Văn Chấn: Dâu xanh bén đất cho tằm nhả tơ

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/3/2019 | 7:53:06 AM

YênBái - Cùng với loại cây trồng truyền thống là lúa, ngô, chè, cây ăn quả có múi, nay Văn Chấn có thêm loại cây trồng mới để nâng lên thành một nghề.

Gia đình chị Nguyễn Thị Yên - thôn Bồ xã Chấn Thịnh chăm sóc lứa tằm mới.
Gia đình chị Nguyễn Thị Yên - thôn Bồ xã Chấn Thịnh chăm sóc lứa tằm mới.

Với trên 80% dân số sống nhờ sản xuất nông nghiệp và trồng trọt được xác định là thế mạnh của huyện, nhiều năm qua, lãnh đạo, cán bộ quản lý, bà con nông dân huyện Văn Chấn đã luôn nghiên cứu, tìm tòi đưa các giống cây trồng mới hiệu quả phát triển trên những diện tích đất phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu. 

Từ những loại cây trồng truyền thống là lúa, ngô, chè đến nay mở rộng vùng cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam đạt trên 2.000 ha, quế trên 5.000 ha. 

Tuy nhiên, các diện tích đất soi bãi, đất ven suối lớn, có độ phì nhiêu thường bị úng ngập cục bộ hoặc lũ quét gây sạt lở, xói mòn. Văn Chấn có hàng trăm héc-ta đất soi bãi nhưng thường bị ngập khi lũ lớn làm sản xuất của nông dân bấp bênh, giá trị và hiệu quả thấp. 

Từ thực tế đó, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực nghiên cứu, đưa những cây trồng có khả năng chịu úng, chịu hạn, có giá trị kinh tế cao để trồng thử nghiệm trên những diện tích đất soi bãi và tăng giá trị, hiệu quả sản xuất cho nông dân. 

Qua thực tế một số mô hình trồng dâu, nuôi tằm nhỏ lẻ ở địa phương và giá trị, hiệu quả kinh tế của cây dâu tằm ở một số huyện bạn, năm 2018, huyện đã triển khai Đề án trồng dâu, nuôi tằm. 

Mục tiêu đến năm 2020 quy hoạch phát triển trồng mới 100 ha. Dù khi triển khai gặp nhiều bất lợi do thiên tai bão lũ, nhưng đến cuối năm 2018, đã có trên 6,5 ha dâu được trồng thử nghiệm. Ngoài ra, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, người dân thị trấn Nông trường Liên Sơn đã chủ động làm đất, mua giống trên 2 ha.

Khi chúng tôi về thăm mô hình này tại thị trấn Nông trường Liên Sơn, những bãi dâu lai giống GQ2 chưa đầy tuổi đã phủ xanh mướt những soi bãi. Những hộ trồng dâu ở tổ dân phố 5 không ngớt chuyện vui. 

Vừa thu lứa tằm đầu tiên, chị Lường Thị Hoan cho biết: "Lần đầu được hướng dẫn trồng dâu, nuôi tằm, gia đình cũng rất bỡ ngỡ. Nhưng khi thấy cây dâu trồng xuống vài ba ngày đã bén rễ, nảy lộc gia đình biết là cây dâu rất phù hợp với đồng đất này rồi. Mừng hơn là chỉ sau 4 tháng trồng, gia đình đã được nuôi lứa tằm đầu tiên. Nếu chỉ tính nuôi 6 lứa tằm/năm thì cũng hiệu quả gấp 7 - 8 lần trồng ngô”. 

Tiếp lời, ông Phùng Mạnh Tiến – Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: "Dù mới thực hiện mô hình nhưng với giá trị tính được bình quân 1 ha cũng đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm nên nhân dân rất phấn khởi. Địa phương hiện có phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở bãi Vòng Cài đang được nhân dân trồng ngô nhưng thường xuyên bị ngập úng. Mong muốn của chính quyền và bà con được chuyển dần các diện tích trũng thấp để trồng dâu, vừa chống xói mòn vừa tạo ra hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nhân dân”. 

Chung niềm vui với những hộ trồng dâu, nuôi tằm ở thị trấn Nông trường Liên Sơn, những người dân thôn Bồ, xã Chấn Thịnh cũng đã có những lứa dâu xanh, những vòng tằm vàng óng. Vốn là địa phương có mô hình trồng dâu, nuôi tằm trước khi huyện triển khai Đề án nên người dân ở đây đã có kinh nghiệm trồng dâu, chăm sóc tằm và thấy đây là cây trồng hết sức thiết thực. 

Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân đã trồng xong 6,5 ha dâu và làm hàng chục nhà để nuôi tằm ngay khi dâu cho thu hoạch. 

Chị Nguyễn Thị Yên ở thôn Bồ cho biết: "Việc nuôi tằm hiện không vất vả như xưa nuôi trên nong. Kỹ thuật nuôi trong nhà tằm thì chỉ lo lúc tằm ăn rỗi thôi còn sau mỗi lứa tằm mới phải dọn dẹp, vệ sinh nên cũng không tốn nhiều nhân lực. Dâu là cây rất dễ trồng, có khả năng chịu úng, chịu hạn rất cao và chỉ mất chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho mỗi héc-ta. Nếu đầu ra ổn định, trồng dâu, nuôi tằm sẽ có hiệu quả kinh tế rất cao so với trồng lúa”.

Dù mới đưa vào trồng nhưng cây dâu đã phát triển rất nhanh trên đồng đất Văn Chấn. Giống dâu lai ít sâu, bệnh, không kén đất, có khả năng chống chịu, thích nghi rất cao, thu hoạch lâu dài. Vì vậy, việc trồng dâu ở đất soi bãi đạt được cả hai mục tiêu về kinh tế và bảo vệ đất đai, môi trường. 

Với truyền thống cần cù lao động, khả năng nhạy bén trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, các hộ dân ở Văn Chấn đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm. Hiệu quả bước đầu từ Đề án mang lại, nhiều hộ dân rất mong muốn được chuyển đổi các diện tích đất nông nghiệp sang trồng dâu, nuôi tằm. 

Ông Hà Văn Thịnh – Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết: "Chúng tôi đã rà soát, mở rộng diện tích ra một số thôn, bản dọc suối Cao. Với diện tích đất nông nghiệp ven suối khá lớn, chúng tôi thấy cây dâu là cây trồng khá hiệu quả để chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Chính quyền xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm”.



Lãnh đạo huyện Văn Chấn động viên người dân thị trấn Nông trường Liên Sơn phát triển cây dâu tằm. 

Từ hiệu quả bước đầu, Văn Chấn đang rà soát, đánh giá và đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu. Năm 2019 có kế hoạch ban đầu đặt ra của huyện là trồng mới 27 ha dâu, tuy nhiên xét điều kiện thực tiễn và nhu cầu của nhân dân, huyện chủ trương điều chỉnh mục tiêu trồng mới trên 50 ha. 

Thực hiện mục tiêu này, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện Đề án, rà soát quy hoạch diện tích đất trồng dâu.

Theo chương trình huyện tiếp tục hỗ trợ 100% cây giống dâu lai GQ2 tương đương 21 triệu đồng/ha và 1,5 triệu đồng tiền giống tằm cho lứa nuôi đầu tiên. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân có kiến thức phát triển dâu tằm một cách hiệu quả.

Có thể thấy, trồng dâu, nuôi tằm là một nghề không mới với nhiều địa phương nhưng với nhiều hộ nông dân ở Văn Chấn lại rất mới mẻ. Để tạo được hiệu quả phát triển bền vững, ngoài mô hình ban đầu, rất cần sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Hiện, nhiều hộ vẫn còn lo lắng về việc cung cấp giống tằm, giống dâu và vấn đề đầu ra cho sản phẩm kén tằm. Vì vậy, việc trồng dâu, nuôi tằm ở Văn Chấn cần phải hình thành chuỗi gắn kết cung cấp giống, sản xuất, thu mua, tiêu thụ thông qua phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. 

Đặc biệt là sự chia sẻ, giúp nhau của các hộ trong chuỗi thức ăn cho tằm, giống tằm bảo đảm các hộ có thể gối lứa, quay vòng với thời gian ngắn nhất, trong mọi điều kiện thời tiết. Khi hình thành được chuỗi liên kết này trồng dâu, nuôi tằm sẽ là một nghề mới, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người nông dân Văn Chấn.       

Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn: 

Năm 2019, việc phát triển trồng dâu, nuôi tằm được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. 

Qua thực tế cho thấy, việc trồng dâu, nuôi tằm rất thích nghi với điều kiện của một số vùng, địa phương và mang lại hiệu quả cao cho người dân. Vì vậy, để giúp các hộ có thêm điều kiện phát triển ngành nghề này, ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, riêng năm 2019, huyện sẽ hỗ trợ thêm phần giống dâu để bảo đảm cho các hộ được hỗ trợ 100% tiền giống, qua đó nhanh chóng hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, quy mô đạt khoảng 60 ha diện tích trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện.  

Trần Van - Quang Sơn

Tags trồng dâu Văn Chấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục