Sinh ra từ làng

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/7/2018 | 8:02:10 AM

YBĐT - Con đường lập thân, lập nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, bằng phẳng, song nếu có ý chí, quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ thì vẫn có thể đạt được thành công. Vũ Đình Dũng ở thôn 4, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên và Lê Thị Ngọc ở thôn Làng Đình, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình là những con người như vậy.

Anh Vũ Đình Dũng giới thiệu các mặt hàng tinh dầu.
Anh Vũ Đình Dũng giới thiệu các mặt hàng tinh dầu.

Gặp Dũng, ấn tượng đầu tiên của tôi là một người đàn ông gầy gò, ít nói, khá dè dặt trong giao tiếp. Dũng năm nay 31 tuổi, đã có vợ và hai con. Cả gia đình sống trong ngôi nhà xây cấp 4 nhỏ xinh ngay trên tuyến đường Yên Bái – Khe Sang, gần trụ sở UBND xã Yên Hưng.
 
"Nếu chỉ nhìn vào hoàn cảnh thực tại thì ít ai biết được, người đàn ông với vẻ bề ngoài không có gì đặc biệt này lại là người mạnh mẽ, có nhiều ước mơ, hoài bão. Anh bước đầu đã gặt hái được thành công trên con đường mình chọn” – Bí thư Đoàn xã Yên Hưng Trần Xuân Diệu tự hào khi nói về đoàn viên thanh niên xã mình.
 
Lớn lên trên mảnh đất Yên Hưng nhiều gian khó, tốt nghiệp THPT, không có điều kiện đi học chuyên nghiệp, Dũng lăn lộn, bươn trải đủ nghề để kiếm sống và "trường đời” đã dạy cho anh những bài học quý giá. Dũng trải lòng: "Khi có ý định lập gia đình, tôi đã quyết định trở về quê lập nghiệp. Cuộc sống nơi phố thị ồn ào làm tôi thực sự thấy nản”.
 
Trở về quê, Dũng đã mạnh dạn vay vốn mua 1 chiếc xe tải chuyên chở thuê các mặt hàng nông sản của địa phương. Thu nhập từ công việc này khá cao và là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, là người luôn khát khao làm giàu nên từ việc đi chở hàng thuê, Dũng đã tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường, gây dựng được mối quan hệ với các thương lái nên công việc làm ăn khấm khá dần và nay Dũng đã trở thành "ông chủ” buôn hàng. Dũng thường bắt đầu công việc của mình từ 17, 18 giờ cho đến 6,7 giờ sáng.
 
"Ai cũng bảo sao phải khổ thế nhưng đặc thù công việc mà. Mặt hàng buôn chủ yếu là rau, củ, quả nên bắt buộc phải đến các chợ đầu mối ở Hà Nội, Lào Cai lấy hàng trong đêm thì sáng sớm mới kịp giao hàng cho các lái buôn ở chợ ga Yên Bái bảo đảm vẫn tươi ngon” – Dũng chia sẻ.
 
Chịu thương, chịu khó, khéo léo và có "duyên” với nghề kinh doanh, trung bình mỗi ngày, Dũng giao khoảng 3 – 4 tấn rau, củ, quả cho các thương lái, còn ngày lễ, tết cao hơn gấp nhiều lần, sau khi trừ chi phí, anh thu về khoảng 2-3 triệu đồng tiền lãi mỗi ngày. Khoản thu nhập này không phải là nhỏ.

Vậy nhưng, là người "tham công tiếc việc”, thấy mình vẫn còn khoảng thời gian trống ban ngày, mới đây, Dũng đã dành số vốn tích cóp được đầu tư 2 nồi chưng cất tinh dầu trị giá trên 500 triệu đồng. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, Dũng đã mạnh dạn thuê 50 ha đất ở các tỉnh Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hòa Bình để trồng các cây dược liệu.
 
Đồng thời, liên kết với một số hộ dân trên địa bàn huyện có diện tích đất kém hiệu quả chuyển sang trồng cây dược liệu chuyên cung cấp cho cơ sở nấu tinh dầu của gia đình anh. Công việc chưng cất tinh dầu khá vất vả, nhất là trong những hè oi bức. Chịu cái nóng vừa của thời tiết vừa từ lò đốt và nồi chưng cất tỏa ra, vậy nhưng vợ chồng Dũng ai nấy vẫn rất hào hứng.
 
Bùi Thị Vân - vợ của Dũng vừa nhanh tay đưa củi vào lò vừa gạt những giọt mồ hôi chảy dài trên má tươi cười: "Chị có thấy nóng không? Thế mà vợ chồng em phải thay nhau túc trực ở đây 4, 5 giờ đồng hồ liền đấy. Nếu không để ý nhiệt độ, thời gian thì rất dễ bị hỏng. Nhà em đã đôi lần thất bại rồi, khi thì không chiết xuất được dầu, khi thì dầu bị khê không bảo đảm chất lượng nên rút kinh nghiệm, khi nấu phải tập trung, không được xao nhãng”.
 
Không chỉ chưng cất một loại tinh dầu nhất định, nhờ tìm được đầu ra ổn định nên hiện tại gia đình Dũng chưng cất khá nhiều loại tinh dầu như: sả, màng tang, gừng, long não, húng quế... Đây là những loại tinh dầu dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa, hương liệu, nguyên liệu làm mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh nên đang ngày càng được thị trường ưa chuộng.
 
Với giá bán trung bình 400 – 800 nghìn đồng/lít tinh dầu tùy loại, từ đầu năm đến nay, gia đình Dũng đã xuất bán ra thị trường hàng trăm lít tinh dầu, mang về nguồn thu nhập khá. Dũng bày tỏ: "Mong muốn và dự định của vợ chồng tôi là thời gian tới sẽ thành lập được website bán hàng trên mạng; đồng thời, xây dựng được hệ thống xử lý bã thải của các loại dược liệu thành phân vi sinh bán cho các hộ nông dân trồng cây, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho gia đình”.
 
Hiện tại, mô hình phát triển kinh tế của Vũ Đình Dũng đang là một trong những mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của xã Yên Hưng và huyện Văn Yên, được các cấp chính quyền và các cấp bộ Đoàn đánh giá cao.

Chia tay Vũ Đình Dũng khi mùi tinh dầu vẫn còn vương trên áo tạo cảm giác thật dễ chịu, sảng khoái, tôi tới xã Vũ Linh - nơi có mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế của Lê Thị Ngọc. Tốt nghiệp loại giỏi Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, Ngọc phải đối mặt với thực tế đáng là buồn là không xin được việc.
 
Bao ước mơ, hoài bão được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ vụt tắt khiến Ngọc có lúc rơi vào chán nản, hụt hẫng. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, Ngọc đã thay đổi suy nghĩ. Cuộc sống cơm, áo, gạo tiền không cho phép cô "ngồi yên”, Ngọc đã vào mạng Internet mày mò, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, cách làm giàu của những người nông dân và quyết định lựa chọn thử nghiệm mô hình phát triển kinh tế nuôi chim bồ cầu Pháp.
 
Ngọc tâm sự: "Sinh ra từ làng, nay lại trở về làng sinh sống nên muốn phát triển những nghề kinh doanh, buôn bán hay làm đẹp cũng khó. Vì thế, tôi đã lựa chọn theo hướng chăn nuôi. Không có nhiều đất để đầu tư quy mô và nhận thấy nhu cầu sử dụng bồ câu thịt của các nhà hàng, quán ăn, đám cưới trên địa bàn ngày càng cao, tôi đã đầu tư nuôi chim bồ câu”.
 
Không có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng là người chịu khó học hỏi và khả năng tiếp thu kiến thức nhanh nên ngay từ những ngày đầu bắt tay vào công việc này, Ngọc chưa từng gặp rủi ro. Việc lựa chọn giống bồ cầu Pháp để nuôi cũng đã được cô nghiên cứu kỹ bởi đây là giống chim có sức đề kháng tốt, ít bệnh dịch, không kén ăn và đặc biệt là có thể cho ăn xen cám viên công nghiệp để tăng năng suất.
 


Chị Lê Thị Ngọc chăm sóc đàn chim bồ câu Pháp.
 
Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi chỉ vài chục triệu đồng nên khi quyết làm gì, Ngọc đều cân nhắc kỹ. Ngọc đã đầu tư mua lồng nuôi kiên cố, có đầy đủ máng thức ăn, hệ thống máng uống nước tự động và lò ấp trứng. Quá trình nuôi chim, Ngọc luôn bảo đảm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ và cho chim ăn bổ sung thêm khoáng, các loại vitamin và canxi.
 
Hiện tại, gia đình Ngọc đang nuôi khoảng 700 con chim bồ câu giống và vài trăm chim bồ câu thương phẩm.
 
Với giá bán trung bình 120.000/đôi chim thương phẩm và 260.000/đôi chim bồ câu giống, mỗi tháng, Ngọc xuất bán 70 – 100 đôi chim các loại cho thu về trên 10 triệu đồng tiền lãi. "Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao thu nhập, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô chuồng trại nuôi thêm chim bồ câu. Hy vọng sẽ luôn có được đầu ra ổn định để những người nông dân như tôi đỡ vất vả” – Ngọc chia sẻ dự định.

Từ câu chuyện phát triển kinh tế của hai bạn trẻ Ngọc và Dũng, cho thấy việc lựa chọn, tìm được hướng đi phù hợp cho mình trong phát triển kinh tế chính là yếu tố quyết định thành công. Họ là những người đã không ly nông, ly hương mà tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đây là điều mà các bạn trẻ nên học hỏi để có được một công việc và thu nhập ổn định.

Hồng Oanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục