Thái Lan - đôi điều cảm nhận

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/7/2018 | 8:48:14 AM

YênBái - YBĐT - Thái Lan - đất nước cùng nằm trong cộng đồng ASEAN với Việt Nam. Đi rồi, đến rồi, nhìn thấy và hòa mình trên những con đường trên đất Thái, tôi mới cảm nhận Thái Lan đặc biệt bởi sự cuốn hút về cách làm du lịch của bạn.

Đồng chí Nông Thụy Sỹ - Tổng Biên tập Báo Yên Bái nghiên cứu tờ Bangkok Post. (Ảnh: Đình Tứ)
Đồng chí Nông Thụy Sỹ - Tổng Biên tập Báo Yên Bái nghiên cứu tờ Bangkok Post. (Ảnh: Đình Tứ)

Thái Lan - đất nước bình nguyên bao la nằm trong khu vực Đông Nam Á, một người bạn láng giềng cùng nằm trong cộng đồng ASEAN với Việt Nam. Dù đã đọc qua sách báo hay xem truyền hình nhưng với tôi, Thái Lan vẫn là một đất nước xa lạ.Tuy nhiên, đi rồi, đến rồi, nhìn thấy và hòa mình trên những con đường trên đất Thái, tôi mới cảm nhận Thái Lan đặc biệt, sự cuốn hút về cách làm du lịch của bạn để lại nhiều ấn tượng.

Tôi nhớ rõ giây phút đầu tiên đặt chân đến đây. Đó là khi chiếc phi cơ mang số hiệu VN611 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airline chạm đất Thái. Hình ảnh đầu tiên dễ dàng nhận thấy là sân bay quốc tế Suvarnabhumi - còn gọi là Cánh đồng vàng - (Sân bay quốc tế Bangkok mới) cách điệu "mái nhà” kiểu Thái khổng lồ cong cong mái vòm với một màu xám tượng trưng cho sự vững chãi, dẻo dai. Đại sảnh của sân bay Suvarnabhumi là một tổ hợp điêu khắc, trang trí vàng óng, đặt lộng lẫy trong không gian có cái vỏ hiện đại.

Càng vào bên trong, lại gặp những người Thái luôn chắp tay trước ngực, hơi cúi đầu kèm theo lời chúc "sawasdee" (xin cho điều tốt đẹp/ tốt lành đối với bạn) thật cung kính.

Khi ấy, dù rất mệt, đầu óc còn ù ù vì chưa hết cảm giác say máy bay, tôi đã rất háo hức được dạo quanh từng ngõ ngách, từng con phố để được chứng kiến tận mắt những điều mới lạ.

Đó là hình ảnh của hai màu cờ, lá cờ màu vàng - là cờ của Hoàng gia, lá cờ ba màu đỏ, trắng, xanh biểu tượng của dân tộc, tôn giáo và nhà vua - đây còn được coi là biểu tượng đặc trưng của lòng tôn kính chùa chiền và kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thái Lan.

Nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn thủ đô Bangkok, điều dễ nhận thấy rõ trong quần thể kiến trúc có cả kiến trúc hiện đại và kiến trúc chùa chiền với nhiều nét tinh xảo, những mái vòm cong vút, tháp chuông vươn lên giữa mây trời...  Tất cả là sự pha trộn giữa một Thái Lan hiện đại và một Thái Lan cổ xưa với những nét phá cách bởi sự mở rộng quá nhanh của đô thị.

Đó là những khu cửa hàng, cửa hiệu hào nhoáng không kém phần sang trọng, mọc lên san sát với các hệ thống tàu điện ngầm, tàu hỏa, cầu và đường trên cao nặng nề xi măng cốt thép. Đó là những tòa nhà chọc trời chen lẫn với các khu phố chật hẹp, các căn nhà ổ chuột, lắp ghép, lỗ chỗ gỗ, mái tôn và ẩm ướt, cỏ hoang.

Đó là những con đường lát đá mang phong cách châu Âu, những dinh thự mang tên của nàng công chúa Hoàng gia nhưng vẫn không thoát khỏi mạng lưới dây điện chằng chịt trên không. Những ô cửa sổ nhỏ xíu thấp thoáng trên những bức tường rêu phong, những chiếc công tơ điện xộc lệch treo trên mỗi cửa nhà...

Và đó còn là những chiếc xe ô tô hạng sang của các hãng nổi tiếng thế giới đan xen những chiếc xe túc túc, xe buýt cao cấp và xe buýt giá rẻ miễn phí...

Điều đặc biệt, cả một hành trình trên đường phố, hiếm thấy một đứa trẻ người Thái xuất hiện trên đường. "Những đứa trẻ ở Thái ngày trong tuần đều học ở trường, riêng thứ 7, Chủ nhật chúng được bố mẹ đưa vào chùa học nghi lễ, phong tục, văn hóa dân tộc và nghỉ ngơi tại đó” -  Dương Thùy Anh - hướng dẫn viên của đoàn giải thích.

Chà! - tôi thốt lên - một Thái Lan Á đông, thuần túy đạo Phật đang khoác trên mình dáng dấp phương Tây.

Năm ngày bốn đêm không quá dài, vừa đủ để đoàn công tác và tôi nhìn thấy phần nào vẻ đẹp của mảnh đất này. Cuộc sống ở đây cũng mang lại cho tôi một cái nhìn mới, một điều cảm nhận mới mẻ qua thính giác, thị giác, vị giác... Đó là những nét đẹp về văn hóa, ứng xử, đạo đức và sự nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường du lịch của nước bạn.

Tôi đã vô cùng ngưỡng mộ khi được nghe Thùy Anh kể về chiến dịch quảng bá và thu hút khách của ngành du lịch Thái Lan: "Tổng cục Du lịch và các đơn vị lữ hành phấn đấu hết năm 2018, tổng số khách du lịch đến Thái Lan sẽ đạt tới con số 150 triệu người. Theo đó, từ tháng 11/2017 đến hết tháng 9/2018 trên toàn lãnh thổ Thái Lan sẽ tổ chức 183 sự kiện du lịch và mục tiêu đạt doanh thu 3.000 tỷ baht trong năm 2018”. 

"Nói có sách, mách có chứng", đó là những điều nhìn thấy, chứng kiến khi Thùy Anh dẫn chúng tôi đến những điểm tham quan của chuyến đi. Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ cải thiện chất lượng thực phẩm địa phương và đường phố, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa điểm du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

"Tất cả những điều kiện cơ sở như phòng nghỉ khách sạn 3 sao, xe điều hòa mát lạnh, nước uống đóng chai, vé xem ca nhạc miễn phí... mà đoàn được hưởng lợi đều nằm trong chính sách mà Tổng cục Du lịch bảo lãnh, hỗ trợ” - Thùy Anh bổ sung thêm.

Quả đúng như lời cô hướng dẫn viên nói, từ chiếc xe khách 2 tầng dành riêng cho khách du lịch luôn luôn bảo đảm nhiệt độ 23 - 24 độ C, bất kể thời tiết nào, bác tài có thể dừng xe hàng giờ để nổ máy giữ chế độ điều hòa hoạt động, hay như tại những điểm đến, sự văn minh toát lên ở thái độ lịch sự của các nhân viên mang danh hiệu "Người của Hoàng gia”.

Trong các đại sảnh khách sạn, ngoài hiệu đồ ăn hay bất kỳ một giao tiếp nhỏ, sự dễ chịu dường như được tan chảy trong mỗi người khi nhận được những lời chào, lời chúc, lời cảm ơn của người dân Thái Lan.

Tại những khu vui chơi, tham quan, trước mỗi cửa bán vé là không khí trật tự xếp hàng từ tốn kèm theo những tấm biển với nội dung "không hút thuốc lá”, "không mặc quần áo ngắn”, "không chụp hình”... 

Điều dễ nhận thấy, ở mọi điểm tham quan, du lịch, môi trường được đảm bảo xanh, sạch, minh chứng đó là cá phát triển đầy đàn trên sông Chao Praya hay chim bồ câu bay rợp trời trên chùa Thuyền...

Còn khu dành cho ẩm thực, thực khách hoàn toàn thỏa mãn với cung cách phục vụ của đội ngũ ở đây, các món ăn đủ hương vị, sắc màu bảo đảm an toàn thực phẩm tối đa. Điểm đáng nhớ mà đoàn chúng tôi nhận thấy là các công trình vệ sinh. Tại những điểm du lịch, khách sạn hay nơi công cộng, các công trình vệ sinh luôn sạch sẽ, sáng bóng, khô ráo, thơm tho mùi xà bông bảo đảm sự hài lòng của du khách kể cả người khó tính nhất.

 


Đoàn công tác Báo Yên Bái thăm quan một điểm du lịch tại Băng Cốc, Thái Lan. 
 
Đến Thái Lan, bên cạnh sự phong phú về hàng hóa và kiến trúc thì nghệ thuật của Thái lại là điều cốt yếu cần quan tâm bởi chủ yếu nghệ thuật có đề tài Phật giáo. Hình ảnh đức Phật được miêu tả với nhiều trường phái đặc trưng khác nhau qua nhiều thời kỳ.

Kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc đền chùa Thái chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn, trong đó có ảnh hưởng từ kiến trúc Khơ Me. Nghệ thuật Thái hiện đại là sự pha trộn giữa các yếu tố truyền thống và kỹ thuật hiện đại.

Đó là sự phát triển kết cấu đô thị theo hình xoáy ốc, đó là nền giáo dục được phổ cập tới tất cả người dân và đó còn là sự sáng tạo, thăng hoa cho những loại hình nghệ thuật truyền thống như kịch Khon, Luk Thung, Sak Yant, Fantasea show... do các diễn viên chuyển giới đảm nhận.
 
Và tôi cũng không thể nào quên được hình ảnh về nghệ thuật đường phố của các "kiều nữ” ở Pattaya, những dáng "liễu” yếu ớt đứng dựa hàng dừa chịu đựng những ánh nhìn xoi mói, lạ lẫm, tò mò... 

Lần đọc lại lịch sử Thái Lan, được biết đất nước này được hình thành từ thế kỷ XI nhưng đến thế kỷ XIII tên quốc gia mới ra đời. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, sự di chuyển của các dòng người từ châu Á sang các châu lục khác, sự dịch chuyển theo dòng sông Mê Kông. 

Đất nước Thái Lan có địa hình thuận lợi với một bình nguyên bao la, nguồn phù sa màu mỡ, do vậy từ đầu thế kỷ XVII, người châu Âu đã bị thu hút đến Thái Lan bởi vì họ coi nơi này là cửa ngõ dẫn tới việc thương mại với Trung Hoa.

Gió mùa tại châu Á không cho phép các tàu thuyền của thời đại này đi thẳng tới Trung Hoa, vì thế, Ayutthaya đã trở nên một cảng chuyển tiếp giữa châu Âu, Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản. Nền hòa bình dưới thời vua Naresuen đã mang lại sự thịnh vượng cho người dân Thái và do đó, làm tăng lên nhu cầu xa xỉ của xã hội Thái Lan như lụa và đồ gốm.

Và ngày nay (từ năm 1782 đến nay), trong thời kỳ Rama, từ vua Rama 1 đến Rama 10, đất nước Thái Lan trở thành một đất nước phát triển nhanh về kinh tế, đối ngoại, đầu tư, công nghệ sinh học, khoa học kỹ thuật chất lượng cao, chính sách an sinh xã hội, du lịch...

Sau cùng, tôi cảm thấy mình được may mắn khi cùng đoàn công tác học tập kinh nghiệm làm báo trong thời kỳ cách mạng 4.0 của Báo Yên Bái đến Thái Lan. Nếu tôi không đặt chân đến đây thì có lẽ tôi sẽ không thể nào hiểu nổi sự vươn lên qua các cuộc khủng hoảng đấu tranh với các đế chế hùng mạnh châu Âu hay những cuộc nổi dậy của các thời đại vua, những anh hào trên đất nước họ. Họ đã vượt qua mọi tàn phá, mọi mất mát, mọi khổ đau để có thể xây dựng lại thành phố, làng mạc từ tro bụi, để biến đất nước của họ thành một trong những đất nước giàu mạnh.

Tạm biệt Thái Lan, đất nước của lòng nhân ái, tôi càng thấy yêu hơn những con người, mảnh đất được thiên nhiên ưu ái cho cả một vùng bình nguyên màu mỡ, bằng phẳng; những eo biển uốn cong như cầu vồng ôm trong mình hàng chục hòn đảo nổi tiếng thế giới; những công trình y học đứng đầu thế giới và những sản phẩm nông nghiệp chuyên canh dành cho xuất khẩu và nhiều miệt vườn cây trái ngọt nổi tiếng, những người nông dân thật thà, mến khách..., tất cả đã tạo nên một Thái Lan ấm áp và kỳ diệu trong tôi.

Thanh Thủy (Thái Lan, tháng 6/2018)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục