Thuốc lá với giới trẻ: Khẳng định giá trị hay hủy hoại bản thân?

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/11/2019 | 7:50:18 AM

YênBái - Không có con số thống kê người trẻ dưới 18 tuổi hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh Yên Bái, song hàng ngày vẫn gặp rất nhiều hình ảnh các em học sinh hút thuốc lá, thuốc lá điện tử như một cách khẳng định giá trị bản thân dù ngày ngày trên các phương tiện truyền thông luôn rất nhiều thông tin về những hủy hoại sức khỏe từ thuốc lá.

Thuốc lá và thuốc lá điện tử trở thành
Thuốc lá và thuốc lá điện tử trở thành "vật trang trí" của nhiều bạn trẻ. (Ảnh minh họa).

Hút thuốc cho "ngầu”

Ngồi trong góc nhỏ của quán trà chanh trên đường Yên Ninh, Linh và Minh học sinh một trường THPT trên địa bàn thành phố Yên Bái tay cầm hộp thuốc lá điện tử rít một hơi thật sâu, rồi từ miệng nhả ra một làn khói trắng đậm và dài. Đặt hộp thuốc lá điện tử xuống bàn, tay cầm cốc trà chanh lên uống, chân vắt lên nhau như muốn thể hiện cái sự "người lớn”, "sang chảnh” của bản thân. 

Lúc sau, một bạn gái tới muộn, vừa ngồi xuống ghế, tay đã với hộp thuốc lá điện tử đưa lên miệng và làm một hơi thật điệu nghệ. Nhìn cách bạn gái rít, mắt nhắm nghiền rồi nhả khói thành thạo thì thấy đây không phải là lần đầu. 

Tôi quay sang vờ hỏi: "Cái này là thuốc lá điện tử phải không các em?”. Mấy đứa nhỏ ra chiều chuyên nghiệp: "Vâng! Chị cũng biết cái này à?”. Tôi cười bảo: "Chai bên cạnh kia là tinh dầu phải không?”. Mấy đứa nhỏ gật đầu. 

Tôi liền tiếp: "Có đắt không các em?”. Chúng hồ hởi: "Nguyên cái điếu này là 550K (550.000 đồng), còn cái lọ tinh dầu này là 450K (450.000 đồng)”. Tôi tròn mắt: "Vị chi bộ này là 1 triệu đồng cơ à? Nhiều thế các em lấy tiền đâu ra mua”. 

Không ngần ngại chúng nói: "Em ngoài giờ đi học thì em học sửa điện thoại và giờ đã làm thành thạo, tiền do bọn em kiếm được”. 

"Nhưng hút cái này có hại cho sức khỏe, các em biết không?”. 

Nghe đến đây chúng nhìn nhau và phá lên cười, tôi lại tiếp: "Trên ti vi chị thấy ở nước Mỹ người ta cấm rồi vì có trường hợp dẫn đến tử vong”. Một đứa trong đám lên tiếng: "Ở mình chưa có chị ạ, đó là chuyện tận bên Mỹ mà cái này chỉ là tinh dầu thôi không hại đâu chị!”. 

Lân la vài lần trò chuyện với đám trẻ trong những tiệm trà chanh được biết, thuốc lá mà đặc biệt là thuốc lá điện tử đang thịnh hành trong giới học sinh cấp 3. Lứa tuổi này được cha mẹ cho nhiều tiền hơn, hoặc vài bạn đã đi làm thêm và có khả năng chi trả cho những món đồ đắt đỏ của thuốc lá điện tử. Nhưng hơn cả đó là hầu hết chúng nghĩ rằng, hút thuốc lá mà nhất là thuốc lá điện tử cho chúng một diện mạo đẳng cấp, sành điệu và hợp mốt.

Hút thuốc lá không chỉ trong các em học sinh cấp 3 mà ngay cả các em cấp 2 dù không nhiều nhưng cũng đã có. Tình cờ đi qua khu vực phố Phúc Sơn, thuộc phường Nguyễn Phúc, một nhóm các em học sinh một trường THCS trên địa bàn thành phố đang có một cuộc tranh chấp nho nhỏ. Khi những đứa trẻ chưa tìm được tiếng nói chung thì một em học sinh lớp 9 đi tới tay cầm điếu thuốc phì phèo, hình ảnh đó không phù hợp với dáng vẻ chưa lớn hết của em. 

Em đứng ra dàn xếp cuộc mâu thuẫn. Khi tôi hỏi em có biết thuốc lá có hại cho sức khỏe không, em trả lời: "Cháu biết chứ, nhưng cháu hút ít không sao đâu. Vì cháu chỉ hút khi cần "ngầu” với đám kia thôi”. 

Còn với những đứa trẻ khác thì khi thấy bạn hút thuốc chúng đã cảm thấy bạn lớn hẳn hơn mình. Lệch lạc trong suy nghĩ và nhận thức khiến những đứa trẻ chưa qua 18 tuổi đã sử dụng thuốc lá như một món đồ trang trí khẳng định giá trị bản thân.

Khẳng định hay hủy hoại bản thân?

Chúng tôi đem câu chuyện hút thuốc cho "ngầu” của đám trẻ đến gặp bác sĩ Vũ Anh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. 

Anh nhận định: "Đây là lệch lạc trong nhận thức. Bởi khói thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư phổi của những người có thói quen hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc”. 

Nói đến đây, anh cười lớn rồi mới tiếp câu chuyện: "Một cậu thanh niên hút thuốc thì hiện lên là sự lười biếng, không chịu khó học tập, làm việc chứ không phải là "ngầu” như bọn trẻ nghĩ. Tuổi trẻ là phải phấn đấu học tập, dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa văn nghệ, thể thao... chứ hút một điếu thuốc đã mất 5-7 phút rồi. Tính ra một ngày ta sẽ mất bao nhiêu thời gian, còn thời gian nào cho học tập, nghiên cứu”.

Không phải đứa trẻ nào cũng nghĩ hút thuốc lá trông sẽ ngầu hơn, sành điệu hơn bạn mình. Em Đỗ Trường Giang - học sinh lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho hay: "Trường em thì không có bạn nào hút thuốc, nhưng vài lần em có gặp các bạn cùng lứa tuổi trong các quán trà, cà phê có hút thuốc. Nhiều bạn nghĩ hút thuốc mới là hợp mốt, hợp thời, thể hiện bản thân sành điệu, nhưng với em đây là suy nghĩ sai lầm. Hút thuốc không làm tăng hình ảnh mà hạ giá trị bản thân”. 

Cùng quan điểm, em Lê Thu Trà - học sinh lớp 11 B3, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Em không thích hình ảnh một bạn nam hút thuốc lá. Trông phản cảm lắm!”. 

Giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thuốc lá - đó chính là nguyên nhân quan trọng để giới trẻ dễ dàng trở thành người hút thuốc. Những tưởng chỉ có thuốc lá thông thường là dễ dàng mua được vì chỉ cần vào một cửa hàng tạp hóa là có được ngay với số lượng không hạn chế, song thuốc lá điện tử giờ đây cũng có thể mua ngay được trên địa bàn thành phố. 

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định, hành vi sử dụng, mua bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 300.000 đồng; người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế người kinh doanh vẫn dễ dàng bán cho trẻ. 

Chị Thu Hương - một tiểu thương trên đường Điện Biên cho hay: "Dù là trẻ đến mua thuốc lá thì vẫn có thể là mua cho ông, bố, hay chú bác nên chúng tôi vẫn bán”. 

Chính bởi cái lý ấy mà việc phát hiện và xử lý hành vi mua bán, sử dụng thuốc lá đối với người chưa đủ 18 tuổi đang là một bài toán khó đối với cơ quan chức năng. Các chuyên gia nhận định rằng, người chưa trưởng thành hút thuốc lá ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất cũng như trí não của trẻ. 

Những lời cảnh báo vẫn tiếp tục được bỏ qua, những đứa trẻ chưa trưởng thành vẫn ngày ngày hút thuốc lá với tư tưởng lệch lạc. Do đó, để giải quyết vấn đề hút thuốc lá trong thanh, thiếu niên cần thay đổi nhận thức của một bộ phận các em. Để làm được điều này cần có sự phối hợp hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, xã hội. 

Các nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống tác hại của hút thuốc lá một cách sát thực hơn, dễ hiểu hơn. Gia đình cũng phải tăng cường quản lý con em mình, nhất là định hướng từ nhận thức đến hành động, quản lý chi tiêu nếu các con có thu nhập từ làm thêm. 

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi năm tại Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong bởi các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả. Trong đó, việc tăng thuế thuốc lá là một trong những giải pháp chính trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 39% vào năm 2020 cần được thực hiện quyết liệt hơn.

Thanh Ba

Tags Thuốc lá giới trẻ thuốc lá điện tử

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục