Về nơi “trắng” điện lưới quốc gia

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/5/2018 | 10:33:05 AM

YBĐT - Cơn mưa rào đầu hạ chợt đến, chợt đi khiến con đường hơn 30 km ngoằn nghèo với những đoạn leo rồi đổ dốc từ trung tâm huyện Văn Chấn đến hai thôn Vàng Ngần và Thẳm Có đi càng trở nên khó khăn, vất vả. Đây là 2 thôn chưa từng có ánh sáng của điện lưới quốc gia dù ở ngay cạnh

Nhà máy Thủy điện Văn Chấn.

Các bé ở điểm trường mầm non Vàng Ngần phải học tập trong điều kiện ánh sáng tự nhiên.
Các bé ở điểm trường mầm non Vàng Ngần phải học tập trong điều kiện ánh sáng tự nhiên.


Vàng Ngần và Thẳm Có - 2 thôn xa và khó khăn nhất của xã Suối Quyền với 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống có trên 120 hộ dân, gần 700 khẩu. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, kinh tế chậm phát triển, còn trẻ em học hành dang dở, tỷ lệ hộ nghèo chiếm phần đa mà một trong những nguyên nhân chính là do không có điện. 

Nhà máy Thủy điện Văn Chấn thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn nằm trên lưu vực suối Nậm Thia được khởi công từ tháng 9/2009. Sau hơn bốn năm thi công, đến tháng 10/2013 Nhà máy đã phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia với công suất 57MW. 

Khi Nhà máy đi vào hoạt động, người dân khu vực xung quanh phấn khởi lắm, bởi ai cũng cho rằng thôn mình, nhà mình sẽ được chiếu sáng bằng dòng điện lưới quốc gia.
 
Song, từ khi Nhà máy hoạt động đến nay, đã được gần 5 năm thì người dân ở 2 thôn Vàng Ngần có Nhà máy Thủy điện Văn Chấn đóng trên địa bàn và đập thủy điện thuộc thôn Thẳm Có người dân vẫn sống trong cảnh tối tăm "không ánh điện”. 

Để Nhà máy Thủy điện Văn Chấn có thể đi vào hoạt động, người dân ở đây đã phải nhượng lại gần 70 ha diện tích đất nông lâm nghiệp với lời hứa sẽ cấp điện cho bà con khi nhà máy được hoàn thành đi vào sử dụng.

Tay đang thoăn thoắt buộc những thanh quế, anh Lý Tiến Trình, thôn Thẳm Có tâm sự: "Sống gần nhà máy thủy điện mà tối đến chúng tôi phải chong đèn dầu, thắp nến buồn lắm chị ạ! Không có điện, ngoài bất tiện trong sinh hoạt thì kinh tế cũng không phát triển được. Gia đình tôi muốn mua vài vật dụng cần thiết phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi cũng đành bó tay. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề”.
 
Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào chưa có điện thì cuộc sống của người dân chưa thể khấm khá hơn, bởi điện năng được xem là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Do đó, với mong muốn cuộc sống bớt tối tăm, khốn khó, trong nhiều buổi họp thôn và các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, người dân 2 thôn đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị từ năm 2011 để làm sao thôn nhanh chóng có điện lưới. Nhưng đến nay, mong muốn ấy vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
 
Không điện, đồng nghĩa với cơ hội tiếp cận với khoa học, kỹ thuật và tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa của người dân bị hạn chế. Đó chính là lý do khiến cuộc sống của người dân vốn nơi đây vốn đã lạc hậu nay càng trở nên tụt hậu, người dân không được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, nhất là chuyện học hành của con trẻ ở làng quê xa xôi hẻo lánh này vô cùng khó khăn. Trên địa bàn thôn Vàng Ngần có 2 điểm trường mầm non và tiểu học.
 
Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn - giáo viên điểm trường tiểu học Vàng Ngần cho biết: "Điểm trường tiểu học có 4 lớp với 32 học sinh, trong đó, có 2 lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 4, song ở đây chưa có điện thắp sáng cho các em học tập. Việc học tập của các em đều phải nhờ vào nguồn ánh sáng tự nhiên. Vào mùa mưa hoặc mùa đông, nhà trường phải cho học sinh lên lớp sớm vì trời về chiều ở vùng cao nhanh tối, không đủ ánh sáng để cho các em học tập”.
 
Câu chuyện với thầy giáo Sơn vừa dứt cũng là lúc trời đã chuyển nhá nhem. Trái ngược với phố phường, nơi đèn hoa rực rỡ, ở nơi vùng cao xa xôi này màn đêm như bao trùm nhanh hơn khiến con người ta cảm thấy một ngày thật ngắn ngủi. Quan sát xung quanh, thấy lác đác trong thôn vài ba ngôi nhà có ánh sáng le lói hắt ra từ những gia đình có máy phát điện mini cùng ánh đèn dầu bập bùng không đủ soi tỏ mặt người, không gian như đặc quánh lại.
 
Cảm nhận được sự băn khoăn của chúng tôi, anh Triệu Văn Lý - Trưởng thôn Vàng Ngần chia sẻ: "Cả thôn hiện có khoảng 80% hộ dân có điện nhưng là điện nước, dùng máy tua - bin. Còn 20% hộ còn lại đời sống quá khó khăn, không đủ điều kiện để mua máy phát điện nước nên cuộc sống sinh hoạt chỉ trông vào chiếc đèn dầu. Tuy nhiên, do điện nước không ổn định nên các thiết bị điện sắm về một thời gian đều bị cháy, hỏng nên người dân rất mong được dùng điện lưới quốc gia". 

"Người dân đã kiến nghị lên xã, xã cũng kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Nơi thì cho rằng, cấp điện cho người dân là thuộc thẩm quyền của điện lực, còn khi xây dựng thủy điện ảnh hưởng đến người dân thì công ty đã đền bù” - trưởng thôn Lý nói.
 
Mong mỏi mãi rồi đến giữa năm 2016, bà con khấp khởi khi thấy Nhà nước có chủ trương xây dựng trạm biến áp ở cả 2 thôn Vàng Ngần và thôn Thẳm Có. Song, cũng từ ấy đến nay, niềm mong mỏi của trên 120 hộ dân của 2 thôn xa nhất của xã Suối Quyền vẫn chỉ là ước mơ khi việc xây dựng trạm biến áp đến thời điểm này vẫn chỉ là những chiếc cột được dựng lên rồi để đó.
 
Ông Lý Tiến Quang - Trưởng thôn Thẳm Có buồn bã: "Những năm trước, thấy nhà nước đi đo đạc rồi chôn cột, ai cũng hân hoan, phấn khởi vì nghĩ điện về bà con sẽ được thắp sáng, đầu tư các trang thiết bị điện dân dụng phục vụ đời sống hàng ngày hoặc đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Nhưng đến giờ vẫn vô vọng bởi không có điện thì bà con muốn làm ăn, phát triển kinh tế cũng khó lắm, cái nghèo đói cứ đeo đẳng mãi thôi. Đã có nhiều lời hứa sau 30/4 điện sẽ về bản làng nhưng đã qua vài 30/4 rồi bản làng vẫn tối”.
 
Là 2 thôn xa nhất của xã Suối Quyền, đường giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Xác định điện, đường là những yếu tố hạ tầng quan trọng giúp bà con nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân đóng góp công sức để mở mới trên 5 km đường đất đến các cụm dân cư trong năm 2017, giúp bà con thuận tiện trong việc đi lại, phát triển kinh tế. Khi kinh tế đã phát triển thì người dân sẽ có điều kiện để mua máy phát điện để sử dụng khi điện lưới vẫn còn là thứ xa xỉ.
 
Chia sẻ với những khó khăn của bà con ở 2 thôn, đồng chí Trịnh Xuân Thành - Bí thư Đảng ủy xã Suối Quyền cho hay: "Xã Suối Quyền có 5 thôn thì có 2 thôn là Vàng Ngần và Thẳm Có là thôn "trắng” về điện lưới quốc gia của xã, mặc dù Nhà máy Thủy điện Văn Chấn đóng ngay trên địa bàn xã. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Mong muốn của người dân cũng như chính quyền là cấp trên cần quan tâm nghiên cứu, đầu tư đưa điện lưới quốc gia về 2 thôn này để đời sống bà con dân tộc nơi đây bớt đi phần nào khó khăn và được tiếp cận với khoa học - công nghệ vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần”.
 
 
Trạm biến áp được dựng lên ở thôn Vàng Ngần đã gần 3 năm nay nhưng người dân thôn Vàng Ngần vẫn chưa có điện.

Mang những mong muốn chính đáng của bà con thôn Vàng Ngần và Thẳm Có lên với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Chấn, ông Đinh Văn Trường - Trưởng phòng cho hay: "Dự án cấp điện cho 2 thôn khó khăn của xã Suối Quyền đã có từ năm 2016, song không hiểu lý do gì lại dừng lại. Toàn huyện Văn Chấn hiện còn 28/334 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Có quá nhiều rào cản trong việc đưa điện về các thôn, bản này, bởi đây đều là những thôn đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi cách trở, dân cư sống không tập trung nên chi phí đầu tư để kéo điện lưới về các thôn này rất lớn. Do đó, huyện rất cần sự hỗ trợ của các ngành liên quan như điện lực và công thương để những người dân sống trong thời kỳ nghiệp hóa, hiện đại hóa được hưởng những lợi ích quan trọng mà điện lưới quốc gia mang lại”.
 
Về phía Điện lực Nghĩa Lộ, khi tôi đưa những thắc mắc của người dân về việc đã có cột điện nhưng dân chờ 2 năm vẫn chưa có điện, ông Lã Công Hùng - Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ cho biết: "Dự án mang điện đến bà con thôn Vàng Ngần và Thẳm Có của xã Suối Quyền sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết Đức do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Đến nay, phần vật liệu để đưa ánh sáng điện lưới quốc gia đến 2 thôn đã hoàn tất, dự kiến trong tháng 5/2018, bà con ở 2 thôn này sẽ được hưởng điện lưới quốc gia”.

Những mong lời hứa tháng 5 lần này có điện sẽ là sự thật để thôn Vàng Ngần và Thẳm Có được bừng sáng bởi ánh sáng điện lưới quốc gia. Như thế, sẽ không chỉ làm thay đổi đời sống tinh thần mà còn mở ra niềm hy vọng, hứa hẹn một cuộc sống tươi sáng, văn minh hơn cho bà con Vàng Ngần và Thẳm Có bây giờ và cả những thế hệ mai sau.
 
Thanh Chi

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục