Gian nan tái định cư vùng lũ

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/10/2018 | 10:53:19 AM

YBĐT - Không ít dự án tái định cư hiện nay vẫn "dậm chân tại chỗ” do thiếu vốn.

Khu tái định cư Bản Cại, xã Thạch Lương rộng 3ha đến nay vẫn chưa được san tạo mặt bằng.
Khu tái định cư Bản Cại, xã Thạch Lương rộng 3ha đến nay vẫn chưa được san tạo mặt bằng.


Mưa lũ đi qua, rồi lại về vào các năm sau, sau nữa... Khó khăn là không thể tránh khỏi, bởi ngoài công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, vấn đề cấp thiết cho người dân vùng lũ, sạt lở đất là việc tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài cho họ. Mặc dù vậy, do thiếu vốn nên không ít dự án tái định cư hiện nay vẫn "dậm chân tại chỗ”...

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn xảy ra nhiều đợt thiên tai liên tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Đỉnh điểm là đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 9-14/10/2017 và trận lũ ống, lũ quét ngày 20/7/2018 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hoa màu và gần 700 ngôi nhà của nhân dân bị ảnh hưởng.
 
Thực hiện chủ trương của tỉnh, không để hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm lũ quét, sạt lở đất, đến nay, công tác bố trí tái định cư đang được huyện tích cực chỉ đạo, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Sau gần một năm trận lũ lịch sử đi qua, người dân thôn Bản Cại và thôn Bản Đường xã Thạch Lương vẫn chưa hết bàng hoàng.
 
Trưởng thôn Bản Đường - Lò Văn Sáng nhớ lại: "Mưa nhiều ngày, đến đêm ngày 21/10/2017, nước ầm ầm tràn về kèm theo đất, đá làm thay đổi dòng chảy suối Thia, đồng thời cũng làm sập 4 nhà dân và nhiều hộ khác bị ảnh hưởng. May mắn trước đó, chính quyền đã vận động di dời toàn bộ người dân nên không có thiệt hại về người”.
 
Thôn Bản Đường có 79 hộ thì cả 79 hộ đều nằm trong vùng nguy hiểm cần phải di dời khẩn cấp. Huyện Văn Chấn đã khảo sát và bố trí một khu tái định cư mới cho 103 hộ dân thôn Bản Đường và các thôn khác thuộc diện phải di dời khẩn cấp tới địa điểm mới thuộc thôn Bản Cại của xã, rộng 3ha. Tuy nhiên, đến nay sau gần 1 năm khu tái định cư Bản Cại vẫn chưa được san tạo mặt bằng, đường vào rất khó khăn. Cũng vì chưa được thấy mặt bằng mà vẫn còn hộ dân không đăng ký tái định cư.
 
Ông Hoàng Văn Toàn - Trưởng thôn Bản Cại cho biết: "Bản Cại có 7 hộ cần di dời khỏi vùng nguy hiểm nhưng đến nay mới có 2 hộ đăng ký tái định cư, 5 hộ còn lại vẫn còn phân vân do đã làm nhà kiên cố không muốn di dời”.
 
Cũng theo ông Toàn, do mặt bằng khu tái định cư chưa có, đường vào cũng khó khăn nên nhiều người dân chưa đăng ký tái định cư là điều dễ hiểu. Qua những đợt lũ tàn phá nặng nề, người dân thôn Bản Đường cũng đã nhận thức rõ sự nguy hiểm của lũ ống, lũ quét và đều mong mỏi sớm được di dời đến nơi ở mới an toàn.
 
Ông Lường Văn Huân, thôn Bản Đường cho biết: "Mỗi khi có mưa lớn kéo dài là chúng tôi lại phải tạm di dời đến nơi an toàn, nhưng vừa qua thì nhà cũng sập rồi, tài sản không còn gì, hiện giờ cả nhà đang đi ở nhờ họ hàng. Chúng tôi rất mong được bố trí đến nơi ở mới an toàn, không phải lo lắng di chuyển mỗi khi mùa mưa bão đến”.
 
Thôn Bản Đường có 79 hộ thì có tới 31 hộ nghèo, nếu để người dân tự tìm đất ở tái định cư là rất khó khăn, do vậy biết là nguy hiểm nhưng người dân vẫn chưa thể di dời. Bên cạnh đó một số hộ dân đã làm nhà sàn kiên cố không muốn di dời.
 
Ông Hà Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lương cho biết: "Xã kiên quyết không để người dân sống trong vùng nguy cơ thiên tai, bão lũ. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận động người dân di dời đến nơi ở mới an toàn”.
 

Nhiều hộ dân thôn Bản Đường vẫn đang ở trong khu vực nguy cơ cao do lũ quét, sạt lở đất.

Trong khi việc bố trí tái định cư năm 2017 vẫn còn ngổn ngang những lo toan thì đến tháng 7/2018, Văn Chấn lại tiếp tục hứng chịu đợt lũ quét nghiêm trọng hơn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nâng tổng số hộ phải di dời lên tới 553 hộ.
 
Trong số 78 nhà bị sập hoàn toàn và 59 nhà bị hư hỏng nặng đến nay cơ bản đã được bố trí nơi ở mới và dựng xong nhà. Số hộ còn lại nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng nguy hiểm, huyện cũng đã có phương án bố trí tập trung cho 120 hộ và bố trí xen ghép 169 hộ. Xã Suối Quyền là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ trong tháng 7 vừa qua, đến nay cũng đã di dời toàn bộ 25 nhà trong khu vực nguy hiểm thuộc hai thôn Vàng Ngần và Thẩm Có đến nơi ở mới.
 
Ông Trịnh Xuân Thành - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Đợt lũ vừa qua, xã có 9 nhà bị sập hoàn toàn, 1 nhà hư  hỏng nặng và 16 nhà ở vùng nguy hiểm cần di dời. Do khó khăn về mặt bằng, xã không có quỹ đất bố trí tập trung, Đảng ủy đã chủ trương vận động nhân dân hiến đất, đổi đất, bố trí xen ghép tại các khu dân cư. Đến nay, đã có 23/25 hộ đã dựng nhà xong và ổn định đời sống”.

Thực tế cho thấy lũ quét, sạt lở đất có mức độ tàn phá hết sức khốc liệt, gây hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng cũng như công trình hạ tầng, công trình dân sinh, phá hủy ruộng đất canh tác, rừng và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để di dời người dân vùng thường xuyên xảy ra lũ, sạt lở đất, tìm chỗ tái định cư mới cho người dân là một bài toán khó với không chỉ huyện Văn Chấn vì kinh phí eo hẹp và không còn quỹ đất.
 
Khó khăn là vậy nhưng bằng nhiều cách từ bố trí tái định cư tập trung, bố trí xen ghép, đến nay huyện Văn Chấn đã có 134 hộ thuộc diện di dời của năm 2018 đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống. 419 hộ còn lại chủ yếu là những hộ nằm trong vùng nguy hiểm cần phải di dời, huyện cũng đã có phương án bố trí quỹ đất tái định cư.
 
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí mà nhiều khu tái định cư chưa thể san tạo mặt bằng, trong đó có 2 khu xây dựng phương án từ năm 2017 là khu tái định cư Bản Cại, xã Thạch Lương cho 103 hộ và khu tái định cư Bản Ngoa, xã Phúc Sơn cho 118 hộ.
 
Trao đổi với chúng tôi ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Huyện quyết tâm không để người dân phải sống trong khu vực nguy hiểm về bão lũ, sạt lở đất. Trên cơ sở rà soát số hộ nằm trong khu vực nguy hiểm cần phải di dời huyện đã xây dựng phương án tái định cư và bố trí được quỹ đất. Tuy nhiên, ở những khu tái định cư tập trung hiện đang rất khó khăn về nguồn kinh phí san tạo mặt bằng, xây dựng các công trình cơ bản như điện, đường, nước. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục làm văn bản trình lên các cấp xin hỗ trợ kinh phí, sớm di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm”.

Mỗi khi mùa mưa đến, người dân trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét lại sống trong nỗi lo sợ vì bản thân họ cũng đã nhận thức được sự nguy hiểm đe dọa đến tính mạng và tài sản, đa số người dân mong muốn được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn. Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, công tác bố trí tái định cư cho nhân dân vùng lũ cần được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, có giải pháp quyết liệt hơn nữa.
 
Anh Dũng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục