Bí thư của thôn Bản Vệ

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/12/2018 | 10:45:02 AM

YBĐT - Gần 20 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Đồng Văn Đức đã đưa Bản Vệ từ một thôn có nhiều hộ nghèo nhất xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đến nay có nhiều hộ khá, giàu; con em được đến trường đúng độ tuổi; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững...

Ông Đồng Văn Đức (bên phải) cùng Trưởng thôn Bản Vệ bàn bạc công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc.
Ông Đồng Văn Đức (bên phải) cùng Trưởng thôn Bản Vệ bàn bạc công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc.

Chúng tôi đến thôn Bản Vệ vào một ngày đầu đông. Con đường bê tông chạy dài thẳng tắp giữa cánh đồng ngô đang trổ bắp - một hình ảnh khá đẹp và ấn tượng. Được biết, vụ đông này, thôn Bản Vệ trồng trên 12,5 ha cây vụ đông; trong đó, cây ngô gần 10 ha; rau màu gần 3 ha với các giống: súp lơ xanh, cà chua, khoai lang… đang sinh trưởng, phát triển tốt và không bị sâu bệnh hại. 

Thời điểm này, người dân rất tích cực thăm đồng phát hiện sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời và thu hoạch các cây rau màu ngắn ngày. Đến nay, vụ đông đã trở thành vụ chính của người dân Bản Vệ. Tôi lại cùng với Bí thư Chi bộ Đồng Văn Đức đến nhà văn hóa thôn cùng nhân dân chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc. 

Vừa trang trí phông bạt với bà con, ông Đức vừa tâm sự: "Thôn Bản Vệ có 84 hộ dân với 337 nhân khẩu. Nhiều năm liên tục, thôn luôn duy trì, giữ vững thôn văn hóa cấp thị xã và có 95% hộ gia đình văn hóa”. Hiện nay, thôn đang đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”; tuyên truyền, vận động người dân đưa cây giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường xóm thôn và đồng ruộng. 

Qua đó, đời sống vật chất của nhân dân từng bước được nâng lên; văn hóa - xã hội có nhiều đổi mới; 100% trẻ ở độ tuổi ra lớp được đến trường, không có tình trạng học sinh bỏ học; nhân dân luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kết quả đó, có phần đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ thôn Bản Vệ - Đồng Văn Đức.

Để thực hiện có hiệu quả các phong trào phát triển kinh tế, xã hội của thôn, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Đồng Văn Đức, Chi bộ thôn đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác trên đất ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chú trọng vệ sinh môi trường, xây dựng các đoạn đường tự quản về an ninh trật tự... 

Cùng đó, Chi bộ đã tổ chức quán triệt, phân công từng đảng viên phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tích cực vận động người dân chủ động trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Đức còn dành thời gian đến từng hộ vận động đảng viên, người có uy tín trong thôn đi đầu thực hiện trước. Ông còn chủ động tham mưu với Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế phù hợp với lợi thế của địa phương; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất… 

Ngay năm đầu tiên, năng suất lúa ở thôn Bản Vệ đã đạt 12,6 tấn/ha; 100% diện tích được gieo cấy hết đảm bảo đúng khung thời vụ, tập trung chuyển dịch cơ cấu giống lúa năng suất sang giống lúa chất lượng cao.

Bên cạnh cây lương thực chính, hàng năm thôn Bản Vệ còn trồng mới 12 ha ngô đông và 2 ha rau màu. Thêm lần nữa, ông Đức lại đăng ký với Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ mở lớp tập huấn trồng rau sạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học giúp bà con nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng uy tín trên thị trường. 

Bí thư Đức tâm sự: "Nhờ áp dụng triển khai hiệu quả vào sản xuất, giá trị 1 ha canh tác của thôn đã đạt 115 triệu đồng. Mỗi năm thay đổi một chút, người dân dễ áp dụng và kết quả thu được dễ nhận ra hơn”. 

Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, ông Đức còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập 2 tổ tiết kiệm vay trên 1 tỷ đồng vốn phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu như anh Đồng Văn Xưởng -người tiên phong chuyển đổi đất ruộng sang trồng rau màu kết hợp chăn nuôi cho thu nhập cao. 



Nhờ phát huy vai trò của đảng viên, xã Nghĩa An trở thành địa phương dẫn đầu vùng Mường Lò trong sản xuất vụ đông.

Anh Lò Văn Giai đầu tư chăn nuôi trên 30 con lợn thịt/lứa kết hợp kinh doanh lương thực, làm dịch vụ xay xát cho thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Anh Hoàng Minh Bắc trồng cà chua với diện tích trên 4.000 m2, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ vừa không mất nhiều công chăm sóc lại đạt hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, giúp cho anh có thu nhập ổn định… 

"Ông Đức là người nhiệt huyết, trách nhiệm cao. Khi gia đình tôi còn khó khăn, ông luôn tận tình giúp đỡ và hướng dẫn cách làm ăn cũng như tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Không chỉ tôi, mà người dân trong thôn đều quý trọng và luôn biết ơn ông” - anh Đồng Văn Xưởng chia sẻ. 

Từ một thôn nghèo nhất xã Nghĩa An, giờ đây, thôn Bản Vệ chỉ còn 8 hộ nghèo; số hộ có nhà kiên cố chiếm hơn 80%; gần 100% tuyến đường liên thôn được bê tông hóa; con em trong thôn được đến trường đúng độ tuổi; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, thôn Bản Vệ cũng là thôn duy nhất từ trước đến nay không có đối tượng nghiện ma túy. 

Ông Đức phấn khởi: "Tuy chưa phải là thôn giàu, hộ nghèo vẫn còn, nhưng so với trước đây thôn Bản Vệ đã thay đổi, tiến bộ hơn nhiều. Quan trọng hơn, thôn đã biết tận dụng nội lực vốn có, đoàn kết các dân tộc, thay đổi cách nghĩ cách làm, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Đây chính là tiền đề vững chắc để người dân trong thôn vươn lên làm giàu bền vững”. 

Kinh tế phát triển, phong trào văn hóa, văn nghệ cũng được quan tâm, tạo điều kiện để nhân dân tham gia. Hiện, thôn đã xây dựng được đội văn nghệ với 15 thành viên và vào dịp lễ tết, ngày hội đều biểu diễn phục vụ đời sống tinh thần của người dân; phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh.  

Đánh giá về ông Đồng Văn Đức, bà Hoàng Thị Phượng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết: "Thôn Bản Vệ là một trong hai mô hình tổ chức Đảng tiên tiến của xã trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Đồng chí Đồng Văn Đức là Bí thư tận tâm, có trách nhiệm trong mọi công việc được giao. Gần 20 năm làm bí thư chi bộ, đồng chí Đức luôn giành được sự tín nhiệm của bà con trong thôn”. 

Với những đóng góp của mình, 3 năm liên tục từ 2012 - 2014, Bí thư Đồng Văn Đức được Đảng bộ xã Nghĩa An công nhận bí thư chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Thị ủy Nghĩa Lộ tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu 4 năm liên tục thực hiện học tập và làm theo tấm, gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2011, 2016 và 2017, ông được UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc và bí thư chi bộ thôn tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng của tỉnh... Tuy nhiên, với ông Đức, niềm vui lớn nhất chính là được nhân dân tin tưởng, quý trọng, cùng chung tay xây dựng thôn Bản Vệ ngày càng giàu đẹp. 

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục