Hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019)

Thị xã Nghĩa Lộ: Những thương binh làm theo lời Bác

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/7/2019 | 7:52:21 AM

YênBái - Thị xã Nghĩa Lộ hiện có 103 thương bệnh binh. Chiến tranh qua đi, trở về với cuộc sống đời thường, hầu hết hành trang của họ chỉ có chiếc ba lô và những thương tật do chiến tranh để lại.

Tuổi trẻ thị xã Nghĩa Lộ thắp nến tri ân các anh hùng liệt lỹ.
Tuổi trẻ thị xã Nghĩa Lộ thắp nến tri ân các anh hùng liệt lỹ.

Nhưng bằng ý chí tự lực, tự cường và bản chất truyền thống tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính ấy đã chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiêu biểu đi đầu trong các phong trào thi đua: làm kinh tế giỏi; tích cực tham gia các hoạt động xã hội; xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

Cựu chiến binh (CCB) Lường Văn Pối ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ là thương binh 4/4 đồng thời là tấm gương thương binh tiêu biểu của xã Nghĩa An. Nhìn CCB Luờng Văn Pối chúng tôi không nghĩ ông đã 70 tuổi, hàng ngày sống chung với những cơn đau, nhất là những lúc trái nắng trở trời do những di chứng chiến tranh để lại trong thời gian ông tham gia làm dân công hỏa tuyến tại Lào và tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường phía Nam. Nhưng ông vẫn vui vẻ, không để cho chân tay "ngơi nghỉ” để biến khu rừng dốc sau nhà thành trang trại với đầy đủ vườn - ao - chuồng và đồi rừng. 

CCB Lường Văn Pối kể, năm 1967, ông được tỉnh Nghĩa Lộ khi ấy triệu tập đi làm dân công hỏa tuyến cho chiến trường Lào. Năm 1968 ông được chuyển về Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường phía Nam. 

Trong Chiến dịch mùa Thu năm 1969 ông bị vết thương ở đầu với tỷ lệ thương tật 21%. Sau điều trị trở về cuộc sống thường ngày bản thân ông vẫn luôn bị vết thương hành hạ. Nhưng với ý chí vươn lên của người lính Cụ Hồ, ông và vợ đã tần tảo khai hoang trồng rừng, cây ăn quả, đào ao thả cá và tích cực chăn nuôi. Nhờ vậy, hiện nay gia đình ông có 2 ao cá mỗi năm cho thu hoạch 4 - 5 tạ cá, với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, thu về hơn 25 triệu đồng; duy trì phát triển tốt 9 ha rừng kinh tế, gần 100 cây ăn quả là vải và hồng; chăn nuôi hàng trăm con gà, ngỗng. 

Không những tiêu biểu trong phát triển kinh tế mà gia đình ông còn được biết đến là một gia đình nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Đã hơn 15 năm ông làm Trưởng ban Khuyến học dòng họ Lường, thuộc Hội Khuyến học xã Nghĩa An. 

Ông Lường Văn Pối chia sẻ: "Thấy con cháu trong dòng họ lấy vợ lấy chồng sớm, không công ăn việc làm, mảnh ruộng cứ chia đôi, chia 5. Ngày trước đi mãi không hết ruộng nhà, nay như cái ô bàn cờ chưa cuốc cán đã chạm đầu bờ nhà khác. Nhà nào cũng nghèo chán lắm. Nhiều đêm nằm trằn trọc không ngủ được vì thương con, thương cháu. Năm 2004, xã Nghĩa An thành lập Hội Khuyến học xã, ông đã vận động các gia đình dòng họ Lường tham gia và đứng ra xây dựng Ban Khuyến học dòng họ Lường. 

Để Ban Khuyến học hoạt động có hiệu quả, dòng họ Lường đã tổ chức xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động của dòng họ trên cơ sở Điều lệ Hội Khuyến học Việt Nam và hướng dẫn của Hội Khuyến học xã Nghĩa An. Với nỗ lực, tâm huyết và nhiệt tình của Trưởng họ, sự đồng thuận của các hộ trong dòng họ, đến nay dòng họ đã thu hút được 180 hội viên, đảm bảo 100% số hộ trong họ đã tham gia sinh hoạt Hội Khuyến học. 

Để có quỹ hoạt động, ông Pối đã vận động các hộ trong dòng họ đóng góp thóc trị giá bằng tiền là 37 triệu đồng, Quỹ được quản lý chặt chẽ, hàng năm trích số lãi làm công tác thi đua, khen thưởng, gốc được giữ nguyên. 



Cựu chiến binh Lường Văn Pối đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. 

Đặc biệt, Ban Khuyến học dòng họ hàng năm đã quan tâm làm tốt công tác trợ giúp các cháu trong dòng họ thuộc diện khó khăn khi vào đầu năm học mới như: mua sách vở, quần áo, giày dép...; tổ chức khen thưởng, động viên khuyến khích con em có thành tích trong học tập. 

Hàng năm quan tâm đăng ký xây dựng dòng họ hiếu học, triển khai cho các hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình hiếu học. Từ năm 2004 đến nay dòng họ luôn được công nhận là Dòng họ hiếu học; từ 40% Gia đình hiếu học đến nay đã có 66% gia đình đạt danh hiệu Gia đình hiếu học. 

Riêng gia đình CCB Lường Văn Pối nhiều năm liền được các cấp khen thưởng, cá nhân ông đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang; Huân chương Chiến công hạng 3. 

Còn ở phường Pú Trạng, gia đình CCB Hoàng Vũ Mão thương binh 4/4 cũng là một tấm gương thương binh vượt qua khó khăn, thương tật vươn lên phát triển kinh tế làm giàu tại địa phương. CCB Hoàng Vũ Mão kể, tháng 12/1970, ông đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, phiên chế vào đơn vị D4E98 quân khu 3, huấn luyện ở huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia các chiến dịch trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sài Gòn giải phóng, đơn vị được giao nhiệm vụ làm quân quản bảo vệ chính quyền cách mạng và bảo vệ thành phố Hồ Chí Minh. 

Tháng 10/1977, ông cùng đơn vị nhận được lệnh đi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi tham gia quân tình nguyện, giúp bạn chiến đấu nhiều trận với quân Pôn Pốt ở Campuchia, trong một trận chiến đấu không cân sức, ông bị thương ở đùi phải điều trị hơn hai tháng mới khỏi. 

Ra viện, ông Mão tiếp tục về đơn vị làm Trung đội trưởng, trực tiếp chỉ huy Trung đội tham gia chiến dịch giải phóng thủ đô Phnôm Pênh Campuchia, ở đó ông bị thương nặng được đơn vị chuyển về Sài Gòn điều trị, kết quả giám định tỷ lệ thương tật là 31%, thương binh loại 1/4, nay là loại 4/4.  

Tháng 12/1980, CCB Mão được về nghỉ chế độ Bệnh binh. Về đời thường CCB Hoàng Vũ Mão luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tăng gia, lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. 

Ông  mở hiệu sửa chữa xe đạp kiếm tiền nuôi các con ăn học. Sau này ông đầu tư gần 1 tỷ đồng mua và phát triển mô hình trang trại có diện tích 5,5 ha nuôi gà, dê, bò và trồng trên 1.000 gốc cam Thái, trồng rừng... tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. 

Ông Phạm Hữu Huyền - Chủ tịch Hội CCB phường Pú Trạng cho biết: "Dù ở hoàn cảnh nào CCB Hoàng Vũ Mão cũng luôn gương mẫu chấp hành và tuyên truyền vận động mọi người cùng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan tâm, chăm sóc nuôi dạy con cái chăm ngoan học giỏi và trưởng thành. Ông bà có 3 người con thì đều đã tốt nghiệp đại học, hai người là bác sỹ, 1 là kỹ sư chế tạo máy, các con dâu, con rể đều tốt nghiệp đại học và có nghề nghiệp ổn định. 

Theo ông Nguyễn Tiến Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã Nghĩa Lộ cho biết, hiện thị xã có 103 thương, bệnh binh. Các thương binh, bệnh binh đã động viên nhau vững bước trên trận tuyến mới cùng tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tích cực tham gia và cống hiến cho các hoạt động xã hội. Nhiều mô hình phát triển kinh tế của thương bệnh binh đang là mô hình điểm của CCB thị xã Nghĩa Lộ. Qua đó hơn 20% tỷ lệ hộ khá giàu, 100% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa. 

Trong những ngày này, các cơ quan, đoàn thể, các xã phường trên địa bàn thị xã đang tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019). 

Những tấm gương thương binh "tàn nhưng không phế” như CCB Hoàng Vũ Mão, Lường Văn Pối và rất nhiều những thương, bệnh binh khác ở thị xã Nghĩa Lộ đã chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc cũng chính là những điển hình để các thế hệ học tập, noi theo.

Nguyễn Nhật Thanh

Tags CCB Nghĩa Lộ thương binh bệnh binh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục