Khác biệt tạo thành công

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/12/2018 | 1:48:13 PM

YBĐT - Nếu chỉ nhìn bề ngoài thật không ai nghĩ Luân đang là ông chủ của trang trại này bởi một dáng vẻ non nớt, trắng trẻo, chả khác "công tử” nhà giàu là mấy.

Nguyễn Thành Luân (đứng giữa) nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII - năm 2017.
Nguyễn Thành Luân (đứng giữa) nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII - năm 2017.

Nguyễn Thành Luân ở thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn - chàng trai 9X làm kinh tế với một tư duy khác biệt, dám mạo hiểm nhưng lại không hề "liều”. Bằng chứng rằng, tư duy ấy vẫn luôn đi theo Luân trong suốt quá trình từ lúc bắt đầu khởi nghiệp cho đến khi trở thành triệu phú trẻ với mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Tôi gặp Luân khi em đang bộn bề với công việc ở trang trại mới. Đó là một khu vực đồi rừng riêng biệt, cách xa khu dân cư, rộng chừng 4 ha mà em mới đầu tư trị giá 300 triệu đồng. 

Luân chỉ tay giới thiệu: "Quả đồi kia em trồng cam, bưởi, hồng xiêm; quả đồi này em đang phát cỏ để trồng cây gáo vàng; chỗ này em mới thuê máy múc san bằng nên bằng phẳng đã xây dựng được 3 chuồng nuôi gà kiên cố, trên mái có hệ thống phun sương làm mát, mỗi chuồng nuôi được tối đa 1.000 con còn có cả máng uống nước tự động và sân chơi cho gà nữa. Tới đây, em sẽ quy hoạch thêm vài chuồng nuôi thử đà điểu nữa xem sao”. 

Luân say sưa kể chuyện, đôi mắt biết cười khi nói về tương lai thỉnh thoảng lại híp chặt. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thật không ai nghĩ Luân đang là ông chủ của trang trại này bởi một dáng vẻ non nớt, trắng trẻo, chả khác "công tử” nhà giàu là mấy. 

Như hiểu suy nghĩ của tôi, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Tâm, anh Nguyễn Thành Hưng nói: "Trông cậu ấy thế thôi, nhưng tóc đã ngả bạc rồi đấy. Những điều em ấy đã trải qua và trăn trở là không hề đơn giản đâu. Đây cũng là đoàn viên chăm chỉ nhất xã tôi đấy! Hiếm có thanh niên nào cần cù, chịu khó lại giỏi như Luân!”. Quả thực, không thể nhìn mặt mà bắt hình dong. Luân là một nông dân chính hiệu.

Từ lúc 14 tuổi, Luân đã theo bố mẹ cuốc hố, trồng và chăm sóc cam. Hơn chục gốc cam sành được chính tay em vun trồng, chăm sóc đã trở thành nguồn vốn nhỏ ban đầu khi em 18 tuổi. 18 tuổi đối với thế hệ 9X - cái tuổi nửa trẻ con, nửa trưởng thành, Luân đã bắt đầu tự lập, bươn trải xã hội. 

Phải nói thêm rằng, kinh tế gia đình nhà Luân thuộc hàng khá trong vùng nên không phải vì khó khăn mà em không thể tiếp tục đi học. Thậm chí, bố mẹ luôn động viên, hướng em theo sự học để kiếm lấy một công việc ổn định, không phải chân lấm tay bùn như họ, nhưng Luân vẫn nhất quyết theo nghề nông. 

Tôi thắc mắc: "Dù em có muốn gắn bó với nghề nông, em có thể theo học các trường về nông - lâm nghiệp, ít nhiều cũng có thể phục vụ công việc sau này. Tại sao em cứ nhất quyết chọn con đường tự bươn trải đầy chông gai trong khi em có điều kiện để đi con đường tốt hơn?". Luân cười: "Không biết chị là người thứ bao nhiêu hỏi em câu đó rồi đấy! Em chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, em thích và em thấy mình hợp với việc ấy thôi!". 

Chỉ một từ "thích" mà dù đồng vốn ít ỏi, Luân vẫn tự mình lập nghiệp, bắt đầu bằng việc buôn hoa mẫu đơn - một nghề tưởng chừng như không hợp với đàn ông là mấy. Em tìm vào sâu trong các thôn mua lại những cây mẫu đơn rồi về giâm cành, sau đó bán lại cho thương lái và các nhà vườn khắp mạn Phù Yên, Sơn La. 

Rồi em lại mua chim họa mi, chim khướu về ghép đẻ, bán giống. Thành công có mà thất bại cũng có, nhưng chưa bao giờ Luân nản chí với quyết định làm nông dân của mình. Cứ cần cù như thế cho đến khi lấy vợ, Luân đã có trong tay 50 triệu đồng - đó là năm 2014 khi em 22 tuổi. 

50 triệu đồng ở thời điểm ấy, với độ tuổi ấy không phải là nhỏ, song không hiếm người có. Cái hiếm là ở chỗ em tự mình làm ra bằng sức lao động, không phụ thuộc vào cha mẹ. 50 triệu ấy, Luân cùng vợ bàn bạc, lựa chọn hướng đi mới, bởi theo Luân, công việc cũ phải đi nhiều, không có thời gian ở bên chăm sóc gia đình nhỏ. Quả thực, ẩn sau dáng vẻ non nớt kia là người đàn ông chín chắn, trưởng thành, khác hẳn vẻ bề ngoài.



Từ hai bàn tay trắng, Nguyễn Thành Luân đã tạo dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp với thu nhập hiện tại trên 300 triệu đồng/năm.

Bằng kinh nghiệm sau những chuyến đi trước kia, vợ chồng Luân quyết định chọn chăn nuôi gà để phát triển kinh tế. 

Theo Luân, nuôi gà không quá khó bởi em đã có kinh nghiệm khi phụ giúp bố mẹ, đầu ra cũng rộng và quan trọng là không chịu nhiều biến động thị trường. Ban đầu, Luân nuôi thử 100 con gà giống ri lai. Không gặp trở ngại về kỹ thuật hay dịch bệnh, 100 con gà được xuất bán sau chưa đầy 4 tháng. 

Luân hí hửng chở một lồng gà đi bán rồi đến trưa lại thất thểu chở về. Tất cả những tính toán ban đầu bị ngưng lại, cạnh tranh thị trường không dễ dàng như em tưởng tượng. 

Luân ngẫm lại, tìm ra mọi lý do có thể khiến mình thất bại, bao gồm: chất lượng, đầu ra, tâm lý thị hiếu khách hàng... Tìm ra được những lý do ấy, Luân lên kế hoạch chi tiết cho lần chăn nuôi tiếp theo và lần này quy mô được nâng lên 400 con. 

Để giải quyết vấn đề, Luân cất công đi mời chào bán sản phẩm tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn huyện. Thậm chí em còn đến tận nhà các gia đình có đám cưới để giới thiệu sản phẩm, chấp nhập giá thấp hơn chút để lấy được mối hàng. 

Cùng với đó, Luân chủ động làm tốt khâu phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên chăn thả để gà hoạt động, 2 tháng cuối cùng cho gà ăn thức ăn xanh như: thân chuối, ngô... Và rồi, những đơn hàng tăng dần đều đặn đã đền đáp xứng đáng công sức lao động của Luân. 

Thừa thắng xông lên, Luân liên tục nhân đàn, 700 rồi 1.000, 3.000 và hiện tại là 6.000 con chỉ trong gần 2 năm. Có thêm vốn, Luân lại mở rộng đất, nuôi thêm cá, ba ba, trồng thanh long. 100 trụ thanh long được quy hoạch thành 1 khu, cứ mỗi mùa thu hoạch lại đỏ rực cả một góc trời. Ngần ấy công việc chỉ mình 2 vợ chồng em làm, đủ để thấy sự chăm chỉ, chịu khó của đôi vợ chồng trẻ. Năm 2016, tổng thu nhập của gia đình Luân đạt 300 triệu đồng/năm. 

Không chỉ dừng lại ở đó, chàng trai ấy đang tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cấp thành một khu trang trại vườn - rừng - chăn nuôi tổng hợp. Nhiều người ủng hộ quyết định này, cũng có không ít người phản đối. Người ta bảo rằng, thu nhập tốt vậy rồi thì cứ thế mà làm mà ăn, sao cứ phải đầu tư thêm để rồi mạo hiểm, rủi ro, nhưng Luân vẫn kiên quyết làm đến cùng. 

Luân bày tỏ: "Ở nông thôn muốn làm giàu thì chỉ có thể làm thật lớn. Mở trang trại là một chuyện hoàn toàn khác so với việc nuôi truyền thống. Khi làm trang trại tức là các sản phẩm làm ra với số lượng lớn, mình không chỉ là một người nông dân mà còn là một nhà kinh doanh. Cần tìm hiểu kỹ những bất lợi sẽ gặp phải từ khí hậu, nguy cơ dịch bệnh, giá cả đến cả vốn đầu tư, vốn xoay vòng... để có thể kiểm soát và đưa ra những quyết định quản lý sao cho trang trại mang về nhiều lợi nhuận". 

Với tư duy ấy, Luân hướng tới xây dựng một trang trại đa dạng không đơn thuần chỉ là nuôi gà, trồng cam như bao người ở mảnh đất Văn Chấn vẫn đang làm. Trên diện tích đồi rừng 4 ha đó, Luân quy hoạch rõ ràng từng khu vực chăn nuôi, trồng cây, trồng rừng. 

Ngoài nuôi gà, Luân sẽ nuôi thêm đà điểu; ngoài trồng cam, em sẽ trồng thêm hồng xiêm, nho không hạt; ngoài trồng bồ đề, em sẽ trồng thêm cây gáo vàng. Ấy toàn là những cây, con giống mới nhưng Luân luôn muốn thử bởi không thử thì sẽ không biết thành hay bại. 

Trước mắt, Luân chỉ nuôi và trồng thử với số lượng nhỏ, nếu thích hợp sẽ tăng đàn. Chưa biết rằng, thất bại hay thành công, song tư duy, ý chí khác biệt ấy của em khiến tôi phát ghen và phát nể, không phải ai cũng dám thử, dám đương đầu với cái mới, cái khó khăn như em.

Trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề nhưng với đam mê, quyết tâm, Nguyễn Thành Luân đã và đang khẳng định, sức trẻ có ước mơ, dám trải nghiệm sẽ tạo thành công.

Hoài Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục