Yên Bái tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập - Bài 2: Đổi mới căn bản thái độ phục vụ

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/8/2019 | 8:06:31 AM

YênBái - Không còn được ngân sách nuôi dưỡng, tự chủ đồng nghĩa với việc phải tự năng động tìm nguồn để đảm bảo hoạt động của bộ máy - đó là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của Yên Bái hiện nay. Vậy, các đơn vị này đang hoạt động thế nào, tự chủ ra sao... để đem đến sự hài lòng của người bệnh?

Gây tê thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Gây tê thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


7 giờ sáng, tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, khu vực vỉa hè và trong phòng kê bàn lấy phiếu, bệnh nhân đã kín chỗ. Nhân viên bảo vệ hướng dẫn để xe đúng nơi quy định. Các nhân viên y tế nhiệt tình hướng dẫn người bệnh lên khu khám bệnh một chiều từ bàn lấy số thứ tự, mua sổ khám chữa bệnh (KCB), hướng dẫn điền thông tin vào sổ KCB, đưa đến quầy thu nộp sổ, chờ gọi tên và được hướng dẫn đến phòng khám. Dù ở khâu nào mọi người cũng đều xếp hàng thứ tự và ngồi chờ trật tự chứ không thấy cảnh chen lấn… 

Qua quan sát của chúng tôi, tất cả thủ tục được thực hiện trong khoảng 10 phút, không để bệnh nhân chờ đợi lâu, mất nhiều thời gian như trước đây. Bệnh viện Y học cổ truyền là đơn vị được áp dụng mô hình tự chủ tài chính từ năm 2017 và tự chủ toàn phần từ năm 2018. 

Là bệnh viện xếp hạng III, xây dựng trên diện tích trên 7.000 m2 được chia thành 3 khu hoạt động gồm: Khu Khám bệnh - Hành chính; Khu điều trị Nội trú - Cận lâm sàng và Khoa Dược, bệnh viện có 139 y, bác sỹ, với 240 giường bệnh với các trang thiết bị được đầu tư khá hiện đại như: 18 máy siêu âm điều trị, điện xung, điện phân; 3 máy kéo dãn cột sống; 2 bồn thủy trị liệu 4 ngăn kết hợp điện xung; 4 máy xoa bóp áp lực hơi; 10 máy tập phục hồi chức năng, máy X quang kỹ thuật số, máy đo độ loãng xương... 

Đây là bệnh viện có bề dày kinh nghiệm 30 năm hoạt động, có uy tín trong việc chữa khỏi nhiều ca bệnh khó và mãn tính được nhiều bệnh nhân tin tưởng, tín nhiệm như: điều trị chèn ép rễ đám rối thần kinh trong vùng lưng, tăng huyết áp vô căn, thoái hóa cột sống, khớp gối, liệt do tai biến mạch máu não… tỷ lệ bệnh nhân đỡ và khỏi bệnh chiếm 90%. 

Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính nên chúng tôi cũng đã thay đổi cung cách phục vụ, có nghĩa là trước đây đã tốt thì nay càng phải tốt hơn trong công tác KCB và nâng cao chất lượng dịch vụ với phương châm "Xem người bệnh như khách hàng”. 

Hiện nay, Bệnh viện đang thực hiện "3 không" gồm: không thu dịch vụ gửi xe, nước ngâm chân không thu phí và không nhận phong bì của bệnh nhân. Vào sáng thứ 4 hàng tuần, thực hiện "Nồi cháo nghĩa tình” miễn phí cho bệnh nhân điều trị nội trú. Tất cả 100% cán bộ, y, bác sỹ hàng năm được tập huấn về quy tắc ứng xử, luôn niềm nở trong giao tiếp tạo sự thoải mái cho người bệnh đến khám và điều trị ở đây”.

Cùng trong nhóm đơn vị tự chủ 100% về tài chính từ năm 2018, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái lại được xem như "anh cả” về tự chủ một phần về tài chính từ năm 2007, tức là sau 1 năm khi Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành. 

Ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc TTYT thành phố chia sẻ: "Thời điểm đó, khó khăn đủ thứ từ thiếu thuốc, máy móc trang thiết bị cũ lạc hậu… nhưng Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ của 16 khoa, phòng đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tập hợp các ý kiến để nâng cao chất lượng KCB, thu hút bệnh nhân. Chúng tôi đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ như: tiền lương, phụ cấp và các khoản chi khác cho cá nhân theo hệ số tiền lương, phụ cấp chức vụ, làm ngoài giờ, thanh toán phẫu thuật, thủ thuật… theo các quy định do Nhà nước ban hành, đặc biệt là việc thực hiện khẩu hiệu "Sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu của chúng tôi”. 

Nhờ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nên người bệnh đến với Trung tâm đông hơn, trung bình từ 200 đến 250 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày; công suất sử dụng giường bệnh đạt 120% kế hoạch, sự hài lòng của người bệnh đạt trên 95%”.



Bệnh nhân trong phòng tập máy phục hồi chức năng ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.  

Những nỗ lực của các đơn vị y tế đã được ghi nhận bởi sự hài lòng của người bệnh, bởi những dòng thư, những tình cảm của bệnh nhân sau khi ra viện. Trong số những bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các đơn vị y tế mà chúng tôi gặp và trò chuyện, hầu hết đều cảm thấy phấn khởi bởi tinh thần thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của tập thể cán bộ, y, bác sỹ; bởi các trang thiết bị hiện đại. 

Ông Nguyễn Đồng Tiếp, người xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đang điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: "Tôi vào viện điều trị từ ngày 21/7 do bị zona thần kinh và đau khớp gối. Từ khi vào viện đến nay, các bác sỹ ngày nào cùng điện châm, thủy châm, cho uống thuốc nam và thực hiện các bài tập xoa bóp… tôi thấy sức khỏe tốt hơn rất nhiều. Tôi và gia đình rất mừng, cứ thầm cảm ơn các y, bác sỹ ở đây…”. 

Bệnh nhân Đinh Phúc Lợi, xã Phúc An, huyện Yên Bình vào viện điều trị từ ngày 29/7 do bị đau thần kinh tọa và thoái hóa cột sống thì tâm sự: "Bệnh của tôi khi trái gió trở trời là đau lắm, từ khi vào viện, buổi sáng các bác sỹ cho ngâm chân bằng thuốc nam miễn phí, sau đó, châm cứu và thực hiện các bài tập phục hồi chức năng, xoa bóp trị liệu… Ở đây, máy móc trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ nhiệt tình chu đáo, tôi thấy bệnh đã giảm nhiều, tinh thần sảng khoái như ở nhà vậy…”. 

Hay chúng tôi còn được đọc những lá thư cảm ơn của bệnh nhân điều trị tại TTYT thành phố gửi lại sau khi ra viện. 

Thư của bệnh nhân Nguyễn Thị Mai, điều trị tại Khoa Sản có đoạn viết: "Tôi vào TTYT thành phố điều trị và ra viện ngày 5/12/2018. Trong quá trình điều trị ở đây, tôi đã nhận được sự thăm khám, chăm sóc tận tình chu đáo của đội ngũ thầy thuốc. Tôi rất lấy làm cảm kích viết vài dòng chân thành cảm ơn đội ngũ y, bác sỹ Khoa Sản…".

Rồi lá thư của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu, trú tại tổ 65, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái ra viện ngày 27/3/2019 thì viết: "Vì sức khỏe yếu, tôi phải nằm viện điều trị nội trú ở Khoa Nội, tiếp đến là Khoa Ngoại vì các bệnh: dạ dày, tim mãn tính… Đến nay, sức khỏe tôi đã bình phục và ổn định, tôi viết mấy dòng để tỏ tấm lòng biết ơn tới Ban Giám đốc và các đồng chí: Bùi Văn Thủy - Trưởng khoa Ngoại, Vũ Hồng Long - Phó khoa Nội, Trần Thị Kim Cúc - Phòng Khám mắt… Đội ngũ thầy thuốc, y, bác sỹ ở đây luôn thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu”. 

Trao quyền tự chủ cho các đơn vị KCB được coi là một chính sách quan trọng và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo các đơn vị tự chủ thì họ đang gặp phải một số khó khăn như: tự chủ cần được gắn với tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, còn thực hiện tự chủ như hiện nay các đơn vị cần thêm những bác sỹ giỏi, tay nghề cao về làm việc nhưng lại không được tuyển dụng; chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết về công tác tự chủ nên các đơn vị tự học hỏi nhau để hoạt động; việc giao dự toán bảo hiểm y tế (BHYT) từ đầu năm, nhưng số người đến KCB ngày càng tăng nên chi vượt quỹ BHYT là không tránh khỏi…

Tuy vậy, việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập (ĐVSNYTCL) ở Yên Bái đã có nhiều đổi mới trong nâng cao chất lượng KCB, tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất và thay đổi thái độ phục vụ từ đội ngũ bảo vệ, lễ tân cho tới y, bác sỹ... 

Ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế  khẳng định: "Công tác giao tự chủ thời gian tới cần phải tính toán theo lộ trình phù hợp; giao tự chủ thường xuyên phải tính trên số nhân lực tối thiểu theo quy định để đảm bảo công bằng giữa các đơn vị, tránh tình trạng các đơn vị cùng quy mô mà đơn vị nhiều nhân lực hơn lại giao tự chủ ít hơn. Giao tự chủ vẫn phải tính toán một phần để tăng thu nhập cho cán bộ, tránh tình trạng đời sống cán bộ khó khăn dẫn đến tình trạng bỏ việc ra làm tư… 

Thạch Phong

Tags Yên Bái ngành y tế đổi mới thái độ phục vụ KCB

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục