Mãi mãi một lòng yêu kính Bác

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2018 | 8:20:04 AM

YBĐT - Hơn 35 năm qua, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ luôn là địa chỉ đỏ, điểm đến không thể thiếu của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc nơi đây nói riêng và du khách trong, ngoài nước khi có dịp đến Nghĩa Lộ.

Một buổi sinh hoạt truyền thống của Ban Liên lạc truyền thống Chiến sỹ Điện Biên với các cháu học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng tại Khu tưởng niệm.
Một buổi sinh hoạt truyền thống của Ban Liên lạc truyền thống Chiến sỹ Điện Biên với các cháu học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng tại Khu tưởng niệm.

Từ phong trào Xây dựng các công trình tưởng niệm Bác Hồ 

Năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động Phong trào Xây dựng các công trình tưởng niệm Bác trên phạm vi cả nước.
 
Giai đoạn đầu là phong trào xây dựng "Ao cá Bác Hồ”, ngay trong năm 1980, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn phê duyệt phương án xây dựng vườn cây, ao cá Bác Hồ tại huyện Văn Chấn (thời kỳ này, thị xã Nghĩa Lộ còn là thị trấn thuộc huyện Văn Chấn). 

Sau gần 2 năm, công trình vườn quả Bác Hồ được xây dựng bằng phương thức huy động sự tự nguyện đóng góp công sức của đồng bào các dân tộc là chủ yếu. Trên tinh thần đó, các xã, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp đem cây đến trồng tại vườn quả, sưu tầm những giống cây ăn quả quý hiếm khắp các địa phương trong cả nước.
 
Đặc biệt hơn, khi được Tỉnh ủy tiếp tục đồng ý cho cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn khởi công xây dựng Nhà sàn Bác Hồ, ngày 20/7/1982, nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn trong niềm vinh dự và tự hào lớn lao đã nô nức tham gia lễ khởi công xây dựng công trình. Vượt qua những gian nan, thử thách, với phương châm "Ai có công góp công, ai có của góp của”, bằng tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, chỉ sau 13 tháng, công trình chính thức đưa vào hoạt động.
 
Niềm vui lớn nhất là ước nguyện của đồng bào các dân tộc nơi đây đã trở thành hiện thực. Nhân dân từ các vùng xa xôi của Văn Chấn, các huyện bạn, tỉnh bạn đã đến Vườn quả Bác Hồ để được thắp hương tưởng niệm và tỏ lòng thành kính biết ơn với Bác.
 
Cùng với vườn cây ăn quả và Nhà sàn Bác Hồ, ao cá Bác Hồ là một trong những hạng mục của công trình vừa để hưởng ứng phong trào xây dựng ao cá Bác Hồ đang diễn ra nhộn nhịp trong cả nước, vừa để đáp ứng mong muốn của nhân dân được tái hiện hình ảnh thân thương, giản dị của Bác Hồ trong những lần Bác cho cá ăn bên ao cá trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. 

Năm 1985, ao cá Bác Hồ đã hoàn thành nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh nhật Bác. Ao cá Bác Hồ được thiết kế theo hình bản đồ huyện Văn Chấn.

Trải qua các thời kỳ, công trình Vườn cây ăn quả, ao cá Bác Hồ - nay là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được quan tâm đầu tư nâng cấp của Nhà nước và những đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất của các thế hệ nhân dân các dân tộc đang sinh sống, công tác ở trong, ngoài địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.
 
Công trình Khu tưởng niệm đã và đang phát huy được tác dụng, hiệu quả thiết thực và thực sự đáp ứng được nguyện vọng bình dị trong tư tưởng, đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc phía Tây của tỉnh mong muốn có một nơi để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho mọi thế hệ

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ luôn phát huy tốt vai trò, giá trị, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đặc biệt, nơi đây còn là địa chỉ đỏ trong việc tìm hiểu, tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong, ngoài địa bàn thị xã, đặc biệt là gắn với việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
 
Hiện nay, Khu tưởng niệm đang lưu giữ gần 1.000 ảnh tư liệu để tuyên truyền 12 chuyên đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp đổi mới đất nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền văn hóa Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân; 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước...
 
Đồng thời, tại đây cũng lưu giữ hơn 600 đầu sách và các phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: "Giờ phút cuối đời của Bác Hồ”; "Hồ Chí Minh - chân dung một con người”; ký sự "Hành trình theo chân Bác”, "Bác Hồ sống mãi”, "khu di tích Đá Chông K9”; "Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”…; lưu giữ 10 hiện vật phục dựng về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: bộ quần áo ka ki; áo, quần, mũ, kính, giày gia đình luật sư Lô - dơ - by chuẩn bị cho Nguyễn Ái Quốc cải trang để rời khỏi Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 1/1933; chiếc máy đánh chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để dự thảo bản Tuyên ngôn độc lập (1945); chiếc mũ cát, chiếc gậy ba - toong, đôi dép cao su; bộ quần áo lụa; cuốn "Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) - tập thơ chữ Hán Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị Tưởng Giới Thạch bắt giam tại các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc)…
 
Nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai hiệu quả như: tổ chức triển lãm tại chỗ và lưu động với các chuyên đề: Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước; những tấm gương bình dị mà cao quý; Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo Việt Nam; Bác Hồ với Tây Bắc; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên phủ…

Khu tưởng niệm đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua công tác phối hợp với Đoàn Thanh niên, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích, hấp dẫn và mỗi năm thu hút trên 6.500 lượt học sinh trên địa bàn thị xã. Cùng đó, hàng năm, Khu tưởng niệm đã đón và phục vụ trên 10.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, dâng hương viếng Bác.
 
Mở từng trang cảm tưởng mà nhân dân và các đại biểu, du khách ghi lại khi đến thăm chúng ta mới thấu hiểu hết những tình cảm vô cùng trân trọng, thành kính của nhiều vị khách khắp mọi miền Tổ quốc; đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn đại biểu các ban, ngành Trung ương như đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương; Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học; Viện Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh...

Tình cảm của các vị khách, của nhân dân các dân tộc phía Tây đối với Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là điều ý nghĩa và thiêng liêng nhất. Bởi thế, hơn 35 năm qua, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương và Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

Hiện nay, Khu tưởng niệm đã trở thành điểm sáng văn hóa và giáo dục chính trị, tư tưởng, thể hiện nét đẹp trong đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghĩa Lộ - Mường Lò cũng như nhân dân các dân tộc phía Tây của tỉnh Yên Bái.

 Minh Tuấn - Ngọc sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục