Ecolodge Nậm Khắt - điểm đến cho đam mê trải nghiệm

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/6/2018 | 8:15:46 AM

YBĐT - Mỗi căn nhà ở đây không gọi tên theo số mà được đặt những cái tên rất dân dã như nhà ngô, nhà lúa, nhà chè, nhà sơn tra, nhà thông…, chính đây cũng là những loại hoa quả đặc sản của vùng đất Mù Cang Chải. 

Từ khung cửa sổ phóng tầm mắt ra xa cánh đồng Nậm Khắt đang mùa nước đổ đẹp say đắm lòng người.
Từ khung cửa sổ phóng tầm mắt ra xa cánh đồng Nậm Khắt đang mùa nước đổ đẹp say đắm lòng người.


Đã nhiều lần đến với mảnh đất Mù Cang Chải để chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang tầng nối tầng chín vàng óng ả, những vạt cải dầu nắng vàng rót mật, những ô ruộng mùa nước đổ lấp lánh phản ánh sắc màu cuộc sống, thế nhưng, lần này, theo lời mời rủ rỉ của một người bạn chúng tôi về khu du lịch Ecolodge ở xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải để cùng nhau đắm chìm trong không gian trong lành, để lắng nghe nhịp thở đất trời và để thấy lòng mình như ấm hơn, nhẹ nhàng hơn bởi cái tình của những con người chân chất nơi mảnh đất miền sơn cước.

6 giờ sáng, xe xuất phát từ thành phố Yên Bái. Sau nhiều giờ ngồi xe, cuối cùng chúng tôi cũng tới xã Nậm Khắt. Ngồi trên ô tô nóng nực là vậy, nhưng bước xuống xe, từng luồng không khí mát lạnh, trong lành xuyên qua lọn tóc, mơn man xoa dịu từng tế bào, cảm giác uể oải, nôn nao suốt chặng đường dài đều tan biến.
 
Trên con đường trải nhựa và bê tông to, rộng chỉ tay về phía đồng bào đang họp chợ nhộn nhịp, cậu trai người Mông chở xe ôm cho chúng tôi tươi cười nói: "Em vẫn nghe các chú, các bác cán bộ nói nhờ có chính sách phát triển du lịch của tỉnh mà Nậm Khắt phát triển như này đấy chị ạ. Điện, đường, trường, trạm, chợ được đầu tư khang trang. Ngày xưa dân bản cùng trồng táo mèo để phát triển kinh tế nhưng đã nhiều năm chỉ phần nào tăng thêm thu nhập thôi. Giờ thì còn có thêm du lịch, dân chúng em mừng lắm, khách du lịch đến, chúng em có thêm  thu nhập từ  làm dịch vụ, xe ôm, bán đồ lưu niệm, làm homestay. Ở Nậm Khắt, ngoài khu du lịch Ecolodge, còn có hang động đang được Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt đầu tư tôn tạo, có các hộ gia đình đan lù cở mà chiều nay em sẽ dẫn các anh chị đi tham quan”.
 
 
 
Phòng nghỉ đặc biệt từ những nguyên liệu tự nhiên dành cho du khách tại  Ecolodge Nậm Khắt.

Mê mẩn cùng cảnh đẹp, thoáng chốc chúng tôi đã tới khu du lịch Ecolodge. Giữa bốn bề xung quanh là cánh đồng lúa, từng căn nhà bằng gỗ, Ecolodge ẩn hiện dưới những tán cây, hòa mình cùng thiên nhiên. Hồ hởi chào đón, cậu nhân viên lễ tân khu nghỉ dưỡng tên Khang A Chua tươi cười giới thiệu: "Khu du lịch Ecolodge được lấy cảm hứng thiết kế kết hợp giữa kiến trúc mái nhà truyền thống của người Mông lợp bằng gỗ thông và nếp nhà sàn của người Thái. 

Vì người xây dựng nên Ecolodge chính là ông Thào A Sàng - nguyên lãnh đạo huyện, một người con của mảnh đất Mù Cang Chải nên mỗi căn nhà ở đây không gọi tên theo số mà được đặt những cái tên rất dân dã như nhà ngô, nhà lúa, nhà chè, nhà sơn tra, nhà thông… chính đây cũng là những loại hoa quả đặc sản của vùng đất Mù Cang Chải mà chúng em muốn giới thiệu đến du khách. Đỉnh đồi nơi các anh, chị đang đứng là nhà ngủ cộng đồng sức chứa lên đến gần 20 người, tầng một của nhà nghỉ cộng đồng là Nhà hàng Sơn Tra với sức chứa lên đến 50 người”.
 
Dứt lời, bước chân thoăn thoắt đi trước, A Chua dẫn chúng tôi nhận phòng men theo con đường nhỏ bằng bê tông quanh đồi, dưới những tán cây thông, cây chè cổ thụ tỏa bóng mát.
 
Trước căn nhà sàn nhỏ xinh, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi không gian ấm cúng, đậm nét văn hóa dân tộc. Tất cả đều được trang trí với những nguyên vật liệu tự nhiên, từ những bộ bàn ghế bằng mây tre, những chiếc giường bằng gỗ thông, khung đèn đan bằng tre, khung cửa cài then gỗ hay những vật dụng chăn, ga, gối đệm và rèm cửa được thêu thùa những họa tiết hoa, cây cỏ rất tinh xảo.
 
Thấy chúng tôi tò mò về bức tranh thêu những hoa văn được treo trên tường nhà, A Chua giải thích: "Đây là hoa văn được trang trí trên trang phục của đồng bào Mông. Hai hình tròn có chung nếp tuyến chéo này là biểu tượng của sấm, chớp, thể hiện tín ngưỡng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi”.
 
Bên khung cửa sổ, ngồi thưởng thức ly trà mạn, nghe leng keng tiếng mõ trâu xa xa vọng lại. Từ đây, cảnh vật được bao trọn trong tầm mắt. Dưới nền trời xanh thẳm, từng ô ruộng đang mùa đổ nước phản chiếu ánh nắng lung linh, dòng suối nhỏ uốn lượn vắt ngang cánh đồng trông như một dải lụa mềm mại.

Chiều. Đoàn chúng tôi và hai người khách người Pháp được dẫn đi tham quan làng bản và tham gia một số hoạt động lao động sản xuất cùng nhân dân địa phương. Dưới sự hướng dẫn của bà con, từng người xắn quần, chân trần lội ruộng, tự tay cấy xuống những dảnh mạ non xanh. Thi thoảng, gió đưa hương từ cánh đồng như vỗ về, xoa dịu cái nắng chiều oi ả. Hít hà thật sâu mùi hơi của đất, của cỏ cây thấy lòng thật nhẹ nhàng, thư thái.
 
Thích thú trước hoạt động này, du khách Philippe Grenier - người Pháp thốt lên: "Đây là lần thứ hai tôi đến Mù Cang Chải nhưng là lần đầu tôi được tham gia trồng lúa cùng bà con nông dân. Phong cảnh ở đây thật tuyệt, con người lại thân thiện, mộc mạc. Đi du lịch nhưng chúng tôi được trải nghiệm, học và biết thêm nhiều điều mới mẻ. Nhất định sau chuyến đi này, tôi sẽ quay trở lại đây cùng gia đình mình. Tôi yêu con người Mù Cang Chải, con người Việt Nam!”.
 
Rời cánh đồng, chúng tôi cùng nhau đạp xe đạp dạo quanh làng bản. Ghé thăm một hộ gia đình làm lù cở, người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần ngồi bên hiên nhà tay thoăn thoắt đan.
 
Thấy chúng tôi, ông niềm nở chào đón, rồi như đã quen với việc có khách đến tham quan, vừa đan ông vừa gới thiệu: "Lù cở là tên gọi của đồng bào, chiếc lù cở chính là chiếc gùi dùng để đựng các vật dụng lên nương, để gùi lúa, ngô về nhà. Lù cở được làm từ nứa, tre, trên viền được bện xoắn hình vặn thừng rất khéo léo. Hai chiếc quai đeo mềm mại được làm từ thân cây móc mọc trong rừng, tết chắc chắn và đính vào thân lù cở để khi đeo, dù có gùi nặng đến mấy cũng không thấy đau vai”.
 
Vâng, đặc biệt vậy bởi lù cở không chỉ là vật dụng thiết yếu của người Mông, mà còn chứa đựng cả nét văn hoá người Mông đã "thổi hồn" vào tre, nứa, tạo nên một sản phẩm giản dị, nhưng đầy tiện ích, mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống thường nhật miền sơn cước.

Xế chiều. Hoàng hôn dần buông, mặt trời dần khuất sau núi, bản nhỏ rực rỡ sắc màu, khói lam chiều nơi căn nhà nhỏ dưới chân núi bảng lảng. Một khung cảnh thật bình yên và nên thơ hiện ra trước mắt, trong căn nhà nhỏ đó có người vợ địu con đang luôn tay đẩy những nùi rơm để giữ cho ngọn lửa bếp được cháy liên tục, mùi cơm mới nấu bằng lửa rơm và hương vị cá suối kho mặn trong mường tượng khiến cảm giác thèm cơm lâu ngày nay được đánh thức. Sau một ngày được hòa mình với thiên nhiên, được lao động, cười đùa, thấy thấm thía, trân trọng biết bao công sức làm ra từng hạt gạo dẻo, thơm.
 
Bên bếp lửa hồng tí tách, hua đôi bàn tay xua đi cái lạnh đêm miền sơn cước, rồi thưởng thức cái vị cay, bùi, ngọt ở đầu lưỡi mà món thịt trâu gác bếp đem lại, nhâm nhi chén rượu thơm nồng. Cậu trai người Mông cất lên tiếng khèn lá réo rắt, vang vọng khắp không gian, xua đi màn đêm tĩnh mịch. Men rượu cay, hơi rượu nồng, tê tê nơi đầu lưỡi, cùng với tiếng khèn, câu chuyện cuốc đất vỡ bờ của người Mông, khiến cho ta cảm nhận đầy đủ về cuộc sống bình dị nơi đây.

Ban mai lên nhấp nhóa khắp không gian, bản nhỏ bừng ấm lên rộn rã bởi tiếng gà gáy nơi đầu bản, tiếng gọi nhau í ới, tiếng ngựa hí, mõ trâu, tiếng động cơ xe máy ròn rã… Với cảnh sắc thiên nhiên đẹp, phong cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản, Ecolodge Nậm Khắt đã ghi điểm trong lòng du khách thập thập phương. Vì lẽ đó, hàng năm, có hàng trăm, hàng nghìn khách du lịch tìm đến đây để một lần được đắm mình với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, được trải nghiệm hình thức du lịch cộng đồng, cùng ăn, cùng lao động, sản xuất, cùng tận hưởng đời sống văn hóa dân tộc Mông bao đời gắn chặt với núi đồi vùng cao.

Rời Ecolodge, rời Nậm Khắt khi những giọt sương sớm vẫn còn đọng lại trên nhánh lá long lanh, rừng cây vẫn kéo những bản nhạc du dương trong gió. Ecolodge nói riêng, Nậm Khắt nói chung đã và đang phát triển du lịch một cách bền vững, ngày một phát huy tối đa nét đẹp mộc mạc, bình dị, trong trẻo đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

 Lê Thương - Mai Linh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục