Văn Chấn: Dâu xanh, kén vàng nơi đồng đất mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/4/2020 | 8:02:50 AM

YênBái - Đồng đất Văn Chấn vốn chỉ quen với chè, ngô, lúa, vậy mà nhiều nơi trên đồng đất ấy giờ ngút xanh những cánh đồng dâu cao sản. Đất cũ nay đã “nhả kén vàng”, người dân đang chuyển sang một nghề mới với niềm tin thoát nghèo, vươn lên khấm khá, phồn thịnh…

Cánh đồng dâu tại thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương đang lên xanh tốt và cho thu nhập.
Cánh đồng dâu tại thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương đang lên xanh tốt và cho thu nhập.

Cánh đồng rộng hàng chục héc-ta ở thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương trước đây chỗ trồng ngô, chỗ trồng lạc, mạnh ai nấy làm, trông như một tấm áo vá…, thế mà nay đã là một đồng dâu xanh ngút tầm mắt. 

Khoát một vòng tay như muốn ôm trọn cánh đồng, trong niềm hứng khởi, anh Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Sơn Lương nói: "Đầu năm 2019, khi huyện chủ trương đưa cây dâu, con tằm về xã, nhiều hộ dân còn bán tín, bán nghi hiệu quả của nó. Nhìn sang huyện bạn, nhiều xã của Trấn Yên đã giàu lên nhờ cây dâu, con tằm nên chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, cử đoàn cán bộ xã cùng một số hộ dân đi tham quan các mô hình tại Trấn Yên. Thật mừng, từ chỗ bán tín, bán nghi, thì nay người dân đã tin tưởng và hiệu quả cũng đã rõ. Từ hơn 1 héc-ta trồng thử nghiệm tháng 3/2019, đến năm 2020, xã đã có gần 13 ha dâu. Năm 2019, giá trị từ dâu tằm mang về cho xã trên 72 triệu đồng, tính mỗi héc-ta cho thu nhập cả trăm triệu đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa”. 

Tạo đầu ra ổn định, tháng 12/2019, Sơn Lương chỉ đạo thành lập Hợp tác xã và 4 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm để cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Xã cũng quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm 20 ha tại thôn Tành Hanh và thôn Noong Ỏ, phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích dâu nuôi tằm lên khoảng 60 ha.



Khuyến nông viên cơ sở trao đổi kỹ thuật trồng dâu với gia đình anh Đàm Minh Xuân, thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương. 

Là người đầu tiên sau khi đi tham quan về đã mạnh dạn thực hiện, tháng 3/2019, anh Đàm Minh Xuân ở thôn Tành Hanh chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất soi bãi sang trồng dâu, nuôi tằm. Mặc dù còn mới lạ trên đồng đất này, song với quyết tâm cao và được sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, tự học hỏi qua sách báo nên dâu anh trồng bén rễ xanh tươi. Năm 2019, anh nuôi được 3 lứa tằm, thu gần 10 triệu đồng. 

Anh Xuân chia sẻ: "Nếu cũng diện tích này mà trồng lúa, ngô, rau màu thì một năm chỉ được khoảng 10 triệu đồng là cùng, trong khi trồng dâu nuôi tằm lại cao hơn nhiều. Có hợp tác xã cung ứng con giống, bao tiêu đầu ra với giá kén ổn định 100.000 - 120.000 đồng/kg thì làm giàu từ cây dâu con tằm không khó”. 

Thấy rõ hiệu quả nên đầu năm nay, anh Xuân tiếp tục chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất soi bãi sang trồng dâu nuôi tằm. Nhìn những nong tằm đang chín, chuẩn bị vào né, Chủ tịch UBND xã Hà Văn Hưng phấn khởi bày tỏ niềm tin rằng chỉ một vài năm nữa thôi, Sơn Lương sẽ khác hẳn. Lúc ấy, những cánh đồng rau màu, những diện tích lúa kém hiệu quả sẽ được thay thế bằng những bãi dâu xanh tốt và rồi cây dâu, con tằm sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế của địa phương. Như thế, mục tiêu phấn đấu đưa Sơn Lương trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 chắc chắn làm được. 

Rời những cánh đồng dâu xã Sơn Lương, chúng tôi xuôi về tổ dân phố Thác Hoa, thị trấn Sơn Thịnh. Đi trong bạt ngàn dâu hai bên đường dẫn vào tổ dân phố, anh Đinh Khánh Tùng - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn nhớ lại: "Lúc đầu tuyên truyền, vận động để trồng dâu nuôi tằm, nông dân Sơn Thịnh cũng phản đối lắm. Sau khi chúng tôi mời cán bộ xã cùng một số hộ dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên về thì mọi người đã thay đổi và phấn khởi hẳn. Nhiều hộ cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn đồi sang trồng dâu nuôi tằm. Vụ kén tằm đầu tiên cho hiệu quả rõ rệt, người dân có thêm niềm tin và tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi”. 

Chúng tôi cùng ghé thăm gia đình ông Đinh Văn Mong là người tiên phong trồng dâu, nuôi tằm của tổ dân phố Thác Hoa và cũng là người đứng ra thành lập Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm. Từng là Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sơn Thịnh, được đi tham quan khá nhiều mô hình nên khi địa phương có chủ trương phát triển diện tích dâu tằm, ông Mong cùng một số hội viên Chi hội Nông dân tổ dân phố Thác Hoa ra tận xã Việt Thành học hỏi kinh nghiệm rồi mình ông đứng lên thành lập Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm để cung ứng con giống, hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên và nông dân. 

Ông cho biết: "Tôi thành lập Hợp tác xã với mục tiêu có nguồn giống tằm ổn định cung cấp cho bà con cũng như chủ động được nguồn giống chất lượng phục vụ gia đình, tránh việc khi dâu vào vụ thì không có tằm để nuôi, khi dâu quá vụ thì mới có tằm. Đồng thời, Hợp tác xã thực hiện bao tiêu luôn sản phẩm cho bà con khu vực thị trấn Sơn Thịnh và những địa phương lân cận”. 

Để thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển trồng dâu nuôi tằm, thị trấn Sơn Thịnh đã quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm tại tổ dân phố Thác Hoa với quy mô ban đầu 20 ha, phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng ra một số tổ dân phố khác với khoảng 100 ha, đưa cây dâu tằm trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Ông Đỗ Gia Quỵnh - Chủ tịch UBND thị trấn Sơn Thịnh khẳng định: "Để đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 - 48 triệu đồng, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển trồng dâu nuôi tằm và sẽ thành lập ít nhất 3 hợp tác xã để cung ứng con giống đảm bảo chất lượng, bao tiêu ổn định sản phẩm đầu ra cho nông dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa trồng dâu nuôi tằm trở thành một trong những chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu thực hiện”.



Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cùng lãnh đạo thị trấn Sơn Thịnh kiểm tra việc nuôi tằm con tại hộ dân ở tổ dân phố Thác Hoa. 

Thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2025, huyện Văn Chấn đã quy hoạch quỹ đất. Giai đoạn 2019 - 2020, quy hoạch 124,5 ha, trồng mới 110,5 ha; giai đoạn 2021 - 2025, quy hoạch 246,7 ha, trồng mới 122,2 ha. Căn cứ Quyết định số 415 ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho nhân dân. 

Cụ thể: hỗ trợ xây dựng mới nhà nuôi tằm con tập trung 50 triệu đồng/nhà, xây dựng nhà nuôi tằm lớn 20 triệu đồng/nhà; hỗ trợ bộ né ô vuông 5 triệu đồng/bộ; hỗ trợ giống dâu, tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập 27 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm Việt Nam ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 70 ha dâu tằm, trong đó đã cho thu hoạch trên 10 ha, sản lượng kén năm 2019 đạt gần 8 tấn, giá trị đạt trên 740 triệu đồng. 

Ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Trước mắt, huyện tập trung phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm tại các xã: Đồng Khê, Chấn Thịnh, Sơn Lương và thị trấn Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn. Sau đó, sẽ mở rộng ra các địa phương theo quy hoạch của Đề án, phấn đấu mỗi năm trồng mới khoảng 100 ha, từng bước đưa cây dâu tằm trở thành cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân”.

Cây dâu, con tằm trên đồng đất Văn Chấn đã cho hiệu quả bước đầu và dần xóa đi những hoài nghi. Điều quan trọng là các cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn cần quyết liệt hơn nữa để nông dân thay đổi từ nhận thức đến hành động, tích cực tham gia để Đề án trồng dâu nuôi tằm đạt hiệu quả cao, xây dựng cuộc sống ngày thêm ấm no và phồn thịnh.

Thanh Tân

Tags Văn Chấn dâu xanh kén vàng đất mới

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục