Bất ổn ở đồi Cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/12/2018 | 10:53:36 AM

YBĐT - Những vệt rạn nứt, sụt lún kéo dài hàng trăm mét, thậm chí có khe nứt rộng trên 1 m, rồi tụt thấp so với vị trí cũ gần 2 m đang khiến cho 15 hộ dân ở chân đồi Cao, thuộc tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn sống trong cảnh hoang mang, lo lắng.

15 hộ dân sinh sống ở chân đồi Cao, tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi mùa mưa đến.
15 hộ dân sinh sống ở chân đồi Cao, tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi mùa mưa đến.

Hàng chục nghìn mét khối đất đá từ đồi Cao có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào, nhất là khi có mưa lớn kéo dài. Điều này, đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời để bảo đảm cuộc sống cho các hộ dân nơi đây trước mùa mưa bão.

Đồi Cao nằm ngay bên quốc lộ 32, sát trụ sở UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn. Ngọn đồi này là nơi canh tác chè của người dân nông trường trong vài chục năm qua. Thế nhưng, từ năm 2017 trở lại đây, trên đồi bắt đầu xuất hiện các vết rạn nứt, sụt lún kèm theo là hiện tượng sạt lở taluy phía dưới chân đồi, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. 

Đã gần 4 tháng trôi qua, kể từ khi hiện tượng sạt lở xuất hiện ở chân đồi Cao nhưng những hộ dân nơi đây chưa hết bàng hoàng, lo lắng. 

Nhắc lại sự việc hôm đó, anh Nguyễn Văn Nam - một hộ dân sống dưới chân đồi Cao vẫn không khỏi sợ hãi: "Lúc đó là 3, 4 giờ sáng, sau trận mưa kéo dài, tôi nghe thấy tiếng loạt xoạt mỗi lúc một to dần. Ra kiểm tra thì thấy taluy sau nhà bị sạt, bùn đất trôi hết vào nhà. Tôi vội vàng hô hoán, gọi vợ và 2 con dậy chạy ra khỏi nhà. Cũng may, taluy ở xa nên không gây thiệt hại nặng nề”. 

Theo lời kể của các hộ dân, các vệt rạn nứt xuất hiện từ cuối tháng 10/2017 và đến tháng 7/2018, sau những cơn mưa kéo dài thì phần taluy dương dưới chân đồi bị sạt lở khiến 5 chuồng lợn, 5 công trình phụ của nhà dân bị vùi lấp. 

Cùng lúc đó, phía trên lưng đồi, xuất hiện các vệt rạn nứt lớn kéo dài, có nơi rộng 1 m, sâu đến 2 m. Mặc dù, đợt sụt lún đó không gây thiệt hại về người nhưng đã phá vỡ cuộc sống vốn yên bình của các gia đình nơi đây và khiến họ sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. 

Anh Hoàng Văn Định - một trong những hộ chịu nhiều thiệt hại sau sạt lở cho biết: "Tôi là một trong những người đầu tiên sống ở đây, nhưng 20 năm nay chưa thấy tình trạng sạt lở xảy ra bao giờ. Hôm đó, bùn đất tràn vào bếp rồi quật đổ chuồng lợn, chuồng gà. Cũng may mọi người đến hỗ trợ, khơi nước, chuyển đồ đạc nên thiệt hại không nhiều. Giờ chỉ mong các cấp chính quyền nhanh chóng có phương án hỗ trợ, xử lý cho chúng tôi yên tâm sinh sống”. 

Đi theo các hộ dân, chúng tôi ra phía sau nhà, cả một vạt taluy dương dài hàng trăm mét đã bị sạt lở, đất cát ngổn ngang. Phía sau nhà của các hộ vẫn còn nguyên dấu vết của vụ sạt lở vào hồi tháng 7/2018 khi lượng đất cát bồi đắp vẫn ngập ngụa bao quanh. Nguy hiểm hơn, phía trên taluy dương, cả một vạt taluy với khối lượng vài nghìn mét khối có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. 

Anh Đinh Văn Thiết - công chức Địa chính - Nông nghiệp thị trấn Nông trường Liên Sơn chỉ tay lên phía đỉnh đồi Cao: "Năm ngoái chỉ là những vệt nứt nhỏ thì năm nay đã xuất hiện những vệt nứt, sụt lún kéo dài hàng trăm mét. Nguy hiểm lắm!”. 

Quả đúng như lời anh Thiết, phía trên lưng đồi vốn là nơi canh tác, sản xuất chè vài chục năm qua của các hộ dân xuất hiện những vệt sụt lún kéo dài hàng trăm mét. Nghiêm trọng hơn, nhiều chỗ đã bị sụt lún so với ban đầu hơn 2 m với độ rộng của khe nứt lên đến trên 1 m. Dù những khe nứt này đã khô do lâu ngày không có mưa và bị cỏ dại che khuất nhưng sự nguy hiểm thì vẫn còn đó. 

Khi mà phần chân đồi đã bị sạt lở, trong khi phía trên lại bị sụt lún như vậy thì khi có mưa lớn kéo dài, rất có thể hàng chục nghìn mét khối đất đá bị sạt lở, trực tiếp đe doạ tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân nơi đây. 

Theo ông Nguyễn Văn Thuyết - Tổ trưởng tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn: qua rà soát, phần diện tích chè có nguy cơ sạt lở khoảng 2,5 ha, với khối lượng ước tính vài chục nghìn mét khối. Nếu có mưa lớn kéo dài thì hiện tượng sạt lở rất có thể tiếp tục xảy ra, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của 15 hộ dân sinh sống phía dưới. 

Nguyên nhân có thể do trong đồi có các mạch nước ngầm cộng với mưa nhiều dẫn đến tình trạng trên. Nguyện vọng của người dân là, mong muốn Nhà nước hỗ trợ để san gạt phần đất sạt; đồng thời, xây bờ kè để hạn chế tình trạng rạn nứt và sạt lở taluy. 



Hiện trạng vệt nứt sụt trên đồi Cao.

Qua tìm hiểu, để bảo đảm an toàn, nhiều hộ dân đã thuê máy xúc để hót, gạt phần đất sạt lở ở chân đồi nhưng việc làm này càng khiến nguy cơ sạt lở hiện hữu, bởi các vết rạn nứt phía trên đồi đang ngày càng phát triển rộng hơn. 

Trao đổi với lãnh đạo địa phương, ông Phùng Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: khu vực chân đồi Cao có 15 gia đình với 57 khẩu đang sinh sống; trong đó, đa phần là nhà xây kiên cố từ 1 - 2 tầng.

Ngay khi xuất hiện các vệt rạn nứt cũng như sạt taluy dương ở chân đồi Cao, thị trấn đã thực hiện các biện pháp di dời người dân, tài sản có giá trị sang các hộ dân khu dân cư đối diện bên đường. Sau đó, các ban, ngành chức năng của huyện Văn Chấn đã đến kiểm tra và yêu cầu địa phương túc trực trong những ngày mưa gió.

Tuy nhiên, điều địa phương cũng như người dân dưới chân đồi Cao mong muốn là các cấp chính quyền sớm có phương án xử lý, khắc phục tình trạng trên trước mùa mưa bão. 

Thời điểm này, tình trạng sạt lở, rạn nứt ở đồi Cao đã tạm dừng, nhưng rất có thể khi có mưa lớn kéo dài thì hiện tượng này sẽ lại tái diễn, lúc đó thì tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân sinh sống ở phía dưới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Do vậy, trước mắt, các cấp chính quyền cần xem xét hỗ trợ người dân để hót gạt phần bùn đất đã sạt lở; đồng thời, có phương án xử lý phần rạn nứt phía trên. 

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn, hiện nay, trong phần rạn nứt có hệ thống cột điện chạy qua nên để bảo đảm an toàn cũng như thực hiện xây dựng bờ kè, địa phương đã cùng với huyện Văn Chấn làm việc với Công ty Điện lực Nghĩa Lộ có phương án di dời các cột điện này. Đối với địa phương sẽ tiếp tục bám sát tình hình, nắm bắt nguy cơ và có phương án di dân kịp thời. 

Rõ ràng với những bất ổn ở đồi Cao, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc đánh giá, rà soát mức độ nghiêm trọng của các vệt rạn nứt cũng như có các phương án xử lý, khắc phục, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân nơi đây. 

Cùng đó, các cấp chính quyền cần vận động, tuyên truyền người dân không được tự ý hót gạt phần đất đã sạt lở ở dưới chân đồi, tránh những tác động, ảnh hưởng đến phần rạn nứt phía trên; đồng thời, thường xuyên theo dõi, túc trực, sẵn sàng ứng phó, sơ tán dân khi có diễn biến bất thường.

Hùng Cường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục