Bà Hoàng Thị Ngư hết lòng với việc chung

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/11/2018 | 8:09:36 AM

YBĐT - Bà Hoàng Thị Ngư - Bí thư Chi bộ thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình được bà con trong thôn kính trọng vì bà là người luôn khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực xây dựng nông thôn mới.

Bà Hoàng Thị Ngư nêu phương án sửa chữa nhà văn hóa thôn đã xuống cấp.
Bà Hoàng Thị Ngư nêu phương án sửa chữa nhà văn hóa thôn đã xuống cấp.

Trong căn nhà khang trang 2 tầng kiên cố, bà Hoàng Thị Ngư kể về cuộc đời cũng như mối lương duyên của mình với thôn Phạ 3. Sinh ra và lớn lên ở thôn Làng Lạnh, xã Cảm Nhân, nhà đông anh em, cuộc sống khó khăn. Năm 20 tuổi bà về làm dâu ở thôn Phạ 3. 

Khi ấy, ra ở riêng, vợ chồng bà chẳng có gì ngoài vài sào ruộng. Dù công việc ruộng nương vất vả, nhưng lúc đó bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động của thôn. Từ sự tích cực ấy, những năm chín mươi của thế kỷ trước, bà được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn và sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cảm Nhân. 

Không chỉ tích cực công tác xã hội, bà còn cùng gia đình đẩy mạnh phát triển kinh tế từ trồng rừng, chăn nuôi lợn, gà. Từ lấy ngắn nuôi dài, khi có vốn mua xe tải, bà cùng với một số hộ trong thôn kinh doanh vật liệu xây dựng và mở cửa hàng tạp hóa. 

Biết tính toán nên kinh tế gia đình bà dần dần khấm khá. Có điều kiện về kinh tế và kiến thức làm ăn, bà thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ trong thôn. Từ uy tín, sự nhiệt tình với công việc thôn xóm, bà được đảng viên trong thôn tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. 

Kể từ đó đến nay, gần 20 năm gắn bó với công tác địa phương, bà luôn tôn trọng tập thể, mọi việc đều được thống nhất với trưởng thôn, các tổ chức, đoàn thể và ý kiến người dân; do đó, mọi công việc của thôn đều được tiến hành thuận lợi. 

- Bà sắp xếp công việc gia đình thế nào để vừa đảm bảo việc nhà lại vừa làm tốt công tác xã hội? - Tôi hỏi.

- Phải bố trí việc nhà, việc của thôn xóm thật hợp lý thì mới hoàn thành được nhiệm vụ - bà Ngư cho hay.

Cụ thể, đối với công tác Chi bộ, bà Ngư thường lồng ghép việc quán triệt, triển khai các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự... vào các buổi họp thôn, sinh hoạt Chi bộ để tất cả mọi việc, mọi người đều được bàn bạc, thống nhất. 

Đặc biệt, là bàn bạc về các giải pháp đưa chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng vào đời sống thực tế ở cơ sở như thế nào thật hiệu quả để nâng cao đời sống nhân dân. Minh chứng cho công tác lãnh đạo của mình, bà Ngư đưa chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất ván bóc của anh Lương Văn Công. 

"Đây là một trong 3 mô hình sản xuất ván bóc của thôn được cụ thể hóa nhờ vào nghị quyết về phát triển kinh tế của Đảng bộ xã. Cụ thể là, thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên phải có trách nhiệm vận động gia đình, con, cháu, dòng họ tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, mở mang ngành nghề, dịch vụ để làm giàu chính đáng” - bà Ngư cho biết.

Xưởng ván bóc của gia đình anh Công rộng khoảng 500 m2 với cả chục công nhân đang khẩn trương xếp gỗ, đưa gỗ vào máy bóc, đón ván, phơi ván... 

Anh Công cho hay: "Những ngày nắng, chúng tôi phải tranh thủ làm để xuất hàng đi Phú Thọ. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu của đơn hàng nên lúc nào công việc cũng phải khẩn trương. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập cũng ổn định và tạo được việc làm cho 12 lao động với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trước đây, tôi cũng làm đủ nghề, nhưng cũng không nghề nào bền cả. Được các bác trong Chi bộ động viên, phân tích, gia đình tôi tranh thủ nguồn gỗ rừng trồng khá nhiều tại địa phương để lựa chọn mô hình sản xuất ván bóc”.



Xưởng chế biến ván bóc của anh Lương Văn Công, thôn Phạ 3 giải quyết nhiều việc làm, thu nhập cho nhiều lao động trong thôn.

Mô hình sản xuất ván bóc của anh Công làm ăn hiệu quả, là động lực để có thêm 2 hộ liên kết phát triển kinh tế theo mô hình này. Cùng với mô hình sản xuất ván bóc, nhiều đảng viên đã vận động gia đình, con, cháu tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có để phát triển kinh tế như: mở 2 xưởng ép gạch bê tông cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm và mở 3 xưởng chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm/xưởng. Trong thôn còn có 17 máy cày bừa và 3 máy xay xát, 5 xe ô tô vận tải giải quyết được việc làm cho trên 70 lao động... 

Không chỉ đối với những gia đình có điều kiện kinh tế, nhiều hộ nghèo ở thôn Phạ 3 cũng được quan tâm mở hướng làm ăn như gia đình chị Hoàng Thị Thắm và anh Nguyễn Văn Viên là những hộ khó khăn nhất thôn 5 năm về trước. 

Cách làm của bà Ngư là thống nhất trong Chi bộ quyết định giúp họ làm kinh tế bằng cho vay vốn từ quỹ thôn rồi bày cách làm ăn bằng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cấy... nên đến nay đời sống đã được cải thiện.   

Đi thăm đồng ruộng thôn Phạ 3, trên những thửa ruộng người dân đang tập trung chăm sóc cây vụ đông. Chỉ vào những vòng tròn bê tông tựa như tang giếng, bà Ngư giải thích: đây là những chiếc cống bi mới được xây để người dân thu gom rác thải trên đồng ruộng, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 

Để thực hiện Phong trào "Chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp”, Chi bộ và các tổ chức, đoàn thể của thôn đã nghị quyết về thực hiện Phong trào này tới từng đảng viên. 

Từ đó, mỗi đảng viên gương mẫu trong giữ gìn vệ sinh môi trường, ủng hộ tiền, vật liệu, ngày công để xây bể chứa rác thải nông nghiệp; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bảo vệ môi trường canh tác. Do đó, thôn Phạ 3 không còn hiện tượng vỏ thuốc bảo vệ thực vật la liệt như trước. 

Qua câu chuyện với Bí thư Chi bộ thôn Phạ 3, chúng tôi được biết thêm, quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Chi bộ thôn Phạ 3 đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ. 

Do đó, bà con trong thôn tích cực bảo tồn những giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống các dân tộc địa phương; đóng góp tiền xây dựng 2 sân bóng chuyền hơi thu hút đông đảo mọi người tham gia. 

Từ đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt; trên 94% hộ trong thôn đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. 

Nhận xét về Chi bộ thôn Phạ 3 và nữ Bí thư Chi bộ nhiệt tình, Bí thư Đảng ủy xã Cảm Nhân Ma Văn Mạnh đánh giá: "Chi bộ thôn Phạ 3 là một chi bộ tiêu biểu của xã về mọi phong trào, nhất là phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đồng chí Hoàng Thị Ngư là một bí thư chi bộ luôn tận tụy với công việc. Vì vậy, từ năm 2015 - 2017 Chi bộ luôn được Đảng bộ xã công nhận Chi bộ trong sạch, vững mạnh; đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ  được giao".

Chia tay thôn Phạ 3, tôi thầm nghĩ, Chi bộ mạnh lại có người đầu tàu nhiệt tình, gương mẫu, chắc chắn thôn Phạ 3 sẽ ngày một phát triển.

 Minh Huyền

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục