Những nông dân “05”

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/7/2019 | 11:13:43 AM

YênBái - Tôi gọi họ là những nông dân “05”, bởi đây là những tấm gương điển hình tiên tiến, tiên phong của bản, của các địa phương ở huyện Mù Cang Chải trong việc thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thăm mô hình nuôi vịt đẻ trứng ở xã Lao Chải.
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thăm mô hình nuôi vịt đẻ trứng ở xã Lao Chải.

Tôi nhận thấy ở họ có một niềm tin sắt son với Đảng; có đức tính cần cù, tự lực vượt khó vươn lên và còn có sự gương mẫu nêu gương, cộng đồng trách nhiệm trong phong trào phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, giúp đỡ bà con dân bản cùng thoát nghèo bền vững.

Lao Chải là xã khó khăn thứ nhì ở Mù Cang Chải, nhưng lại là địa phương có nhiều mô hình "05” tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất của huyện. Nội dung Chỉ thị "05” là thế, nhưng linh hoạt là ở cách hiểu, cách vận dụng của mỗi địa phương, mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên nông dân. 

Ai cũng có thể học và làm theo Bác. Cán bộ vận dụng vào công việc của cán bộ; nông dân vận dụng vào công việc của nông dân. Hiểu thế và làm thế nên những mô hình "05” ở Lao Chải chẳng có gì là lạ lẫm. Trái lại, gần gũi, thiết thực với điều kiện từng thôn, bản, tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong đời sống cộng đồng, lan tỏa tinh thần tự nguyện học và làm theo Bác. 

Lấy tinh thần đảng viên đi trước, ông Sùng A Sào - cán bộ hưu ở bản Hú Trù Lình tiên phong đăng ký xây dựng mô hình điển hình "05” về lĩnh vực kinh tế, cụ thể là trồng cây táo mèo (sơn tra) để xóa đói, giảm nghèo. 

Nắm rõ kinh tế của bản như lòng bàn tay mình, ông Sào bày tỏ: "Bản Hú Trù Lình cách trung tâm xã 13 cây số, có 164 hộ, kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp nên tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới cao. Tổng diện tích của bản là 1.829 ha. Ở đây khí hậu lạnh nên trồng táo hiệu quả. Mình xây dựng mô hình trước tiên là để kinh tế gia đình phát triển lên; từ đó, bà con nhìn thấy mới tuyên truyền họ cùng thực hiện được”.

 Nhận thấy giá trị kinh tế của cây táo, từ năm 2010, ông Sào đã vận động bà con cùng trồng. Diện tích cây đặc sản này được mở rộng dần qua từng năm, đến nay, gia đình ông đã có 9 ha táo, 8 ha đang cho thu hoạch.

Kết hợp trồng rừng kinh tế với phát triển chăn nuôi, thâm canh tăng 2 vụ lúa, ngô, hàng năm gia đình ông 6 - 7 tấn lúa, 6 - 8 tấn ngô, xuất bán từ 1,5 - 2 tấn lợn thịt. Khai thác lợi thế đất đai của vùng cao, ông đầu tư phát triển đàn trâu, bò gần 20 con. 

Ông Sào cho biết, trong 3 năm qua, diện tích táo cho thu hoạch ổn định từ 150 triệu đồng đến 180 triệu đồng/năm. Năm nay, dự kiến cho thu hoạch khoảng 230 triệu đồng và đây đang là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện, gia đình ông là hộ có diện tích táo trồng nhiều nhất bản.

"Bà con chưa có diện tích táo trồng nhiều là bởi vẫn quen với việc khai thác táo rừng. Mình trồng rồi, bà con nhìn thấy hiệu quả sẽ làm theo mà không phải vận động nhiều”- ông Sào giải thích. 

Bằng uy tín của người cán bộ, đảng viên lâu năm, ông tham mưu và cùng các đảng viên Chi bộ bản Hú Trù Lình vận động bà con giữ nghiêm quy định bảo vệ rừng để thoát nghèo bền vững với 2 loại cây bản địa đang cho giá trị kinh tế cao là táo mèo và sa nhân. 

Mô hình nuôi vịt của hội viên nông dân Sùng A Khua, bản Đề Sủa được xã Lao Chải chọn xây dựng mô hình điển hình tiên tiến "05” của xã. Nỗ lực vượt lên từ một hộ nghèo, ông Khua cho hay: "Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào định cư, hỗ trợ phát triển sản xuất nhưng cái chính là mình phải chăm chỉ làm lụng, có ý chí để thoát nghèo". 

Áp dụng phương pháp kỹ thuật tiến bộ trong thâm canh lúa 2 vụ, hàng năm gia đình ông thu khoảng 3 tấn thóc. Chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm nuôi vịt, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi, ông Khua đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 500 con vịt đẻ, trên 100 con gà mái, 100 con ngan thịt, 15 con lợn thịt và 13 con trâu, bò. 

Tính trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn; trung bình mỗi ngày thu 600.000 đến 700.000 đồng từ bán trứng gà, vịt… tổng thu nhập một năm gần 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động. 

Ông Khua chia sẻ: "Mình là người đầu tiên mạnh dạn đăng ký nhận xây dựng mô hình "05” cho bản. Chỉ suy nghĩ là mình làm hiệu quả rồi, muốn chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi với mọi người để nhân rộng mô hình, mong cho bản Đề Sủa ngày càng khởi sắc hơn". Được biết, nhiều năm qua, gia đình hội viên nông dân Sùng A Khua luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Bản Đề Sủa mỗi năm giảm được từ 5 - 8% hộ nghèo. 

Không làm theo phong trào, mỗi mô hình điển hình tiên tiến "05” học và làm theo Bác ở Mù Cang Chải được các địa phương linh hoạt lựa chọn xây dựng để nhân rộng trên cơ sở phù hợp đặc thù, lợi thế của từng thôn, bản. 

Hiểu việc học và làm theo Bác đơn giản là những việc làm cụ thể, với suy nghĩ mộc mạc: "Mình là nông dân, mình chăm chỉ, chịu khó trong lao động sản xuất là tốt rồi”, ông Giàng A Sông ở bản Dào Xa, xã Kim Nọi đăng ký xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi dê hàng hóa. 



Phát triển chăn nuôi dê ở xã Mồ Dề. 

Ông Sông chia sẻ: "Tôi đã tìm hiểu rất kỹ về chăn nuôi dê. Đây là loài vật dễ nuôi, chuồng trại không đòi hỏi đầu tư lớn mà công chăm sóc cũng không nhiều nên tôi chọn đó làm hướng phát triển kinh tế gia đình". 

Năm 2016, ông Sông đầu tư gần 30 triệu đồng mua 8 con dê cái và 1 dê đực để nhân đàn và sau 1 năm đàn dê tăng lên 14 con. Để đàn dê ít bệnh và hạn chế bị chết, nhất là đối với những con mới đẻ, ông tìm đến cán bộ thú y huyện để được tư vấn, lặn lội sang huyện Than Uyên (Lai Châu) để học hỏi kinh nghiệm, tìm thuốc chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi. 

Hiện, đàn dê đã phát triển lên trên 40 con. Mỗi năm, gia đình ông bán đi từ 7 - 10 con, thu ổn định vài chục triệu đồng/năm; năm nhiều là 50 triệu đồng, chưa kể các nguồn thu từ trồng táo và thảo quả. Ngoài ra, nguồn phân dê được gia đình sử dụng bón ruộng, bón ngô và trồng rau sạch, tiết kiệm được chi phí trong sản xuất. 

Từ kinh nghiệm và kỹ thuật tích lũy được sau 3 năm nuôi dê thành công, ông Sông chia sẻ, phổ biến cho các hộ trong bản có nhu cầu chăn nuôi. Ông hỗ trợ dê giống cho 4 hộ nuôi chia, hiện mỗi hộ đã nhân đàn được từ 3 - 4 con. 

Có thể thấy, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang lan tỏa mạnh mẽ tinh thần học và làm theo Bác thiết thực ở từng thôn, bản, cụ thể đến từng hộ. Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng được 68 mô hình tập thể điển hình tiên tiến và 45 mô hình cá nhân tiên tiến học và làm theo Bác trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Bà Đào Thị Thu Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện khẳng định: "Các mô hình điển hình tiên tiến học và làm theo Bác ở địa phương đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, cụ thể hóa việc học tập Bác thành những việc làm cụ thể, xây dựng mô hình cụ thể, sản phẩm cụ thể để tuyên truyền, nhân rộng nên đây là những mô hình thiết thực với địa phương, các thôn, bản và mỗi hội viên, đoàn viên, cho thấy sự linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm ở mỗi địa phương. 

Các mô hình được xây dựng tập trung vào những vấn đề rất cụ thể ở vùng cao như xóa bỏ tập tục lạc hậu; phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội mà nổi bật là những mô hình về phát triển kinh tế. Cách nghĩ, cách làm từ những mô hình điển hình tiên tiến "05” học và làm theo Bác của nông dân được ví như điểm tựa gương sáng vùng cao”.         

Minh Thúy

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục