Những người tiên phong ở Khe Kẹn

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/4/2019 | 8:27:16 AM

YênBái - Khe Kẹn là một trong 8 thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Đây cũng là thôn người Mông đầu tiên ở Cát Thịnh người dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Điện sáng ở Khe Kẹn không phải vì thôn được ưu tiên đầu tư hơn các thôn, bản đặc biệt khó khăn khác mà bởi ở đó có những người dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong đưa điện về bản...

Ông Sùng A Của chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân với lãnh đạo xã Cát Thịnh.
Ông Sùng A Của chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân với lãnh đạo xã Cát Thịnh.

Đến Khe Kẹn, cuộc sống của đồng bào Mông ở đây chưa thể nói là khấm khá, vì Khe Kẹn vẫn cơ bản là hộ nghèo. Thế nhưng, nhịp sống ở Khe Kẹn giờ rộn ràng, sôi động hẳn, xua tan cái hoang vu, tĩnh lặng của đại ngàn bởi âm thanh của tiếng loa đài, tiếng vi ti..., những thứ mà bao đời nay người Mông Khe Kẹn từng ao ước. 

Phó Chủ tịch UBND xã Sa Quang Huy bộc bạch: "Hơn chục năm trước, mình là đảng viên và cũng là Bí thư Chi bộ đầu tiên ở Khe Kẹn. Người Mông thôn này trước kia rất khó khăn. Vài năm trở lại đây, giao thông được mở mang, nhất là từ khi kéo được điện lưới quốc gia về thôn, cuộc sống của bà con đã bớt đi nhiều phần thiếu thốn, sản xuất cũng phát triển hơn". 

"Khe Kẹn có điện, công lớn phải kể đến những người đầu tàu khởi xướng, quyết tâm làm và lăn lộn với việc chung của thôn như anh Câu, anh Chống hay Phó Bí thư Chi bộ Vừ Giống Củ, ông Sùng A Của - đại biểu HĐND xã...” - Phó Chủ tịch Huy kể. 

Chuyện đưa điện về thôn ở Khe Kẹn vui có, buồn có. Vui vì có những người dân năng nổ, dám làm. Buồn là vì còn những đảng viên chưa làm hết bổn phận được giao, chưa dám dấn thân gánh vác lo việc thôn xóm cùng với người dân - ông Huy chia sẻ thế. 

Nhà Phó Bí thư Chi bộ Vừ Giống Củ ở tận cuối thôn. Làm Phó Bí thư Chi bộ Khe Kẹn từ năm 2001 đến nay, anh Củ hiểu hơn ai hết tâm tư nguyện vọng của bà con. Anh là cán bộ duy nhất của thôn thời điểm ấy tham gia làm đường điện cùng dân và cũng là một trong ba người tiên phong khởi xướng kéo điện về thôn. 

Anh kể: "Bắt đầu làm chỉ có nhà mình, nhà Chống, nhà Câu. Vận động bà con cùng tham gia đóng góp để kéo điện về dùng khi đó rất khó khăn. Cán bộ thôn, cả bí thư và trưởng thôn lúc ấy đều không ủng hộ việc làm này của anh em mình nên dân đắn đo, cứ nay đăng ký tham gia, mai lại rút, bảo cán bộ không làm nên không tin, không theo... Nhà mình ở cuối thôn, không mấy thuận lợi nhưng anh em bàn tính rồi: nhiều hộ tham gia thì đóng góp ít, còn ít hộ làm thì mỗi nhà cố gắng thêm một tý. Thống nhất quan điểm thế nên được 10 hộ hay 20 hộ cũng làm. Mình cứ làm trước, bà con thấy lợi sẽ làm theo...”. 

Quyết tâm làm, Ban điện của thôn được lập ra. Ông Sùng A Của - đại biểu HĐND xã, là người có uy tín cùng với các thành viên Ban điện đứng ra vận động bà con đóng góp tiền mua dây, huy động nhân công lấy gỗ, đào cột để kéo điện về bản. Ban đầu chỉ được vài hộ. Cứ kiên trì vận động, bà con tin tưởng tham gia nhiều hơn. 

Tháng 4/2017, công trình điện của thôn được triển khai với gần 30 hộ tham gia, mức đóng góp ban đầu từ 10 - 15 triệu đồng. Thuận lợi là có cán bộ kỹ thuật của Điện lực Yên Bái giúp đỡ hỗ trợ cùng làm nên công trình triển khai nhanh chóng, bảo đảm an toàn. 

Phó Bí thư Chi bộ Vừ Giống Củ chia sẻ: "Tiền các hộ đóng góp được gần 300 triệu đồng là để mua dây điện. Còn toàn bộ công làm, từ kéo dây, lấy gỗ, xẻ gỗ làm cột, chôn cột làm đường điện... đều do các hộ tự nguyện cắt cử người tham gia. Bắt tay vào làm, bà con phấn khởi, quyết tâm lắm! Chỉ sau nửa tháng, gần 30 hộ đầu tiên của thôn đã có điện thắp sáng. Bà con vui một, anh em mình vui mười. Nhiều nhà lúc ấy mới tin, số hộ tham gia đông dần. Cả thôn bây giờ đã có trên 80% số hộ sử dụng điện; chỉ còn gần chục hộ chưa có điện dùng do điều kiện kinh tế khó khăn...”. 

Hoạt động với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, đặc biệt công khai minh bạch các khoản đóng góp, chi tiêu, cuối năm 2018, Ban điện của thôn tiếp tục vận động các hộ góp tiền, công lao động làm cột bê tông vững chắc, thay thế toàn bộ gần 60 cột điện gỗ trước đây, bảo đảm an toàn lưới điện của thôn và các hộ gia đình trong công tác quản lý, sử dụng và bảo dưỡng. Ban điện của thôn cũng thường xuyên tuyên truyền tới từng hộ kiến thức sử dụng điện an toàn.    

Khe Kẹn có điện - đó là giấc mơ có thật! Đây là thôn người Mông đầu tiên của xã Cát Thịnh người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, mà nguồn lực huy động hoàn toàn từ sức dân đóng góp. 

Cuộc sống của người dân Khe Kẹn còn khó khăn. Nguồn thu nhập chính của bà con là trồng rừng, trồng măng, trông coi bảo vệ rừng, làm ruộng nước, chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Hết năm 2018, thôn còn 60/74 hộ nghèo. 

Anh Hảng A Vàng - Trưởng thôn cho biết: "Hiện Khe Kẹn đã có đường ô tô đến tận trung tâm thôn, giờ có thêm đường điện lưới quốc gia do dân tự đóng góp làm. Từ những người tiên phong dám nghĩ dám làm như anh Câu, anh Chống, anh Củ, người Mông Khe Kẹn không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực góp sức xây dựng cuộc sống của chính mình ngày một no ấm, tốt đẹp hơn”. 

Nói như ông Sùng A Của: "Có đường, có điện chẳng khác nào đổi đời, cuộc sống được mở mang, phát triển. Nhiều nhà trong thôn đã sắm được tiện nghi sinh hoạt có giá trị như ti vi, quạt điện và máy móc phục vụ sản xuất... Mình không phải đảng viên nhưng việc gì mang lại lợi ích cho bà con thì làm hết sức”. 

Khe Kẹn đã bầu được trưởng thôn mới, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của dân. Từ tháng 1/2019, Phó Bí thư Chi bộ Vừ Giống Củ được bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn. Điện đã sáng Khe Kẹn! Những người tiên phong ở bản đặc đồng bào Mông này như ông Của, anh Câu, anh Chống hay Phó Bí thư Chi bộ Vừ Giống Củ... được dân tin, dân mến bởi một điều giản dị -  học theo Bác làm những việc có lợi cho dân, tốt đẹp cho cộng đồng. 

Minh Thúy

Tags Cát Thịnh Khe Kẹn điện thắp sáng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục