên, để rồi cuộc gặp gỡ như duyên định, họ ao ước khát khao được làm một điều đặc biệt cho Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là trong phút giây nào đó nàng công chúa ngủ trong rừng bỗng tỉnh giấc với chiếc "vương miện mây” lộng lẫy khác hẳn ngày thường. 

Những ý tưởng gặp nhau để rồi họ cùng phối hợp với Hội Kiến trúc sư tỉnh Yên Bái làm dự án vườn mây pha lê để thực hiện giấc mơ mây trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Chẳng ai dám tin một dự án không mang lợi ích kinh tế hay bất kỳ lợi ích nào khác, bởi kinh phí đều do những thành viên vận động tài trợ. Nhưng khi tận mắt chứng kiến cách họ làm việc, cách họ nâng niu từng bờ đất của ruộng mới thấy tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu đối với ruộng bậc thang Mù Cang Chải. 

Kiến trúc sư Phạm Thành Dương - Hội Kiến trúc sư tỉnh Yên Bái, đơn vị thực hiện Dự án tâm sự: "Đa số mọi người thiếu niềm tin khi ai đó làm việc gì đó mà không tính đến lợi ích cá nhân, vì giá trị cụ thể. Chúng tôi sợ nhất câu hỏi "làm vì mục đích gì”. Chúng tôi muốn bằng hành động của mình để chứng minh rằng cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp. Chúng tôi cam kết không có bất kỳ yêu cầu nào từ nhà tài trợ hay thương hiệu đi kèm lợi dụng giá trị của sự kiện. Chúng tôi cam kết không có sự trục lợi về vé, về tiền hay bất cứ giá trị nào khác về mặt tài chính hay tất cả các giá trị đi kèm theo”. 

Quan điểm đầu tiên và chắc nịch xuyên suốt quá trình xây dựng và thực hiện dự án này của tỉnh cũng như của những người trực tiếp tham gia đó là không làm ảnh hưởng đến Danh thắng. Ruộng bậc thang là tác phẩm của người dân, tác phẩm mây pha lê trên ruộng bậc thang là cả nghệ sỹ và người dân cùng làm, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật cảnh quan và sắp đặt. 

Để không làm ảnh hưởng đến Danh thắng, một đường dạo bằng gỗ được lắp đặt sẵn trước tiên để thực hiện thi công vườn mây pha lê. Sau này chính đường dạo đó để người dân và du khách muốn chiêm ngưỡng có thể đi tới gần mà không ảnh hưởng đến bờ ruộng. Hoàn thiện sản phẩm người dân cày cấy bình thường, những cột thép làm giá đỡ mây sẽ không cày bừa bằng máy được thì sẽ huy động sức người để cày cấy bằng thủ công. 

Ông Hảng Xáy Chông - Chủ tịch xã La Pán Tẩn cho biết: "Đến những bờ đất họ còn không muốn làm ảnh hưởng tới, nên làm một lối đi bằng gỗ xung quanh mâm xôi. Người dân cùng làm với những người nước ngoài nên vui lắm. Họ trao đổi bằng hành động để cùng làm thế mà rất hiểu nhau!”. Andy Cao - một trong hai nghệ sĩ tham gia chia sẻ, anh có một khát khao rất lớn đó là được cộng tác với người dân để làm nghệ thuật, làm điều kỳ diệu trên chính mảnh đất Mù Cang Chải.

Với Andy Cao, một lần được cộng tác cùng những tác giả ruộng bậc thang để làm nên điều kỳ diệu là niềm hạnh phúc của những người nghệ sỹ nước ngoài. Những ngày qua, người dân cùng cộng tác với các nghệ sỹ quốc tế để hiện thực giấc mơ mây, họ ngày càng tự hào về những thửa ruộng bậc thang của mình để rồi hân hoan, hạnh phúc với những giá trị vốn từng coi là bình thường ấy và khơi dậy để đồng bào thêm yêu ruộng bậc thang, nâng niu để ruộng mang lại lợi ích nhiều hơn là lúa gạo. 

Kiến trúc sư Phạm Thành Dương chia sẻ: "Đây là tác phẩm cảnh quan của người dân. Ruộng bậc thang do người dân làm nên. Chúng tôi những nghệ sỹ cảnh quan kết hợp với người dân bản địa làm tác phẩm mây pha lê trên tác phẩm mâm xôi của người dân làm lên điều kỳ diệu lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng có thể là điều kỳ diệu lần đầu tiên trên thế giới. Ở đây điều kiện khó khăn chúng tôi vượt qua tất cả. Tác phẩm không ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tự nhiên của môi trường". 

"Cây lúa, mâm xôi vẫn tự nhiên, chỉ là trên đó có một đám mây pha lê phiêu lãng. Hy vọng sản phẩm là một trải nghiệm tốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Khi người dân làm với những nghệ sỹ để tạo lên vườn mây thì họ càng trân trọng mảnh ruộng của mình. Khi hoàn thành, tôi tin họ sẽ cảm nhận được đầy đủ nhất họ đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi hướng đến tình yêu của người dân với chính mảnh ruộng của mình” - anh Dương nói.

Có thể thấy, đây là một trải nghiệm của chính người dân. Khi họ có tình yêu với chính tác phẩm nghệ thuật cảnh quan là mâm xôi - những thửa ruộng bậc thang của mình thì họ sẽ có một thái độ khác về làm du lịch, với đồng ruộng. 

Vườn mây hiện nay đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Công đoạn tỉ mỉ nhất là treo 59.000 viên pha lê cần sự hỗ trợ từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mông. Nguyên liệu để làm vườn mây đều là những nguyên liệu tốt nhất, lưới thép mỏng bằng chất liệu không rỉ thích hợp với điều kiện ngoại cảnh. 

Pha lê của hãng số 1 thế giới, tỷ lệ pha rất tốt, ánh sáng vào tạo ngũ sắc, cắt sét sẽ bắt sáng, gió đung đưa cùng ánh mặt trời tạo hiệu ứng ánh sáng trên nền thửa ruộng bậc thang sẽ tạo một diện mạo mới cho ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Khi vườn mây hoàn thành công tác quản lý khai thác sau mới thực sự quan trọng, hoàn toàn phụ thuộc vào người dân, chính quyền địa phương để làm sao hiệu quả nhất. 



Đồng chí Dương Văn Tiến kiểm tra tiến độ, vật liệu làm vườn mây.

Chủ tịch UBND xã La Pan Tẩn ông Hảng Xáy Chông chia sẻ quyết tâm: "Xã chủ động thành lập ban chỉ đạo, phân công đầy đủ các tổ như tổ bán vé, trông coi xe, tổ bảo vệ... để khai thác tốt nhất giá trị vườn mây. Trong quá trình thực hiện, các hộ gia đình đều ủng hộ. Xã vận động hộ dân tham gia làm. Xác định không làm ruộng bằng máy ở thuở ruộng bậc thang treo mây, chúng tôi vận động gia đình là làm thủ công, sẽ nhờ tổ đang thi công mây pha lê giúp đỡ một ngày là cày bừa xong thôi. Từ trước đến giờ có một cơ hội này thôi nên xã quyết tâm làm. Làm thì mới biết, không làm không biết. 

"Chúng tôi và người dân đều xác định đây là điểm du lịch của huyện, của tỉnh, giờ làm là làm cho tỉnh, cho huyện chứ không phải làm riêng cho xã. Sapa, Mộc Châu, Yên Châu người ta đã làm du lịch nổi tiếng rồi thì Mù Cang Chải phải cố gắng thôi” - Chủ tịch Chông nói. 

Triển lãm vườn mây pha lê tại đồi mâm xôi thuộc xã La Pán Tẩn là một trong những hoạt động nằm trong lễ hội mùa nước đổ của huyện Mù Cang Chải, nhưng được xác định là một hoạt động thu hút du khách, nên huyện Mù Cang Chải đã làm gần 2km đường bê tông từ khu vực chợ Ba Nhà lên đồi mâm xôi phục vụ khách du lịch tham quan. 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Huyện cũng đã hướng dẫn xã La Pán Tẩn in vé, xây dựng các tổ công tác để hoạt động du lịch chuyên nghiệp hơn. Theo kế hoạch của huyện giao, UBND xã La Pán Tẩn sẽ phát hành bán vé. Xã xây dựng quy chế chi từ nguồn thu từ bán vé quy định cụ thể chi hỗ trợ những hộ dân trong vườn mây, lực lượng bảo vệ, tuần tra, các cá nhân làm vệ sinh môi trường, khen thưởng hoạt động ban chỉ đạo xã, xây dựng công trình phúc lợi... Công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm tra thường xuyên. Dự kiến 12/5 huyện sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ bán vé, trông coi vườn mây và đội ngũ xe ôm”. 

Với ruộng bậc thang tuyệt đẹp, người Mông ở Mù Cang Chải cũng được xem như là nghệ sĩ cảnh quan. Họ đang cùng với cùng các nghệ sĩ cảnh quan thế giới thực hiện giấc mơ mây trên tác phẩm nghệ thuật bậc nhất thế giới, tạo nên một tác phẩm có một không hai không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục