Lời thề trước Đảng ở Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/2/2020 | 8:05:03 AM

YênBái - Dưới oai nghiêm cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chàng lính trẻ vừa bước sang tuổi 20 Đỗ Trịnh Tuế dõng dạc tuyên thệ 10 lời thề danh dự quân nhân và lời thề trung thành với Đảng. Từng tiếng “Xin thề” ngân lên xúc động giữa không gian trang nghiêm, quyện hòa cùng tiếng sóng dồn dập xô vào ghềnh đá như cộng thêm âm hưởng hào hùng, thiêng liêng…

Chiến sĩ Đỗ Trịnh Tuế tuyên thệ trong lễ kết nạp đảng và nhận quyết định kết nạp Đảng.
Chiến sĩ Đỗ Trịnh Tuế tuyên thệ trong lễ kết nạp đảng và nhận quyết định kết nạp Đảng.

Ở Trường Sa, nhiều chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ đang ngày đêm canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Rắn rỏi, kiên trung, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên, đơn vị ghi nhận. Trong số đó, có những chiến sĩ vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở đất liền, chúng tôi đã nhiều lần tham dự lễ kết nạp đảng viên nhưng trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc như ở quần đảo Trường Sa thì đây là lần đầu tiên. 

Buổi lễ kết nạp đảng viên mới trên đảo Nam Yết hôm ấy diễn ra trong không khí trang nghiêm, theo đúng quy định, Điều lệ Đảng. Vinh dự được Chi bộ cụm CĐ3 làm lễ kết nạp Đảng là chiến sĩ Đỗ Trịnh Tuế, quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Tuế đã nhập ngũ hơn 1 năm, ra đảo được hơn 7 tháng. Trong thời gian huấn luyện trên đất liền và được đơn vị điều động ra đảo, ở môi trường công tác nào, Đỗ Trịnh Tuế cũng đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập chiến công xuất sắc. 

Tuế cho biết, lúc đầu mới ra đảo, môi trường, cuộc sống hoàn toàn khác so với đất liền nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội nên anh luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Tuế mong ước được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cống hiến cho Tổ quốc, cụ thể hơn là được sống, làm việc ở môi trường hải quân nên mọi gian khó anh đều nỗ lực vượt qua. 

Trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đỗ Trịnh Tuế đã tuyên thệ: "Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, phục tùng tuyệt đối sự phân công, điều động của Đảng”… 

Trong những lời trang trọng đó, chúng tôi biết, đối với người lính Trường Sa, lời thề là máu thịt, là ruột gan, là mệnh lệnh. Vì thế, Đỗ Trịnh Tuế cũng như những người lính Trường Sa khác mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, trong sổ tay nhật ký của mình, mỗi người đều lưu giữ riêng những trang nhật ký đẹp, trong đó có cả những trang viết tay, chép lại lời nói của Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại đảo Trường Sa Lớn ngày 7/5/1988: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”… 

Rưng rưng xúc động, Đỗ Trịnh Tuế cho biết, bản thân anh rất vinh dự, tự hào vì được phục vụ trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, công tác tại quần đảo Trường Sa, nơi đầu sóng, ngọn gió, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tuế khẳng định: "Đây chính là ngày đáng nhớ nhất của tôi khi vinh dự được kết nạp, được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay trên đảo tiền tiêu. Không nhiều người có được may mắn như vậy. Bản thân tôi xin hứa sẽ nỗ lực, cố gắng hết mình trong rèn luyện, tu dưỡng để thực sự xứng đáng với niềm tin của các cấp thủ trưởng; phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ hải quân”…

Việc phát triển Đảng trên các tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc thực sự là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của lực lượng hải quân. Bởi nơi đầu sóng, ngọn gió này, để quên đi những khó khăn, gian khổ, điều cần nhất chính là lẽ sống và đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa, Đảng chính là điểm tựa, niềm tin yêu Tổ quốc chính là lẽ sống, để trong mỗi người đều khơi nên một ý chí mãnh liệt, một niềm tự hào được vững chắc tay súng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng. 

Trung bình mỗi năm, mỗi đảo tiền tiêu của Tổ quốc chỉ kết nạp thêm được 1 - 2 đảng viên mới. Số lượng tuy ít nhưng chất lượng thì tuyệt vời. Bởi đơn giản, những người lính đã có đủ niềm tin và ý chí bám biển, bám đảo, họ chính là những tấm gương kiên trung rạng ngời trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng nên những "lũy thép, thành đồng” trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quê hương. 

Được tham dự một buổi lễ kết nạp đảng viên ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp cảm nhận sâu sắc hơn niềm vinh dự, tự hào lớn lao của những quần chúng ưu tú khi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Họ là những chàng trai độ tuổi đôi mươi đã không ngừng nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng, vượt qua khó khăn, thử thách nơi mặt trận tiền tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để phấn đấu trở thành đảng viên. 

Càng tự hào hơn khi được kết nạp Đảng ở đảo xa, nơi mà điều kiện rèn luyện, công tác, chiến đấu có nhiều khó khăn, thử thách gắn liền với nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Trở thành đảng viên, những người lính trẻ đều có tâm niệm nguyện sẽ phấn đấu nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tham gia góp phần xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện... 

Bên cạnh đó, được kết nạp Đảng ở Trường Sa đối với những chiến sĩ trẻ là niềm tự hào nhưng cũng gắn liền với trách nhiệm rất lớn trước tập thể, đặc biệt đối với những quần chúng trong đơn vị. Vì vậy, họ luôn tự nhắc nhở mình phải xung kích đi đầu trong mọi hoạt động, nỗ lực giúp đỡ đồng chí, đồng đội hoàn thành nhiệm vụ và là tấm gương sáng cho các quần chúng noi theo. 

Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng ở quần đảo Trường Sa có nhiều đặc thù. Một trong số những đặc thù đó là thời gian cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ ở đảo không dài, lại công tác ở xa đất liền nên việc thâm nhập thực tế, xác minh lý lịch vất vả, khó khăn hơn rất nhiều so với những địa bàn khác. Từ thực tiễn đó, hàng năm, trong nghị quyết lãnh đạo, cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ Trường Sa luôn xác định chỉ tiêu, biện pháp phát triển Đảng cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế từng đơn vị. 

Thượng tá Phạm Xuân Hướng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: "Ngay từ đầu năm, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ tập trung phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng ổn định, chất lượng tại chỗ. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chủ động lựa chọn nguồn ngay sau khi luân chuyển biên chế quân số, ổn định tổ chức. Khi phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến, cấp ủy phân công đảng viên, các tổ chức quần chúng theo dõi, động viên, giúp đỡ. Nhờ vậy, mỗi năm, Đảng bộ luôn duy trì và hoàn thành tốt chỉ tiêu kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Điều đáng mừng là tất cả đảng viên mới đều phát huy tốt vai trò trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, vững vàng cùng đồng đội góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”.

Không chỉ coi trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp Đảng viên mới, các đảo trên quần đảo Trường Sa còn thực hiện tốt việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cán bộ, chiến sĩ đã quán triệt, thực hiện tốt nội dung việc học tập và làm theo gương Bác bằng nhiều hình thức, gắn với thực tiễn hàng ngày của đơn vị, trở thành hoạt động thiết thực, sâu rộng trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. 

Được kết nạp Đảng trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhất là trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải tích cực rèn luyện, trau dồi, phấn đấu về mọi mặt. Môi trường rèn luyện ở biển đảo với vô vàn những vất vả, khó khăn, thử thách càng góp phần tôi luyện sự vững vàng, từng trải trong mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hải quân, để họ ngày đêm thêm chắc tay súng, vững vàng ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng là chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Thiên Cầm

Tags Trường Sa Biển đảo cờ Đảng kết nạp Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục