Khi “mảnh ghép trái tim” tan vỡ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/11/2019 | 10:56:24 AM

YênBái - Mẹ không chịu được đòn đánh, chửi của bố đã ra đi. Từ sau ly hôn, bố của N. và T. sinh ra chán đời, lười làm nên mọi gánh nặng đều đổ lên vai bà nội nay đã 70 tuổi.... Thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, những năm gần đây, tình trạng ly hôn trên địa bàn ngày càng gia tăng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ly hôn là sự lựa chọn cuối cùng và không ai mong muốn trong hôn nhân. Dù người trong cuộc có thuận tình ly hôn hay không thì kết thúc một cuộc hôn nhân bao giờ cũng là nỗi buồn, sự cô đơn và cả những ảnh hưởng tâm lý đối với bản thân cặp vợ chồng cũng như con cái của họ.

Ngôi nhà vắng tình cha, mẹ

Đã hơn 1 năm nay, kể từ khi bố mẹ của  N. và T. ở thành phố Yên Bái ly hôn, tính cách của các em thay đổi hẳn. Trước đây, hai anh em được cả xóm mệnh danh là "mồm mép tép nhảy” thì bây giờ ngày càng trở nên lầm lì, ít nói. Bố mẹ ly hôn, T. được tòa án xử ở với mẹ, song vì quen sống trong ngôi nhà của mình cùng bố và bà nội nên em nhất định không theo mẹ. 

Gia đình của hai em N. và T. vốn chẳng khá giả gì bởi bố mẹ đều là lao động tự do. Bố các em hay uống rượu và mỗi khi say là đánh, chửi cả nhà và mẹ các em là người bị chịu trận nhiều nhất. 

Cực chẳng đã, sau nhiều năm nhẫn nhịn, mẹ các em đã viết đơn ly hôn. Từ sau ly hôn, bố các em sinh ra chán đời, lười làm nên mọi gánh nặng đều đổ lên vai bà nội nay đã 70 tuổi. Sức yếu nhưng hàng ngày bà vẫn phải đi làm lao công, nhổ cỏ thuê để lấy tiền đóng học, nuôi cháu. 

Bà nội của N. và T. ngậm ngùi: "Tôi thương chúng nó lắm. Bố mẹ giờ chẳng ai quan tâm, tôi mà không cưu mang thì chúng biết trông cậy vào đâu? Trước đây, hai thằng lúc nào cũng quấn quýt với mẹ, từ ngày bố mẹ bỏ nhau, hai đứa lúc nào cũng buồn. Sinh nhật chúng nó, tôi cố gắng mua các thứ về tổ chức, mời mấy đứa trẻ cùng xóm sang chung vui mà hai đứa chẳng thiết tha gì. Chúng nói chỉ cần có mẹ về, còn không cần gì cả”. 

Là nạn nhân trong cuộc hôn nhân tan vỡ của cha mẹ, M. hiện đang công tác tại một công ty tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đủ khôn lớn để hiểu mọi chuyện và em không còn oán trách mẹ, cha như trước. Tuy nhiên, những ký ức về tuổi thơ buồn, có mẹ mà không có cha bên cạnh vẫn luôn đeo đẳng và từng làm em mất đi niềm tin, sự tự tin trong cuộc sống. 

M. tâm sự: "Ngày còn bé, em luôn thấy tủi hờn và ghen tị với những đứa trẻ hàng xóm khi thấy cả gia đình các bạn ấy quây quần bên bữa cơm; thèm cảm giác mỗi buổi chiều tan học về được cha đưa đi chơi, có cha bên cạnh những lúc ốm đau, chia sẻ niềm vui với cha khi được điểm 10...”.

Là người nhạy cảm nên khi bố mẹ chia tay, có thời gian, M. đã rơi vào khủng hoảng, học hành sa sút. Cũng may, nhờ có những người thân trong gia đình luôn bên cạnh, động viên kịp thời nên em đã bình tâm trở lại, cùng mẹ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. 

Tiếng nói người trong cuộc

Từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và có chung với nhau 2 mặt con, mới đây, chị H. và anh T.  huyện Văn Yên đã ly hôn trong buồn đau và nước mắt. 

Chị H. tâm sự: "Tôi từng mất ăn, mất ngủ và tưởng rằng không sống nổi khi biết anh ấy có tình cảm với người phụ nữ khác. Chúng tôi đã sống hạnh phúc với nhau gần 20 năm. Thời gian gần đây, do tính chất công việc, anh ấy thường xuyên xa nhà nên chúng tôi ít có thời gian bên nhau. Tôi cũng bận công việc nên mỗi khi anh ấy tranh thủ về nhà thì có khi tôi lại không có nhà. Dần dần, tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng như trước và đến giờ, tôi cũng nghiệm ra rằng, chính việc không "giữ lửa” trong hôn nhân có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ”. 

Sớm nhận ra những thiếu sót từ phía mình, chị H. đã nén mọi hờn tủi, ghen tuông trong lòng tha thứ cho chồng. Tuy nhiên, do đã có con với người thứ 3 và anh T. cũng không còn yêu thương vợ như trước nên chị H. đã quyết định ly hôn. 

Bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe cũng như những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình,  L. và K. ở thành phố Yên Bái kết hôn với nhau được một thời gian thì nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. 

K. tâm sự: "Tôi và cô ấy kết hôn khi cả hai nghề nghiệp đều chưa ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm. Chúng tôi thường xuyên cãi nhau mỗi khi con ốm, khi không có tiền để trang trải cuộc sống. Tính cô ấy thì thích ăn diện, thích được đi chơi, đi du lịch, dùng hàng hiệu mà tôi thì không đáp ứng được. Tuy nhiên, nghĩ lại, trách cô ấy, song tôi lại tự trách mình, chưa có gì trong tay mà dám lấy vợ, để rồi không lo được cho vợ, cho con. Tính tôi nóng nên mỗi lần xảy ra mâu thuẫn hay va chạm gì đó giữa hai vợ chồng là tôi hay có lời lẽ xúc phạm cô ấy, khiến cô ấy không chịu đựng được và viết đơn ly hôn”.

Báo động tình trạng ly hôn

Theo thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, những năm gần đây, tình trạng ly hôn trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Năm 2016, TAND hai cấp tỉnh Yên Bái thụ lý 1.906 vụ, việc; giải quyết 1.726 vụ, việc; năm 2017 thụ lý 1.863 vụ, việc; giải quyết 1.817 vụ, việc; năm 2018 thụ lý 2.450 vụ, việc; giải quyết 2.293 vụ, việc; 9 tháng năm 2019 thụ lý gần 2.100 vụ, việc; giải quyết 1.749 vụ, việc. Trong số các vụ án ly hôn, tỷ lệ ở các cặp vợ chồng trẻ chiếm 70 - 80%. 

Nguyên nhân dẫn đến ly hôn chủ yếu do mâu thuẫn gia đình, vợ chồng không tôn trọng nhau, bất đồng về quan điểm, lối sống; bạo lực gia đình (bao gồm: bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế...); do vợ hoặc chồng nghiện rượu, nghiện ma túy, chơi cờ bạc..., còn lại là các nguyên nhân khác. 

Thực tế công tác xét xử các vụ án cho thấy, rất nhiều vụ án ly hôn xuất phát từ những mâu thuẫn không lớn, thậm chí hết sức bình thường trong cuộc sống. Song, do các cặp vợ chồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ không tìm hiểu kỹ trước hôn nhân, không dành thời gian lắng nghe nhau nói, cái tôi cá nhân của mỗi người quá lớn nên từ mâu thuẫn nhỏ kéo theo những mâu thuẫn khác, lâu ngày khi cảm thấy không chịu đựng được nhau thì quyết định đi đến ly hôn. 



Người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc hôn nhân. 

Đâu là giải pháp?

Ly hôn thực tế là hiện tượng xã hội bất bình thường nhưng cần thiết để đảm bảo quyền tự do trong hôn nhân và củng cố hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Tuy nhiên, ly hôn với đa số người trong cuộc là một dấu mốc bi kịch trong cuộc đời họ. 

Sau ly hôn, gánh nặng kinh tế, sự lo lắng cho con cái, sự trăn trở khi bắt đầu lại cuộc sống mới, sự hoang mang, đau buồn và nỗi cô đơn… là những điều họ phải đối mặt. Ngoài ra, một hệ lụy khó tránh khỏi là sự ảnh hưởng đến tâm lý những đứa con. 

Những đứa trẻ không hiểu được, phân biệt được ai đúng, ai sai nên khi thiếu đi cha, mẹ hoặc xa cách người anh, người chị hay em mình đều khiến chúng bị mất cân bằng trong cuộc sống. Không ít trẻ em trong các gia đình có bố mẹ ly hôn đã sống trở nên thu mình hay bùng nổ, phá phách, bỏ nhà đi "bụi đời", sa vào các tệ nạn xã hội. 

Vì vậy, để xây dựng nền tảng vững chắc trong hôn nhân, mấu chốt phải từ sự nỗ lực, cố gắng của các cặp vợ chồng. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần được nuôi dưỡng và phát triển dựa trên sự hiểu biết, lòng thủy chung, sự chân thành và cả sự tôn trọng, bổ sung hay thích nghi với những khác biệt của nhau chứ không đơn thuần chỉ là chiều chuộng, đáp ứng những nhu cầu của nhau. 

Để góp phần hạn chế tình trạng ly hôn gia tăng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. 

Trong đó, chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới cho người dân; làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở, từ đó hạn chế tình trạng ly hôn gia tăng; tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn cho từng giới (nam và nữ); thành lập câu lạc bộ tiền hôn nhân nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh... cho trẻ vị thành niên, thanh niên, từ đó giúp các bạn trẻ sống lành mạnh, an toàn, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững.

Hồng Oanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục