Hỗ trợ nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng - Bài 1: Ai cũng có thể là nạn nhân

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/10/2018 | 7:52:16 AM

YBĐT - Yên Bái là một trong những địa bàn trọng điểm về mua bán người  mà chủ yếu là mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, phần lớn sang Trung Quốc. Các địa bàn trọng điểm được xác định là huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải. 

Một buổi tuyên truyền trong chiến dịch truyền thông phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình tại huyện Trạm Tấu.
Một buổi tuyên truyền trong chiến dịch truyền thông phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình tại huyện Trạm Tấu.

Do đặc thù về địa hình, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ học vấn thấp, thiếu việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình éo le tập trung vào phụ nữ và trẻ em gái nên tình trạng mua bán người (MBN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi.

Đối tượng tội phạm MBN có thể là người lạ, bạn bè hoặc người quen, thậm chí là cả người thân trong gia đình. 

Tội phạm MBN thường lợi dụng những phụ nữ, trẻ em thiếu hiểu biết, trình độ dân trí thấp, nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, không có việc làm, nợ nần, bệnh tật, rủ đi du lịch, thăm người thân, giả vờ yêu... để lừa bán ra nước ngoài thu lời bất chính. 

Tìm lại hồ sơ những nạn nhân của tội phạm MBN những năm trước, chúng tôi không khỏi xót xa cho những hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh khi bị bán sang xứ người. 

Do hoàn cảnh khó khăn, chị Hoàng Thị A., trú tại xã A., huyện Lục Yên luôn mong mỏi có một việc làm ổn định, thu nhập tốt. Chính vì vậy, khi được rủ sang Trung Quốc làm ăn với mức lương cao, chị đã không do dự nhận lời. 

Đến nơi, chị mới biết mình đã bị em gái lừa bán. Dù chị van xin hãy thả chị trở về nhưng người em đã bỏ đi không nói một lời. Trong thời gian ở Trung Quốc, chị bị bắt buộc phải làm việc vất vả, bị bỏ đói, bị đánh đập, bị ép lấy chồng. 

Do làm việc quá sức, chị đã bị ốm và được đưa đi cấp cứu. Thấy sức khỏe mình ngày một yếu hơn, chị đã tìm cách chạy trốn. Ở nơi đất khách quê người, mọi thứ đều lạ lẫm, không biết bấu víu, kêu cứu ở đâu, chị chỉ còn biết khóc lóc, cầu xin những người xung quanh giúp đỡ. 

May thay, những người này đã báo cho công an Trung Quốc giải cứu và đưa chị về Việt Nam. Sau 6 tháng ra đi, trở về với hai bàn tay trắng, sức khỏe tàn tạ, chị luôn thấy bất an và lo sợ. 

Trong căn nhà nhỏ ở thôn H., xã M., huyện Trấn Yên, mấy năm nay, chỉ có vợ chồng anh Q. và chị V. sinh sống. Chúng tôi đến nhà anh Q. đã ngãng trưa. Chị V. ngồi xuống ghế tiếp chúng tôi. Khi được hỏi về câu chuyện của cô con gái K., đôi mắt chị rưng rưng. 

Đã 5 năm kể từ ngày biến cố ập đến với gia đình nhưng khi nghĩ đến nỗi đau con gái phải gánh chịu, trái tim của những người làm bố, làm mẹ lại nhói đau. 

Chị V. chực trào nước mắt tâm sự: "Chẳng biết người khác nghĩ gì, nhưng với tôi, cái K. là cô con gái ngoan, hiền, ngây thơ và nhút nhát. Cũng chính vì vậy mà cháu bị kẻ xấu lợi dụng lừa bán sang Trung Quốc. Khi cháu đang là học sinh trường cấp ba trên thị trấn Cổ Phúc. Hôm đó, cháu đi học và không may làm mất xe đạp. Lo lắng sợ bố mẹ đánh mắng cháu không dám về nhà. Cháu có nói chuyện với một thanh niên quen qua mạng. Cậu thanh niên đã rủ K. xuống Phú Thọ rửa bát thuê để lấy tiền mua xe đạp mới". 

"Nhẹ dạ, cả tin K. đi cùng thanh niên bắt xe xuống Phú Thọ. 2 ngày đầu, cháu đi rửa bát quán phở ở thành phố Việt Trì. Tối ngày thứ 2, sau khi ăn cơm xong K. lên giường ngủ mà chẳng biết mình bị bọn buôn bán người đánh thuốc mê. Khi tỉnh, cháu hoảng sợ khi biết mình đã bị những kẻ buôn người bán sang Trung Quốc” - chị V kể. 

Nạn nhân MBN mỗi người một hoàn cảnh riêng, mỗi người bị lừa bán một cách khác nhau nhưng có lẽ họ đều có điểm chung chỉ vì một phút nhẹ dạ mà họ đã phải gánh chịu bao tủi nhục của cuộc đời.

 Chị Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: "Từ năm 2011 - 2017, số lượng các vụ việc MBN có hồ sơ trên địa bàn được phá án là 59 vụ với 96 nạn nhân. Riêng 2 năm 2016 - 2017, có 9 vụ với 16 nạn nhân. Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm MBN”. 

Hệ thống Hội Phụ nữ các cấp có tổ chức tại 9/9 huyện, thị, thành phố và 180 xã, phường, thị trấn, trên 149.000 hội viên, đây là điểm thuận lợi trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền đến người dân về công tác phòng, chống MBN. 

Xác định được trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác phòng chống MBN, các cấp Hội đã chủ động đưa nội dung vào chương trình công tác toàn khóa và kế hoạch hàng năm của Hội. 

Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống MBN gắn với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Hội đã phối hợp tổ chức 5.960 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ các kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống MBN tới 432.829 lượt hội viên phụ nữ.

Chỉ đạo các cấp Hội đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: tọa đàm hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng chống MBN”; Hội thảo "Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; Hội thi "Phụ nữ với kiến thức phòng, chống MBN và Luật Bình đẳng giới”; Hội thi "Tìm hiểu kiến thức pháp luật, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình”; giao lưu văn nghệ "Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và tìm hiểu kiến thức về pháp luật thu hút trên 120 ngàn lượt người tham dự. 

Các cuộc truyền thông được tổ chức tại các địa phương nổi cộm tình hình MBN, bạo lực gia đình với các hình thức phương pháp sáng tạo thu hút nhiều người tham gia, như giao lưu văn nghệ, diễn kịch, chiếu phim… đặc biệt tại 2 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu sử dụng tiếng dân tộc Mông và có sự tham gia của người địa phương vào nội dung cuộc truyền thông.

Đồng chí Bồ Thị Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên cho biết: "Hội Phụ nữ huyện tham mưu và phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng ngừa MBN, kỹ năng truyền thông, kỹ năng lập kế hoạch, xác minh xác định nạn nhân cho cán bộ nòng cốt là chủ tịch UBND các xã, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... tại các địa phương trên địa bàn huyện". 

"Hội tổ chức các sự kiện truyền thông với quy mô cấp huyện, cấp xã thu hút đông đảo người dân, thông qua các buổi truyền thông và tổ chức các hội thi sân khấu hóa nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Hội cũng vận động các chị em là nạn nhân bị buôn bán được giải cứu trở về chia sẻ câu chuyện của chính họ, tại những buổi hội truyền thông tại cơ sở, nhất là ở xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa để chị em phụ nữ có ý thức cảnh giác phòng, tránh, cảnh giác trước nạn buôn bán người” - chị Hoa chia sẻ.

Trên địa bàn huyện Trấn Yên, 2 năm trở lại đây không có vụ việc buôn bán người.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Phụ nữ Yên Bái không phải tiếp nhận hồ sơ nào về nạn nhân MBN nhưng một số chị em khi trở về thường mặc cảm với bạn bè, hàng xóm, chưa định hướng được bản thân. Vì vậy, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân của tội phạm MBN là vấn đề mà các cấp Hội Phụ nữ và các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm.

Các cấp Hội Phụ nữ Yên Bái đã chú trọng tuyên truyền kiến thức phòng chống MBN và phòng chống bạo lực gia đình cho hội viên, đặc biệt là hội viên vùng cao, dân tộc thiểu số tại các huyện trọng điểm như: Lục Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ; tăng cường cấp phát các tài liệu tuyên truyền và viết tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Cụ thể: phát trên 20.000 tờ rơi, 3.000 cuốn tranh lật, 1.500 áp phích về phòng chống MBN, di cư an toàn, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em tới 100% cơ sở.

Khánh Linh - Thu Hiền
(Bài 2: Xây dựng cuộc sống mới)
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục