Vực Tuần - Nơi màu xanh trở lại

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/6/2018 | 8:15:55 AM

YBĐT - Hàng chục người nhiễm HIV, hầu như gia đình nào cũng có người bị cuốn vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội, cả một thời gian dài dân cư nơi ấy không có một ngày bình yên. Từ một nơi tụ cư của người Tày, người Mường đẹp đẽ đã bị biến dạng bởi cơn lốc ma túy, HIV/AIDS. Vực Tuần - một địa danh nhưng như một thời hàm nghĩa về sự gieo rắc nỗi sợ hãi, tồi tệ…

Bỏ lại nỗi đau trong quá khứ, Vực Tuần giờ đã đổi thay, được công nhận là thôn văn hóa.
Bỏ lại nỗi đau trong quá khứ, Vực Tuần giờ đã đổi thay, được công nhận là thôn văn hóa.

Anh Hoàng Văn Nam - Phó trưởng Công an xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đón chúng tôi ngay đầu thị tứ Ba Khe. Khi đã đi cùng nhau, tôi hỏi chuyện về Vực Tuần, về thôn người Tày, người Mường định cư lâu đời bên dòng ngòi Lao, anh Hoàng Văn Nam giải nghĩa: "Thực ra tên gốc của Vực Tuần là "Văng Tuân” hoặc "Vực Cùng”. Tên thôn được đặt theo vực sâu của dòng Ngòi Lao chảy qua địa bàn.
 
Về sau người dưới xuôi lên, gọi chệch đi thành "Vực Tuần” như để khẳng định mảnh đất này là chốn tụ hội, làm ăn của nhiều dân tộc. Có lẽ cũng vì một chữ "Vực” mà thôn như bị tuột dốc không phanh. Ngược dòng thời gian một chút, thôn Vực Tuần trước đây là cụm dân cư thuộc diện đông đúc của xã Cát Thịnh. Dân số của Vực Tuần thời điểm đó gần ngang bằng với một xã vùng cao.
 
Đến năm 2000, thôn Vực Tuần được chia tách thành 2 thôn: Vực Tuần 1 và Vực Tuần 2. Tiếp đó, vì quy mô dân cư vẫn còn đông nên tiếp tục được phân tách thêm 1 thôn nữa là Đồng Mường. Và sự chia tách này còn nhắm đến mục tiêu tạo ra hành lang thuận lợi cho việc quản lý dân cư, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.    
        
Còn nhớ mùa hè năm 2006 khi lần đầu tiên tôi đến Vực Tuần, mặc dù có người của địa phương dẫn đường nhưng tôi không khỏi chột dạ trước những cái nhìn sắc lạnh, ánh mắt ngờ vực sau những liếp nhà chông chênh. Nhiều người thậm chí còn hằn học ra mặt mỗi khi thấy tôi nâng ống kính máy ảnh lên ngang tầm mắt.
 
Cũng phải thôi, lúc bấy giờ ở Vực Tuần, một thôn dân cư sau khi chia tách chưa đến 60 hộ dân mà có hàng chục gia đình tan cửa, nát nhà vì ma túy, HIV; gần như gia đình nào cũng có người thân bị cuốn vào cơn lốc này. Cư dân bản địa cho biết, nguyên do sâu xa xuất phát từ việc trước đây vùng này nhiều gỗ lạt, vào rừng khai thác cũng có, tập kết, vận chuyển cũng có. Các đầu nậu, "trùm” lâm sản nhiều nơi đổ về làm gỗ.
 
Để kiếm tiền người dân Vực Tuần được thuê để tham gia đội ngũ "cửu vạn”, khai thác, bốc xếp, vận chuyển gỗ. Người dân Vực Tuần kể rằng, trong những ngày làm thuê đó, họ được một số đối tượng "rỉ tai”, khuyên dùng một thứ "thuốc” để nâng cao sức khỏe, phục hồi thể lực mà thực chất là nhằm "thổi” hiệu suất lao động cho các đầu nậu gỗ.

Tin rồi nghe, nghe rồi thực hành, rất nhiều thanh niên người Tày, người Mường vốn hiền lành, chất phác đã hút thuốc phiện. Thế rồi bập vào ma túy lúc nào không hay, đã thế, do hiểu biết hạn chế, người ta còn dùng chung kim tiêm. Đến khi vỡ lẽ thì đã muộn. Có những người vì vô tình truyền bệnh cho cả vợ, con. Đã có nhiều người tử vong vì AIDS, trong đó có những trường hợp cả vợ, chồng đều chết vì một nguyên nhân.
 
Có thể nói chưa bao giờ người dân Vực Tuần phải trải qua sự tàn phá, nỗi đau ghê gớm đến như vậy. Đã không có một ngôi nhà nào bình yên theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong cái thôn dân cư đẹp đẽ này. Nhiều ngôi nhà sàn truyền thống đã bị bán đi, ruộng nương hoang hóa vì không có tay người chăm bón, nhiều giá trị bản sắc cũng dần bị quên lãng khi cơn bão ma túy tràn qua. Đến Vực Tuần lần này, chúng tôi rảo bước trên con đường phong quang sạch đẹp chạy dọc hai bản, vui chân cùng lũ trẻ tan trường về nhà. Tiếng nói, cười ríu ran.

Vượt qua Nhà máy chè Trần Phú, chúng tôi dừng chân trên đầu con dốc. Anh Hoàng Văn Nam chỉ tay về phía đồi cây phía trước bảo: "Cây cam mới được bà con đưa vào trồng trong vài năm nay, trước đây chẳng ai quan tâm đến ruộng nương, bờ bãi”.
 
Nhìn theo hướng tay của anh Phó trưởng Công an xã, tôi thấy những đồi cam được trồng ngay hàng, thẳng lối, các gốc cây cũng được vun xới, làm cỏ sạch sẽ. Phía xa là những đồi keo 3 - 4 năm tuổi xanh "láng mỡ” trong cái nắng đầu hè. Đang miên man với những đổi thay của Vực Tuần thì Trưởng thôn Vực Tuần 2, chị Đào Xuân Quảng và ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, trước là trưởng Công an xã đi tới, mọi người đã đến Nhà văn hóa cùng ôn cũ, kể mới.
 
Nữ trưởng thôn Vực Tuần 2 phấn khởi khoe tấm Bằng công nhận thôn Văn hóa: "Vực Tuần 2 vừa được công nhận đơn vị văn hóa, bà con mừng lắm!”. Qua câu chuyện của nữ trưởng thôn và nguyên trưởng công an xã, tôi hiểu rằng họ đã có một thời gian dài nếm trải cơn bĩ cực với cộng đồng dân cư nơi này.

Để bà con Vực Tuần thay đổi, chi bộ và các đoàn thể đã lao tâm khổ tứ nhiều năm. "Đấu tranh với tệ nạn xã hội, trong sinh hoạt của chi bộ, chúng tôi quán triệt các đảng viên phải là đầu tàu, gương mẫu, là những tuyên truyền viên, trực tiếp vạch đường, hướng dẫn bà con mà trước hết là vận động người thân trong gia đình mình” - anh Hoàng Văn Đông nguyên trưởng Công an xã giãi bày.
 
 
Vườn cam 300 gốc của gia đình ông Hoàng Hữu Nghiêm - thôn Vực Tuần 2, xã Cát Thịnh cho hiệu quả kinh tế cao.
 
"Căn cốt của tệ nạn xã hội ở Vực Tuần vẫn là nhận thức của người dân cũng như sự kỳ thị của cộng đồng đối với người có H. Chẳng thế mà trước đây một số người nhiễm HIV đã che dấu tình trạng của họ, trong khi đó hiểu biết của người dân về dịch bệnh này cũng rất hạn chế. Chi bộ và các đoàn thể trong thôn đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các đợt tập huấn, cai nghiện tại cộng đồng, tư vấn về cách phòng bệnh. Cán bộ thôn lặng lẽ tìm đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng bảo vệ sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm cho mọi người. Mình cũng hiểu cái văn hóa, thói quen, phong tục của dân nên nói họ nghe hơn” - anh Đông chia sẻ thêm.
 
Chi bộ phân công đảng viên theo dõi, kèm cặp từng cụm, tổ dân cư. Vậy nên những biểu hiện về tinh thần, tư tưởng cũng như các biến động của bà con đều được cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời. Nhờ vậy, đến nay 100% người có H đều được điều trị hỗ trợ bằng thuốc ARV, không như trước, người bệnh không công khai và cung cấp thông tin sức khỏe của mình.

Khi người dân thôn Vực Tuần đã vững tâm trở lại, một nỗi lo khác lại khiến cán bộ thôn đau đáu nằm lòng, đó là làm thế nào để nâng cao đời sống cho người dân. Phải có cái ăn, cái mặc, phải lao động sản xuất thì người ta mới quên được quá khứ tăm tối. Chi bộ và các đoàn thể lại bước vào cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đói nghèo. Từ mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội chi bộ đề ra, phát huy thế mạnh chuyên canh cây lúa nước, phát triển chăn nuôi, kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả… Nhờ vậy, kinh tế nhân dân phát triển ổn định, hộ giàu, hộ khá đã được nâng lên.
 
Anh Hà Quang Diện - Trưởng thôn Vực Tuần 1 chia sẻ: Thôn có tổng diện tích cây lúa là 14,4ha, với phương châm tích cực thâm canh tăng vụ và đưa các giống lúa lai có năng suất chất lượng vào sản xuất đại trà để phục vụ cuộc sống và cung ứng ra thị trường, thay sức trâu bằng máy cày, máy bừa cộng với khí hậu thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa hàng năm đạt từ 12 - 14 tấn/ha/năm. 

Mô hình chăn nuôi ba ba được duy trì và tiếp tục phát triển, đã có những hộ cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm như gia đình anh Hoàng Văn Nhớ, Hà Văn Thiện, Hà Quang Duân. 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, các hộ đã trồng hết diện tích đất bỏ hoang và diện tích đã khai thác gỗ để trồng hơn 15ha bồ đề, 12ha keo và trên 20ha quế, hơn 7.000m2 cây dược liệu đinh lăng, 3ha cây cam, quýt…

Trước khi từ biệt Vực Tuần, chúng tôi ghé thăm mấy gia đình sinh sống cạnh trục đường chính của thôn. Cổng nhà ông Hoàng Văn Chản có một bụi cây xương rồng lớn đã nở hoa. Những bông xương rồng ươm màu vàng của nắng và lấm tấm vài hạt bụi đỏ của đất đá.
 
Ông Chản năm nay 75 tuổi, đang ngồi bên thềm nhà ở trần chẻ nan, thấy khách ngắm nghía bụi xương rồng liền nói: "Mấy cây đó trước đây trồng làm hàng rào bảo vệ, nay để cho đẹp nhà thôi, cán bộ à”. Nói rồi ông nhìn về phía trưởng thôn Quảng và nguyên trưởng công an xã Đông cười vang, phô hàm răng cái còn cái mất: "Bản làng yên bình là nhờ họ đó. Vực Tuần khác trước rồi!”.

Vực Tuần, ngày 28/5/2018
Quang Thiều

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục