Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 – 2019: “Dê vàng” gặp “nắng nóng”

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/7/2018 | 8:17:19 AM

YBĐT - Một lứa "dê vàng” chưa thấy may mắn đâu nhưng những bước đầu đời đã phải gánh chịu những áp lực không riêng của các em và những gia đình có con em thi vào lớp 10 mà còn là áp lực của xã hội.

Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập không đáp ứng nhu cầu thí sinh đăng ký dự thi đã gây áp lực lớn cho các em và gia đình (ảnh minh họa).
Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập không đáp ứng nhu cầu thí sinh đăng ký dự thi đã gây áp lực lớn cho các em và gia đình (ảnh minh họa).

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tỉnh Yên Bái đã kết thúc, điểm số cũng đã được công bố. Trong 8.500 thí sinh đăng ký dự thi, Yên Bái chỉ có 7.247 em sẽ đỗ vào các trường công lập. 

Các trường đang tính toán và tiến hành đưa ra điểm sàn, chưa rõ ai sẽ đỗ, ai sẽ bị loại khỏi cuộc đua này nên mức độ "nóng” của kỳ tuyển sinh còn hơn cả nhiệt độ những ngày qua.

Thành phố Yên Bái là địa phương luôn có số chỉ tiêu vào các trường THPT công lập cao nhất trong toàn tỉnh. Năm nay, chỉ tiêu vào các trường THPT công lập (trừ Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THPT tỉnh) là 1.261 học sinh. Trong khi đó, số học sinh lớp 9 trên toàn thành phố khoảng 5.800 em, như vậy sẽ có hơn 4.000 học sinh lớp 9 không đỗ vào các trường THPT công lập.
 
Một số ít sẽ đăng ký nguyện vọng ở các trường THPT các huyện giáp ranh như THPT Trần Nhật Duật (Yên Bình), THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên), song cũng không thể giải quyết hết được hơn 4.000 học sinh lớp 9 vào các trường công lập. 

Ghi nhận tại một số trường THPT công lập thời điểm ngày 3/7, số hồ sơ nộp vào các trường cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của nhà trường. Lãnh đạo Trường THPT Hoàng Quốc Việt cho biết: "Hiện nay, số hồ sơ nộp vào trường trên 400 hồ sơ, trong khi nhà trường tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 – 2019 là 225 chỉ tiêu. Ngày 5/7, nhà trường họp xét theo đúng quy định, điểm số lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu”.
 
 

Nhiều cung bậc cảm xúc để lại trong phụ huynh và thí sinh khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2018 (ảnh minh họa).

 
Tại Trường THPT Trần Nhật Duật, dự báo năm nay lượng học sinh thành phố đổ về học rất nhiều. Tính đến ngày 3/7, nhà trường tiếp nhận 442 hồ sơ (trong đó có 4 hồ sơ tuyển thẳng), nhưng trường chỉ có 315 chỉ tiêu. Ngay huyện Trạm Tấu, số hồ sơ đến thời điểm này là 180 hồ sơ/160 chỉ tiêu.
 
Không chỉ chờ đến khi có những con số này người ta mới thấy hết sức "nóng” của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập mà đã được dự báo từ sớm vấn đề tăng đột biến số lượng học sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 – lứa trẻ sinh vào năm được coi là "dê vàng”.
 
Song, chỉ tiêu của các trường THPT công lập đưa ra một phần dựa trên nhu cầu của địa phương, còn lại dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, số lượng cán bộ giáo viên hiện có của mỗi trường. Vì vậy, dù đã dự đoán được số lượng tăng đột biến nhưng ngành GD-ĐT tỉnh cũng không thể tham mưu với tỉnh xây dựng chỉ tiêu cao hơn được nữa.

Số lượng trẻ sinh năm "dê vàng” – 2003 tăng đột biến, dẫn đến việc vào học ở mỗi đầu cấp học lại là cuộc chạy đua của người lớn lúc trẻ còn nhỏ và giờ là cuộc đua của chính bọn trẻ trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10. 

Đứng ngồi không yên khi con thì biết điểm rồi nhưng các trường đều chưa công bố điểm chuẩn, gia đình anh chị Hương Kiên ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái suốt những ngày qua lo lắng theo dõi.
 
Chị Hương chia sẻ: "Mình không cố tình sinh cháu vào năm "dê vàng”, lúc mang bầu, các cụ bảo chọn năm sinh tốt rồi. Chưa thấy tốt đâu thì từ lúc đi mẫu giáo, vào cấp tiểu học, lên THCS và giờ là THPT, áp lực quá!”.
 
Cháu Minh Thu - con gái của chị thi vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, lớp chuyên Ngữ văn – lớp có tỷ lệ chọi cao nhất. Cháu đã biết điểm, thấy khả năng đỗ là không cao nên đã quyết định nộp hồ sơ nguyện vọng vào trường khác. Tuy vậy, việc lựa chọn trường nào là vấn đề lớn vì chỉ tiêu chỉ có vậy, mà trường nào cũng đông hồ sơ.
 
Minh Thu chia sẻ: "Cháu chưa bao giờ mất tự tin như bây giờ, dù điểm của cháu cũng khá cao. Cháu đã nộp hồ sơ vào Trường THPT Nguyễn Huệ, nhưng lượng hồ sơ nhiều lắm, không biết sẽ như thế nào. Bây giờ thì cứ phải chờ thôi ạ!”.
 
Anh chị Hương Kiên, anh Đức Hùng ở phường Nguyễn Thái Học cũng chạy hỏi hết chỗ này, chỗ kia với mong muốn tìm cho cậu con trai "dê vàng” của mình có một suất tại các trường THPT công lập thành phố gần nhà, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
 
Anh Hùng chia sẻ: "Cháu ngoan và học khá. Số điểm cháu đạt được nếu vào năm trước là có thể đỗ được vào mấy trường gần nhà rồi. Nhưng nay, tình hình khó nên tôi đã chuyển hướng cho cháu nguyện vọng ở Trường THPT Hoàng Quốc Việt. Xa nhà nhưng trường công vẫn tốt hơn. Hôm rồi, xuống nộp hồ sơ cũng đông lắm, giờ cả nhà chỉ chờ may mắn thôi!”.

Một lứa "dê vàng” chưa thấy may mắn đâu nhưng những bước đầu đời đã phải gánh chịu những áp lực không riêng của các em và những gia đình có con em thi vào lớp 10 mà còn là áp lực của xã hội.
 
Theo ngành giáo dục – đào tạo tỉnh, các em không đỗ vào các trường THPT công lập sẽ được học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh hoặc học nghề tại các trường trung cấp nghề theo nhu cầu... 

Nhưng mong muốn chung của các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình ở thành phố luôn muốn con theo học tại các trường công lập để học lên đại học, cao đẳng, nhiều người không muốn con học nghề.
 
Áp lực xã hội càng tăng, chưa bao giờ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập lại "nóng” như năm nay!  
 
Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục