“Người tròn hai vai”

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2019 | 8:08:55 AM

YênBái - Về thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn hôm nay, xen lẫn những đồi chè, vựa lúa, vườn nhãn xum xuê là những con phố, những biệt thự lộng lẫy. Nông thôn đang thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày một thêm khấm khá.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Lê Ngọc Long luôn lắng nghe, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và sâu sát với công việc.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Lê Ngọc Long luôn lắng nghe, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và sâu sát với công việc.

Có được kết quả này, là nhờ sự năng động, sáng tạo của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Đảng bộ thị trấn đã phát huy vai trò tiên phong, nêu gương của người đứng đầu cấp ủy. Ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn đang là người như thế!.

Từ năm 2008 trở về trước, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đề ra thường khó hoàn thành. Tuy nhiên, năm 2009, sau khi nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND thì việc ra nghị quyết và đưa nghị quyết vào thực tiễn đã được thị trấn triển khai nhanh và có hiệu quả. 

Hàng năm các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch; nội bộ đoàn kết, thống nhất; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; nhiều năm liền Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. 

Kết quả đó có được, nhờ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của ông Lê Ngọc Long - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ - người mà cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây thường gọi bằng cái tên trìu mến "người tròn hai vai”. 

Sinh năm 1962, vốn là bộ đội chuyển ngành vào Nông trường Chè Nghĩa Lộ, năm 1995, ông Lê Ngọc Long được điều động đến thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, lần lượt trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau: cán bộ văn hóa, Bí thư Đoàn, Chủ tịch UBND. 

Đến năm 2009, khi thực hiện mô hình thí điểm "bí thư kiêm chủ tịch” theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ông được bầu giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn cho đến nay. 

10 năm đảm nhiệm công việc về Đảng và chính quyền, ông Lê Ngọc Long luôn rạch ròi, công tâm, làm tròn trách nhiệm, quy tụ được tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên và được nhân dân ủng hộ. Nói là vậy, nhưng khi mới đảm nhiệm vai "hai trong một”, ông Long gặp không ít khó khăn và thách thức, nhất là khi một số cán bộ, đảng viên và người dân vẫn còn hoài nghi khi ông là người "vừa đánh trống vừa thổi còi”; quyền lực được giao cho một người sẽ dễ sa vào độc đoán, chuyên quyền; mất đoàn kết nội bộ, kéo bè kết phái. "Vào thời điểm đó, người tôi gầy đi hẳn, bởi suy nghĩ lo lắng về nhiệm vụ mà cấp trên và nhân dân tin tưởng giao phó” - ông Long nhớ lại. 

"Vậy ông đã giải quyết những băn khoăn trên như thế nào?” - tôi hỏi. 

"Trước hết, bản thân phải chứng minh được mình là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và bằng các công việc cụ thể, tạo ra sản phẩm cụ thể, được nhân dân thừa nhận, từ đó làm thước đo cho việc đánh giá cán bộ. 

Thí dụ, trong vai Bí thư, tôi luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về vai trò của người đứng đầu. Nghị quyết đề ra phải được tập thể quyết định, cá nhân phụ trách; khi đề ra nghị quyết thì phải có giải pháp cụ thể, phù hợp sát với điều kiện thực tế của địa phương, được nhân dân ủng hộ và thực thi một cách có hiệu quả” - ông Long nói. 

Chứng minh lời nói của mình, ông Lê Ngọc Long dẫn chúng tôi thăm các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tổ 6, tổ 7. 

Chỉ tay về những vườn đào tươi tốt, vườn nhãn đang trong mùa thu hoạch, ông Long nói: "Trước đây, nhiều diện tích đất ở các tổ dân phố này chủ yếu trồng sắn, ngô, thu nhập hàng năm thấp. Qua nghiên cứu thực tế, tôi đã chỉ đạo và ra nghị quyết chuyển đổi nhiều diện tích đồi kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, được người dân hưởng ứng cao”. 

Dù đã gần chục năm trôi qua, nhưng đến bây giờ anh Dương Văn Doanh ở tổ 6 vẫn không thể quên, anh Doanh chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi có đất nhưng không biết đưa các loại cây có kinh tế cao vào trồng. Khi có chủ trương của thị trấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đích thân ông Long xuống vận động, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô, sắn sang trồng đào với quy mô 1.000 cây, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng”. 

Hiện thị trấn trồng được 15 ha đào phục vụ du khách vào dịp tết; 20 ha nhãn, 10 ha khoai bông cho thu nhập kinh tế cao. Cùng với cây đào, nhãn, khoai bông, Đảng bộ thị trấn xác định chè là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Đảng bộ, mà trực tiếp là người đứng đầu cấp ủy địa phương đã chỉ đạo nhân dân tích cực đầu tư thâm canh chăm sóc, cải tạo diện tích chè già cỗi bằng các giống chè cho năng suất, chất lượng cao như LDP 2, Phúc Vân Tiên, PH1. 

Chị Nguyễn Thị Mai - Tổ dân phố 5A nói: "Tôi biết ơn ông Long nhiều lắm. Là Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn nhưng ông ấy luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; cái gì có lợi cho nhân dân thì ông ấy vận động, tuyên truyền dân làm ngay như việc trồng các loại giống chè lai có chất lượng vào canh tác cho năng suất cao của gia đình tôi là ví dụ điển hình”. 

10 năm đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, ông Lê Ngọc Long đã góp phần quan trọng làm cho bộ mặt của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chuyển biến rõ nét. Nếu như năm 2009 thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 25%, chưa hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, công tác phát triển Đảng gặp nhiều khó khăn, hàng năm nhiều chỉ tiêu khó hoàn thành… thì nay thị trấn đã quy hoạch được vùng chuyên canh chè 533 ha, sản lượng ước đạt gần 6.800 tấn/năm, tổng giá trị ước đạt trên 26 tỷ đồng/năm; vùng chuyên canh cây ăn quả với 250 ha; thành công trong việc dồn điền đổi thửa thành cánh đồng mẫu lớn với 33 ha, năng suất lúa đạt 70 tạ/ha/vụ, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%; công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng trên cả 4 mặt, hàng năm kết nạp được 12 đảng viên mới, 6 năm liền đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. 

Đặc biệt, 17/17 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đã hoàn thành, trong đó các chỉ tiêu về thu ngân sách, thu nhập đầu người, kết nạp đảng viên mới… đều vượt so với kế hoạch. Đó là những con số biết nói, những thành quả mà nhiều đảng bộ cơ sở khác phải trân trọng. 

Ông Lê Ngọc Long tâm sự: "Trước hết, phải biết tận dụng, học hỏi kinh nghiệm, tri thức của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn; trong công tác cán bộ phải dân chủ, công bằng, minh bạch, bố trí vị trí việc làm phải đúng người, đúng sở trường; sâu sát với nhân dân, làm tốt công tác xã hội hóa, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy phải giữ vững kiên định lập trường của người cộng sản trong mọi tình huống”. 

Chính phát huy được các phẩm chất chính trị đó, trong những năm qua, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương đã được ông Lê Ngọc Long chỉ đạo thực hiện linh hoạt, đồng bộ, được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng, yêu quý và đánh giá cao. 

Đồng chí Hà Thị Thanh Uyển - Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện đánh giá: "10 năm với cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, ông Lê Ngọc Long đã giữ vững được vai trò hạt nhân chính trị; chủ động, sáng tạo và luôn nhiệt huyết với nhiệm vụ, công việc được giao; không độc đoán, chuyên quyền, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, hạn chế tình trạng bao biện, làm thay, tạo được không khí dân chủ, nội bộ luôn đoàn kết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy có hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể”.

Tạm biệt thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, đi qua những đồi chè thơm ngát, những vườn nhãn trĩu quả, những ruộng lúa chín vàng trĩu bông, chúng tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của ông Lê Ngọc Long, vùng quê này sẽ tiếp tục đổi thay toàn diện, nhanh chóng trở nên giàu có như niềm tin của nhân dân các dân tộc nơi đây đã gửi vào trong nghị quyết của Đảng bộ.  

 Văn Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục