Sức sống Làng Ven

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/10/2018 | 8:02:51 AM

YBĐT - Làng Ven lúc mới thành lập chỉ có khoảng chục hộ, nhưng nay con số này đã lên 54 hộ với 227 nhân khẩu và 100% là đồng bào Tày. Là thôn "sinh sau đẻ muộn”, nhưng giờ Làng Ven lại là thôn đi đầu phát triển kinh tế của địa phương

Nuôi cá lồng trên hồ đang mang lại thu nhập cao cho người dân thôn Làng Ven.
Nuôi cá lồng trên hồ đang mang lại thu nhập cao cho người dân thôn Làng Ven.


"Làng Ven của xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình trước kia được gọi là Làng Bạc nằm ở vùng lòng hồ Thác Bà. Để thực hiện nhiệm vụ lớn lao của Đảng, các hộ sinh sống ở vùng lòng hồ đã di dời để nhường đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Qua bao thăng trầm thời gian, thôn Làng Ven dù là thôn "sinh sau đẻ muộn” của xã, nhưng giờ lại là thôn đi đầu phát triển kinh tế của địa phương” - câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Nông Tiến Dũng bắt đầu như thế, khi tôi ngỏ ý muốn đi đến Làng Ven là thôn xa nhất của xã để được mắt thấy, tai nghe cách người dân ở đây làm giàu.

- Đường đi khó lắm đấy! Mà trời mưa là sẽ không đi ra nổi đâu, nhà báo quyết tâm đi không? - Bí thư Nông Tiến Dũng hỏi tôi.

- Em đi ạ! - Tôi nói.

Con đường đi vào thôn Làng Ven hôm nay vẫn còn lại một ít dấu tích trơn trượt của trận mưa cách đây gần một tuần nhưng đã cơ bản khô ráo, nên chúng tôi có thể đi xe máy vào tận thôn. 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Huân thì cách đây 15 năm, Đoàn thanh niên huyện Yên Bình đã mở một con đường chừng 2 km giúp người dân có thể đi lại. Song, đoạn vào thôn chủ yếu là đường đất nên khi trời mưa, thôn gần như bị cô lập.

Qua câu chuyện của Phó Chủ tịch UBND xã, tôi được biết trước đây, Ngọc Chấn vốn là một miền đất bằng phẳng rộng lớn ngoài lòng hồ mang tên là xã Làng Bạc rồi Thu Vật với đa số là người Tày sinh sống. 

Khi di dân nhường đất cho thủy điện, một phần dân cư chuyển về thôn Ngòi Rũ cùng xã, phần thì đi các nơi trong huyện Yên Bình, đến xã Mường Lai, huyện Lục Yên và một số hộ chuyển sang tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang. 

Đến năm 1980, thôn Làng Ven mới chính thức được thành lập. Ban đầu chỉ có ít hộ dân ra khai phá đất hoang, tranh thủ diện tích dưới hồ Thác Bà để trồng cấy rồi làm nghề chài lưới. Có thời gian vào khoảng đầu những năm 1990, Làng Ven lại có tên gọi mới là "Làng phong”, bởi hồi ấy, những bệnh nhân phong là những người còn bị kỳ thị, xa lánh nên họ bỏ làng và tìm đến đây - khu thưa người để sinh sống. 

Song, khi đời sống ngày càng phát triển, người dân đã nhận thức được bệnh phong không phải là bệnh dễ lây nữa, lại thấy mảnh đất làng ven hồ rất trù phú và màu mỡ nên nhiều người dân đã quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất này. 

Đang trò chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã thì trước mắt tôi đã hiện ra một màu xanh trù phú của bưởi, màu đỏ của thanh long và xa xa kia rất nhiều lồng cá của người dân trong thôn. 

Đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười thân thiện và cái nắm tay thật chặt, Trưởng thôn Trịnh Văn Sơn rót ấm trà nóng rồi ngẫm lại một thời gian khó đã qua: năm 1966, sau khi hy sinh bờ xôi ruộng mật nhường đất xây dựng thủy điện Thác Bà, gia đình ông đã về sinh sống tại Đội 1, xã Xuân Long. 

Vì đất cũ còn, nhớ quê hương, nhớ nơi "chôn rau cắt rốn” và nhận thấy ở vùng đất này nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nên năm 1988, gia đình ông và một số hộ lại rủ nhau quay lại vùng đất này. 

Lúc mới quay trở về thì khó khăn không kể xiết, song bởi đã quyết tâm nên các gia đình đều bắt tay vào làm ruộng, trồng rừng và đánh bắt cá. Đường lúc đó đi lại gần như không có, trẻ em muốn có được cái chữ thì vô cùng vất vả và để bán các sản phẩm làm ra, các gia đình phải chèo thuyền đi bán từ sáng sớm đến khi đêm tối mới về. 

Nhưng sang tháng 2 là mùa nước rút, người dân ở đây đã tận dụng thời điểm này để gieo trồng lúa, ngô. Với lượng phù sa rất màu mỡ, cộng với thời điểm nước rút kéo dài đã giúp người dân có những mùa vụ bội thu. Nhờ có diện tích ngô, lúa bán ngập mà đời sống của bà con trong thôn cũng được khấm khá hơn. Thế nên, mảnh đất này đã "hút” nhiều người ở lại. 

Làng Ven lúc mới thành lập chỉ có khoảng chục hộ, nhưng nay con số này đã lên 54 hộ với 227 nhân khẩu và 100% là đồng bào Tày. 

Ông Sơn dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan vườn bưởi trên 3 năm tuổi với hơn 200 gốc bưởi của gia đình và ông cho biết: "Kinh tế gia đình tôi trước đây chủ yếu phát triển về lâm nghiệp với 5 ha keo và 8 lồng cá với các loại cá nheo, trắm đen, chép. Song, một lần sang Tuyên Quang, thấy người dân ở đó trồng giống bưởi đặc sản Soi Hà ăn có vị ngọt mát, mọng nước, cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã quyết định đưa giống bưởi đặc sản về trồng thử. Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc bưởi của những hộ đã thành công, vườn bưởi của gia đình đã phát triển tốt”. 

Thành công trong việc đưa giống bưởi Soi Hà về trồng trên vùng đất ven không chỉ giúp ông Sơn có được thu nhập ổn định với trên 200 triệu đồng/năm mà còn mở ra cho bà con trong thôn một hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Đến nay, toàn thôn đã có 12 hộ trồng giống bưởi đặc sản này.

Có thể thấy, khi xã hội ngày càng phát triển, người dân nhanh chóng được tiếp cận những chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế và học hỏi những mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao ở nhiều nơi là động lực giúp người dân đua nhau làm giàu, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Việc nuôi con gì, trồng cây gì được bà con nghiên cứu kỹ để làm sao phát triển kinh tế cho hiệu quả cao.

Có mặt tại vườn thanh long đỏ lịm của gia đình anh Mã Đình Huê - một thanh niên năng động khi là người đầu tiên mang giống thanh long về trồng trên đất này. Không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế đồi rừng với diện tích 5 ha trồng keo, năm 2011, anh Huê đã đi tìm hiểu về các loại giống cây trồng và nhận thấy thanh long thuộc họ xương rồng, không kén chọn đất lại được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Sau 7 năm đi theo hướng phát triển kinh tế mới, vườn thanh long của anh Huê với trên 100 gốc mỗi năm hiện đang cho hiệu quả kinh tế cao được bà con đến học hỏi kinh nghiệm để làm theo. 

Là thôn đặc biệt khó khăn của xã, song với tư duy làm kinh tế mới, người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, biết lựa chọn hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế địa phương đã khiến bức tranh thôn Làng Ven đang mỗi ngày thêm tươi mới, trù phú. 

Đất đai thôn Làng Ven khá màu mỡ, cây lúa trĩu bông, các vườn cây ăn quả cho đến các vạt đồi cây cối đều xanh tươi, sai quả, song khó khăn nhất đối với người dân ở đây chính là mỗi khi mưa to là việc di chuyển từ Làng Ven ra trung tâm xã và ngược lại gần như là bị chia cắt. 

"Bởi thế, việc giao thương các sản phẩm hàng hóa của người dân rất bất lợi, bị thương lái ép giá. Do đó, để giảm số hộ nghèo và cận nghèo của xã hiện còn trên 50%, người dân trong thôn mong muốn Nhà nước nhanh chóng đầu tư cho con đường để người dân đi lại, trẻ em đến trường thuận lợi 4 mùa. Có con đường, người dân sẽ có điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương” - Bí thư Đảng ủy xã Nông Tiến Dũng bộc bạch.



Vườn bưởi Soi Hà của ông Trịnh Văn Sơn (bên phải) đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân thôn Làng Ven.

Rời Làng Ven trong nắng dịu nhẹ của tiết trời thu, chặng đường về không còn xa như lúc mới đến. Những tò mò, háo hức trong tôi phần nào được thỏa mãn, lòng thầm vui khi nghĩ về những gam màu tươi sáng với màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng keo, màu vàng của những cánh đồng lúa trĩu hạt, cây trái tốt tươi, cá tôm vẫy vùng trong lồng bè... 

Để rồi, tin tưởng với sự đổi thay, năng động trong cách nghĩ, cách làm của mỗi người dân và sự nhanh chóng đầu tư đường giao thông của Nhà nước trong nay mai cho bà con thì nhanh thôi, Làng Ven sẽ chuyển mình mạnh mẽ để có những khởi sắc, đưa đời sống của người dân ngày càng ấm no, sung túc. 

Thanh Chi

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục