Xây “cái gốc” ở huyện nghèo Trạm Tấu - Bài I: Chủ trương kịp thời

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2019 | 7:50:24 AM

YênBái - Gần 80% dân số là người Mông, sống thưa thớt trong miên man đất núi, vậy mà, mười mấy năm trước, nói đến Trạm Tấu, mọi người dễ liên tưởng đến nơi vùng cao heo hút, nghèo nàn và lạc hậu. Những đổi thay bắt đầu từ câu chuyện "động trời”...

Cán bộ Phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu trực tiếp xuống tận chân ruộng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa cho người dân xã Hát Lừu - Ảnh: Văn Tuấn
Cán bộ Phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu trực tiếp xuống tận chân ruộng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa cho người dân xã Hát Lừu - Ảnh: Văn Tuấn

Nhưng cũng với quãng thời gian từ bấy đến nay, tuy vẫn là huyện nghèo của cả nước, nhưng Trạm Tấu đã dần làm nên những đổi thay ngoạn mục. Thành công ấy khởi nguồn từ sự quan tâm phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước với vùng cao, nhưng còn có phần rất quan trọng là do huyện đã sớm có những đột phá về công tác cán bộ.

Bên căn nhà Huyện ủy, tiết thu vùng cao dịu mát và đầy nắng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trịnh Văn Xuê tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện ngược về miền quá khứ. 

Hồi ấy - năm 1996, sau mấy năm công tác ở Nhà máy Chè Liên Sơn, anh được gặp ông Trần Viết Hưởng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đến thăm đơn vị. Thấy anh là cán bộ trẻ năng nổ lại có nhiều sáng kiến với ngành chè nhưng cơ hội để biến những sáng kiến ấy vào thực tế lại chưa được lãnh đạo Nhà máy quan tâm. Bởi vậy, ông Hưởng chợt nghĩ, nếu động viên được anh lên công tác ở Trạm Tấu, anh sẽ giúp được nhiều việc cho ngành và trực tiếp là huyện Trạm Tấu. Thế rồi, sau khi được ông Hưởng động viên, phân tích, Trịnh Văn Xuê vui vẻ khoác ba lô đi bộ hơn ba chục cây số ngược núi lên Trạm Tấu nhận công tác. Biết anh sẽ phải đối mặt với nhiều gian nan, ông Hưởng có hỏi: 

- Lên công tác trên đấy sẽ có rất nhiều khó khăn. Vậy, cháu có đề nghị gì với ngành không?

- Cháu ở xa tỉnh, đi lại khó khăn, chỉ mong chú và Sở có tài liệu gì mới về nông nghiệp thì gửi cho cháu - anh Xuê đáp lời.

Bữa cơm huyện đón kỹ sư nông nghiệp đầu tiên lên công tác, một cán bộ huyện bấy giờ buông lời: 
- Cháu là kỹ sư chứ là gì đi nữa thì cũng chẳng hòng làm được gì đâu!

Ý là anh chẳng thể nào đủ khả năng để mà thay đổi hiện trạng nông nghiệp lúc bấy giờ. Chạnh lòng một chút, nhưng sau này nghĩ lại, anh thấy câu nói ấy chính lại là một phần động lực để anh nhiệt huyết suốt 15 năm trực tiếp là cán bộ kỹ thuật rồi nhanh chóng trở thành Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện. 

Nói về những tồn tại trong đời sống kinh tế - xã hội lúc bấy giờ, anh Xuê bày tỏ, đó là việc tỉnh, huyện lúc nào cũng canh cánh với Trạm Tấu về nạn đói kinh niên, dân trí thấp, đồng bào sống du canh du cư, nạn cháy rừng gay gắt, tái trồng cây thuốc phiện, hủ tục nặng nề trong cưới hỏi, tang ma... 

Và điều cấp thiết nhất bấy giờ tỉnh, huyện đặt ra là phải bằng mọi cách giúp người dân Trạm Tấu thoát khỏi tình trạng thiếu đói kinh niên, rồi mới từng bước tháo gỡ những tồn tại khác. Về việc này, không gì khác là ngành nông nghiệp phải trực tiếp gồng mình gánh vác và tỉnh, huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp trực tiếp nghiên cứu, tham mưu. 

Bằng trực quan trong công việc ở cơ sở, anh Xuê cùng với anh em trong đơn vị nghiên cứu, so sánh đặc thù khí hậu, thời tiết ở khu vực xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn cấy được vụ xuân so với xã Trạm Tấu, xã Hát Lừu của huyện Trạm Tấu… rồi so sánh, mạnh dạn đề xuất phải tuyên truyền, vận động nhân dân cấy thêm vụ xuân bằng những giống lúa mới. Còn giống lúa cũ vừa sinh trưởng dài ngày, năng suất thấp mà khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn hán rất thấp nên sản lượng thóc không thể nào cao được. 

Chuyện "làm lúa vụ xuân” là chuyện "động trời” ở vùng cao này rồi! Có người đã nói như vậy, vì khí hậu buốt giá lắm và bao đời nay người Mông, người Thái ở đây chưa hề cấy lúa xuân. Tuy nhiên, tỉnh, huyện vẫn ủng hộ Trạm Tấu kiên quyết phải làm thí điểm và địa điểm được chọn là những cánh đồng thuận lợi nước tưới ở xã Hát Lừu của đồng bào Thái, xã Trạm Tấu của đồng bào Mông - nơi dân trí có phần hơn một chút. 

Quả thực, ai đó bảo làm lúa xuân là chuyện "động trời” cũng có cái lý của họ. Khi cán bộ nông nghiệp huyện về xã Trạm Tấu để làm thí điểm thì dân không đồng ý cho làm trên ruộng của họ. Tuyên truyền, vận động mãi họ cũng đồng ý cho làm, nhưng yêu cầu cán bộ phải cam kết nếu thành công thì không sao, nhưng thất bại phải trả cho họ sản lượng thóc khoảng trên 4 tấn mỗi héc - ta. Không lùi bước, anh Xuê đề nghị huyện đồng ý cho ký cam kết và anh đã phải ký như thế mấy vụ liền ở nhiều xã trong huyện. 

Còn ở Hát Lừu, nhiều hộ không đồng ý cho làm thí điểm trên ruộng của họ vì họ sợ làm vụ xuân đến khi cấy lúa mùa sẽ không tốt. Những hộ cho làm thí điểm trên ruộng của mình thì không đồng ý cấy bằng giống mới... Chả thế, mới có chuyện nghe mà cứ ngỡ như đùa, ấy là có người vì không muốn cán bộ làm thí điểm tăng vụ nên đêm về đã lén lút mang xôi gà ra bờ ruộng cúng để cho giống lúa mới và lúa của cán bộ chết hết. 

Trước những trở ngại đó, quan điểm chỉ đạo của huyện là phải làm thật thận trọng và quyết tâm làm cho bằng được. Nếu thất bại thì dân mất niềm tin sẽ tạo nên khó khăn khôn lường cho những bước tiếp theo. 

Từ quan điểm chỉ đạo đó, những cán bộ nông nghiệp huyện đi làm thí điểm lúc bấy giờ cứ chất chứa bao trăn trở, tâm huyết và ấp ủ đến mất ăn mất ngủ bám lấy từng hạt giống, sá cày, nhánh mạ, nước, phân, dõi theo ngày ngày chờ lúa lên xanh. Thật may, năm đầu tiên thí điểm, lúa xuân vùng cao năng suất chẳng hề thua kém miền xuôi. Mừng vui khôn tả và mô hình thí điểm cứ theo chân cán bộ nông nghiệp tỏa lan dần sang những xã khó khăn hơn. 

Đến năm 2001, sau mấy năm làm thí điểm thành công ở một số xã, huyện quyết định nhân rộng mô hình. Nơi đầu tiên nhắm đến là cánh đồng Tà Ghênh rộng khoảng năm chục héc - ta. Nhưng một lần nữa, câu chuyện lúa xuân ở Tà Ghênh lại thêm những tháng ngày có cả niềm vui, nước mắt. Huyện vận động cán bộ, đảng viên trong xã cùng phối hợp vào cuộc làm thí điểm trên diện tích 5 ha.

Nhưng tất tật mọi việc từ cày bừa, cấy hái chỉ một tay cán bộ huyện đảm đương, còn cán bộ xã chẳng ít người đứng trên bờ, tay đút túi quần nhìn cán bộ huyện làm. Đã vậy, ở đây còn có dấu hiệu chống phá mô hình điểm, nên ban ngày cán bộ vừa điều tiết lượng nước ít cho ruộng mới cấy thì ban đêm có kẻ tháo nước cho ngập lúa; hoặc khi ruộng cần nhiều nước thì lại bị tháo cho kiệt... 

Đặc biệt, khi ấy đã có sự việc khiến cán bộ nông nghiệp huyện phải rơi nước mắt. Đó là, khi lúa xuân đã chín, Phòng Nông nghiệp tham mưu với huyện tổ chức hội nghị mời tỉnh lên đánh giá kết quả khảo nghiệm ở Tà Ghênh thì bất ngờ kẻ phá hoại lùa trâu xuống phá lúa. 

Vụ xuân năm sau, dựa trên cơ sở đã cấy thành công vụ xuân trước, huyện quyết định mở rộng diện tích lên khoảng ba chục héc - ta tại Tà Ghênh. Một mặt, huyện vẫn tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Xà Hồ cùng làm. Mặt khác, huy động tất cả cán bộ các ban, ngành của huyện và hội viên Hội Phụ nữ, dân quân xã Hát Lừu cùng tiến quân lên Tà Ghênh sản xuất lúa xuân. 

Thời điểm lực lượng đông nhất, riêng phụ nữ có tới 150 người. Công an, Huyện đội thường xuyên cắt cử người bám ruộng sản xuất cùng cán bộ nông nghiệp với mục tiêu vừa làm vừa bảo vệ sản xuất. Có một hình ảnh khiến những người từng làm ở đây nhớ mãi, đó là khi cán bộ huyện, bà con xã Hát Lừu đang tất bật cày bừa ở Tà Ghênh thì xa xa bỗng thấy có mấy người Mông đang vác bừa đưa trâu xuống cùng làm. Chẳng ai bảo ai, tất cả cùng mừng reo lay động cả núi rừng vì đã có người Mông ở đây mạnh dạn cùng làm. 

Vụ xuân này tiếp tục bội thu. Huyện tổ chức cán bộ cùng người dân ở Hát Lừu lên cùng gặt với bà con ở địa phương. Nhưng khi gặt xong, huyện thu lại 20% sản lượng thóc để đưa vào quỹ cứu trợ, số còn lại giao cho những hộ dân có ruộng. Sở dĩ thu lại một phần sản lượng, là để bà con ở đây tự nhận thấy, nếu mình chủ động trong sản xuất vụ xuân thì mình sẽ thu hoạch cao hơn. Xã cuối cùng mà huyện đến làm mô hình điểm, đó là xã Bản Mù - nơi có nhiều ruộng nước nhất huyện. 

Việc tuyên truyền, vận động bà con ở đây không khó lắm, vì bà con đã thấy nhiều nơi trong huyện làm lúa xuân thành công. Tuy nhiên, bà con vẫn đưa ra cái lý với cán bộ: "Mày gieo được cái mạ nó sống thì tao sẽ làm”. 

Tự tin vì khí hậu lạnh thật, nhưng gieo mạ được che bằng nilon, chăm sóc đúng kỹ thuật thì mạ chắc chắn bảo đảm. Vậy là, cứ vài hôm cán bộ lại mở nilon cho người dân đến xem mạ. Thấy mạ lên xanh dần, nhiều hộ đã rủ nhau làm đất chờ ngày gieo cấy.

Không chỉ gian nan thí điểm cấy lúa xuân, việc thí điểm chuyển đổi cơ cấu giống ngô bằng những giống tiến bộ kỹ thuật và tăng vụ cũng đầy nan giải. Bà con người Mông từ trước chỉ trồng ngô nếp địa phương, khoảng cách trồng cỡ mét vuông 4 góc 4 hốc, mỗi hốc 4 đến 5 cây nên ngô cạnh tranh dinh dưỡng, bắp nhỏ và bà con cũng chỉ quen trồng một vụ xuân hè. 

Những mô hình thâm canh ngô giống mới và tăng vụ rất thành công nhưng bà con vẫn thờ ơ. Câu hỏi đặt ra lúc này là, mô hình điểm với lúa xuân, thay đổi cơ cấu giống, mùa vụ với cây ngô đã chắc ăn như thế mà sao mỗi năm chỉ lẹt đẹt mở rộng được vài chục héc - ta? Câu trả lời cũng được sáng tỏ khi huyện nhận ra rằng, chủ trương đổi mới, nâng cao đời sống của nhân dân đang được triển khai từ phần ngọn chứ không được bắt đầu từ vấn đề căn cốt. 

Mọi việc chắc chắn không thể thay đổi được khi triển khai thực hiện trên một nền tảng dân trí thấp, ngại thay đổi tập quán, nghèo đói. Đội ngũ cán bộ xã yếu kém đến mức vào cuối những năm 1990 rồi mà huyện vẫn còn phải thành lập những tổ công tác đi khảo sát khả năng đọc thông viết thạo của cán bộ; trình độ, năng lực công tác của cán bộ huyện còn nhiều bất cập, lề lối làm việc trì trệ. Và vấn đề rõ nhất là huyện đang thiếu một lực lượng có đủ năng lực vận động quần chúng và làm cầu nối đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống thực tế ở cơ sở.

Trước thực tế đó, chủ trương cấp bách đặt ra với huyện lúc này là, cùng với những chủ trương, đường lối, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, địa phương phải đặc biệt ưu tiên cho những đột phá về công tác cán bộ đúng với tinh thần xây dựng đội ngũ cán bộ là "khâu then chốt” của "nhiệm vụ then chốt”; "cán bộ là gốc của công việc” và "công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. 

Hoàng Nhâm
Bài II: Bứt phá đồng bộ

Tags “cái gốc” huyện nghèo chủ trương kịp thời

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục