Trải nghiệm Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/6/2018 | 1:50:05 PM

YBĐT - Vượt qua cung đường quanh co, uốn lượn ôm trọn lấy những sườn núi, hít một hơi căng đầy lồng ngực để tận hưởng không khí trong lành rồi phóng tầm mắt ngắm nhìn đồi hoa rực rỡ hay chạm tay vào gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi… sẽ là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời và khó quên khi đến với Suối Giàng - một trong những xã vùng cao của huyện Văn Chấn.

Du khách khám phá cảnh quan Suối Giàng.
Du khách khám phá cảnh quan Suối Giàng.

Không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên, du khách còn có cơ hội tìm hiểu những nét đẹp văn hóa đặc trưng, độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Một vùng cao đầy bản sắc đang chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến ngành công nghiệp không khói với những khám phá hấp dẫn và thú vị.

Cuối tháng 5, mới sáng sớm nhưng nắng đã nhuộm vàng, chúng tôi quyết định thuê một chiếc xe máy cho hành trình trải nghiệm đến với Suối Giàng. Phóng tầm nhìn bắt trọn từng khoảnh khắc đẹp, càng lên cao, càng nhìn rõ hơn toàn cảnh trung tâm huyện Văn Chấn với những mái nhà nhấp nhô. 

Dịu dàng như suối tóc của người con gái, màu xanh của cây chè Suối Giàng dường như rất hoang sơ và huyền thoại. Vậy là dự định tới thăm vườn hoa của chúng tôi đã bị đồi chè xanh ngát níu chân ở lại.
 
Song, đó mới chỉ là những nương chè mới trồng lưng chừng núi mà thôi! Nói đến chè Suối Giàng nếu không nói đến những cây chè Shan tuyết thân già mốc trắng, sừng sững và hiên ngang trước nắng mưa thì quả là một thiếu sót. Những vườn chè cổ thụ đã có hàng trăm năm, trong đó, có cây chè tính được vòng đời 300 - 400 tuổi.
 
Nằm ở độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, được bao bọc bởi những vách đá và rừng nguyên sinh, quanh năm thời tiết mát mẻ nên nước chè Shan tuyết ở Suối Giàng có màu xanh vàng như mật, vị thanh tao và hương thơm hết sức đặc trưng. Bởi thế, mà những rừng chè độc nhất vô nhị này càng có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.
 
Chè Shan tuyết Suối Giàng đang là loại cây góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân bản địa. Với đặc thù riêng, mỗi năm chè Shan tuyết cho sản lượng từ 500 - 550 tấn/năm với giá thành khá đắt đỏ (17.000 - 18.000 đồng/kg búp tươi).

Rời khung cảnh lãng mạn của những đồi chè, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với khu vườn hoa của gia đình chị Sủng Thị Lan, cách UBND xã Suối Giàng chưa đầy 2 cây số. Gia đình chị Lan đều là người dân tộc Mông đã trồng hoa nhiều năm nay với quy mô khoảng 2ha. Thoai thoải theo khắp triền đồi, chị Lan trồng chè xen kẽ các loài hoa đủ màu sắc như: cánh bướm, tam giác mạch, cẩm tú cầu…
 
Thấp thoáng phía xa được tô điểm bởi những chiếc xe đạp, xích đu hay chòi lợp lá cọ tạo bóng mát, điểm ngồi nghỉ chân cho du khách. Ngay dưới chân đồi hoa, chị Lan xây dựng một căn nhà nhỏ bày bán những sản phẩm đặc trưng của đồng bào để du khách vừa có thể tham quan, tìm hiểu vừa có thể mua về làm quà.
 
Cảm giác khoác lên mình bộ quần áo dân tộc Mông, xúng xính trong chiếc váy xòe khiến du khách vô cùng thích thú. Từng được tham gia tập huấn, học hỏi mô hình xây dựng du lịch cộng đồng tại Bản Lát, tỉnh Hòa Bình do UBND xã Suối Giàng hỗ trợ, từ khi áp dụng theo mô hình đã được học tập, vườn hoa của gia đình chị Lan đi vào hoạt động ổn định, quy mô, cảnh quan trang trí bắt mắt hơn.
 
Chị Lan chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tôi rất tự hào khi Suối Giàng được thiên nhiên ban tặng cho nhiều đặc sản cùng những lợi thế để phát triển du lịch. Vì thế, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khuôn viên vườn hoa với mong muốn trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến đây, góp phần thúc đẩy du lịch Suối Giàng ngày càng phát triển”.

Ở Suối Giàng, bà con đồng bào dân tộc Mông chiếm đến 98%, số ít còn lại là các dân tộc: Kinh, Thái, Dao. Chính vì vậy, đến với Suối Giàng du khách còn có cơ hội được trải nghiệm về đời sống hàng ngày, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa đặc trưng của bà con đồng bào dân tộc Mông nơi đây. 

Đặc biệt, bản văn hóa Pang Cáng ở trung tâm xã, vài năm nay, đã trở thành điểm khám phá đầy hấp dẫn. Bản Pang Cáng hiện vẫn giữ được nguyên những nét đơn sơ, thuần khiết trong phong tục văn hóa và kiến trúc của đồng bào dân tộc Mông.
 
Đồng chí Sổng A Nủ - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: "Ở Pang Cáng nói riêng và ở Suối Giàng nói chung, bà con đều rất thân thiện, mến khách, chất phác và giản dị. Pang Cáng là điểm du lịch homestay rất thú vị. Ở đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn dân tộc đặc trưng và ngủ nhà sàn. Nếu lên Suối Giàng vào dịp mùa xuân, du khách còn có thể được chứng kiến nhiều lễ hội độc đáo của bà con dân tộc Mông, Thái. Độc đáo nhất là lễ hội Gầu Tào và lễ cúng cây chè tổ ở Bản Mới”.
 
Suối Giàng cũng là miền văn hóa ẩm thực độc đáo. Lời giới thiệu của Chủ tịch Nủ đúng là chẳng thể hết được, nhất là với những đặc sản thú vị như gà đồi, thịt trâu sấy, lợn cắp nách, cơm nếp, các món rau rừng, rượu sắn  đều là những món đặc sản không thể bỏ qua khi đến đây. Được biết, Suối Giàng đang có sự đầu tư rất mạnh mẽ và quy mô nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là đối với các điểm du lịch cộng đồng và kinh doanh dịch vụ.
 
Công trình xây dựng đập hồ trên núi rộng 2ha, dự kiến sẽ được hoàn thành năm 2019 tới đây cùng các khu chức năng, xây nhà chòi lá cọ, trồng hoa và tạo cảnh quan thiên nhiên gần gũi; xây dựng hệ thống giao thông, cấp nước, điện, viễn thông thông suốt; quy hoạch khai thác điểm du lịch thác suối Linh; đường vào tham quan cây chè tổ và chè di sản; tuyến đường từ Văn Chấn lên Suối Giàng được đầu tư nâng cấp, mở rộng... Chắc chắn công trình hoàn thành sẽ tạo cảnh quan đẹp hòa quyện với thời tiết quanh năm bốn mùa dịu mát làm nên một dấu ấn du lịch riêng có ở Suối Giàng.

Tiềm năng phát triển du lịch ở Suối Giàng đang vô cùng rộng mở. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh và địa phương đã và đang từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. 

Hơn bao giờ hết, du lịch ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn mong muốn có được sự hỗ trợ, đầu tư để xây dựng các hình thức du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn và các dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách khi đến với Suối Giàng.
 
Mai Linh - Lê Thương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục