Thành phố này như từ huyền thoại đi ra

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/1/2019 | 3:53:07 PM

YênBái - Lạ thay, thành phố mà ta thuộc từng ngóc ngách, nhớ từng viên đá lát mà đêm nay ta ngỡ ngàng như từ trong huyền thoại đi ra. Ta ngẩn ngơ như người bị lạc không biết đi về ngả nào giữa đêm xuân thành phố.

Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.
Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.

Heo may lại về. Gió se lạnh từ sông Hồng thổi đem mưa bụi tạt qua ô cửa. Mùi lạp xường hong khói từ phố Bùi Thị Xuân phảng phất bay qua. Tiếng chuông bình boong chậm rãi thả vào không gian yên ả từ phía chùa Am. Tiếng gió lao xao từ những đồi rừng sinh thái tràn xuống đường phố Yên Ninh... Tất cả những mùi vị và âm hưởng bình dị, thân quen làm ta bỗng ngẩn ngơ nhận ra tết đã đến gần và xuân đã về với thành phố.

Một sớm ban mai như thế, khiến ta xao lòng muốn lang thang đi khắp phố phường để cảm nhận trọn vẹn trong ta tình yêu thành phố. Ta muốn tìm lại phố Giếng ngày xưa, dẫu biết rằng thị xã chả có cái tên phố nào như thế. 

Nơi ấy một thời đằng đẵng người dân mấy khu phố của đường Trần Hưng Đạo bây giờ vẫn ăn chung một giếng, uống chung gầu nước múc lên từ lòng giếng xây sâu thăm thẳm. Ta vẫn đem theo cuộc đời mình những lúc đi xa tiếng gầu va thành giếng của những buổi chiều ta cùng em giòng dây múc nước. 

Ta cũng sẽ tìm lại mái trường xưa nơi ta học, bên cạnh cây đa cổ thụ với hàng rào cây cơm nguội ken đầy những quả và tìm lại con đường ta vẫn chạy tắt qua trên mảnh vườn hoang nở vàng hoa cải đắng khi nghe tiếng trống trường vào lớp. Nơi ta được chắp cánh vào đời ngày ấy chính là Trường THPT Lý Thường Kiệt bây giờ. 

Từ đây ta rẽ ra phía bờ sông chỉ có vài bước chân để tìm lại phố nhà đèn - nơi ấy, người ta đặt cỗ máy chạy dầu bên cạnh một cây đa lớn, cành lá sum suê. Chỉ đến đêm máy mới chạy để cấp điện cho thị xã. Phố nhà đèn xưa nay là đường Thanh Niên, con đường yên ả có một không hai, yên ả đến mức nghe được cả tiếng lá khô vỡ vụn dưới bàn chân. 

Ta tìm đến phố Yên Hòa xưa với mùi hoa sữa ngọt ngào. Biết rằng chẳng có cây hoa sữa nào ở đây. Cả thành phố chỉ có hàng cây sữa gần bên con dốc lên khu Tỉnh ủy mà sao hoa sữa len lỏi đến tận nơi đây. 

Ta tìm lại quán phở Vượng ngon nổi tiếng ở cuối phố ga và cả tấm biển hiệu của người thầy thuốc ở phố đầu cầu Ngòi Yên với dòng chữ "30 năm y tá lành nghề”. Tấm biển hiệu hơn nửa thế kỷ rồi ta vẫn chưa quên, vì hình như lúc bấy giờ ông là người thầy thuốc duy nhất của thị xã này.

Không hiểu vì sao cứ mỗi độ xuân về, những ký ức xưa lại cứ ùa về, thức dậy. Có phải, bởi ta biết thành phố lộng lẫy sắc màu hôm nay đã mọc lên từ một vùng đất cổ, ngàn năm trầm mặc bên bờ con sông Hồng rộng lớn và hùng vĩ chảy dài từ Lũng Pô địa đầu vùng Tây bắc của Tổ quốc đến tận cửa biển Ba Lạt Thái Bình.

Những ai còn nhớ. Mùa xuân năm Canh Tý tỉnh Yên Bái được thành lập và thị xã tỉnh lỵ cũng ra đời trên vùng đất mang tên làng Yên Bái thuộc tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa lúc bấy giờ - một vùng đất cổ, lần lượt là đất của một quốc gia độc lập của các triều đại từ Ngô, Đinh, Lê đến Nguyễn - một vùng địa tầng còn để lại bao dấu tích của tiền nhân thời nguyên thủy các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở xóm Đá Bia; ở bờ ngòi Khe Dài chảy xuyên qua phần đất phía nam của thị xã ra Tuần Quán đổ vào sông Hồng. 

Những dấu tích cổ xưa của thời kỳ đồ đá còn được tìm thấy ở gò Bách Lẫm ngay bên bờ của sông Hồng. Thị xã đơn sơ nhỏ bé, nhà tranh mái lá, tường đất quét vôi, người dân sống bằng đèn dầu, ăn chung gầu nước từ một cái giếng khơi, ấy là hiện thân của thành phố hiện đại hôm nay.

Đằng đẵng một thời sống bằng đèn dầu, nước giếng lại bị chiến tranh xâm lược tàn phá hủy diệt nhưng Đảng bộ và nhân dân đã đem sức lực, tiền của và tài năng trí tuệ kiên trì xây dựng lại từ đường sá đến ngôi nhà, góc phố, tự mình nâng mình lên trở thành thành phố năm 2002. 

Với tầm nhìn thời đại đầy trí tuệ và trọng trách trước dân các nhà lãnh đạo của thành phố, của tỉnh đã quyết định mở rộng không gian đô thị, lấy sông Hồng làm trục không gian xây dựng thành phố Yên Bái cũ thành thành phố mới hiện đại bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. 

Từ nông thôn bước vào thành thị còn nhiều ngỡ ngàng, vụng dại nhưng vùng đô thị bên sông đã lên da, lên thịt. Chao ơi, chỉ hơn mười năm mà vùng nông thôn chạy dài từ Âu Lâu, Hợp Minh đến Giới Phiên, Phúc Lộc đang trở thành những khu đô thị mới với những công trình đồ sộ, Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Bệnh viện lao và phổi, Nhà điều dưỡng cho người có công và nhiều công trình khác. 

Chạy theo ý tưởng táo bạo và khát vọng, thành phố và tỉnh đã tập trung nguồn lực để nâng tầm thành phố mà trong tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. 

Những đường phố cũ được chỉnh trang đẹp mắt, những đường phố mới thênh thang, hoành tráng, nối tiếp nhau ra đời làm thay đổi hẳn bộ mặt của đô thị. Đầu tiên phải kể đến đường 379 chạy dài từ phường Yên Thịnh qua phường Minh Tân đến phường Nguyễn Thái Học nay gọi là đường Điện Biên, Đinh Tiên Hoàng. 

Ngày nào ta cứ ngỡ, đường Nguyễn Thái Học là đại lộ lớn và đẹp nhất của thành phố sẽ khó có đường phố nào lớn và đẹp hơn. 

Nhưng không phải, chỉ vài năm sau thôi đại lộ rộng dài gấp ba đường Nguyễn Thái Học mang tên đường Nguyễn Tất Thành nối trung tâm thành phố với vùng du lịch sinh thái hồ Thác Bà ra đời. Và cũng chỉ trong vòng dăm năm sau thôi, năm 2017 con đường dài hơn 13km hoành tráng và hiện đại hơn những đường phố đã có, nối trung tâm thành phố với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Không mấy ai có thể tưởng tượng nổi làm sao một thành phố miền núi lại có được con đường hoành tráng và hiện đại như thế. Còn một vài công việc nhỏ phải tiếp tục hoàn thiện nhưng cây bên đường đã lên xanh, điện đèn cao áp rực sáng trong đêm, những cây cảnh trên dải phân cách đã nở hoa, xe ô tô ở mọi miền của đất nước và cả của khách nước ngoài đã lăn bánh trên con đường tuyệt vời này để vào thành phố. 

Con đường đẹp và hoành tráng dến mức nhiều người đặt câu hỏi, không biết thành phố sẽ đặt tên con đường ấy là gì cho xứng đáng với tầm vóc của nó. Giờ thì người ta biết, con đường ấy được mang tên đường Âu Cơ. Người ta lại reo lên với cái tên ấy và khen ai đã chọn được cái tên xứng tầm, thỏa mãn với niềm tự hào và ước vọng của người thành phố.

Thành phố năm nay tuổi 17 – cái tuổi giàu ước mơ, khát vọng, tràn đầy sức sống và nghị lực. Có phải vì nghị lực và sức sống của tuổi 17 mà thành phố đã làm nên một kỳ tích, một năm bắc được hai chiếc cầu hiện đại vượt sông Hồng. 

Ngày 30/62018, cầu Bách Lẫm khánh thành - chiếc cầu dây văng đầu tiên đẹp đến xao lòng với chiều dài hơn 435 mét, rộng 18 mét, nối liền trung tâm thành phố với vùng đô thị mới Giới Phiên và cũng là cầu nối quốc lộ 37 với quốc lộ 32C và cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Hai tháng sau, về phía hạ lưu cách chừng hơn một ki-lô-mét, cầu Tuần Quán bắc qua sông Hồng rộng và dài hơn cầu Bách Lẫm lại thông xe kỹ thuật. Hai cây cầu đã phải đầu tư nguồn vốn lên đến gần 1.500 tỷ đồng, bằng toàn bộ tiền thu ngân sách một năm của tỉnh. Có phải chúng ta đã giàu sang lắm đâu. Thật ra mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người dân đã phải gồng mình lên để chi cho dự án. 

Cũng chẳng ai dám chơi sang hay phô trương hình thức vì là tiền chắt chiu của dân, mà xây cầu qua sông là việc phải làm không thể đừng được. Làm để kết nối, phát huy toàn bộ hệ thống cơ sở của thành phố xây dựng trong mấy chục năm. 

Làm là để kết nối toàn bộ các tuyến quốc lộ từ quốc lộ 70 đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai với hệ thống cơ sở hạ tầng thành phố. Làm để mở toang cánh cửa phía nam để đón gió bốn phương và hội nhập với mọi vùng của đất nước và quốc tế. Thế là riêng địa bàn thành phố có 4 cây cầu vượt sông Hồng.

Nhớ sáng tháng Tám, dự Lễ thông xe kỹ thuật cầu Tuần Quán, được biết thêm: chỉ có một khúc sông từ Lăng Khay đến gềnh Vật Lợn xã Minh Quân đã có 6 cây cầu bắc qua sông. Cầu thép đầu tiên ở thành phố được xây dựng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII một năm, tức là năm 1992. 

Thế là 26 năm - 26 năm bắc 6 cây cầu vượt sông Hồng. Vậy mà, thực dân Pháp đô hộ nước ta hơn 80 năm mới xây dựng được cây cầu thép vượt sông Hồng mang tên Doumer - tên của toàn quyền Đông Dương, chúng ta gọi cầu Long Biên. 

Theo tấm biển thép đặt ở đầu cầu ghi rõ, cầu xây dựng từ 1899 đến 1902 hoàn thành, năm 1903 mở cửa cho người và tàu, xe qua lại, cầu thép dài 1.680 mét. Cây cầu đã đi vào lòng trẻ thơ qua sách giáo khoa: "Cầu Long Biên vừa dài vừa rộng”. 

Nghĩ lại mà tự hào, mà thấy thành phố của ta đáng yêu biết mấy!

Tết đến, đường phố lại kết hoa, treo cờ, chăng đèn lung linh rực sáng. Đêm nay, ta đưa em ra cầu Bách Lẫm. Hãy dừng lại giữa cầu dưới ánh đèn màu, ngắm nhìn thành phố trong đêm. Đôi bờ, phố phường đèn đủ mầu sắc nhấp nháy như sao sa, dòng sông Hồng như một dải ngân hà ta vẫn ngắm dưới bầu trời đêm xanh thẳm. Ta tìm lại bến cũ đò ngang gần phía chân cầu nơi ta vẫn hẹn hò đón đợi nhau. 

Từ cầu Bách Lẫm qua Giới Phiên, Phúc Lộc ta lại qua cầu Văn Phú trở về trung tâm thành phố. Đêm xuân thành phố đẹp đến nao lòng không chỉ bởi những phố phường rực đỏ cờ hoa, lung linh huyền ảo ánh đèn, bởi những cơn gió heo may và mưa bụi mà còn vì một điều gì đó ta chỉ có thể cảm nhận mà rất khó gọi thành tên. 

Thành phố lên đèn, những dòng điện màu quanh những hồ nước của công viên dồn đuổi nhau, nhấp nháy huyền ảo như thực, như mơ. 

Trên quảng trường những cây đèn hoa sen, bên cạnh những chậu hoa tươi vàng rực ngần kia như vừa mới mọc lên hai bên đường phố. Hàng hoa sữa điện quấn từ gốc đến thân cây. Những chiếc đèn ống đủ màu tím, màu hồng, lúc sáng, lúc tối như những giọt mưa màu sa trên cành lá. Cờ đỏ, hoa tươi, điện sáng đủ màu từ mặt đất đến ngang trời theo năm đường phố lớn tỏa đi năm hướng, ta thẫn thờ, mê mẩn nhìn theo. 

Lạ thay, thành phố mà ta thuộc từng ngóc ngách, nhớ từng viên đá lát mà đêm nay ta ngỡ ngàng như từ trong huyền thoại đi ra. Ta ngẩn ngơ như người bị lạc không biết đi về ngả nào giữa đêm xuân thành phố.

Bội Đông

Tags thành phố Yên Bái Bách Lẫm Giới Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục