Cựu Bí thư Chi bộ “Dân vận khéo”

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2018 | 1:49:57 PM

YBĐT - Tấm gương "người lính Cụ Hồ” của Đại tá, cựu Bí thư Chi bộ Nông Phương Nam thực sự đáng quý và rất đáng trân trọng.

Ông Nông Phương Nam tại Đại hội Chi bộ Khu dân cư Trung Tâm, nhiệm kỳ 2015 – 2017.
Ông Nông Phương Nam tại Đại hội Chi bộ Khu dân cư Trung Tâm, nhiệm kỳ 2015 – 2017.

Lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Đình Hưng – Bí thư Đảng ủy phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái về Đại tá Nông Phương Nam – Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cựu Bí thư Chi bộ khu phố Trung Tâm của phường khiến chúng tôi chợt liên tưởng đến những tấm gương sỹ quan quân đội về hưu khác đã có rất nhiều cống hiến cho tập thể thông qua công tác xã hội, đảm nhận những công việc được ví như "vác tù và hàng tổng” nhưng đã làm được rất nhiều điều có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với cộng đồng. 

Thế nên, tôi quyết định đến gặp ông, để nghe ông tâm sự về chuyện đời, chia sẻ bí quyết hơn 12 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ với những kỷ niệm, những kinh nghiệm đáng nhớ và tự hào.

Trong căn nhà 3 tầng ở đường Ngô Gia Tự, Đại tá Nông Phương Nam đón tôi bằng nụ cười hiền với cái bắt tay thật chặt, đúng với phong cách của một "người lính Cụ Hồ”. "Chào nhà báo! Tôi đúng là có duyên với những nhà báo họ Tô. Trước anh, nhà báo Tô Kiều Thẩm của Báo Cựu Chiến binh Việt Nam cũng đã từng đến gặp và viết bài về tôi.
 
Nhưng tôi bảo thật, việc tôi làm cũng bình thường thôi, vì nhiệm vụ chung cả. Thế nên nếu nhà báo thực hiện nhiệm vụ viết bài thì tôi có thể tâm sự nhưng viết thật đơn giản thôi nhé, đừng "đao to búa lớn” người ta cười cho” - câu mở lời rất nhẹ nhàng và khiêm tốn của ông thực sự làm tôi thấy vui.
 
Khi thấy tôi có vẻ sốt sắng đặt vấn đề muốn biết về những kỷ niệm, kinh nghiệm 12 năm làm Bí thư Chi bộ của mình, ông thủng thẳng: "Cái gì cũng có lý do cả. Cứ thong thả uống chén nước, rồi tôi sẽ kể cho nhà báo nghe. Có thể nói, đời tôi gắn liền với nghiệp lính, đến khi làm Bí thư Chi bộ tôi cũng mang chất lính vào. Thành ra có nhiều chuyện cũng thú vị lắm”.
 
Bên ấm trà nóng, Đại tá Nông Phương Nam kể cho tôi nghe về "nghiệp lính” của mình. Ông là người Tày, sinh năm 1948, tuổi thơ gắn liền với mảnh đất nghèo Bình Gia, Lạng Sơn. Năm 1966, khi hàng ngàn thanh niên từ khắp các miền quê được gọi nhập ngũ, bổ sung cho Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc, ông cũng là một trong số ấy.
 
"Hồi đó sung sức lắm! Toàn thanh niên mười tám đôi mươi hừng hực khí thế. Chúng tôi cùng nhau luyện tập, vượt núi băng rừng có khi cả tháng trời không biết mệt, rồi tham gia chiến đấu trên các chiến trường của nước bạn Lào. Hoàn thành nhiệm vụ ở nước bạn, chúng tôi lại tham gia trận đánh Buôn Ma Thuột, chiến dịch Tây Nguyên rồi chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đất nước thống nhất, tôi được điều động về công tác tại tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) với chứng nhận thương binh hạng 4/4” – ông kể.
 
Ngồi nói chuyện, tôi để ý cứ thấy ông có cái ánh nhìn hơi khang khác, sau mới biết do ảnh hưởng của những trận chiến khốc liệt nên một bên mắt của ông không còn nhìn được nữa.
 
Ông hóm hỉnh: "Nhìn mắt tôi bình thường thế này thôi chứ một bên đã không còn nhìn thấy hẳn từ lâu rồi. Mấy người bạn biết nhưng vẫn trêu tôi là ông Nam hai mắt đấy”.
 
Rồi ông bảo: "Đời lính của tôi, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là kết nạp Đảng ngay trên chiến trường. Tôi nhớ khi ấy là ngày 30/6/1967, Sư đoàn chúng tôi vượt cửa khẩu Tây Trang, Điện Biên sang nước bạn Lào, đến tỉnh Phông-sa-lỳ của nước bạn, tôi đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam lúc mới 19 tuổi, thật vinh dự và tự hào!”. Năm nay ở tuổi 70, người lính già 51 năm tuổi Đảng thực sự là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Kể về chuyện làm Bí thư Chi bộ, ông cười: "Năm 1999, sau hơn 32 năm công tác trong quân đội, tôi được nghỉ chế độ với quân hàm Đại tá, chức danh Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái. Tôi chỉ muốn vui sống cùng con cháu chứ không nghĩ sẽ tiếp tục tham gia công tác nào khác. Nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn. Năm 2003, Chi bộ khu phố Trung Tâm bầu tôi giữ chức Bí thư Chi bộ. Thật lòng mà nói, lúc bấy giờ cũng ngại làm lắm. Nhưng rồi cân nhắc, thấy mình cũng cần phải đóng góp chút gì cho khu phố này nên tôi nhận lời. Loáng một cái đã hơn chục năm rồi”.
 
Nhấp chén trà nóng, gương mặt Đại tá Nông Phương Nam thoáng nét tư lự như hồi tưởng lại những gì đã diễn ra trong quá khứ.
 
Ông kể: "Hồi ấy khi mới tiếp nhận chức Bí thư Chi bộ, tôi còn thiếu kinh nghiệm lắm, tính cách vẫn cứng nhắc như khi còn ở trong môi trường quân đội. Vì thế, động việc gì cũng nguyên tắc, cũng quân lệnh. Thành ra nhiều việc không thành, nhiều người không vừa lòng”.
 
Về việc ông Nam đề cập, tôi cũng đã được nghe từ những đảng viên đang sinh hoạt cùng Chi bộ Khu phố Trung Tâm kể lại. Số là ngày ấy, đây là một trong những chi bộ lớn nhất của phường Đồng Tâm có số lượng đảng viên lớn, thuộc nhiều thành phần.
 
Mới đầu, ông Nam quy tất về một mối, không phân chia ra đối tượng đảng viên nào cần cách làm việc như thế nào, thế là cứ như môi trường quân đội. Thành ra các buổi sinh hoạt chi bộ có phần cứng nhắc, khô khan, lại không được sự đồng thuận của tất cả đảng viên.
 
Rồi sau nhận ra rằng, khu dân cư không thể giống môi trường quân đội, ông đã tới gặp gỡ những người có kinh nghiệm công tác lâu năm ở cơ sở để học hỏi và dần dần xây dựng được mô hình "chi bộ dân chủ, công bằng”.
 
Để "thu phục” lòng người, cái cách mà người bí thư này làm cũng rất đặc biệt. Đầu tiên, ông lên danh sách phân loại các thành phần đảng viên, tìm hiểu kỹ lưỡng về tính cách, sở trường, sở đoản của mỗi cá nhân. Sau đó, ông dành thời gian đến chơi từng nhà.
 
Lúc đến chơi, ông chỉ nói chuyện thường nhật. Đến tận lúc chào về, ông mới như chợt nhớ ra và thủ thỉ vài câu đại loại như: "À này, hôm trước sinh hoạt chi bộ tôi thấy bác nói cũng có lý đấy, tôi sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng giá như lúc ấy bác nói kiểu này, kiểu này… thì càng tốt hơn”; hoặc như: "Cái việc hôm trước ấy mà, anh nói chuẩn lắm. Sau cứ tham mưu giúp ban chi ủy trên tinh thần xây dựng nhé. Chúng tôi tiếp thu”…
 
Cái kiểu tâm sự thủ thỉ ấy của ông Nam khiến nhiều người nể, đến những buổi sinh hoạt sau nếu có phát biểu ý kiến cá nhân cũng không còn gay gắt nữa, không khí trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Có một chuyện mà cho đến tận bây giờ, khi ông Nam đã thôi không làm Bí thư Chi bộ nữa vẫn được các đảng viên và người dân nơi đây nhắc đến rất nhiều, đó là việc ông là người đầu tiên khởi xướng, đứng ra vận động, huy động tài chính để làm nhà văn hóa khu phố rộng tới 120 m2 - một trong những nhà văn hóa "hoành tráng” nhất thành phố cho đến nay. Năm 2009, khu phố có dự án xây dựng nhà văn hóa theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
 
Ban đầu, tìm quỹ đất mãi mà không được; ông Nam quyết định tổ chức các cuộc họp giữa cấp ủy với ban đại diện đảng viên đương chức, ban đại diện đảng viên cao tuổi… để bàn bạc thống nhất. Nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao, Chi bộ Trung tâm đã quyết định "san đồi để làm nhà văn hóa”.
 
Ông kể: "Khi quyết tâm làm, việc huy động tài chính trong dân là việc cần làm ngay vì kinh phí hỗ trợ của Nhà nước chỉ có 180 triệu đồng mà dự toán kinh phí lên tới trên 500 triệu đồng vì còn phải tiến hành san lấp 5.000 m3 đất đá để lấy mặt bằng. Đây là bài toán khó. Vì thế, tôi quyết định phải tận dụng mọi mối quan hệ để giúp khu phố, vậy là tôi xách cặp đi xin”.
 
Nói đến đây, ông cười hóm hỉnh: "Nhà báo không biết đâu, cái nhà văn hóa được như bây giờ phải kể đến công sức của nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, giám đốc doanh nghiệp lắm đấy. Tôi xin xi-măng làm đường bê tông, xây kè này, xin tăng âm loa đài này, xin bàn ghế kê kín hội trường này, xin được cả ti vi, tủ để đồ, giá sách này… Cái gì cũng đi xin nhưng tôi không ngại vì mình xin cho tập thể mà, vì thế các đồng chí lãnh đạo giúp đỡ nhiệt tình lắm. Còn tiền xây dựng nhà văn hóa, ngoài 180 triệu đồng của Nhà nước, số còn lại của công trình hơn 500 triệu đồng đều do bà con nhân dân tự nguyện đóng góp trên tinh thần đồng thuận, vui vẻ cả. Tài chính chúng tôi công khai, minh bạch, tôi đặc biệt quán triệt anh em không tơ hào một đồng của dân, phải trong sạch”.
 
Giờ đây, nhiều người còn gọi vui đây là "nhà văn hóa ông Nam” để tỏ lòng biết ơn đối với ông.

Suốt 12 năm làm Bí thư Chi bộ thì cả 12 năm chi bộ của cựu Bí thư Nông Phương Nam đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trung Tâm đạt khu dân cư tiên tiến kiểu mẫu và 7 tổ dân phố đều đạt tổ dân phố văn hóa. Gia đình cựu Bí thư Chi bộ cũng là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của khu phố với 2 người con đều thành đạt, 5 đứa cháu cả nội và ngoại ngoan ngoãn, hiếu thảo, học giỏi, biết nghe lời ông bà, bố mẹ…
 
Tấm gương "người lính Cụ Hồ” của Đại tá, cựu Bí thư Chi bộ Nông Phương Nam thực sự đáng quý và rất đáng trân trọng.

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục