Một ngày trực ở Khoa Sản

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/12/2018 | 8:09:47 AM

YBĐT - Áp lực công việc. Những tình huống bất ngờ. Tính mạng bệnh nhân "ngàn cân treo sợi tóc” có thể xảy đến bất cứ lúc nào… là những gì mà các bác sỹ, điều dưỡng tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái luôn phải đối mặt.

Bác sỹ Tòng Thị Biên kiểm tra vết mổ của bệnh nhân hậu phẫu.
Bác sỹ Tòng Thị Biên kiểm tra vết mổ của bệnh nhân hậu phẫu.

Nhắc đến Khoa Sản là nhắc tới những bệnh nhân "đặc thù” trong xã hội. Ở đây, bệnh nhân chủ yếu liên quan đến phụ nữ, họ là sản phụ, là nữ giới phải phẫu thuật, thủ thuật, bệnh nhi sau sinh… 

7h sáng một ngày Chủ nhật. Nơi làm việc của Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái vẫn diễn ra như chưa từng biết ngoài kia đang bước sang bình minh của ngày nghỉ cuối tuần. Bác sỹ Tòng Thị Biên, 28 tuổi, người có hơn 3 năm công tác tại Khoa, cùng điều dưỡng Phan Vũ Hồng Dịu, 36 tuổi đời, 11 năm tuổi nghề chia nhau nhiệm vụ thường trực tại Khoa. Biên là cô gái trẻ, mới lập gia đình nên con còn nhỏ nhưng những trải nghiệm tại nơi làm việc đặc biệt này đã giúp cô có thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề và kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân. 

Biên chia sẻ: "Công việc của em luôn luôn bận rộn, quanh năm ngày tháng đồng hành với hạnh phúc của người mẹ sinh con và cả những xót xa, những niềm đau ám ảnh khôn nguôi về những ca chuyển dạ khó rồi bất ổn xảy đến”. 

Vừa nói chuyện, Biên vừa thăm khám cho một sản phụ mới nhập viện với dấu hiệu chuyển dạ. Cô căn dặn bệnh nhân, người nhà những đồ dùng cần thiết rồi cắm cúi ghi chép vào hồ sơ bệnh án. 

"Làm nghề này, cũng có những niềm vui chị ạ! Vui nhất là khi được ôm vào lòng những em bé chào đời khỏe mạnh, vừa lọt lòng đã òa khóc to. Chứng kiến niềm vui của sản phụ và người nhà lòng mình cũng rộn ràng, hạnh phúc. Song cũng lại có cả những nỗi buồn, xót xa trước những ca khó sinh, sức khỏe sản phụ và em bé đều yếu. Những lúc đó, bọn em dường như cuốn mình vào từng diễn biến, từng giây phút hiếm hoi để cứu chữa. Rồi không ít lần bị người nhà bệnh nhân gây chuyện, mắng mỏ… Với một bác sỹ, một ngày làm việc là chịu trách nhiệm các khâu từ thăm khám, chẩn đoán, chỉ định ra y lệnh… Công việc thực sự rất áp lực, đòi hỏi sự tập trung cao độ và cả một sức khỏe tốt. Vậy nên chỉ khi nào kết thúc ngày làm việc, ca trực không có một diễn biến y khoa nào thì coi như mới thở phào nhẹ nhõm” - Biên thẳng thắn chia sẻ.

Trong cuốn nhật ký theo dõi bệnh nhân của Khoa hôm ấy có 25 bệnh nhân/ 35 giường bệnh và 9 trẻ sau sinh đang được chăm sóc theo dõi. Công việc của Biên và Dịu dường như không ngơi phút nào. Vừa đấy mà đã chẳng nhìn thấy họ. Hỏi ra mới biết, Biên đã di chuyển sang Khoa Nhi để tiếp tục chăm sóc cho 47 bệnh nhi. 

Hôm ấy Biên trực khám, điều trị, theo dõi cả 2 khoa Sản và Nhi - như vậy Biên đảm nhiệm đồng hành với 81 bệnh nhân trong một ngày trực, chưa kể tham gia mổ sản cùng bác sỹ Trưởng Khoa Sản.

Trong phòng hậu phẫu, điều dưỡng Dịu nhỏ thó, đầu đội mũ, tóc tóm gọn gàng sau gáy. Dịu di chuyển nhanh nhẹn giữa các giường để tiêm kháng sinh cho các sản phụ, rồi thay băng, vệ sinh vết mổ, theo dõi những lọ truyền sắp phải thay thế. 

Dịu bảo: "Một ca trực mà 2 hay 3 sản phụ khó sinh cùng được chuyển đến quả thực là áp lực với các bác sỹ và điều dưỡng, nhưng vẫn phải ngay lập tức xử trí thật nhanh để cứu tính mạng của sản phụ và bệnh nhi. Sơ suất, chậm trễ tính bằng phút có thể cướp đi hai sinh mạng cùng một lúc. Có những lúc đang cấp cứu cho một sản phụ bị băng huyết thì góc phòng đằng kia máy báo chỉ số sinh tồn của trẻ khác đang gặp nguy hiểm. Các điều dưỡng phải phối hợp với nhau thật nhanh, đồng thời báo cho bác sỹ biết để xử lý tình huống nguy cấp”.

Nói chuyện với tôi như thế, nhưng trên môi Dịu vẫn luôn thường trực nụ cười, cô vừa phải hướng dẫn sản phụ mới nhập viện các thủ tục và lấy máu xét nghiệm, sinh thiết. Sau đó nhanh chóng chuẩn bị công đoạn tắm cho trẻ. 

"Ở đây, ngoài việc thực hiện y lệnh của bác sỹ dành cho bệnh nhân, điều dưỡng còn như người nhà, lo cho các bé từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống. Có trường hợp bệnh nhân neo người, điều dưỡng còn phải kiêm luôn việc trông trẻ giúp bệnh nhân. Trong khoảng thời gian 8 tiếng chỉ ở trong căn phòng nhỏ với bệnh nhi nhiều lúc không tránh khỏi căng thẳng, mệt mỏi. Có lúc bọn em cũng bị cảm giác mệt mỏi, chán nản xâm chiếm nhưng chỉ là thoáng qua, rồi ánh mắt trẻ thơ, giọng nói nũng nịu, tiếng khóc xé lòng và hơn cả là những cơn đau thắt người của bọn trẻ khiến mình phải gạt bỏ muộn phiền để tiếp tục công việc. Yêu thương vì thế cũng nhiều lên theo tháng năm gắn bó với nghề chị ạ!", Dịu tâm sự.

Dịu cho biết, cả Khoa có 5 bác sỹ (2 bác sỹ đang đi học) và 6 điều dưỡng nữ nhưng chỉ có 1 bác sỹ nam nên công việc của các nữ bác sỹ và điều dưỡng khá vất vả. Có những người, con còn nhỏ phải gửi về quê cho ông bà chăm để toàn tâm toàn ý với công việc. Có người, mải cấp cứu cho bệnh nhân quay ra mới biết, ở nhà cả chồng và con đều bị sốt cao mà không có người chăm sóc, đành phải ngậm ngùi gọi taxi đưa tới bệnh viện để tiện chăm sóc. Bên cạnh đó, thu nhập của nghề y không cao nên việc thuê người giúp việc trông con cũng là khó khăn với nhiều chị em. Họ giấu nỗi nhớ con, dành tình yêu thương ấy vào những sản phụ và những sinh linh mới chào đời mang trong mình bạo bệnh với tâm niệm cứu giúp một bệnh nhi sẽ tạo phúc cho cuộc đời. 

Nhìn Biên, Dịu tất bật trong lặng lẽ, lúc thoảng cười, lúc âu lo. Công việc là chuỗi áp lực triền miên lên những người phụ nữ nhỏ bé. Khác với các khoa khác, Khoa Sản là nơi điều trị cho những ca sinh nở liên quan đến tính mạng của hai con người. Với những ca sinh mổ hay những ca tai biến khi sản phụ chuyển dạ là lúc bác sỹ, điều dưỡng nơi đây phải dồn tâm - trí - lực chiến đấu, can trường cùng sản phụ vượt qua cuộc đại phẫu. 

Đối với họ, khi ấy là một sự quyết tâm chiến đấu giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Để hiểu hơn về công việc của Biên, của Dịu tôi tới thăm một vài bệnh nhân, đó là những sản phụ sau sinh còn yếu, là những bệnh nhân mê man, thiêm thiếp vì vừa vượt qua cuộc đại phẫu vét hạch u K hay cắt bỏ u xơ, rồi những sinh linh nhỏ xíu, đỏ hỏn vừa lọt lòng đang điều trị đường hô hấp... 

Nhìn những thân hình nhỏ bé với dây truyền dịch, hệ thống máy thở, các thiết bị chằng chịt mà thấy âu lo đến nghẹt thở cũng để hiểu, ở nơi này, bất kể lúc nào cũng có thể phải đối diện với những bất ổn, tình huống xấu nhất phải giành giật sinh tử. Và như thế, đồng nghĩa là các bác sỹ, điều dưỡng ở đây luôn phải căng mình. Chẳng thế mà công việc của họ không ngừng nghỉ suốt từ sáng đến quá Ngọ mới tranh thủ dùng vội bữa trưa nguội lạnh không biết gọi căng tin mang đến từ khi nào. Chưa được 10 phút lại bắt tay vào việc… 

Tận đến cuối ngày, khi trở về từ Khoa Nhi, trong câu chuyện với tôi, có những thời khắc Biên nghẹn ngào khi nói về sự hy sinh và vất vả của chính cô và đồng nghiệp. Bởi hơn ai hết là những bác sỹ làm việc tại Bệnh viện này Biên thấm thía những cực nhọc của hàng trăm đêm trực, hàng nghìn những phận đời mong manh trước sự sống và cái chết. Cũng như cô và những đồng nghiệp chỉ mong mọi người trong xã hội hãy sẻ chia, cảm thông, thấu hiểu rằng bác sỹ cũng là con người, họ cũng có trái tim, khối óc, cũng vui tươi, cũng mệt mỏi và trong sâu thẳm họ là người làm nghề cứu người, mang hạnh phúc đến với mọi người. 

"Trong những trường hợp mổ cấp cứu sản, có trường hợp mổ sinh mà sản phụ thiếu máu, không còn cách nào khác bác sỹ, điều dưỡng ở Khoa còn phải truyền tiếp máu giúp sản phụ vượt qua cơn nguy kịch. Trong đó phải kể đến bác sỹ Vượng - Trưởng khoa, điều dưỡng Huyền đã dùng máu của mình để cứu sản phụ” - Biên cho biết.

Tạm biệt Biên và Dịu khi thành phố lên đèn. Đêm nay ca trực của họ lại bắt đầu bận rộn khi quyển sổ nhật ký vừa mở ra ghi thêm 2 sản phụ nhập viện, có nghĩa là đêm nay trong ánh đèn Khoa Sản ấy, họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng 2 gia đình đón nhận thêm thành viên mới. Niềm vui nơi đây lại nhân lên ngàn lần - tôi tin thế vì họ đã là những "thiên thần” trong tôi từ rất lâu rồi!

Thanh Thủy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục