Ở Cổng trời có Ka - đốp - Bài 1: Cây lạ hóa cây “vàng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/5/2018 | 8:24:16 AM

YBĐT - Từ một cây ít được biết đến, thậm chí xa lạ với nhiều người Dao ở Cổng trời, cây quế đã dần khẳng định được vị thế, trở thành cây "vàng” mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc và sự đổi thay ở mảnh đất còn nhiều khó khăn, vất vả này. Cộng đồng người Dao giữ gìn, trân trọng và gọi cây "vàng” này bằng cái tên thân thuộc: Ka - đốp.

Lãnh đạo xã Suối Quyền trao đổi với nhân dân thôn Vàng Ngần về hiệu quả của cây quế.
Lãnh đạo xã Suối Quyền trao đổi với nhân dân thôn Vàng Ngần về hiệu quả của cây quế.

Chúng tôi đến Cổng trời vào một ngày mưa. Những cơn mưa rả rích khiến con đường cấp phối trở nên khó đi hơn ngày thường. Chiếc xe bán tải lâu lâu lại chao đảo, lắc lư mỗi khi vượt qua bùn lầy. 

Ngồi bên cạnh tôi, anh Nguyễn Văn Nghị - Phụ trách Trạm Kiểm lâm Suối Quyền thông tin ngắn gọn: "Cổng trời nằm giữa địa phận Thẳm Có và Vàng Ngần. Đây là 2 thôn thuộc diện khó khăn nhất của xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn. Người Dao nơi đây gọi khu vực này là Cổng trời bởi từ Thẳm Có sang Vàng Ngần phải vượt qua ngọn núi cao này. Khi chưa làm thủy điện thì mọi người chỉ có thể leo bộ qua đây. Giờ làm thủy điện, họ phá đá, mở đường nên xe ô tô, xe máy có thể vào tận trung tâm thôn”. 

Quả đúng vậy, Cổng trời là một ngọn núi đá cao sừng sững. Đoạn đường độc đạo qua nơi này dù đã được kiên cố bằng bê tông nhưng tiềm ẩn nguy hiểm khi một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách đá dựng đứng. Anh lái xe của Hạt Kiểm lâm Văn Chấn dù đã tới chốn đây đôi ba lần nhưng mỗi khi vượt Cổng trời đều cẩn thận cài cầu, di chuyển thận trọng do đoạn đường này thường xuyên có sương mù bao phủ kèm đá rơi. Chúng tôi dừng chân tại một ngôi nhà bán tạp hóa nằm giữa trung tâm thôn Vàng Ngần. Ngoài các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, điều khiến mọi người để ý là hàng chục bó quế khô được kê sát mép tường tỏa hương ngào ngạt khiến cả gian nhà đượm mùi thơm cay. 

Sau cái bắt tay thân mật, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Suối Quyền Trịnh Xuân Thành giới thiệu từng người với chúng tôi: "Đây là đồng chí Đặng Kim Lý - Phó Chủ tịch UBND xã, ngồi cạnh là đồng chí Hà Ngọc Vinh - Trưởng Công an xã, tiếp đến là đồng chí Đặng Nho Tài - Bí thư Chi bộ thôn Vàng Ngần và Trưởng thôn Triệu Văn Lý”. Tôi chủ động bắt chuyện với Bí thư Chi bộ Vàng Ngần Đặng Nho Tài: 

- Nhà Bí thư nhiều quế thế! Chỗ này là quế mấy năm tuổi rồi anh? 

- Quế gần chục năm tuổi, mình mua gom của bà con trong thôn đấy. Đồng bào dân tộc Dao ở đây gọi cây quế là Ka-đốp. Đã từ lâu, họ coi cây quế là tài sản chung khi cùng trồng, cùng chăm sóc, cùng bảo vệ. Toàn thôn Vàng Ngần có trên 200 ha Ka-đốp, chia bình quân cho 92 hộ thì gia đình nào cũng trồng, ít thì 1 - 2 ha, nhiều thì gần 10 ha - Bí thư Tài đáp lời.

- Thế Ka-đốp ở đây đều là tài sản chung hả anh? Tôi tò mò. 

- Không phải vậy. Ngoài phần trồng riêng của mỗi gia đình thì ở Vàng Ngần, mọi người dành ra một khu vực chung để trồng Ka-đốp. Mỗi khi khai thác thì sẽ dành tiền thu được vào làm quỹ thôn - Bí thư Tài giải thích.

Dành ra quỹ đất chung để tất cả người dân trong thôn cùng lao động, sản xuất rồi tiền thu được thì để làm quỹ thôn, đây chẳng phải là cách tổ chức lao động sản xuất theo hình thức tổ hợp tác hay sao? Thật bất ngờ khi tại một địa bàn còn nhiều khó khăn với 100% là đồng bào dân tộc Dao mà mô hình này lại được duy trì từ lâu và có hiệu quả như vậy. Điều đó càng khiến tôi háo hức muốn tìm hiểu về sự có mặt của Ka-đốp ở Vàng Ngần. 

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp ông Triệu Trung Báo - một người có uy tín trong cộng đồng và cũng là một trong những người đầu tiên trồng Ka-đốp để làm kinh tế. Ngôi nhà xây sơn xanh rộng hơn 100m2 của gia đình ông Báo nổi bật giữa thôn Vàng Ngần. Dù đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hi” nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Nhấp ngụm trà nóng, ông Báo chỉ vào ngôi nhà, cất giọng sang sảng: "Tất cả là từ Ka-đốp đấy!”. 

Theo lời ông Báo, gia đình ông là một trong những hộ và dòng họ trồng Ka-đốp đầu tiên ở Vàng Ngần. Nghe đâu cây giống được các cụ lấy từ huyện Văn Yên. Ngày ấy, khi mới trồng, dân bản không biết là cây gì, chỉ biết nó có vị cay và thường được dùng làm gia vị. Rồi một lần, ông Báo sang xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên thấy người Dao bên ấy trồng nhiều Ka-đốp lắm. Từ đồi sau nhà cho đến các ngọn núi cao, đâu cũng thấy Ka-đốp. Về quê, ông nung nấu ý định mở rộng diện tích trồng giống cây lạ này. 

Ông nhớ lại: "Hồi xưa ở đây chủ yếu trồng ngô và lúa nương nên khi biết tôi trồng Ka-đốp, ai cũng gàn. Có người bảo, trồng cây này thì lấy đâu thóc mà ăn. Có người lại bảo, cây này không có giá trị, trồng làm gì. Thế nhưng tôi nghĩ, người ta trồng được thì mình trồng được. Khi nào làm nương thì lại bóc vỏ bán, vừa được tiền lại vừa được gỗ”. 



Ông Triệu Trung Báo (bên trái) ở thôn Vàng Ngần trao đổi kỹ thuật chọn và ươm cây quế giống.

Qua nhiều năm, Ka-đốp dần mang lại thu nhập khi cành, lá, vỏ, thân cây được thương lái đến tận từng nhà mua gom. Đến lúc này, mọi người mới tới gặp ông tìm hiểu cách trồng, chăm sóc rồi ươm giống cây lạ ấy. Dẫn chúng tôi ra vườn ươm, ông Báo hào hứng: "Chỗ này đã ươm được một năm, chuẩn bị mang lên nương trồng được rồi. Ở đây, nhà nào cũng tự làm bầu và ươm quế, không phải đi đâu mua cả”. 

Thật tuyệt vời và đáng khâm phục tinh thần học hỏi, vượt khó của người Dao Vàng Ngần! Từ một giống cây lạ ngày nào, giờ đây mỗi gia đình người Dao nơi Cổng trời đều có thể tự chọn hạt, đóng bầu, ươm cây quế giống. Trưởng thôn Triệu Văn Lý im lặng suốt buổi trò chuyện, giờ mới cất lời: "Người Dao nơi đây trước kia chỉ biết trông chờ vào cây lúa, cây ngô, quanh năm vất vả mà cuộc sống vẫn thiếu thốn, nghèo khó. Thế nhưng từ khi có Ka-đốp thì mọi chuyện đã dần thay đổi. Người dân có điều kiện để mua xe, xây nhà rồi các công trình phụ…”. 

Như để minh chứng cho sự đổi thay đã nói, anh Đặng Kim Lý - Phó Chủ tịch UBND xã kéo tôi lên chiếc xe máy và vít ga. Dọc quãng đường từ Vàng Ngần ra Thẳm Có, dù giao thông còn nhiều khó khăn lại chưa có điện lưới quốc gia nhưng nhà ai cũng có đôi ba chiếc xe máy dựng trước sân cùng nhiều tiện nghi như ti vi, tủ lạnh. Anh Lý vừa nói vừa chỉ tay: 

"Đây là nhà ông Triệu Văn Tài, kia là nhà ông Triệu Trung Tài, bên này là nhà ông Đặng Kim Thọ… Trước kia là hộ nghèo hết đấy nhưng nhờ cây quế nên giờ khá giả cả rồi”. 

Tôi để ý, ngoài những ngôi nhà gỗ được lợp phibrô xi măng thì ở đây cũng có nhiều ngôi nhà sàn to đẹp theo kiểu nhà sàn đồng bào dân tộc Thái được dựng lên hai bên đường. Trao đổi với Trưởng thôn Thẳm Có Lý Tiến Quang, ông cho hay: "Ngoài ruộng nước thì Ka-đốp là cây trồng mang lại nguồn thu chính cho 34 hộ dân Thẳm Có. Hiện toàn thôn có gần 70 ha quế, chia bình quân mỗi nhà cũng có khoảng 2 ha”. 

Suối Quyền là xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Chấn, trong khi đó Thẳm Có và Vàng Ngần lại là 2 thôn khó khăn nhất của Suối Quyền. Nói thế để thấy cây quế đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân nơi này. Mừng lắm bởi trước đây, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo luôn cao thì nay Vàng Ngần đã có nhiều hộ khá giả, số hộ nghèo giảm xuống còn 58 hộ; thu nhập bình quân từ cây quế đạt 100 - 200 triệu đồng/hộ/năm, tăng 20% so với năm ngoái. 

Theo thống kê ở Thẳm Có, hiện chỉ còn 18 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân từ quế đạt 50 - 100 triệu đồng/hộ/năm. Có Ka-đốp, ở Vàng Ngần, mỗi năm các gia đình như hộ ông Triệu Trung Báo thu gần 200 triệu đồng, Đặng Kim Thọ thu trên 100 triệu đồng; ở Thẳm Có, hộ ông Đặng Nguyên Quan thu trên 70 triệu đồng/năm, Đặng Nguyên Vạn thu 80 triệu đồng… 

Cây lạ ngày nào giờ hóa cây "vàng” vì đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào Dao ở Vàng Ngần, Thẳm Có và tạo điều kiện để họ chung sức mở đường, làm nhà văn hóa, trường lớp cho con em... Cây lạ hóa cây "vàng”, điều này thật chẳng hề sai chút nào với sự xuất hiện của Ka-đốp nơi Cổng trời! 

Hùng Cường
(Bài 2: Sợi dây gắn kết cộng đồng)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục