Về lại Quy Mông

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/8/2018 | 7:50:03 AM

YBĐT - Chúng tôi về lại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên khi đợt lũ hồi đầu tháng 7 quét qua những tràn ruộng còn để lại lớp bồi sa đặc quánh phủ lấp lúa, ngô trải dọc triền sông, khoác nhọc nhằn lên vùng quê vốn còn lam lũ.

Trang trại chăn nuôi gà Minh Dư của anh Phạm Văn San, thôn 11, quy mô 12 nghìn con.
Trang trại chăn nuôi gà Minh Dư của anh Phạm Văn San, thôn 11, quy mô 12 nghìn con.

Vụ này, chắc chắn năng suất, sản lượng lương thực sụt giảm nên nhất thiết phải linh hoạt trong trồng trọt để phục hồi sản xuất, bù đắp thiệt hại - đó là nhận định của lãnh đạo địa phương. Song, thấy mừng khi kinh tế Quy Mông đang chuyển mình theo những hướng đi tích cực, bước đầu định hình cây, con kinh tế chủ lực mà sự năng động, nhạy bén của nông dân dần được khẳng định bằng những mô hình kinh tế…

Điều mà lãnh đạo địa phương ở đây nhắc tới nhiều, liên quan đến mọi lĩnh vực, mọi nhiệm vụ của xã, đó là việc thực hiện nghị quyết phấn đấu đưa Quy Mông đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay, tức là về trước 1 năm so với lộ trình kế hoạch.
 
Đây cũng là đích đến, là mục tiêu mà sự vận hành, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mọi người dân đều tập trung hướng tới. Không thể phủ nhận, thành quả xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã đổi thay diện mạo đất này.
 
Nhìn vào 19 tiêu chí XDNTM, thấy đó thực sự là những thay đổi căn bản về chất và khi đạt được 19 tiêu chí này, đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn đã được nâng cao một bước với những quy định rất khắt khe, cụ thể.
 
Đó là môi trường, là y tế, giáo dục, là đường trục thôn và đường liên thôn phải đảm bảo chiều rộng nền đường tối thiểu 4,0 m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0 m được cứng hóa; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, chiều rộng nền đường tối thiểu 4,0 m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0 m; đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững…
 
Hết năm 2017, xã Quy Mông đạt 11/19 tiêu chí. Trong đó, có những tiêu chí khó như tiêu chí về thu nhập, tiêu chí về tổ chức sản xuất, hay các tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm, y tế, giáo dục… 8 tiêu chí còn lại hiện xã thực hiện cơ bản đạt.
 
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Hà Xuân Mai khẳng định: "Khó như tiêu chí giao thông hay tiêu chí môi trường, đến giờ không còn là trở ngại của địa phương. NTM về tận ngõ, thiết thực đối với cuộc sống của từng gia đình, nên khí thế của bà con phải nói là hăng hái và tự giác. Đó là thành công trước nhất để địa phương vững tin phấn đấu cán đích sớm”.

NTM nhìn một cách trực quan, đó là sự chuyên nghiệp, căn cơ trong cách làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương; sự khang trang của hạ tầng cơ sở; sự tươi mới, sạch và đẹp của mỗi gia đình, thôn xóm, từng con đường và trên cả ruộng đồng.
 
Tất cả những điều này đã thấy ở Quy Mông. Sự biến chuyển căn bản nằm ở chỗ chất lượng cuộc sống của người dân địa phương được cải thiện, nâng cao một bước. Năm 2017, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 26 triệu đồng.
 
Năm nay, xã đặt mục tiêu phấn đấu đạt 30 triệu đồng/người. Với điều kiện kinh tế địa phương chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ thì sự chịu thương chịu khó của người dân chắt chiu để có cuộc sống khá là điều rất đáng ghi nhận.
 
Thực tế, nhìn vào tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư 24.274 triệu đồng cho chương trình XDNTM của xã thì đã có đến 11.442 triệu đồng vốn huy động trong cộng đồng dân cư và huy động khác. Đó là nguồn lực không nhỏ có được từ sự nhận thức tích cực, sự cộng đồng trách nhiệm chia sẻ khó khăn với Nhà nước, với địa phương trong công cuộc đổi mới này của người dân. Và những suy nghĩ táo bạo, những hướng đi tìm tòi, sáng tạo trong phát triển kinh tế của người dân cũng được đánh thức từ NTM.

Về Quy Mông, nghe người dân nói nhiều đến chuyện nuôi gà Minh Dư cho thu nhập khá. Hỏi chuyện, anh Trần Xuân Thảo - cán bộ địa chính xã nói như khoe: "Trước thì không biết, chứ giờ nói đến nuôi gà Minh Dư thì có lẽ Quy Mông không nhất cũng nhì ở huyện. Nhà mình có nuôi nhưng nuôi ít. Nếu không có dịch, đầu ra giá ổn định từ 62.000 đồng đến 65.000 đồng/kg thì nuôi gà tính ra khá lãi”.
 
Điểm qua cả xã Quy Mông hiện có tới 70 hoặc nhiều hơn 70 gia trại nuôi gà, bởi con số này, theo cán bộ địa phương, tăng lên từng tháng. Số lượng kể không nhiều nhưng quy mô chăn nuôi mỗi lứa của các gia trại là không hề nhỏ. Không kể những hộ nuôi vài trăm đến 1.000 con, hầu hết các gia trại ở đây đều nuôi với quy mô tương đối từ 3.000 đến 10.000 con/lứa. Gia trại hiện đứng đầu về quy mô và số lượng nuôi là của hộ anh Phạm Văn San, thôn 11.
 
Hiện, trang trại của anh đang nuôi tới 12.000 con gà. Đây còn được đánh giá là mô hình tổng hợp vườn - rừng - chăn nuôi bài bản, quy mô ở địa phương với gần chục ha rừng; trong đó, có 3 ha cây ăn quả có múi.
 
Anh San cho hay: đợt mưa bão vừa qua, trại của gia đình bị đất sạt lở sập mất một chuồng, thiệt hại cũng lên tới trăm triệu cả gà cả chuồng trại. Năm 2017, ít biến động, nguồn thu từ con gà cũng đạt tới con số tiền tỷ, chưa trừ chi phí.
 
"Thị trường đầu ra không phải nghĩ, vì bạn hàng nhiều, chủ yếu tiêu thụ với số lượng lớn nên đầu ra không còn là vấn đề. Điều đáng lo nhất là dịch bệnh, nhưng được cái các hộ chăn nuôi ở địa phương đều rất ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như phòng dịch nên thiệt hại rủi ro là ít xảy ra.” - anh San chia sẻ. Nỗi lo của anh San không phải không có nguồn cơn khi số lượng các gia trại chăn nuôi gà tăng nhanh.
 
Định hướng đón đầu, xã Quy Mông đã quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại, gia trại quy mô hàng hóa tại thôn 11. Quy Mông đã từng được biết đến với cây đao riềng cho hiệu quả kinh tế cao một thời. Nhưng cây kinh tế chủ đạo của địa phương này cho đến nay vẫn là lúa, cây màu và kinh tế rừng. Trong đó, quế đang được đánh giá là cây trồng hiệu quả lâu dài với gần 500 ha.
 
Đây là diện tích trồng tại địa phương, còn dân trong xã trồng quế ở các xã bạn như Y Can, Kiên Thành và theo lãnh đạo xã diện tích thực tế còn nhiều hơn thế. Số hộ khá lên từ kinh tế rừng cũng ngày một nhiều hơn.
 
Dự án chuyển hóa rừng keo từ kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đang được xã triển khai thực hiện bên cạnh những chủ trương lớn của tỉnh, của huyện, đó là thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
Phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, gắn các cơ sở sản xuất với vùng nguyên liệu; tạo mối liên kết bền vững giữa 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm sản và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao giá trị của các sản phẩm hàng hóa nông lâm sản.
 
Đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất chuyên canh tập trung mà năm 2018, xã đã quy hoạch phát triển vùng trồng dâu và nuôi tằm tại thôn 5, 6 với diện tích 20 ha; vùng trồng đao riềng làm nguyên liệu chế biến miến đao tại thôn 1, thôn 2 với diện tích 50 ha; quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại, gia trại quy mô hàng hóa tại thôn 11; xây dựng một số mô hình trồng cây ăn quả có múi theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện thành lập hợp tác xã chăn nuôi trên địa bàn theo hướng thực hiện việc liên kết sản xuất theo chuỗi giữa nhóm hộ, hợp tác xã với doanh nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Chủ trương, định hướng của tỉnh, của huyện là đã rõ. Vấn đề căn bản ở đây là, có sự lãnh đạo tập trung với quyết tâm cao của địa phương, sự đồng lòng của người dân sẽ đưa Quy Mông sớm cán đích NTM. 

 Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục