Lên ngàn gieo chữ trong mây

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/11/2019 | 7:59:48 AM

YênBái - Cô Trang kể về chiêu "dụ" học sinh đến lớp: "Cứ gần cuối buổi học là chúng tôi lại phát mỗi em một hai cái kẹo, bánh hỏi các em có thích ăn không, thích ăn mai lại đi học cô cho tiếp. Cho nên trong túi của giáo viên, ngoài giáo án lúc nào cũng có đủ thứ bánh, kẹo”.

Giáo viên của Trường Mầm non Sùng Đô luôn hết lòng quan tâm, chăm sóc trẻ mầm non.
Giáo viên của Trường Mầm non Sùng Đô luôn hết lòng quan tâm, chăm sóc trẻ mầm non.

 Tháng 11 về, một mùa hiến chương các nhà giáo Việt Nam nữa lại đến. Tôi có dịp tới thăm các cô giáo mầm non ở vùng cao Sùng Đô, Văn Chấn.

Đã hẹn trước, đúng 5 giờ sáng, trời vẫn còn tối đen, tôi có mặt tại nhà riêng cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Sùng Đô tại phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ. Cùng cô Trang trên chiếc xe máy đã cũ, chúng tôi vật lộn với cung đường hơn 20 km ngược dốc núi nhỏ hẹp, đá hộc lởm chởm để đến với những "mầm non” của bản làng Sùng Đô. 

Sớm mùa đông, miền sơn cước sương giăng dầy đặc, dù đã bật đèn pha nhưng tầm nhìn hạn chế chỉ trong vài mét, vậy mà cô Trang vẫn thuần thục đánh tay lái tránh từng ổ voi, ổ gà. 

Dẫu người cầm lái, người ngồi sau không nhìn thấy mặt, nhưng nỗi lo lắng, sợ hãi của tôi mỗi khi xe phải đi sát mép vực sâu hun hút đến nín thở, thót tim không giấu được cô Trang. Như để trấn an tôi, cô Trang bảo: "Con đường này, tôi đi đã 10 năm nay rồi, ngày xưa còn khó đi hơn thế này nhiều. Giờ từng viên đá, chỗ lồi lõm tôi đều thuộc như lòng bàn tay”. 

Cô Trang tâm sự: "Năm 2009, sau nhiều năm ra trường, trong đợt thi biên chế giáo viên, mình trúng tuyển và được phân về Trường Mầm non Sùng Đô. Đã được biết đến nỗi khó khăn, vất vả trước khi đi dạy nhưng lần đầu tiên một mình băng đồi, băng suối cả nửa ngày trời mới tới được nơi, mình nhận thức được rõ ràng giữa tưởng tượng và thực tế cách rất xa nhau”. 

Ngôi trường mầm non nơi cô Trang đến dạy, gọi là trường mầm non thôi nhưng thực chất chỉ là căn nhà tạm lọt thỏm giữa bao la đất, trời, núi đồi. Thậm chí mái nhà bằng gỗ cũng bị gió, bão tốc một nửa mà chưa có điều kiện sửa lại. 

Trời nắng đã đành, trời mưa cô, trò chụm lại một chỗ, mùa đông thì từng cơn gió rít lên qua các kẽ hở lùa vào lớp học lạnh buốt. Ngày ấy, Sùng Đô còn chưa có điện, sóng điện thoại lại càng không có. 

Chiều đến, sau mỗi lần tiễn học sinh về mấy giáo viên lại cuốc đất, làm rau, khi đêm xuống thắp nến làm đồ chơi cho trẻ mong sao thời gian trôi nhanh. Nghe câu chuyện cô Trang kể tôi thấy xót xa làm sao, vậy mà những người giáo viên như cô vẫn vượt khó, bám bản, bám trường. "Vất vả thế, có khi nào cô nản lòng muốn bỏ cuộc không?” – tôi tò mò hỏi. 

Cô Trang đáp: "Nản chứ, có những lúc nhớ nhà chỉ muốn chạy ngay về thôi. Nhất là ngày lập gia đình xong mang thai cháu đầu. Bụng bầu càng to, mình càng ít về, cả tháng chỉ về nhà một lần, mỗi lần về xong lên trường là cõng đủ thứ đồ khô mì tôm, gạo, ruốc, cá mắm, lương khô. Có đêm nằm tủi thân khóc đến sáng, nhưng sáng ra bận rộn đón các con đến lớp, nghe tiếng nói, cười thậm chí cả tiếng khóc của các con tôi lại thấy thương, thấy yêu nghề, mến trẻ không muốn xa”. 

Đến tận bây giờ, cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã được cải thiện, tuy nhiên hàng năm, để duy trì đủ học sinh theo học, không em nào bỏ trường, bỏ lớp giữa chừng, giáo viên vẫn phải đến từng gia đình vận động phụ huynh cho các em tới lớp. 

Bật mí thêm về cách thức duy trì sĩ số học sinh, cô Trang cho biết: "Chúng tôi có một "chiêu” để "dụ” các em tới lớp rất hiệu quả đó là thi thoảng lại cho các em kẹo. Học sinh trên này đa phần sống trong các gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khả giả, nên kẹo bánh là món quà xa xỉ. Cứ gần cuối buổi học là chúng tôi lại phát mỗi em một hai cái kẹo, bánh hỏi các em có thích ăn không, thích ăn mai lại đi học cô cho tiếp. Cho nên trong túi của giáo viên, ngoài giáo án lúc nào cũng có đủ thứ bánh, kẹo”.

Cô giáo Vàng Thị Mai - Trường Mầm non Sùng Đô:

"Nếu được chọn lại, dù biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn sẽ làm cô giáo vùng cao. Tuy xa gia đình, cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng bù lại tôi có nụ cười, tình cảm của các em học sinh bản nghèo, đây là phần thưởng lớn nhất dành cho tôi. Nếu ai cũng chọn vùng thấp để giảng dạy, vậy trẻ em vùng cao sẽ dành cho ai? Còn trẻ, còn sức khỏe tôi sẽ còn bám bản cùng đồng nghiệp chăm lo học sinh nơi đây”.

Hơn 6 giờ sáng, chúng tôi đến điểm trường chính tại trung tâm xã Sùng Đô. Sớm là vậy, nhưng các cô giáo tại đây cũng đã chuẩn bị xong xuôi công việc đón trẻ. Lác đác có vài học sinh được bố mẹ đưa đến để còn đi làm ruộng, làm nương. Ngắm nhìn những học sinh với đôi mắt tròn xoe, ngây thơ, khép nép, miệng chúm chím như trái tim tôi chợt hiểu đây chính là liều thuốc tinh thần cô Trang nhắc đến mà dù có nản lòng đến đâu cũng bị xua tan. 

Dẫn tôi đi thăm quan từng lớp học, bàn ghế, đồ chơi vẫn còn đơn sơ, đa phần đều là những đồ chơi do các giáo viên tận dụng lại đồ dùng cũ để làm, cô Trang giới thiệu: "Năm học 2019 – 2020, Trường Mầm non Sùng Đô có 23 cán bộ quản lý, giáo viên với 263 học sinh tại 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ ở thôn Giàng Pằng, Làng Mảnh, Ngã Hai. Đặc biệt, hai điểm trường là Giàng Pằng và Làng Mảnh phải mất gần 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi, phòng học vẫn chỉ là phòng học tạm. Mỗi điểm trường có 2 cô giáo phụ trách từ gần 30 đến gần 40 học sinh độ tuổi 3 – 5 tuổi”. 

Vừa dứt lời, như chợt nhớ ra điều gì quan trọng, cô Trang dẫn tôi đến gặp một cô giáo còn rất trẻ, hồ hởi giới thiệu: "Đây là cô Vàng Thị Mai, mới gần 30 tuổi thôi nhưng cũng như tôi từ ngày ra trường là về công tác tại Sùng Đô, yêu nghề, mến trẻ lắm. Cô Mai đã có thời gian gắn bó ở điểm trường khó khăn Giàng Pằng. Tư liệu quý cho em khai thác thêm nhé”. 

Được sự giới thiệu của cô Trang, tôi gần gũi hỏi chuyện cô Mai. Vẫn còn nét ngượng ngùng, e thẹn sau lời giới thiệu của người hiệu trưởng, mãi cô Mai mới đồng ý kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. 

Vừa chải mái tóc vẫn còn bù xù cho một học sinh, cô Mai kể: cô cũng là đồng bào dân tộc Mông, lớn lên trong cái đói nghèo của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Được đi học, Mai hiểu tầm quan trọng của việc học nên quyết tâm thi vào trường sư phạm với mong ước đem cái chữ, ánh sáng cho con em đồng bào dân tộc mình. 

Ra trường, trở về quê hương, Mai được phân dạy ở điểm thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô. Trong suy nghĩ của Mai, bản của cô đã nghèo đã khổ lắm rồi, cô không thể ngờ nơi đây còn cơ cực gấp trăm lần, thậm chí trời mưa phải đi bộ cả ngày trời. Mới đi dạy, con còn nhỏ Mai phải đem theo con để vừa trông con vừa dạy học. 

Điểm trường cô dạy có 36 trẻ ở các lứa tuổi do cô và một cô giáo nữa phụ trách, thế nhưng, đi làm được vài tháng, cô giáo làm cùng nghỉ chế độ thai sản, thiếu giáo viên, một mình Mai ngày ngày bận rộn chăm lo cho đàn con thơ. 

Nhớ lại kỷ niệm, dẫu có nhiều vất vả, gian khó nhưng trên khuôn mặt của cô giáo trẻ Vàng Thị Mai vẫn luôn ánh lên niềm hạnh phúc. "Xa, vất vả nhưng học sinh ngoan lắm, ngày nào cô trò cũng không ngớt tiếng cười. Lúc nào tôi cũng chăm lo cho các em như con của mình vậy, nhiều em cũng bện, lẽo đẽo theo tôi suốt, đôi khi còn tranh nhau để được cô giáo bế” - cô Mai cười kể.

Chiều dần buông trên bản nhỏ Sùng Đô, giữa trập trùng mây, núi, những tiếng chào cô, tiếng chuyện trò líu lo, ngọng ngịu, tiếng cười đùa giòn tan của đám trẻ vang vọng khắp không gian. Tháng 11, xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới những nhà giáo nói chung và các nhà giáo công tác nơi vùng cao nói riêng. 

Mong rằng, thời gian tới, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, phụ cấp hơn nữa cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Lê Thương

Tags Sùng Đô yêu nghề mến trẻ gieo chữ mầm non

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục