Thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế - Bài 2: Ngân sách chi giảm, người bệnh hưởng lợi - đời sống cán bộ y tế nâng lên

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/11/2018 | 8:07:49 AM

YBĐT - Một trong những chủ trương lớn của Bộ Y tế là khuyến khích các cơ sở y tế công tự chủ tài chính để tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, theo đó, chi phí từ ngân sách cho hoạt động ngành y tế giảm, đời sống cán bộ y tế ngày càng được nâng lên.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Văn Yên tận tình thăm hỏi người bệnh.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Văn Yên tận tình thăm hỏi người bệnh.


Chất lượng khám điều trị tăng, người dân có nhiều sự lựa chọn

Việc giao quyền tự chủ về tài chính đối với các cơ sở y tế công nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển về chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), người bệnh sẽ có nhiều sự lựa chọn để tìm đến cơ sở y tế KCB tốt nhất. Đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, với các dãy nhà được đầu tư khang trang, sạch sẽ, nơi tiếp đón, nơi chờ của bệnh nhân… được dọn dẹp sạch sẽ, cảnh quan thoáng mát, trong lành. 

Ông Hoàng Văn Hồng, 87 tuổi, ở thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên bị rối loạn tuần hoàn não và ông Nguyễn Đức Thanh, 75 tuổi, ở tổ 3, thị trấn Yên Bình bị bệnh tim. Cả hai trường hợp này đều mắc các chứng bệnh mãn tính, nhập viện với tinh thần lo lắng vì tình trạng bệnh phải điều trị dài ngày. Nhưng sau khi vào viện, chỉ sau một thời gian ngắn điều trị bằng các thiết bị y tế hiện đại, tình trạng bệnh của các ông đã có tiến triển tốt cả về tinh thần, sức khỏe và đã được xuất viện.

Ông Nguyễn Đức Thanh phấn khởi cho biết: "Người nhà định đưa tôi về các bệnh viện Trung ương điều trị nhưng tôi quyết định lựa chọn điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh bởi ở đây giờ cũng đã có nhiều thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao. Sau khi xuất viện, sức khỏe tôi đã ổn định, tinh thần sảng khoái”.  

Gặp anh Hảng A Mang 32 tuổi, dân tộc Mông ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải vừa trải qua phẫu thuật cố định cột sống tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ do tai nạn lao động. Đến nay, bệnh đã có nhiều tiến triển, anh đã vận động được nhẹ nhàng. 

Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, trống trải, anh Mang xúc động nhớ lại: "Trong lúc đi hái táo, không may bị ngã rơi đập lưng xuống nền cứng. Tai nạn làm tôi bị đau nhiều vùng lưng, vận động rất khó khăn, tê bì hai chân, bí đái, được đưa ngay vào Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải cấp cứu. Sau đó, người nhà lập tức chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, các bác sỹ ở đây chẩn đoán chấn thương cột sống có chèn ép tuỷ và khẩn trương tiến hành phẫu thuật định vị cột sống bằng vít qua cuống. Sau 10 ngày, tôi đã tập đi lại. Sau khi phẫu thuật thành công, cán bộ y tế Bệnh viện đã chăm sóc chu đáo, với thái độ tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tôi rất vui vì mình bệnh nặng mà được điều trị khỏi không phải chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Tôi rất hài lòng cách làm việc của cán bộ y tế ở đây”. 

Được biết, phẫu thuật định vị cột sống bằng vít qua cuống là kỹ thuật mới, năm 2018 lần đầu tiên được Bệnh viện thực hiện thành công.

Thực tế cho thấy, việc giao tự chủ tài chính đã tạo động lực không chỉ các cơ sở y tế công tuyến tỉnh mà tuyến huyện phải tự nâng cao chất lượng KCB, cạnh tranh nhau bằng uy tín và thương hiệu, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân mức tối đa. 

Qua đây, người bệnh được lợi nhất khi họ không phải đi lại vất vả, được thụ hưởng các kỹ thuật cao ngay trong tỉnh. 

Điều đáng nói, sự lựa chọn đó làm người bệnh yên tâm, tin tưởng điều trị, không phải chuyển tuyến gây mất nhiều thời gian, chi phí phát sinh... 

Giảm chi ngân sách, cải thiện đời sống cán bộ y tế 

Yên Bái là tỉnh triển khai công tác tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế sớm so với các tỉnh trong khu vực. 

Đến nay, toàn tỉnh có 15 đơn vị giao tự chủ về tài chính. Năm 2018, có 6 đơn vị được giao tự chủ 100% gồm: 2 bệnh viện tuyến tỉnh, 4 trung tâm y tế huyện, thị và thành phố; 3 đơn vị tự chủ trên 90%; 1 đơn vị tự chủ trên 70% và 4 đơn vị từ 35 đến dưới 60%. Phấn đấu đến năm 2020, có 7 đơn vị tự chủ 100% và năm 2025 có 11 đơn vị tự chủ 100%. Nếu thực hiện và duy trì đúng theo lộ trình, mỗi năm sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước vài chục tỷ đồng. 

Cụ thể, năm 2016, ngân sách tỉnh cấp cho ngành y tế là trên 176 tỷ đồng, năm 2017 ngân sách cấp còn 119 tỷ đồng, giảm so với năm 2016 là 57 tỷ đồng; năm 2018 ngân sách cấp trên 50 tỷ đồng, giảm 69 tỷ đồng. 

Nhưng có lẽ, cái hay của cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính với đơn vị sự nghiệp công lập thể hiện hướng đi đúng ở chỗ giúp tăng nguồn thu, bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên. Khi được người bệnh tin tưởng sử dụng các dịch vụ thì tất yếu đời sống của cán bộ, nhân viên y tế cũng sẽ được nâng lên.

Trung tâm Y tế huyện Văn Yên là trung tâm hạng II từ tháng 1/2018 - đây là động lực để toàn thể cán bộ, nhân viên y tế, người lao động và ban lãnh đạo tiếp tục phát huy năng lực chuyên môn trong công tác KCB cho nhân dân. 

Nhiều năm qua, Trung tâm không ngừng nâng cao đến chất lượng dịch vụ KCB để thu hút người bệnh với phương châm "Lấy bệnh nhân làm trung tâm”. Khi tiết kiệm chi phí, trên tinh thần thu đúng, thu đủ giá các dịch vụ y tế, ngoài việc đảm bảo tiền lương, chế độ chính sách thì cán bộ y tế sẽ có thu nhập tăng thêm là tất yếu. 

Bác sỹ Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: "Thực hiện tự chủ tài chính, trong hoạt động chuyên môn cũng như kỹ năng ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế đã có chuyển biến rõ nét. Khi đó, họ sẽ phải chủ động hơn về thời gian, thể hiện và khẳng định được năng lực, khả năng sở trường, loại bỏ tư tưởng trông chờ vào ngân sách Nhà nước cấp như trước. Không chỉ vậy, họ còn phát huy tối đa sự năng động và sáng tạo trong KCB để thu hút nhiều bệnh nhân. Với xu hướng hoạt động như hiện nay, dự kiến từ nay đến hết năm 2018, ngoài việc đảm bảo tiền lương, các chế độ chính sách, Trung tâm phấn đấu thu nhập tăng thêm mỗi cán bộ là 30%”. 

Được biết, nhiều cán bộ y tế của Trung tâm chủ động đề xuất xin đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, bác sỹ Đỗ Thị Hương - Trưởng khoa Cận lâm sàng chia sẻ: "Tôi được Ban Giám đốc quan tâm, tạo điều kiện cử đi học chuyên sâu về nội soi tiêu hóa ở Bệnh viện Bạch Mai, cùng với trang thiết bị hiện đại được đầu tư đã giúp tôi chẩn đoán tốt và phát hiện bệnh sớm để kịp thời xử lý, góp phần giảm bệnh nhân phải chuyển tuyến. Thực hiện tự chủ tài chính, chúng tôi đã chủ động trong công việc, nâng cao trách nhiệm và thu nhập cũng được cải thiện hơn”. 

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ là cơ sở y tế KCB công tuyến tỉnh, khi mới thực hiện tự chủ tài chính thì nhiều khó khăn nhưng đến nay, hoạt động đã cơ bản đi vào nề nếp.

Bác sỹ Đào Thanh Quyết - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: "Khi không còn được Nhà nước bao cấp, Ban Giám đốc đã đưa ra nhiều giải pháp để duy trì hoạt động của Bệnh viện như: đổi mới cơ chế thực hiện chính sách xã hội hóa, đầu tư theo hình thức liên doanh liên kết, nhà đầu tư đầu tư trang thiết bị; tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu… Có như vậy, chúng tôi mới đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế. Năm đầu tiên thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, thu nhập tăng thêm mỗi cán bộ Bệnh viện cao gấp đôi so với năm trước”.

Thực hiện tự chủ tài chính, bước đầu các cơ sở y tế công đã đạt được những kết quả khả quan. Song, để duy trì và phát triển bền vững, các cơ sở y tế công còn phải tiếp tục nỗ lực để thực sự tự đứng được trên đôi chân của mình.  

Trần Minh
Bài 3: Để tự chủ là động lực phát triển

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục