Đổi mới tư duy từ người lãnh đạo

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/11/2018 | 8:13:06 AM

YBĐT - Chuyện lãnh đạo xã, đảng viên trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không còn là chuyện lạ ở Vân Hội. Sự trăn trở, nhiệt huyết một nắng hai sương với đồng đất của chính những người đứng đầu địa phương này đã khích lệ, cổ vũ, mở hướng cho kinh tế hộ ở Vân Hội phát triển đa dạng...

Lãnh đạo xã Vân Hội thăm một mô hình vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.
Lãnh đạo xã Vân Hội thăm một mô hình vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.


Vân Hội - xã nghèo của huyện Trấn Yên trước kia được biết đến với nghề nuôi cá lồng có tiếng. Giờ thì đã có nhiều hơn những nghề, những mô hình kinh tế được nông dân Vân Hội mạnh dạn đầu tư.

Chuyện lãnh đạo xã, đảng viên trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không còn là chuyện lạ ở Vân Hội. Sự trăn trở, nhiệt huyết một nắng hai sương với đồng đất của chính những người đứng đầu địa phương này đã khích lệ, cổ vũ, mở hướng cho kinh tế hộ ở Vân Hội phát triển đa dạng...

Trò chuyện với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trí Thoan  - người mới được huyện luân chuyển về địa phương công tác, anh bảo: "Chuyện làm kinh tế ở Vân Hội, bác Kiên là người nắm kỹ. Bác ấy cũng là một nông dân giỏi”. 

Nói rồi anh niềm nở mời Chủ tịch UBND xã Trần Đình Kiên cùng ngồi chuyện. Bí thư Thoan lấy sổ ghi lại những gì cần cho riêng mình khi nghe tôi và Chủ tịch Kiên trò chuyện. Chủ tịch Kiên là người điềm đạm. 

Chất "nông dân” mộc mạc trong anh khiến khách lạ giao tiếp lần đầu như tôi thiện cảm. Hỏi anh đủ chuyện: chuyện tiềm năng Vân Hội, chuyện nông thôn mới, chuyện những con đường hoa, chuyện sen, chuyện về những mô hình kinh tế hiệu quả… Chẳng cần sổ sách báo cáo, những con số anh đọc vanh vách, nhớ tên từng nông hộ, từng gia trại trồng trọt, chăn nuôi, từng hộ kinh doanh dịch vụ cũ - mới. 

Gợi chuyện làm kinh tế của gia đình như Bí thư Thoan giới thiệu, Chủ tịch Kiên cười hiền, anh bảo: Mình sinh ra từ làng, đúng chất là nông dân, lại được đào tạo bài bản về nông nghiệp, gần cuộc đời đã gắn bó với đồng ruộng nên thực sự đam mê đồng đất và công việc cấy trồng.

 "Tiềm năng đất ở Vân Hội phải nói là được thiên nhiên ưu đãi hơn hẳn nhiều địa phương khác trong vùng. Độ màu, độ ẩm của thổ nhưỡng và khí hậu ở đây rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là phù hợp với cây ăn quả và cây rau màu”. - Chủ tịch Kiên chia sẻ. 

Trăn trở và đam mê, anh đi nhiều, học nhiều, đến những vùng trồng cây ăn quả ở nhiều địa phương, tìm kiếm để đưa về đồng đất Vân Hội những cây, con phù hợp, hiệu quả, mà chính anh là người làm trước, mong mở hướng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. 

Nói được làm được, trên diện tích đất gần 2ha đất ruộng, đất vườn tạp của gia đình, Chủ tịch Kiên trồng thử nghiệm nhiều giống cây ăn quả như táo, ổi lê, cam Đường canh; cải tạo nuôi trồng thủy sản… Mỗi năm, chỉ riêng thu nhập từ cây ăn quả cũng mang về cho gia đình anh nguồn thu trên trăm triệu đồng, giải quyết việc làm trực tiếp cho các con. 

Anh Kiên cho hay, hai năm trước, anh lặn lội vào vùng Thượng Bằng La, Cát Thịnh (Văn Chấn) đặt bà con chiết ghép cho giống cây móc thép, cứ mỗi cành là 30 nghìn đồng. Góp nhặt dần, giờ thì vườn móc thép của gia đình anh đã có vài trăm gốc, vụ đầu ra bói rất khả quan. 

Chủ tịch Kiên khẳng định: "Với lợi thế phát triển dịch vụ du lịch và giao thông kết nối với thành phố Yên Bái và các vùng ngoại tỉnh như ở Vân Hội hiện nay thì nông sản của nông dân làm ra không lo không tiêu thụ được”.

Tư duy năng động, dám nghĩ dám làm, đồng hành với nông dân của người đứng đầu ở Vân Hội khích lệ người dân nhiệt huyết với đồng đất, gợi lên ý chí, khát vọng làm giàu chính đáng, định hướng cho người dân Vân Hội phát triển đa dạng hóa các ngành nghề kinh tế dựa trên lợi thế đặc thù của địa phương. 

Một sự đổi thay không khó để nhận ra, đó là nền kinh tế nông nghiệp thuần túy bao năm ì ạch, manh mún ở Vân Hội, nay đang chuyển dịch từng ngày theo hướng phát triển đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, thương mại; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng, địa phương cung ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng. 

Ví như việc tận dụng lợi thế phát triển mô hình nuôi cá ao theo hướng bán công nghiệp, nay đã tạo thành phong trào nuôi cá thâm canh hiệu quả với tổng sản lượng hàng năm đạt gần 200 tấn, giá trị thu nhập gần 6 tỷ đồng; mô hình nuôi ốc bươu đầm sen của nhóm hộ với 30 gia đình, bước đầu cho giá trị kinh tế cao; mô hình câu lạc bộ nuôi ong lấy mật đã nhân rộng phát triển số lượng đàn ong trên địa bàn lên 1.400 đàn, cho giá trị thu nhập hàng năm trên 2,1 tỷ đồng; mô hình trồng cây ăn quả của các đảng viên thôn Đồng Chão, thôn Minh Phú, thôn Gò Cấm; dù mới là tự phát của các hộ nhưng trên địa bàn xã đã hình thành tổ hợp làm dịch vụ khai thác du lịch sinh thái sen quê, sen Vân Hội; hơn chục hộ chuyên làm dịch vụ khai thác điểm tắm Ao xanh, hoạt động tham quan đầm sen, các dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch...

Đây được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Vân Hội, tác động chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng giảm mạnh tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Hiện trên địa bàn xã có 3 xưởng sản xuất gạch không nung và 4 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng. Năm 2017, đã thành lập được Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ. Đến nay, tỷ lệ lao động tham gia trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở Vân Hội đã chiếm hơn 30% lao động địa phương.  



Người dân Vân Hội nêu cao ý thức chăm chút, làm đẹp cho nhà mình và tuyến đường chính của xã. 

Ấn tượng về một xã nghèo của huyện Trấn Yên, sản xuất nông nghiệp manh mún, thu nhập của người dân thấp so với mức trung bình của tỉnh... đã lùi xa. Ấy là chuyện của Vân Hội khi khởi điểm bắt tay xây dựng nông thôn mới. 

Không phải là địa phương được tỉnh, huyện chọn làm xã điểm thực hiện chương trình này, thế nhưng cuối năm 2017, Vân Hội đã sớm cán đích đạt chuẩn xã nông thôn mới của huyện Trấn Yên. Nguồn lực trên 6,1 tỷ đồng trong tổng số hơn 40 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới được huy động từ nội lực trong dân - đó là tinh thần trách nhiệm; là sự đồng lòng xây dựng quê hương của mỗi người dân Vân Hội. 

Đặc biệt, nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách phát triển hệ thống giao thông kết nối kinh tế địa phương với kinh tế vùng và khu vực từ chủ trương đúng đắn của tỉnh đã mở ra cơ hội đổi đời cho người dân, đưa Vân Hội từ một địa phương thuần túy nông nghiệp trở thành xã có kinh tế phát triển với những tiềm năng về du lịch, dịch vụ bước đầu được khai thác hiệu quả. Kinh tế Vân Hội đang khởi sắc, thu nhập bình quân của người dân hiện đạt 30 triệu đồng/năm.

 Đó là thành quả của nông thôn mới, thành quả của tư duy dám nghĩ dám làm của người dân, trong đó có sự định hướng đúng đắn, có sự gần dân, sát dân của đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương.

Đi trên những con đường hoa ở Vân Hội, có những ngôi nhà mới xây đẹp như cổ tích. Biết thêm, mô hình "nhà sạch, vườn đẹp” ở Vân Hội mới phát động hôm nào chỉ có 5 hộ ở Đồng Chão, Cây Si, Gò Cấm thực hiện, giờ đã có trên 30 hộ đăng ký làm và được triển khai nhân rộng ra toàn xã. "Phải là từ ý thức tự giác của dân” - Chủ tịch Trần Đình Kiên khẳng định thế. 

Không vậy mà hơn 8.000 m2 đất lại được chính những người dân vui vẻ tự nguyện hiến tặng địa phương xây dựng nông thôn mới. Sự bứt phá của Vân Hội, cho phép ta kỳ vọng vào một tương lai gần, mảnh đất ẩn chứa nhiều huyền tích, mà theo tên gọi cổ xưa có nghĩa là nơi "mây trời hội tụ” này sẽ ngày một phồn thịnh. 

Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục