Sức bật nông thôn mới Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/5/2018 | 10:08:48 AM

YBĐT - Huyện Trấn Yên đang trở thành "cánh chim đầu đàn” trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh. Những cách làm mới, hay và phù hợp với thực tiễn đã tạo nên sức bật mới góp phần tích cực thay đổi diện mạo nông thôn, đưa Trấn Yên hướng tới mục tiêu huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2020.

Đồng bào Mông thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca trồng cây gáo vàng - cây trồng mới hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao.
Đồng bào Mông thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca trồng cây gáo vàng - cây trồng mới hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao.

Từ một Hồng Ca đổi mới…

Sớm tinh mơ, tôi về Hồng Ca, dù trời mưa song đường đã không còn trơn như trước. Từ phong trào XDNTM, các tuyến đường và những ngôi nhà ở đây đã được thay áo mới. Trong ngôi nhà 3 cứng "cứng mái, cứng nền, cứng tường”, anh Sồng A Lề - một trong những hộ nghèo của thôn Khuôn Bổ được hỗ trợ làm nhà phấn khởi khoe: "Ở nhà "3 cứng” sướng thật, không có Nhà nước hỗ trợ thì mình không làm được đâu. Nhà nước cho mình xi măng, thanh niên thì hỗ trợ ngày công giúp mình ngôi nhà "3 cứng” này. Trước ở nhà cũ, mình chỉ lo sập khi mưa to, gió lớn, giờ thì yên tâm lắm rồi!”.
 
Vừa nói anh Lề vừa nắm chặt tay đồng chí Hà Ngọc Toanh - Bí thư Đảng ủy xã để cảm ơn rồi kể chuyện người dân Khuôn Bổ hăng hái tham gia làm đường giao thông nông thôn, phát triển các mô hình kinh tế.
 
Anh Lề bộc bạch: "Bà con mình được như vậy cũng may lắm rồi! Mình hứa với cán bộ sẽ chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế gia đình, không sinh con thứ 3 và tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn sạch đẹp”.
 
Trời vẫn lắc rắc mưa, hai bên đường về Khuôn Bổ rất đông nhân dân đang cùng đắp lề, làm rãnh, trồng hoa để làm đẹp thêm cho tuyến đường thôn. Bí thư Toanh rất phấn khởi khi nhân dân tích cực tham gia đóng góp để làm đường, làm nhà "3 cứng”, cùng nhau đoàn kết thực hiện các tiêu chí NTM, phấn đấu xây dựng Khuôn Bổ trở thành thôn kiểu mẫu trong XDNTM của xã.
 
"Đầu năm 2018, được sự quan tâm của huyện đã vận động các doanh nghiệp ủng hộ được gần 150 tấn xi măng để giúp nhân dân xây dựng các công trình nhà ở, tạo cảnh quan môi trường, trong đó thôn Khuôn Bổ 78 tấn, Hồng Lâu 70 tấn, bình quân mỗi hộ 1 tấn, nhân dân phấn khởi lắm! Lần đầu tiên 100% đồng bào Mông ở Khuôn Bổ tham gia đóng góp 40% kinh phí để bê tông hóa 1km đường giao thông” - Bí thư Toanh khoe!

Trò chuyện với anh Toanh, tôi được biết ở Hồng Ca có nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cho thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm như việc mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha đất kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát độ của gia đình anh Sổng A Chông, mỗi năm cho thu hoạch trên 10 tấn măng củ tươi, thu nhập trên 40 triệu đồng; mô hình trồng cây ăn quả có múi của gia đình anh Lương Đình Khương cũng ở Khuôn Bổ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
 
Cũng ở Khuôn Bổ này, hiện đang triển khai dự án hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp của đoàn viên trẻ Hờ A Sênh. Hiện Sênh đang triển khai trồng gần 2ha cây gáo vàng, cây nghệ dược liệu cùng chăn nuôi hươu và 40 con lợn rừng. Dự án đã tạo ra sức lan tỏa, thu hút thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị cũng được Đảng bộ xã quan tâm chú trọng, tập trung vào công tác phát triển Đảng, nhất đảng viên trẻ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức xã. Đầu năm 2018, xã đã hoàn thành việc sắp xếp lại quy mô thôn bản, giảm từ 13 thôn xuống còn 8 thôn. Thực hiện kiện toàn cấp ủy chi bộ theo hướng tinh gọn bộ máy, nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
 
Nói về các nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới, Bí thư Toanh cho biết xã tiếp tục phát huy lợi thế về đất đai, tập trung phát triển sản xuất theo mô hình các nhóm hộ, tổ hợp tác, sản  xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị hướng đến thành lập các doanh nghiệp, tổ hợp tác; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện nhiệm vụ XDNTM, thực hiện tổ chức sản xuất có hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng các vùng sản xuất, xác định cây quế, tre măng Bát độ, cây ăn quả là các cây trồng chủ lực, đưa các loại cây bản địa vào phát triển kinh tế rừng. Cùng với đó là quan tâm đến các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giảm nghèo bền vững.

… Đến nông thôn mới Việt Thành kiểu mẫu

Rời Hồng Ca, tôi đến Việt Thành - địa phương đang phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu của huyện Trấn Yên. Giữa cái nắng gay gắt mới đầu hè, lão nông Nguyễn Văn Sơn 75 tuổi ở thôn Lan Đình vẫn tất bật hái dâu. Thời kỳ này, tằm đang ăn rỗi nên ông hiếm có được giây phút thảnh thơi. Tay lau mồ hôi trên trán, tay thoăn thoắt hái lá, ông tự hào khoe về giống dâu Xa Nhị Luân có lá to gần bằng hai bàn tay, nuôi tằm lớn như thổi vậy.
 
"Ở Lan Đình này, 100% số hộ đều có thu nhập khá và có hộ giàu lên nhờ trồng dâu nuôi tằm”- ông Sơn nói. Đứng bên cạnh ông Sơn, ông Lưu Hải Phong, người cùng thôn nói chen vào: "Nhà tôi có gần 20 sào đất để trồng dâu nuôi tằm, sản lượng kén đạt gần 2 tấn, mỗi năm cho thu nhập 250 triệu đồng. Với nông dân như thế là cao lắm rồi. Nếu không có chính quyền động viên bà con chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm thì có lẽ chúng tôi nghèo vẫn nghèo mãi thôi!”.
 
Nguyện vọng của bà con ở đây muốn thành lập một làng nghề chuyên về trồng dâu nuôi tằm, có doanh nghiệp thu mua để ổn định đầu ra cho sản phẩm giống như các làng nghề chuyên về trồng dâu nuôi tằm ở xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình mà ông Sơn, ông Hải được lãnh đạo huyện Trấn Yên bố trí cho đi tham quan học tập kinh nghiệm. "Nếu ở Lan Đình này mà thành lập hợp tác xã dâu tằm tơ, tôi và ông Phong đây sẽ là những người đăng ký đầu tiên, là xã viên tích cực nhất để thu hút nhiều người cùng tham gia, để nhà nào cũng giàu lên từ cây dâu”. Ông Sơn quả quyết. Và tại Việt Thành, tôi gặp được ông Tăng Xuân Bình - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc.
 
Là doanh nhân Trung Quốc song ông đã có 20 năm gắn bó với nông dân Việt Nam. Ông đã có mặt ở nhiều địa phương từ Lâm Đồng, Thái Bình, Yên Bái… để đưa các giống dâu, con tằm mới cho năng suất cao đến với người nông dân.
 
Theo ông thì việc trồng dâu nuôi tằm ở Việt Thành có rất nhiều tiềm năng phát triển dù hiện tại sản lượng 1ha dâu cho 3 tấn tằm kén chỉ bằng 1/3 so với ở Trung Quốc. Với giá tơ như hiện tại thì 1ha cho thu nhập từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/năm. Ông đến đây với mong muốn cùng góp sức với bà con để đưa thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm trên 1ha phải đạt bình quân từ 450 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Chính vì vậy, ông đã thành lập Công ty ở đây để cùng với bà con đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào, giúp bà con trồng dâu nuôi tằm đúng bài bản, chất lượng kén tốt hơn để giá cao hơn.
 
Nữ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành - Lê Thị Lụa cho biết: "Xã đã quy hoạch rõ vùng trồng dâu nuôi tằm, chỉ đạo quyết liệt việc vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa để trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang tính đột phá để nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Do đó, tổng diện tích dâu đến đầu năm 2018 là trên 101ha, tăng 49ha so với năm 2015. Năm 2017, nhân dân trong xã có thu nhập trên 20 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Từ phát triển kinh tế, thu nhập của người dân được nâng lên, nhân dân đã tự nguyện đóng góp nâng cấp đường điện chiếu sáng tại các trục đường thôn; bê tông hóa 11km đường ngõ xóm. Đến nay, 3 thôn của xã đã bê tông hóa được 100% đường ngõ xóm, 2 thôn đạt 70%; 100% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,18%... Tôi hiểu, đó là những cơ sở quan trọng để Việt Thành được huyện Trấn Yên chọn làm điểm phấn đấu xây dựng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, toàn diện".
 
…Và sẽ là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh

Rời Việt Thành đến Báo Đáp, Tân Đồng, Đào Thịnh hay Bảo Hưng, Việt Hồng, Lương Thịnh… đâu đâu cũng một khí thế NTM. Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Nguyễn Thế Phước phấn khởi: "Trấn Yên đã có 10 xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; huyện còn có xã Minh Tiến đã thẩm định, đề nghị tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM trong thời gian tới.
 
Năm 2018, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn, 5 xã đạt 14 tiêu chí, 5 xã đạt từ 9 - 12 tiêu chí. Tập trung chỉ đạo xây dựng xã Việt Thành trở thành xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu xây dựng Trấn Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2020”. Theo Bí thư Phước thì 6/9 tiêu chí NTM cấp huyện Trấn Yên đã cơ bản đạt theo chuẩn là các tiêu chí: chỉ đạo XDNTM, an ninh, giao thông, thủy lợi, điện và sản xuất. Còn 3 tiêu chí chưa đạt cần tiếp tục thực hiện đó là các tiêu chí về quy hoạch, về y tế - văn hóa - giáo dục và tiêu chí môi trường.
 
Mới đây, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra việc duy trì và thực hiện các tiêu chí NTM và làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Trấn Yên. Đồng chí đề nghị Trấn Yên cần tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo, cách nghĩ, cách làm, chủ động thực hiện theo phương châm "đi tắt, đón đầu”; tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ và thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại địa bàn.
 
Một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhiệm vụ cụ thể được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra và yêu cầu huyện Trấn Yên cần phải quyết tâm thực hiện là: Xây dựng bằng được huyện NTM một cách bền vững, chắc chắn, hiệu quả, không nóng vội, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM; nâng cao vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong XDNTM, quyết tâm để phấn đấu đưa Trấn Yên đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020.
 
"Trên tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trấn Yên sẽ tập trung duy trì các tiêu chí NTM, trong đó coi trọng việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xem là giải pháp cốt lõi trong XDNTM; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết, hợp tác với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ mới từ khâu tạo giống, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thế Phước chia sẻ!

Về Trấn Yên những ngày này, khí thế xây dựng huyện NTM đã lan tỏa đến từng người dân, từng thôn bản, tổ dân phố. Khí thế ấy đã tạo được niềm tin, sự quyết tâm và nhân thêm sức mạnh để mỗi người dân đều chung tay, chung sức, chung lòng xây dựng Trấn Yên ngày càng phát triển, mang một diện mạo mới, khởi sắc và tươi sáng hơn.
 
Mạnh Cường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục