Hỗ trợ nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng - Bài 2: Xây dựng cuộc sống mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/10/2018 | 8:11:31 AM

YBĐT - Trong 2 năm (2016 - 2018), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ 34 nạn nhân về chính sách, hỗ trợ nghề tạo việc làm và học tập, về tâm lý, sức khỏe và giới thiệu để cơ sở và tổ chức Hội quan tâm và thực hiện các chính sách cũng như hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. 

Đồng chí Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tìm hiểu hoạt động của nhóm thêu thổ cẩm theo tiêu chuẩn Craftlink tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.
Đồng chí Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tìm hiểu hoạt động của nhóm thêu thổ cẩm theo tiêu chuẩn Craftlink tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.


Chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, vận động các nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mua bán người (MBN) cho hội viên, phụ nữ và người dân, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng... là nhiệm vụ được các cấp Hội phụ nữ tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Khi mới trở về, hầu hết các nạn nhân đều âm thầm, tủi hổ, lặng lẽ như một cái bóng. Chị Bàn Thị L. ở xã P., huyện Yên Bình tâm sự: "Sau hơn một năm lưu lạc nơi đất khách quê người, tôi trở về với nỗi ân hận và suy sụp tinh thần. Họ hàng, làng xóm nhìn với con mắt khinh rẻ và hắt hủi vì cho rằng chính tôi là thủ phạm đã đưa cháu gái đi bán. Thời gian đầu, tôi không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, mà chỉ nhốt mình trong phòng. Tôi sợ khi phải đi ra ngoài vì những lời đàm tiếu của mọi người...”. 

Để giúp chị minh oan khỏi những lời dị nghị của anh em, hàng xóm, Hội Phụ nữ và các ban, ngành trong xã hướng dẫn chị trực tiếp gặp cơ quan công an để trình báo và viết đơn tố cáo đối tượng đưa chị và cô cháu gái bán sang Trung Quốc. 

Sau một thời gian truy tìm, đối tượng lừa bán chị đã bị cơ quan công an bắt và đưa ra xét xử. Sau vụ việc này, chị L. thấy nhẹ lòng và yên tâm hơn. Hàng xóm láng giềng cũng không còn xa lánh chị.

Được gia đình động viên và Hội Phụ nữ xã quan tâm, chị đã tham gia vào Hội. Được chị em hội viên đến gặp gỡ, nói chuyện, chia sẻ, chị cũng dần dần cởi mở và tin tưởng hơn vào cuộc sống. Thông qua sự giới thiệu của Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái, chị đã được Dự án Bảo vệ nạn nhân - Chương trình Chấm dứt MBN của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam hỗ trợ 13 triệu đồng để kinh doanh. 

Khi có thời gian rảnh rỗi, chị còn đan rọ tôm, thêu khăn thổ cẩm bán cho khách du lịch để có thêm thu nhập. Kinh tế gia đình dần được cải thiện. Cùng với số tiền được gia đình hỗ trợ, chị đã mua được một mảnh đất gần đường, làm nhà và mở quán bán hàng. Cuộc sống tốt đẹp hơn khi có việc làm và thu nhập ổn định. 

Chị thấy cuộc đời mình đã bước sang một trang mới với đầy sự ấm áp và hạnh phúc. Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt chị. Chị L. luôn nói: "Nhờ có Hội Phụ nữ, các ngành và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới giúp đỡ, tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Ấm áp bên gia đình cùng xây dựng cuộc sống mới”. 

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn xác định rõ nhiệm vụ trong công tác phòng chống MBN. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được các cấp Hội chú trọng để bảo đảm các nạn nhân tái hòa nhập thành công. 

Trong 2 năm (2016 - 2018), Hội đã hỗ trợ 34 nạn nhân, có 7/34 thân chủ được hỗ trợ về chính sách, về hỗ trợ nghề tạo việc làm và học tập, 27/34 thân chủ được hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe và giới thiệu để cơ sở và tổ chức Hội quan tâm và thực hiện các chính sách cũng như hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. 

Trong đó nổi bật là 5 nạn nhân bị mua bán trở về của huyện Mù Cang Chải đã được Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng hỗ trợ cho tham gia khóa đào tạo kỹ thuật thêu thổ cẩm cách tân theo tiêu chuẩn Craftlink tại xã Chế Cu Nha. Đến nay, các chị đã thường xuyên nhận vật liệu về làm tại nhà và chuyển sản phẩm với mức thu nhập từ 1,5 triệu - 9 triệu đồng tùy theo khả năng của từng thân chủ. 

Đồng chí Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Bên cạnh hỗ trợ về tâm lý, giúp đỡ các nạn nhân các thủ tục để được hưởng chính sách trợ cấp khó khăn ban đầu của Nhà nước, hướng dẫn nạn nhân hoàn thiện các thủ tục yêu cầu thi hành án, các thủ tục liên quan đến việc đăng ký kết hôn cho nạn nhân..., Hội còn tích cực vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để có thêm các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động phòng chống MBN”. 

Trong 2 năm (2016 - 2018), Hội đã hợp tác thực hiện Dự án Bảo vệ nạn nhân - Chương trình Chấm dứt MBN do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ. Triển khai dự án do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tài trợ: tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện trực tiếp công tác phòng chống MBN và hỗ trợ nạn nhân. Thành lập Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng để tiếp nhận, hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe, sinh kế, nâng cao năng lực cho các nạn nhân bị mua bán trở về. 

Trong đó, hỗ trợ duy trì 2 nhóm tự lực tại xã An Phú, huyện Lục Yên và phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ với tổng số 23 thành viên... Chị Hoàng Thị A. trú tại xã A., huyện Lục Yên chia sẻ: "Tôi đã không đơn độc vì ngày mới trở về, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã đến động viên, đặc biệt là cán bộ Hội Phụ nữ xã luôn có mặt an ủi, giúp tôi nguôi ngoai nỗi đau của mình”. 

Không chỉ động viên về tinh thần, chị A. còn được hỗ trợ phát triển kinh tế, có thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Đặc biệt, chị được sự hỗ trợ từ Dự án bảo vệ nạn nhân - Chương trình chấm dứt MBN (ETIP) của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam. 

Cuộc sống đã tốt hơn. Chị A. tham gia vào Hội Phụ nữ để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những khó khăn với nhiều chị em khác tại địa phương. 

Để các nạn nhân nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về được triển khai phù hợp với nguyện vọng và được cấp ủy, chính quyền ủng hộ, giúp nạn nhân ổn định cuộc sống. Hội LHPN tỉnh chủ động tìm kiếm, vận động các nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài để triển khai các hoạt động phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. 

Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức da dạng, nội dung phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, sử dụng các thông điệp truyền thông bằng tiếng dân tộc. Thông tin được người dân tiếp cận qua nhiều kênh, như: báo chí, truyền hình, mạng xã hội, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng… 

Đồng chí Bồ Thị Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên cho biết: "Từ năm 2012 - 2016, trên địa bàn huyện có 9 nạn nhân bị buôn bán người trở về. Những nạn nhân trở về nhận được sự quan tâm, động viên từ chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể giúp họ vượt qua nỗi đau, không còn mặc cảm. Bên cạnh động viên tinh thần, các nạn nhân MBN được các dự án của tổ chức nước ngoài hỗ trợ sinh kế, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống. 9 nạn nhân trên địa bàn huyện được hỗ trợ 100 triệu đồng, mỗi nạn nhân tùy vào hoàn cảnh, điều kiện gia đình sẽ quyết định hướng phát triển kinh tế. Nhận được sự quan tâm, hầu hết các nạn nhân đã vượt qua nỗi đau, dần quên đi quá khứ làm lại cuộc đời. Có người đi làm ăn xa, có người lấy chồng đang sống hạnh phúc”.  

Do trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Một số chị em phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, hoàn cảnh gia đình éo le, kinh tế khó khăn, không có việc làm... có nguy cơ lại trở thành nạn nhân của tội phạm MBN. Vì vậy, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ cần phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường cung cấp tài liệu tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác phòng, chống MBN. 

Cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xác minh, xác định, bảo vệ, khai thác các nguồn lực từ tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, nhất là việc nắm bắt tư tưởng, cập nhật thông tin tình hình từ cơ sở một cách kịp thời, đầy đủ để các nạn nhân MBN tuy có cuộc sống kinh tế gia đình chưa được khá giả như mọi người nhưng họ cảm nhận được sự cảm thông, chia sẻ, để niềm vui trở lại với tương lai tươi sáng. 
Khánh Linh - Thu Hiền

*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục