Bác sĩ trên đảo tiền tiêu

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/3/2020 | 7:51:54 AM

YênBái - Ngoài đảo xa, các y, bác sĩ tự đặt ra cho mình một "luật bất thành văn”, đó là: người có thể thiếu chỗ ngủ nhưng thuốc thì phải có nơi bảo quản tuyệt đối an toàn. Những bác sĩ mang “quân hàm xanh” đã thực sự trở thành một trong những điểm tựa vững chắc, giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi hải đảo yên tâm công tác, bám biển

Kíp y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 110 tỉnh Bắc Ninh làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca.
Kíp y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 110 tỉnh Bắc Ninh làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca.

Nơi hải đảo xa xôi, mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vẫn còn thiếu thốn so với đất liền nhưng với sự cố gắng của tập thể y, bác sĩ tại các bệnh xá trên Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thì công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu và điều trị vẫn được bảo đảm thường xuyên, hiệu quả. Những bác sĩ mang "quân hàm xanh” đã thực sự trở thành một trong những điểm tựa vững chắc, giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi hải đảo yên tâm công tác, bám biển

Khác với ở đất liền, tất cả những ai sinh sống hoặc công tác dài ngày ở Trường Sa cũng đều là chiến sĩ. Với những thầy thuốc nơi đây cũng không ngoại lệ, khi đã ra nhận nhiệm vụ tại các đảo đồng nghĩa với việc các anh đã tự xác định cho mình ba niềm vinh dự, đó là thầy thuốc, là cán bộ - chiến sĩ và cũng là công dân của đảo. 

Điều đáng trân trọng là hầu hết những cán bộ, chiến sĩ quân y đang ngày đêm gắn bó với biển cả, đồng hành cùng với quân và dân nơi đảo xa đều là những thầy thuốc đặc biệt; đặc biệt trong cả nhận thức lẫn tinh thần phục vụ quân và dân trên đảo, kể cả trong hoạt động thường ngày.  

Bệnh xá đảo Sơn Ca có 4 y, bác sĩ thuộc biên chế của Bệnh viện Quân y 110 tỉnh Bắc Ninh. So với trong đất liền, ở đảo, môi trường làm việc và trang thiết bị y tế còn khó khăn: Bệnh xá chỉ có 3 giường bệnh nhưng khi cần huy động về tài lực thì bộ đội sẵn sàng chịu khổ, "nhường cơm, sẻ áo” để cứu chữa cho bệnh nhân. 

Với vai trò là thầy thuốc, các anh thực sự phát huy tâm đức của mình trong việc cấp cứu, xử lý và điều trị kịp thời những ca bệnh hiểm nghèo cho bệnh nhân là những ngư dân thường đi lại trong khu vực, hoặc những bệnh nhân là những cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên đảo không may mắc bệnh, cần sự cứu chữa, giúp đỡ kịp thời. Chính những việc làm này, các anh thực sự đã đem lại niềm tin cho quân và dân trên vùng đảo Trường Sa. 

Y sỹ Đặng Trung Minh - Bệnh xá đảo Sơn Ca tâm sự: "Kể từ khi nhận công tác trên đảo, dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn khá thiếu thốn so với đất liền nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đã có rất nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt là ngư dân được chúng tôi chăm sóc sức khỏe, cứu chữa kịp thời khi trái gió, trở trời hoặc không may gặp tai nạn. Được thực hiện chuyên môn nơi đảo tiền tiêu thực sự mang đến cho chúng tôi nhiều niềm vui, vì những trải nghiệm nơi đây rất đặc biệt, không dễ gì có được”. 



Khám, chữa bệnh cho bệnh nhân trên đảo Sơn Ca.

Có thể, công việc thường ngày ở các bệnh xá tại những vùng đảo xa không mấy khi bận rộn như ở những cơ sở y tế trong đất liền, dù vậy, những thầy thuốc ở Trường Sa vẫn thực sự là những người tận tâm với công việc, rất ít khi thấy các anh có thời gian rảnh rỗi trong ngày. 

Bởi lẽ, ngoài thời gian có bệnh nhân cần cấp cứu, chăm sóc hoặc có cán bộ, chiến sĩ ốm, hàng ngày, các y, bác sĩ vẫn cần mẫn chăm sóc các vườn cây thuốc nam hoặc nghiên cứu tài liệu hướng dẫn chữa trị các bệnh thường gặp, các loại vi rút, vi khuẩn trong môi trường biển… còn có cả các mẹo để cứu chữa cho các bệnh nhân khi họ bị nhím biển, cầu gai chích, bị cá đuối, sứa gây tổn thương… đều được các anh biết rõ và kịp thời cứu chữa. 

Đấy là với những loại bệnh thông thường, còn ở Trường Sa, với những trường hợp bệnh nguy hiểm, đội ngũ bác sĩ Bệnh xá đều thực hiện hội chẩn với các bác sĩ trong đất liền thông qua hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa Telemedicin, để tham khảo ý kiến, tiếp nhận sự phối hợp của những chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn của Trung ương để xử lý nhanh chóng, kịp thời những ca bệnh khó tại hải đảo. 

Nhờ đó, ngay trên đảo, nhiều ca bệnh khó đã được phẫu thuật thành công. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư, tích lũy về kiến thức y khoa, mỗi y, bác sĩ trên quần đảo Trường Sa đều xác định cho mình một tư tưởng vững vàng, ý thức tự học tập, rèn luyện chuyên môn để nâng cao hơn nữa khả năng nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. 

Một điều quan trọng nữa phải nói đến là ở ngoài hải đảo, mỗi liều thuốc, mỗi ống tiêm đều là những tài sản vô cùng đáng quý. Vì để mang ra được đến đây, ngoài việc phải lênh đênh nhiều ngày trên biển, thuốc men là thứ rất dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và hơi nước biển mặn. 

Do đó, công tác bảo quản thuốc chữa bệnh cũng là việc được các y, bác sĩ rất chú trọng. Mỗi viên thuốc hạ sốt, mỗi ống kháng sinh, thậm chí chỉ là một vài chiếc băng gạc… đều được các y, bác sĩ quân y nâng niu, gìn giữ rất cẩn thận, trân quý. Thậm chí, ngoài đảo xa, các y, bác sĩ còn tự đặt ra cho mình một "luật bất thành văn”, đó là: người có thể thiếu chỗ ngủ nhưng thuốc thì phải có nơi bảo quản tuyệt đối an toàn.



Ngoài công việc chuyên môn, cũng như những người lính trên đảo khác, các y, bác sĩ đảo Nam Yết tranh thủ hứng nước mưa để sử dụng.  

Đồng chí Trung tá Nguyễn Văn Khương – Chính trị viên đảo Nam Yết chia sẻ về những người đồng đội công tác trong lĩnh vực quân y: "Vai trò của các y, bác sĩ quân y trên các đảo thực sự rất quan trọng. Ở nơi cách đất liền rất xa như thế này, có được sự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của họ, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi rất yên tâm công tác để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. 

Cứ như thế, tấm lòng của những người thầy thuốc ở Trường Sa thật gần gũi, ấm áp. Sau mỗi lượt thăm khám bệnh, mỗi ca phẫu thuật thành công, thấy bệnh nhân của mình hồi phục, tiếp tục tham gia công tác, lao động, mỗi bác sĩ mang "quân hàm xanh” lại nhận về một món quà vô giá - đó niềm vui mừng khôn xiết, niềm tự hào cùng xúc cảm thiêng liêng của người lính quân y đang công tác nơi hải đảo xa xôi. 

Cùng với trang thiết bị y tế từng bước được quan tâm đầu tư hiện đại và sự nỗ lực của các y, bác sĩ đã giúp cán bộ, chiến sĩ bảo đảm sức khỏe, vững vàng tay súng bảo vệ vùng biển đảo chủ quyền; giúp ngư dân yên tâm sinh sống, bám biển vì sự bình yên và vẹn toàn của vùng đất, vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn - Bệnh xá trưởng đảo Sơn Ca: 

"Đối với chúng tôi, được công tác trên quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự lớn lao. Bên cạnh những hoạt động chuyên môn như khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo thì chúng tôi còn là những người lính, ngày đêm cùng anh em, đồng đội sát cánh bên nhau, sẻ chia tâm tư, tình cảm để vơi bớt nỗi nhớ đất liền”.

Thiên Cầm

Tags Bác sĩ trên đảo tiền tiêu Trường Sa Khánh Hòa công tác chữa bệnh cấp cứu

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục