Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018)

Nhà văn 25 năm và một cuốn sách về Bác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/5/2018 | 1:42:18 PM

YênBái - YBĐT - Đã có một nhà văn dành 25  năm… để ra đời một cuốn sách viết về Bác! Đó là nhà văn Hoàng Việt Quân - nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái.

Dù tuổi đã cao nhưng đề tài về Bác Hồ vẫn được nhà văn Hoàng Việt Quân tiếp tục thực hiện.
Dù tuổi đã cao nhưng đề tài về Bác Hồ vẫn được nhà văn Hoàng Việt Quân tiếp tục thực hiện.


Có lẽ trên thế giới, hiếm có lãnh tụ nào được người dân yêu quý như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Niềm yêu mến, kính trọng Bác như tự nhiên, tồn tại sẵn trong tâm hồn mỗi người dân Việt. 

Từ sự yêu kính đó, mỗi người sẽ có những thái độ thể hiện, hành động  khác nhau trong cuộc sống. Đối với nhà văn Hoàng Việt Quân - đó là những tác phẩm văn học nghệ thuật với tấm lòng tôn kính, vô tư nhất viết về Bác.

 25  năm… để ra đời một cuốn sách viết về Bác!

Biết ông từ lúc chập chững vào nghề cách hơn 20 năm, trong tôi, ông là một nhà văn giản dị, chân thành, vô tư nhưng cũng khá "lập dị”. Sự "lập dị” đó được nghe qua nhiều người, nhiều câu chuyện, chỉ trong thú chơi, tôi biết ông nghiện thuốc lá và sưu tầm bật lửa. Nên trong nhà, có cả ngàn chiếc bật lửa được ông sưu tầm nhiều năm qua. Biết vậy, qua điện thoại tôi hỏi: "Cháu định mua cho chú mấy bao thuốc làm quà”. Ông trả lời: "Đừng mua, vì không mua được đâu!”. Gặp mới biết ông nói thật, vì loại thuốc ông nghiện là "Tam Đảo”, trên địa bàn thành phố chắc chỉ có vài quán còn bán.

Trong căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn trên đường Thanh Niên, thành phố Yên Bái, những ngày tháng Năm đầy ý nghĩa này, nhà văn Hoàng Việt Quân kể chuyện về Bác với tôi bằng niềm đam mê không bờ bến. "Ngay từ nhỏ mình đã được nghe bố mẹ, cô giáo kể nhiều chuyện về Bác. Hơn thế, thấy cuộc sống của người miền núi (ông Quân sinh ra và học ở Lào Cai, dù gốc là người Hà Nội), nhất là đồng bào dân tộc có cuộc sống đổi thay, đỡ cơ cực so với trước, mình thấy ơn Bác nhiều. Rất yêu quý, kính trọng Bác!”.

Cầm 2 tập truyện "Người ở nguồn” dày 100 trang được in lần đầu năm 1995 và tái bản năm 2004 của Nhà xuất bản Phụ nữ với 71 câu chuyện sinh động về Bác Hồ và đồng bào Pác Bó, Cao Bằng, tôi hỏi: "Sao chú lại biết được chuyện Bác Hồ ở Pác Bó để viết thành truyện”. Ông Quân cười: "Hồi đó, mình học ở trường Đại học Sư phạm Việt Bắc - Khoa Ngữ văn. Đầu năm 1970, Khoa tổ chức cho sinh viên đi thực tế ở các tỉnh ở khu Việt Bắc cũ. Nghe nói có một đoàn đi thực tế văn học ở Hà Quảng, Cao Bằng, mình mạnh dạn xin thầy giáo cho đi, thế là được chấp nhận!”.

Được thầy giáo phân công cùng hai bạn vào tổ sưu tầm những mẩu chuyện về Bác Hồ ở Pác Bó. Mình mừng lắm, bụng bảo dạ sẽ để ý quan sát thật kỹ, hỏi chuyện những cán bộ, bà con dân làng Pác Bó đã được hoạt động, được giúp đỡ Bác Hồ và cán bộ Trung ương.
 
"Nhưng trở ngại lớn nhất của tôi chính là cái mồm ít lời, trong khi hai ông bạn khá thông minh, sắc sảo, ăn nói hoạt bát, biết cách gây cười, khơi gợi cho người ta nói, nhất là đối với đồng bào dân tộc Tày – Nùng vốn rất chân thật, chất phác mà… cũng ít miệng như tôi. Tôi đành chuyển sang phương pháp khác, im lặng cho hai ông tranh nhau hỏi chuyện, tập trung quan sát lắng nghe, tranh thủ ghi chép tư liệu, thỉnh thoảng chỗ nào chưa rõ thì mới chen vào, hoặc cho hai ông bạn không có gì hỏi nữa mình mới hỏi lại đôi chút. Thế mà hóa hay!”  - ông Quân cười vẻ khoái trá! 

Cần cù ghi chép, quan sát kỹ, thậm chí còn làm những việc mà người ngoài có thể coi là lẩm cẩm như thầm đo cửa trên, cửa dưới lòng hang Pác Pó đến bờ suối Lê-nin và núi Các Mác; xuống suối Lê-nin tắm, bơi, uống nước, vợt rêu để xem… Khoảng 3 ngày đi đi về về tham quan, tiếp xúc đồng bào, nhất là những cán bộ, quần chúng cách mạng có nhiều liên hệ với Bác Hồ như ông Dương Việt Dân, Dương Việt Phong, mẹ Kim Đồng…, ông Quân đã dần hình dung toàn bộ diễn biến cách mạng và quá trình hoạt động của Bác ở nơi đây.
 
"Nghe tôi sưu tầm được nhiều mẩu chuyện về Bác, nhà thơ Vũ Đình Minh lúc đó còn là giáo viên đã đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường Hòa An, Cao Bằng nhờ tôi đến nói chuyện với học sinh. Với tư liệu vừa sưu tầm được nóng hổi cảm xúc, tôi hăng say nói chuyện một mạch, không mặc cảm, bỡ ngỡ gì, mặc dù chưa bao giờ tôi đứng thuyết trình trước đám đông” - ông Quân bồi hồi hồi tưởng.

Sau khi về trường, Hoàng Việt Quân nhanh chóng hoàn thành bài thực tế văn học, đương nhiên là không nộp hết tư liệu cho Khoa. "Trong đầu tôi lúc bấy giờ bỗng hình dung ra một cuốn tiểu thuyết về Bác Hồ ở Pác Bó. Tôi nghĩ mình sẽ viết được, lập tức tôi giữ rịt tài liệu, bí mật tranh thủ ngồi viết.
 
Được một hai chương, tôi lại thấy không ổn, nghĩ đi nghĩ lại tôi nghĩ tốt nhất là sắp xếp tất cả những mẩu chuyện, những gì mình quan sát suy ngẫm, ghi chép kể cả có thật, kể cả huyền thoại do đồng bào mình yêu quý Bác mà hư cấu, tưởng tượng ra, hệ thống theo trình tự thời gian từ năm Bác về nước ngày 8/2/1941 đến ngày Bác mất năm 1968 mà viết gắn với phong trào cách mạng của Pác Bó, của Cao Bằng…
 
Nghĩ vậy, nên tôi tranh thủ ngày học, đêm viết, liên tục sau 3 đêm liền tôi viết xong 100 trang bản thảo "Người ở nguồn” với gần 80 mẩu chuyện. Rồi sửa lại, chỉnh lý, thử gửi đi một số báo nhưng không thấy hồi đáp” - ông Quân nhớ lại.

Tưởng "số phận” cuốn sách sẽ chìm theo thời gian khi năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng sinh viên Hoàng Việt Quân lên đường nhập ngũ.
 
Trong suốt chặng đường quân ngũ trên đường Trường Sơn, nhiều câu chuyện về Bác ở Pác Bó được kể là nguồn động viên tinh thần đồng đội trong đơn vị, để vượt qua khó khăn, vất vả, ác liệt, thậm chí cả hy sinh. Hết chiến tranh, về giảng đường đại học, rồi công tác ở nhiều cơ quan, ông vẫn đau đáu: "Những thời gian đó, mình luôn trăn trở làm sao công bố được những trang bản thảo đã cất công sưu tầm trong những ngày ở Pác Bó. May mắn gặp được thầy giáo cũ là nhà văn Ma Văn Kháng, lúc đó ông đang là Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao động. Sau khi xem bản thảo, ông bảo đây là những truyện rất quý, rồi trực tiếp biên tập, bỏ bớt một số mẩu chuyện không cần thiết, đưa đến Nhà xuất bản Phụ nữ để in”.

Vậy là sau… 25 năm (1970-1995), tập truyện ký "Người ở nguồn” đến tay bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ cuốn sách, biết bao độc giả, nhất là thế hệ trẻ biết được những câu chuyện lúc Bác Hồ vượt qua cột mốc 108 trở về Tổ quốc thân yêu sau mấy chục năm xa cách. Đó là những bài học về công tác dân vận, về lối sống giản dị, đầy lạc quan dù đời sống vật chất gian khổ... của Bác.
 
Là người đầu tiên viết về Bác Hồ ở Pác Bó, vì vậy, cuốn sách thực sự có giá trị rất quý về tư liệu bởi những nhân vật lịch sử đã không còn. Nhiều bài luận, bài văn, cuộc thi… của nhiều người đã lấy chất liệu trong tập truyện ký đó để nói về Bác. Năm 2004, sau 9 năm, sách được tái bản lần hai, in 2.000 cuốn. Thật là cái kết cục có hậu!

Một tấm lòng với Bác

Cùng "Người ở nguồn”, sau 10 năm (năm 2005), cuốn sách "Bác Hồ trong lòng người Yên Bái - Lào Cai" ra đời một lần nữa thể hiện tấm lòng của nhà văn Hoàng Việt Quân đối với Bác Hồ. Về lý do ra đời cuốn sách, một tư liệu rất quý đối với người dân Yên Bái, Lào Cai hôm nay, nhà văn Hoàng Việt Quân chia sẻ: "Lắm lúc đọc sách báo, thư từ, văn thơ của Bác Hồ, thấy ở đâu đó bóng hình mảnh đất và con người Yên Bái - Lào Cai mà Bác quan tâm dành tình cảm đến. Lại có lúc, đọc các bài hồi ký cách mạng, hoặc các bài hồi ức đầy ắp kỷ niệm của những người Yên Bái - Lào Cai có dịp được gặp Bác Hồ, có khi chính mình được nghe họ kể lại, trong lòng tôi cứ nôn nao nỗi nhớ thương Bác Hồ và mong ước làm sao sưu tầm đủ được để biên soạn thành một tập sách nói về Bác Hồ với Yên Bái - Lào Cai và Yên Bái - Lào Cai với Bác Hồ. Nghĩ vậy, nên bấy lâu nay tôi đã ra sức để ý ghi chép, sưu tầm từ nhiều nguồn tư liệu trong sách báo và nhân chứng lịch sử”.

Để có cuốn sách này, bao công sức được nhà văn bỏ ra khi lặn lội đến từng nhân vật, từng nhân chứng, có khi đến bảo tàng, thư viện để tra cứu, rồi tự biên tập, tự viết và… tự bỏ tiền túi ra in. Dù ông khiêm tốn nói với tôi, chưa thật vừa lòng về cuốn sách nhưng tôi hiểu, cuốn sách đã giúp bao người đọc những điều bổ ích, thiết thực trong quá trình học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
 
Các cuốn sách về Bác Hồ của nhà văn Hoàng Việt Quân.
 
Đó là những câu chuyện về kỷ niệm của những người Yên Bái may mắn được gặp Bác, đặc biệt hơn cả là không khí ngày Bác Hồ thăm Yên Bái vẫn náo nức, xúc động, lan tỏa đến cả ngày hôm nay khi: "từ Xuân Lan, Bái Dương, Âu Lâu, Minh Tiến…, bà con phải vượt sông nước cho kịp tới địa điểm tập trung theo quy định của ban tổ chức. Người từ khắp nơi đang đổ về, đội ngũ chỉnh tề, mang theo băng, cờ, khẩu hiệu, ảnh Hồ Chủ Tịch xếp thành hàng dài từ sân vận động đến Đầm Sen (nay là ngã ba Cao Lanh - Km2). Chưa bao giờ lòng dân lại náo nức đến thế"...

Với tài năng, tâm huyết, không chỉ có 2 cuốn sách có giá trị về tư liệu lịch sử, nhà văn Hoàng Việt Quân còn viết 2 truyện ngắn, hơn  50 hồi ký, ghi chép, thơ… về Bác. Điển hình phải nói tới truyện ngắn "Niềm vui của hoa Bjooc cà” kể chuyện Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng; là 2 bài thơ viết năm 2003: "Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” và "Mùa thu về em có nhớ không”. Trong đó, bài thơ "Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” đã được nhạc sỹ Xuân Vệ phổ nhạc.
 
Từ những đóng góp của mình năm 1995, nhà văn Hoàng Việt Quân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen 1995; năm 2009 ông được Giải C của tỉnh về Cuộc vận động, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Giờ đã gần bước sang tuổi "thất thập” nhưng tấm lòng của nhà văn Hoàng Việt Quân đối với Bác vẫn luôn rực cháy. Ông tâm sự: "Dự định của mình là sẽ in cuốn sách "Những bài thơ viết về Bác Hồ của người Hoàng Liên Sơn - Yên Bái” với 254 tác giả Yên Bái và 483 bài thơ và cuốn "Bác Hồ với những ngày kỷ niệm”. Nghe vậy tôi đùa:

- Chú đã in 36 tập sách rồi, trước đi làm còn có đồng vào, đồng ra, nay về hưu, lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu mà in?

Ông cười hiền:

- Sống một mình chi tiêu cũng đơn giản. Với lại thỉnh thoảng cũng có vài đồng nhuận bút, tiết kiệm sẽ đủ tiền in.

Chuyện của ông là vậy, cứ vô tư, giản dị và thật đáng trân trọng. Chia tay nhà văn Hoàng Việt Quân vì phải dành thời gian cho ông chuẩn bị hành trang tham gia trại sáng tác văn học ở Đà Nẵng. Tôi thầm nghĩ, nếu mỗi chúng ta có tình cảm, hành động với Bác như nhà văn đã viết:         
               
Người ở núi thương Bác chỉ muốn khóc
Người ở núi nhớ Bác chỉ muốn làm
Người ở núi yêu Bác chỉ muốn hát
Người ở núi ghét nhất
Người nào không học theo Bác
 Người nào không làm theo Bác
Coi như người bỏ đi!
 Thì chắc hẳn cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu!

Đình Tứ

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục