Trạm Tấu: Từ “3 cùng” đến “Thứ 7 cùng dân”

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/10/2019 | 2:07:09 PM

YênBái - Đã là cán bộ vùng cao, ai cũng thấm nhuần tư tưởng “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân thì mọi việc mới đạt hiệu quả. Câu chuyện của những người nông dân kể lại về chính những người lãnh đạo của địa phương trước đây đã "3 cùng” với dân theo lời Bác Hồ dạy càng khẳng định thêm ý nghĩa của "Ngày thứ 7 cùng dân” hôm nay.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu tham gia hoạt động “Ngày thứ 7 cùng dân” tại thôn Hát 2, xã Hát Lừu.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu tham gia hoạt động “Ngày thứ 7 cùng dân” tại thôn Hát 2, xã Hát Lừu.

Đã là cán bộ vùng cao, ai cũng thấm nhuần tư tưởng "3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân thì mọi việc mới đạt hiệu quả. Thực tế ở vùng cao Trạm Tấu, trong suốt hành trình xây dựng và phát triển, thực tiễn "3 cùng” với dân để "cầm tay chỉ việc” đã đạt hiệu quả hơn cả mong đợi.

Từ một huyện miền núi nền sản xuất lạc hậu, dân trí không đồng đều, nặng nề hủ tục, sản xuất tự cung, tự cấp, giờ đây, Trạm Tấu đã có cơ sở hạ tầng khang trang, nhiều cây, con giống năng suất cao đưa vào sản xuất hàng hóa, phong tục lạc hậu được đẩy lùi… Người dân tin tưởng vào đường lối của Đảng. Và hôm nay, "Ngày thứ 7 cùng dân” càng làm cho mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa những "công bộc” với đồng bào vùng cao thêm gắn kết.

Suốt 1 tháng qua, "Ngày thứ 7 cùng dân” đã khiến vùng cao Trạm Tấu có nhiều hoạt động sôi nổi. Từ các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy đến cán bộ, công chức, viên chức cả huyện, các chiến sỹ lực lượng vũ trang đã về cơ sở cùng đồng bào trồng sơn tra, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh. 

Bà Lò Thị Pọm năm nay đã gần 60 tuổi ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu chia sẻ: "Với chúng tôi, cán bộ vùng cao vốn rất gần gũi, vì những năm qua họ vẫn cùng chúng tôi xuống ruộng cấy lúa, lên rừng trồng cây, chia sẻ lúc gặp khó khăn, thiên tai bão lũ nhưng ngày thứ 7 lần này vẫn thật đặc biệt khi cán bộ chính quyền từ huyện đến cơ sở về dọn dẹp đường làng ngõ xóm với dân, giúp chúng tôi có thêm động lực xây dựng nông thôn mới”.

Câu chuyện của những người nông dân kể lại về chính những người lãnh đạo của địa phương trước đây đã "3 cùng” với dân theo lời Bác Hồ dạy càng khẳng định thêm ý nghĩa của "Ngày thứ 7 cùng dân” hôm nay. 

Đồng bào Pá Lau không quên hình ảnh anh cán bộ trẻ Giàng A Thào, nay là Bí thư Huyện ủy, thuở đôi mươi một mình khai hoang đến trầy chân, sứt thịt trên cánh đồng hoang Lậm Lùng đầy cỏ dại, có người còn nói là có ma, để gieo cấy lúa xuân, xóa bỏ tư tưởng, tập quán canh tác lạc hậu, gây dựng một cánh đồng lúa 2 vụ 5 ha ở Lậm Lùng trù phú như hôm nay. 

Ở Xà Hồ là kỳ tích cánh đồng Tà Ghênh 37 ha được nhắc đến như một huyền thoại của ngành nông nghiệp Trạm Tấu. 

Đã có 50 năm sinh sống ở huyện Trạm Tấu, hơn 20 năm gắn bó với ngành nông nghiệp huyện nhà, đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy không quên những ngày tháng lên nương, xuống ruộng với dân để vận động đồng bào gieo cấy 2 vụ hay chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang trồng ngô đồi. Đó là những ngày tháng không chỉ làm ruộng mà còn ăn ở ruộng, ngủ ở ruộng của những cán bộ ngành nông nghiệp. 

Như chia sẻ của già làng Giàng A Súa ở Xà Hồ thì: "Đó là cả tuổi trẻ của anh Xuê, chị Duyên, anh Hưng, chú Phước. Nay có người đã về nghỉ chế độ, có người đã ở cương vị lãnh đạo nhưng đồng bào Tà Ghênh - Xà Hồ mãi không quên những tháng ngày họ trèo đèo, lội suối, xắn quần xuống ruộng cùng đồng bào cày bừa, gieo mạ đến lúc cấy lúa xuân. Một vài người dân còn chống đối đến mức nhổ cả lúa đi. Dân nhổ lúa, cán bộ lại cấy lại trên chính mảnh ruộng ấy. Sự kiên trì, nhẫn nại ấy và tình cảm của những cán bộ với vùng cao đã làm người dân cảm động để hôm nay Tà Ghênh - Xà Hồ 1 năm 2 vụ lúa ấm no  bản làng. Khái niệm "3 cùng” với dân trong chúng tôi được hiểu sâu sắc từ chính những việc làm của họ”.

Sự vận dụng sáng tạo từ lý luận vào thực tiễn, xuất phát điểm từ tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ở vùng cao đã khẳng định bài học "3 cùng” với dân luôn đạt hiệu quả hơn mong đợi. Hôm nay, tận nơi sơn cùng thủy tận Tà Chơ (Làng Nhì), Tà Cao (Tà Xi Láng), Háng Chi Mua (Bản Mù)… 

Vẫn có những cô giáo trẻ dành cả thanh xuân "cắm bản”, trèo đèo, lội suối mang con chữ, thắp ánh sáng tri thức, nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ em nghèo; những y tá gắn bó cả cuộc đời với công tác tuyên truyền, vận động người dân cải tạo phong tục không còn phù hợp với nếp sống mới, thực hiện vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe...; những cán bộ khuyến nông viên cơ sở ở ruộng nhiều hơn ở nhà giúp đồng bào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Họ không chỉ có 1 ngày thứ 7 cùng dân mà cả cuộc đời công tác đã gắn bó với sự phát triển của đồng bào vùng cao.

 

Cán bộ công chức, giáo viên xã Xà Hồ thực hiện "Ngày thứ 7 cùng dân” tại thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ. 

"Thứ 7 cùng dân”, sự tiếp nối có ý nghĩa thiết thực cho tuổi trẻ huyện Trạm Tấu, để cán bộ, công chức, viên chức có dịp gần dân hơn nữa, lắng nghe chính câu chuyện của họ về sự cống hiến của thế hệ đi trước, để trân trọng thành quả hôm nay, như chia sẻ của anh Trần Bình Trọng - Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu: "Đoàn viên là cán bộ công chức, viên chức rất phấn khởi với hoạt động này. Vì đây chính là dịp để tuổi trẻ khẳng định sức trẻ, tinh thần vì cuộc sống cộng đồng, đặc biệt là tạo môi trường lành mạnh để tuổi trẻ gần dân, hiểu dân hơn nữa, hình ảnh thanh niên trí thức gần gũi với người dân hơn nữa, đây sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tuổi trẻ địa phương”.

Mỗi địa phương một phần việc, 12 xã, thị trấn của huyện đều đã có những ngày cuối tuần cùng dân vô cùng ý nghĩa, đó là cùng dân dọn dẹp cảnh quan môi trường, giúp dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống sạch đẹp, thêm mối gắn kết cộng đồng, tình yêu quê hương làng bản. 

Ở huyện, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Trạm Tấu có "Ngày thứ 7 vì dân, ấm lòng bạn đường xa” với hình ảnh những chiến sỹ cảnh sát giao thông phát nước miễn phí cho người tham gia giao thông. Những anh bộ đội về bản, cùng dân khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, tô đẹp thêm phẩm chất người lính giữa đời thường. Cán bộ, công chức, viên chức gác lại công việc, dành một ngày sống với nông dân để trải nghiệm thực tiễn. 

Cô Nguyễn Thị Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Xà Hồ chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn góp sức nhỏ bé của mình để nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần đẩy nhanh tiến độ nông thôn mới. Đây cũng là dịp mỗi thầy cô giáo trong trường được gần dân hơn để thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động học sinh ra lớp”.

"Thứ 7 cùng dân” - một hoạt động ý nghĩa mà người dân vùng cao luôn mong muốn được đón nhận, để khẳng định những cán bộ nơi vùng cao gian khó đang nỗ lực hết mình để thực sự là "công bộc” của dân.

Phương Thùy (Trung tâm TT - VH huyện Trạm Tấu)

Tags Trạm Tấu thứ 7 cùng dân

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục