Ngôi trường "ai cũng có con nuôi"

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/9/2019 | 8:15:11 AM

YênBái - Một ngôi trường có 33 cán bộ, giáo viên thì cả 33 người đều có "con nuôi”. Những người con nuôi dều có hoàn cảnh đặc biệt....

Em Chu Văn Minh đã học tập tiến bộ từ khi có cô Thảo quan tâm, kèm cặp, giúp đỡ.
Em Chu Văn Minh đã học tập tiến bộ từ khi có cô Thảo quan tâm, kèm cặp, giúp đỡ.

Đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Tô Mậu (Lục Yên) trong những ngày đầu tháng 8 khi tập thể nhà trường đang sắp xếp, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp đón năm học mới 2019 - 2020, chúng tôi được các thầy cô giáo nhà trường kể về tấm gương của cô giáo Đoàn Thị Thảo. 

Đây cũng là tấm gương để các thầy giáo, cô giáo trong Trường học tập làm theo, từ đó nhân rộng những điển hình thực hiện Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo giúp đỡ 1 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” được nhà trường thực hiện những năm qua. 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao Lục Yên, từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Đoàn Thị Thảo đã có ước mơ cháy bỏng trở thành giáo viên để về dạy chữ cho các em nhỏ nơi miền sơn cước và rồi với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, ước mơ đó của cô đã thành hiện thực. 20 năm "trồng người” trên chính mảnh đất sinh ra mình, cũng chính là 20 năm Thảo chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, nhọc nhằn mưu sinh của bọn trẻ nơi quê nghèo. 

Từ cậu trò nghèo, thiếu mẹ lúc lên 2...

Buổi học đầu tiên của năm học ấy, cách đây đã 3 năm nhưng với cô giáo Thảo chỉ như vừa hôm qua. Hình ảnh cậu học trò người Dao - Chu Văn Minh gầy gò, ốm yếu đến muộn nhất lớp, mặc bộ quần áo cũ, vượt chặng đường đất gần 2 km với đôi chân trần, không cặp sách cũng chẳng bút vở khiến cô Thảo vô cùng thương cảm. 

Kết thúc buổi học, cô Thảo đưa Minh về, để rồi càng xót xa hơn khi tận mắt chứng kiến gia cảnh của học trò. Đó là một căn nhà nhỏ, vách nứa, lợp cọ, nằm heo hút trên một đồi đất trống. Trong nhà chỉ có một chiếc giường tre, mấy cái nồi, vài chiếc bát lỏng chỏng trong chiếc rổ. Mẹ Minh bỏ hai bố con đi biệt tích từ lúc em mới lên 2. Bố em vì thế mà buồn chán hay uống rượu, rồi cuộc sống khó khăn nên thường xuyên đi làm thuê ở xa nhà. 

7 tuổi nhưng Minh đã sống tự lập một mình. Bữa cơm hàng ngày của em là cơm trắng trộn với mỡ lợn, hôm nào may mắn đi suối bắt được con cá, con tép về nấu canh đã là tươm rồi. Cuộc sống của Minh cứ thế trôi đi, lủi thủi như con chim rừng lạc bầy. Việc học tập của em cũng chả có ai quan tâm, chỉ bảo, em thường xuyên nghỉ học, đi học muộn và trở thành cậu học trò cá biệt. 

.... Đến người con ngoan, trò giỏi

Cảm thương trước hoàn cảnh của cậu học trò đặc biệt, cô Thảo đã nhận đỡ đầu chăm sóc em như con đẻ của mình. Cô Thảo dành cho Minh tình yêu thương của một người mẹ, hàng ngày chăm lo cho em từ bữa ăn, giấc ngủ, sắm cho em từ quyển sách, quyển vở, cái bút cho đến đôi giày, đôi dép và chiếc xe đạp làm hành trang để em đến trường. Mỗi khi bố Minh đi làm xa cô lại vượt qua những con dốc trơn trượt đón em về nhà mình ở. 

Cô Thảo còn mua sắm cho Minh bàn, ghế học ở nhà và những đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Người bố suốt ngày say xỉn, không tỉnh táo vì túng thiếu, quẫn trí đã có lần suýt bán con lấy 5 triệu đồng, may mà cô Thảo đã kịp thời khuyên can để em tiếp tục được đến trường. 

Ông Vy Minh Tân - phụ huynh của em Minh tâm sự: "Nghĩ đến chuyện trước đây bản thân tôi vẫn còn thấy áy náy. Thật sự may mắn khi con tôi gặp được cô giáo Thảo, nếu không có cô chắc chắn nó không thể tới trường học tập như bây giờ”.

Chuỗi ngày Minh bị ốm phải nằm viện, cô Thảo là người duy nhất chăm sóc em đến khi khỏi bệnh. Không những thế, cô còn kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các nhóm thiện nguyện hỗ trợ em tiền viện phí cũng như trang trải cho cuộc sống, học tập. 

Thực hiện Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” trong nhà trường, cô Đoàn Thị Thảo đã đăng ký nhận giúp đỡ em Minh, hơn nữa cô đã coi Minh như đứa con đẻ của mình. Bằng tình yêu thương ấy, cô đã giúp Minh từ một học sinh cá biệt trở thành một học sinh chăm ngoan. Năm học 2018 -2019, Minh đã đạt danh hiệu Học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ trong học tập, đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ.

"Cháu thấy thật sự may mắn khi gặp được mẹ Thảo, mẹ đã chăm lo cho cháu từ cái ăn, cái mặc, cái xe đạp đến trường. Mẹ còn thường xuyên đến nhà để kèm cháu học. Thực sự đó là người đã sinh ra cháu một lần nữa”- Chu Văn Minh nghẹn ngào khi nói về người mẹ thứ hai của mình. 

Cô giáo Đoàn Thị Thảo tâm sự: "Khi chứng kiến cậu bé chỉ mới học lớp 2 mà thường xuyên ở nhà một mình, sống trong thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, bản thân tôi nghĩ mình không chỉ là một giáo viên, mình phải như một người mẹ, coi Minh là đứa con cần phải được quan tâm, chăm sóc. Chính vì thế tôi đã nhận Minh là con nuôi”.

Sự tiến bộ của Chu Văn Minh trong học tập chính là "trái ngọt” cho tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sẻ chia giữa con người với con người. Với cô giáo Đoàn Thị Thảo, cậu học trò Chu Văn Minh giờ đã như đứa con mình dứt ruột sinh ra. Mặc dù hoàn cảnh của em còn rất nhiều khó khăn, cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng nhưng câu chuyện trên về tình thầy trò nơi vùng cao này thật đáng trân trọng! 

Và... ngôi trường "ai cũng có con nuôi”

Câu chuyện xúc động, đầy tình người của cô giáo Đoàn Thị Thảo với cậu học trò nghèo Chu Văn Minh chỉ là một trong số nhiều câu chuyện mà trong thời gian qua các thầy giáo, cô giáo Trường TH&THCS Tô Mậu, huyện Lục Yên đã làm, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống cũng như học tập. 

Ông Cù Ngọc Tiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” được chúng tôi triển khai từ năm 2016. Vốn là địa phương có nhiều học sinh thuộc hộ nghèo cùng với sự thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của học trò nên đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đồng lòng hưởng ứng ngay từ những ngày đầu triển khai. Đến nay, Cuộc vận động đã trở thành một phong trào sôi nổi”. 



Cô giáo Đoàn Thị Thảo chuẩn bị quần áo mới cho con nuôi của mình vào năm học mới. 

Điều đặc biệt là việc giúp đỡ ấy không chỉ dừng lại ở kêu gọi, vận động sự đóng góp về tiền bạc, hiện vật của các tổ chức, cá nhân mà mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường còn nhận học trò làm "con nuôi”, động viên các em về tinh thần để các em bớt tự ti, mặc cảm mà vươn lên. Các thầy, các cô thực sự là những người cha, người mẹ của các em chăm lo cho các em từ cái ăn, cái mặc và kèm cặp các em trong học tập. 

Được biết, Trường TH&THCS Tô Mậu hiện có 33 cán bộ, giáo viên thì 100% các thầy cô đều có "con nuôi” là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như học sinh khuyết tật, bị bệnh hiểm nghèo, mô côi... 

Ngoài ra, các thầy, cô giáo ở đây còn thường xuyên giúp đỡ những học sinh nghèo, các hộ gia đình bị thiên tai, hoạn nạn. Từ năm 2016 đến nay, đã có 34 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thầy cô của trường giúp đỡ vươn lên.

Năm học mới lại bắt đầu, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ những điều kiện tốt nhất cho học sinh thì nhiệm vụ mà cán bộ, giáo viên Trường TH&THCS Tô Mậu quan tâm là động viên, mua sắm quần áo, sách vở cho những đứa "con nuôi” của mình, chuẩn bị mọi thứ để chúng sẵn sàng, tự tin bước vào năm học mới. Họ - những giáo viên vùng cao Yên Bái đã và đang tiếp tục khắc phục mọi khó khăn để cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người” trên vùng đất khó vì lợi ích trăm năm của nước nhà như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng căn dặn.

Anh Dũng

Tags Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Mậu Lục Yên con nuôi Đoàn Thị Thảo

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục