“Người cầm cờ” trên đỉnh núi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/8/2018 | 1:35:03 PM

YBĐT - Chuyện trò với cán bộ và những người dân ở làng Tham, làng Dẹt... ai cũng nhất trí rằng Phong Dụ Thượng "mở mày, mở mặt” như hôm nay là nhờ Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ mạnh là do "người cầm cờ” mạnh – "người cầm cờ” ấy chính là Bí thư Đảng ủy Siều Ngọc Tân.

 

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng Siều Ngọc Tân người tiên phong trong phong trào trồng quế ở xã Phong Dụ Thượng. (Ảnh: T.)
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng Siều Ngọc Tân người tiên phong trong phong trào trồng quế ở xã Phong Dụ Thượng. (Ảnh: T.)

Cầu Trái Hút đưa tôi qua sông sang đất Đông An, đến Phong Dụ Hạ rồi lên Phong Dụ Thượng. Cứ theo con đường dốc lên cao, lên cao mãi đến những đỉnh núi mù sương. Chưa hẳn là xưa cũ, chỉ dăm bảy năm lại đây thôi, Phong Dụ - nơi chung sống của các dân tộc anh em Tày, Dao, Thái… còn là vùng xa ngái. 25 thôn bản mang 25 cái tên, chỉ nghe đã thấy xa lắc lơ rồi, nào Si Pàn, Khe Mạ, Khe Mang, nào Sùng Sâu, Trạng, Dẹt, Tham, Thì… Giao thông trắc trở, Phong Dụ gần như biệt lập với bên ngoài. Nông sản làm ra không bán được, nhu yếu phẩm hàng ngày như muối, dầu hỏa, cá biển khô, thuốc men... đều thiếu thốn.

Sau ngày mấy cái đồn Pháp ở Đại Bục, Đại Phác, dồn Dóm, Phố Ràng được bộ đội ta nhổ đi, đồng bào được giải phóng, Chính phủ đặc biệt quan tâm đã cho máy bay trực thăng lên thu mua, vận chuyển quế, chuyên chở nhu yếu phẩm thiết yếu đến cung cấp cho cho đồng bào. Địa bàn Phong Dụ quá rộng, thể theo nguyện vọng của dân, Chính phủ đã quyết định chia tách xã Phong Dụ thành ba xã: Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng.
 
Trong ba xã, thì Phong Dụ Thượng xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất. Từ năm 1965 chia tách xã cho mãi đến những năm 80, Nhà nước mới có vốn đầu tư mở được đoạn đường ô tô dài chưa đầy 20 km. Thế nhưng, đường ô tô cũng chỉ đến được hết địa phận của xã Phong Dụ Hạ, từ Phong Dụ Hạ lên Phong Dụ Thượng phải đi trên đường mòn cheo leo, chỉ ngựa thồ và người đi bộ là đi lại được.
 
Giờ thì khác lắm rồi. Nhà nước đầu tư xây dựng cầu Trái Hút qua sông Hồng, lại nâng cấp, mở mới đường từ Đông An qua Phong Dụ Hạ lên Phong Dụ Thượng, vượt qua đỉnh núi cao nối vào đường Gia Hội - Tú Lệ phía Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Giao thông phát triển, Phong Dụ Hạ đã trở thành trung tâm cụm xã, có phòng khám và điều trị đa khoa, có cửa hàng, cửa hiệu, có khách sạn, nhà nghỉ, dáng vẻ sầm uất như thị trấn.
 
Những con đường mới nối liền xã, liền thôn. Nhà văn hóa, sân bóng chuyền, bóng đá thôn nào cũng có. Nhà dân khang trang, sạch đẹp, sớm chiều khói bếp tỏa mùi cơm thơm. Phong Dụ Thượng xưa là rừng lau lách, nương bãi, nay toàn là quế và quế.
 
Quế - cái giống cây lạ làm sao, một mình một dáng, một vẻ, cứ song sóng bên nhau vươn lên như giống cây gỗ vàng tâm vậy. Hình như nó mang dáng vẻ như thế để vài chục năm sau người ta dễ bóc vỏ, biến thành một loại dược liệu được xếp vào bốn loại dược liệu quý hiếm là sâm - nhung - quế - phụ. Trước đây, nói đến quế là nói đến Phong Dụ Hạ.
 
Bây giờ, Phong Dụ Hạ vẫn xứng tầm là một trong tám xã trọng điểm quế của huyện Văn Yên, nhưng Phong Dụ Thượng đã vượt xa Phong Dụ Hạ cả về diện tích lẫn sản phẩm quế rồi. Quế - cây tiên phong làm nên những đổi thay sâu sắc về đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc anh em, nhưng người dân ở Phong Dụ Thượng và Văn Yên lại đồng thuận cao mà cho rằng những đổi thay ấy bắt nguồn từ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, của trên 260 đảng viên ở Phong Dụ Thượng này, với họ điều này hiển nhiên như chân lý: "Nơi nào Đảng mạnh thì dân giàu”.

Tôi đem chính kiến ấy của nhiều người đã gặp ở vùng đất này và cũng là của anh bạn cùng đi lên Phong Dụ Thượng. Chuyện trò với cán bộ và những người dân ở làng Tham, làng Dẹt... ai cũng nhất trí rằng Phong Dụ Thượng "mở mày, mở mặt” như hôm nay là nhờ Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Các đồng chí và bà con còn nói thật sâu sắc: Đảng bộ mạnh là do "người cầm cờ” mạnh – "người cầm cờ” ấy chính là Bí thư Đảng ủy Siều Ngọc Tân.
 
Nhiều đảng viên và người dân Phong Dụ Thượng còn nhớ khi Siều Ngọc Tân – một người lính, một đảng viên còn rất trẻ từ mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang trở về. Tưởng sẽ nghỉ ngơi, ai ngờ anh bắt tay ngay vào công việc. Nắng cũng như mưa, anh lên đồi phát cây, dọn cỏ, đào hố trồng quế. Thấy anh ham quá, nhiều người nói đùa: "Làm hùng hục thế con gái đứa nào nó dám lấy, khéo không có mà ế vợ!”.
 
Anh chỉ cười hiền: "Mấy năm cầm súng chiến đấu rồi, giờ phải lao vào làm kinh tế, vợ con tính sau. Đất đai còn nhiều lắm, bà con nghe tôi lên xã đăng ký mà làm. Mươi mười năm nữa cứ ngồi đấy mà thu tiền. Có đất, có lao động, có sức lực lại được Đảng định hướng rõ ràng rồi, bà con cứ nghe tôi cố gắng làm đi!”.
 
Làm gương, Siều Ngọc Tân ngày ngày vừa phát rẫy, dọn nương trồng quế, vừa vận động bà con trong xóm, trong thôn làm theo. Mấy năm, quế đã mọc thành rừng, nương quế đầu tiên khai thác, anh bán thu về gần 130 triệu đồng. Có tiền, anh xây ngôi nhà hai tầng kiểu nhà sàn, tầng trên người ở, tầng dưới để xe và là kho để quế.
 
Từ những công việc bình dị hàng ngày, anh tự rút ra một bài học: với một xã vùng cao, nhiều dân tộc, phương pháp lãnh đạo, vận động quần chúng không có gì hiệu quả bằng phong cách nêu gương, tự mình làm trước, lấy việc mình làm để thuyết phục dân, người đảng viên không chỉ biết lo cho mình mà còn phải biết lo, biết nghĩ đến anh em, bà con trong xóm, trong thôn. Tấm gương đảng viên trẻ Siều Ngọc Tân xuất hiện đúng lúc Đảng bộ xã đang cần tìm "người cầm cờ” trong kỳ đại hội tới.
 
Thật ra, nhiều cán bộ, đảng viên có khả năng giữ trọng trách này, nhất là những cán bộ có bề dày công tác, nhưng nguyện vọng của đảng bộ cấp trên, của đa số đảng viên trong xã là muốn tìm một người có sức trẻ, nhiệt huyết, có kiến thức, có hoài bão để tạo nên những đột phá, đưa Phong Dụ Thượng vượt qua cái ranh giới của một xã vùng cao nghèo khó và lạc hậu.
 
Đảng bộ xã nhìn thấy những yếu tố đó ở Siều Ngọc Tân và đã quyết định trao cho anh trọng trách Bí thư Đảng ủy xã. Công việc đầu tiên Bí thư Siều Ngọc Tân làm là củng cố 15 chi bộ, trong đó có 11 chi bộ thôn và giao cho mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện vai trò lãnh đạo của mình với phong cách nêu gương trong công việc, trước hết là phát triển mạnh cây quế, lấy cây quế là mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hóa.
 
Quế ở Phong Dụ Thượng vốn rải rác trên rừng, lúc này cán bộ, đảng viên phải nêu gương để vận động nhà nhà trồng quế và nhờ thế Phong Dụ Thượng đã trở thành vùng quế hàng hóa lớn.
 
Ngày ngày, xe lớn, xe bé lên mua vỏ quế, gỗ quế, lá quế về chế biến. Vỏ quế là hàng hóa, gỗ quế, cành quế, lá quế cùng là hàng hóa. Đảng bộ trao trọng trách chưa lâu, Siều Ngọc Tân nghĩ ngay đến việc làm đường. Ngày ấy, đường ô tô từ bến phà Hút chỉ đến hết địa phận của xã Phong Dụ Hạ.
 
Đường lên Phong Dụ Thượng là đường mòn cheo leo bên bờ Hút. Mọi phương tiện giao thông đi lại đều dựa vào con trâu, con ngựa. Trồng quế quy mô lớn phải có đường vận chuyển, chỉ vì không có đường vận chuyển mà mỗi tấn quế ở Phong Dụ Thượng thiệt từ 40 - 50 triệu đồng so với dưới Phong Dụ Hạ.
 
Bí thư Siều Ngọc Tân bàn với Đảng ủy ra nghị quyết mở bằng được con đường từ trung tâm xã tới đường của Phong Dụ Hạ. Khảo sát, tính toán, đường dài 12 km, chiều rộng 4,5 mét, lực lượng huy động tại chỗ phải mất 3 tháng mới làm xong, nhiều người lo ngại xã không làm nổi, tính chuyện nhờ hỗ trợ của Nhà nước. Anh Tân bàn với Đảng ủy giao cho mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương làm trước, vận động người thân, họ hàng nhà mình làm trước, từ đó vận động nhân dân cùng làm.
 
Chưa đầy ba tháng, chính xác là 75 ngày, con đường dài 12 km nối từ Phong Dụ Hạ đến trung tâm xã Phong Dụ Thượng đã làm xong. Thành quả ấy, nói như cán bộ, đảng viên ở đây, là quyết tâm của Đảng bộ, nỗ lực của nhân dân, nhưng trước hết phải nói đến ý tưởng của người đứng đầu, có ý tưởng lại biết truyền cảm, biến ý tưởng của mình thành quyết tâm của toàn Đảng bộ và biết tổ chức, đưa ý tưởng ấy thành hiện thực.
 
Không lý luận dài dòng, rõ ràng các ý kiến đề xuất, chỉ đạo, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu là những điều anh cảm nhận sâu sắc về  tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh bảo, trước đây, Đảng bộ tín nhiệm giao cho mình trọng trách, nhưng ngày mai sẽ không còn tin nữa nếu như lòng dạ mình đã thay đổi, chỉ biết vun vén cá nhân, không biết nghĩ, biết làm những việc có lợi cho Đảng bộ, cho nhân dân.
 
Trong những kỳ sinh hoạt Đảng, ai cũng biết anh đang nung nấu câu hỏi làm thế nào để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Với anh, không thể có một thứ năng lực chung chung, năng lực lãnh đạo trước hết là năng lực nắm bắt, nhạy bén với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thứ hai là năng lực nắm bắt thực tiễn ở địa phương mình, ở từng thôn, từng xóm; thứ ba là biết vận dụng, tổ chức thực hiện, biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực và cuối cùng là biết tổng kết thực tiễn, rút ra những điều hay, điều tốt và những hạn chế cần khắc phục.
 
Lên Phong Dụ Thượng, gặp Siều Ngọc Tân, chúng tôi trao đổi sâu với nhau về việc học tập và làm theo Bác. Anh tâm sự rằng học tập Bác là học nêu gương trước dân, nói đi đôi với làm, phải tin vào sức của dân, vận động dân vượt qua thử thách. Rằng, học tập Bác, trước hết là tận tụy vì Đảng, vì dân, thể hiện vai trò gương mẫu của mình không phải chỉ bằng lời nói mà là bằng những việc làm hàng ngày ai cũng biết. Vì thế, sau những thành công về quế, đường giao thông, Siều Ngọc Tân lại trăn trở ý tưởng phát triển nghề nuôi thủy sản.
 
Vùng cao có nguồn nước mát, có đất để làm ao, có thể nuôi cá lăng, cá chiên, cá trắm đen nhưng không ít người cho rằng chuyện đó thật ngược đời. Trước thách thức ấy, anh quyết định mình làm trước, anh em nhà mình làm trước. Kết quả, mỗi năm, những ao cá lăng, cá chiên, cá trắm của anh thu về vài ba trăm triệu đồng. Thế là, những người vốn do dự trước đây đã theo anh đầu tư nuôi cá và có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
 
Siều Ngọc Tân một lần nữa rút ra kết luận: việc gì khó đảng viên phải đi trước, việc càng khó đảng viên càng phải đi trước, một mình mình chưa đủ sức thuyết phục thì vận động anh em, họ hàng mình làm trước để rồi cuốn người khác cùng làm, có ý tưởng, có quyết tâm, có phương pháp đúng thì việc khó mấy cũng làm được.
 
Từ ý tưởng sáng tạo của anh, chẳng bao lâu, các mô hình kinh tế đa dạng theo hướng bền vững đã phát triển trong toàn xã. Từ một xã khó khăn vào bậc nhất của huyện, nay đã có trên 400 trong tổng số 1.130 gia đình có đời sống kinh tế vào loại giàu và khá - một con số thật ấn tượng ở Phong Dụ Thượng.

Ngày mà Siều Ngọc Tân được Đảng bộ trao trọng trách "người cầm cờ” còn rất trẻ. Nay, anh cũng như một số đồng chí trong cấp ủy không còn trẻ nữa, anh và các đồng chí đã nghĩ đến nhiệm vụ xây dựng một đội ngũ đảng viên trẻ giàu nhiệt huyết, có hoài bão, có hiểu biết và uy tín trước nhân dân. Vậy là, anh đã cùng các đồng chí trong cấp ủy bàn cách khơi dậy khát vọng trở thành đảng viên trong lớp người trẻ tuổi. Đảng ủy giao cho các chi bộ dựa vào các phong trào như trồng quế, làm đường giao thông, xây dựng mô hình kinh tế đến phong trào mỗi thôn có một nhà văn hóa, có một đội bóng chuyền, bóng đá... để phát hiện các nhân tố tích cực và bồi dưỡng phát triển Đảng.
 
Từ cách làm ấy, Đảng bộ xã đã phát triển được 50 đảng viên mới, toàn Đảng bộ đã có 260 đảng viên, 11 thôn trong xã đều thành lập được chi bộ Đảng, đưa số chi bộ trực thuộc Đảng bộ lên 15 chi bộ, không còn thôn, xóm "trắng” đảng viên. Nhiều năm liên tục, Đảng bộ Phong Dụ Thượng được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh và là một trong số những đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ huyện Văn Yên.

Sau những ngày ở Phong Dụ Thượng, khi trở về, tôi vẫn nhớ dáng hình của Bí thư Đảng ủy Siều Ngọc Tân trước ngôi nhà xây theo kiểu nhà sàn, phía trên người ở, phía dưới là kho chứa quế đầy ăm ắp với gương mặt đầy tự tin, giàu cảm xúc. Tôi cũng đem về hình ảnh những rừng quế bạt ngàn, những nương bãi bên bờ Hút đang bời bời hứa hẹn trong âm hưởng và giai điệu của làn điệu dân ca Dao mà lòng rưng rưng như chạm vào cổ tích của vùng núi cao mây trắng.

Bội Đông

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục