Những đảng viên người Mông “hai giỏi”

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/4/2020 | 7:49:19 AM

YênBái - Những ngôi nhà kiên cố mọc lên, những con đường bê tông nối dài khắp các thôn, bản người Mông ở Yên Bái. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, những đảng viên người Mông "hai giỏi” đã trở thành những cánh tay nối dài ở cơ sở, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào.

Trưởng thôn Bu Cao - Giàng A Chang, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con thi đua xây dựng cuộc sống ấm no, tiến bộ.
Trưởng thôn Bu Cao - Giàng A Chang, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con thi đua xây dựng cuộc sống ấm no, tiến bộ.

Cuối tháng Ba, trời lúc mưa, lúc nắng. Trên con đường bê tông uốn lượn, tôi đến với thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên. Cuộc sống của gần 100% hộ đồng bào Mông nơi đây đã có những thay đổi đến ngỡ ngàng. Đồng Ruộng đã trở thành một trong những thôn người Mông đầu tiên của huyện Trấn Yên đạt chuẩn thôn nông thôn mới vào cuối tháng 9/2019. 

Đón tôi, trong ngôi nhà gỗ khang trang với đầy đủ tiện nghi, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàng A Sáu đon đả pha trà mời khách rồi hồi tưởng, kể cho tôi nghe về những ngày đầu tiên rời mảnh đất vùng cao Mỏ Vàng, huyện Văn Yên để có mặt tại thôn Đồng Ruộng. 

Với chất giọng trầm nhưng chắc chắn trong từng câu nói, ông cho biết, gia đình mình là một trong 3 hộ người Mông đầu tiên di cư đến đây vào năm 1987 và có công vận động người dân định canh, định cư trên mảnh đất này. 33 năm trôi qua, ông Sáu luôn được tiếng là người tích cực khai hoang mở rộng diện tích cấy lúa hai vụ. 

Năm 2004, ông là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây tre măng Bát độ vào trồng theo chủ trương của huyện, xã. Những việc ông Sáu làm, đã kéo phong trào trồng 2 vụ lúa, trồng tre măng Bát độ ở thôn Đồng Ruộng đi lên. 

Cũng nhờ đó, Giàng A Sáu thêm uy tín, được dân bầu làm trưởng bản suốt 17 năm qua. Tre măng không chỉ bén rễ phát triển, mà sự có mặt của cây măng đã khoác lên mình thôn Đồng Ruộng một diện mạo mới. Măng Bát độ đã trở thành cây trồng chính mang lại thu nhập cho nhiều hộ đồng bào Mông ở đây. Năm 2005, cả thôn trồng được 6 ha tre măng, đến năm 2019 có gần 176 ha, trong đó, trên 150 ha đã cho thu hoạch. Măng tre Bát độ mang lại thu nhập cho Đồng Ruộng trên 4,4 tỷ đồng mỗi năm. 

Khuôn mặt rạng rỡ, ông Giàng A Thào chia sẻ: "Chúng tôi rất vui khi có một người trưởng thôn như ông Sáu luôn gần gũi và chia sẻ với bà con. Ông đến từng nhà hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc để thu được nhiều măng, bán được nhiều tiền mua sắm các vật dụng cần thiết trong gia đình như ti vi, tủ lạnh. Nhờ cây măng mà nhiều hộ ở đây đã mua được xe máy, có hộ mua được ô tô, máy xúc để phát triển sản xuất”. 

Giỏi dẫn dắt đồng bào làm kinh tế, trưởng thôn Giàng A Sáu còn giỏi dân vận. Ông tích cực vận động bà con xóa bỏ các tập tục không còn phù hợp nếp sống mới, vận động người dân tự giác giao nộp 72 khẩu súng tự chế; vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. 

Gần 20 năm là đảng viên, lại là đảng viên người Mông đầu tiên của thôn Đồng Ruộng, ông Giàng A Sáu luôn xác định mình phải gương mẫu đi đầu để người dân tự giác làm theo, nhất là trong việc hiến đất làm đường giao thông, xây nhà văn hóa thôn và hiến đất giải phóng mặt bằng đưa điện lưới quốc gia về với thôn người Mông này. 

"Mình phải gương mẫu làm trước. Nhiều hộ thấy gia đình mình góp công, hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa mà không đòi đền bù nên nhiều hộ đã làm theo. Hộ nào còn lăn tăn, suy tính thiệt hơn, tôi đến từng nhà động viên, nói rõ những vai trò chủ thể và những lợi ích mà người dân khi tham gia xây dựng nông thôn mới mà các hộ đã làm theo, tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới” - ông Sáu nói. 

Điện lưới quốc gia đã về với bản làng - món quà ý nghĩa của Đảng và Nhà nước mang lại đã tạo khí thế, tiếp thêm sức mạnh để người Mông thôn Đồng Ruộng viết tiếp câu chuyện cổ tích giữa núi rừng Tây Bắc. 

Từ một thôn còn gặp nhiều khó khăn, Đồng Ruộng đã trở thành một trong những thôn người Mông đầu tiên của huyện Trấn Yên đạt chuẩn thôn nông thôn mới vào tháng 9/2019. Thành quả ấy mang dấu ấn mạnh mẽ của người đảng viên, trưởng thôn Giàng A Sáu. 

Ông đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động người dân chuyển đổi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, hiệu quả góp phần đưa mức thu nhập bình quân của người dân trong bản lên 33 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%. 

"Đồng bào Mông ở thôn Đồng Ruộng đã thay đổi nhận thức, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thể hiện được khát vọng và ý chí vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia đóng góp xây dựng, đưa Đồng Ruộng sớm trở thành nông thôn mới kiểu mẫu của xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên”. Nói xong, ông Sáu cười rạng rỡ. Tôi tin, mong ước ấy của ông sẽ sớm trở thành hiện thực, bởi ở Đồng Ruộng đã và đang có nhiều đảng viên gương mẫu đi đầu như ông Sáu.

Rời mảnh đất Đồng Ruộng, Kiên Thành, tôi đến với thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn. Khu tái định cư giờ đã có nhiều thay đổi. Nhà cửa san sát như "phố bản”. Sự chuyển mình ấy, có đóng góp không nhỏ của Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bu Cao - Giàng A Chang. 

13 năm làm trưởng thôn, anh luôn thể hiện được vai trò "vác tù và hàng tổng” đầy tâm huyết và trách nhiệm với bà con. Cũng giống như gia đình Trưởng thôn Giàng A Sáu ở Đồng Ruộng, gia đình Giàng A Chang là một trong những hộ người Mông đầu tiên "hạ sơn” ở Bu Cao. Một mình hạ sơn, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, song anh Chang cùng gia đình đã miệt mài lao động, cấy hai vụ lúa, trồng ngô, chè Shan và phát triển chăn nuôi. Cuộc sống cũng vì thế mà khá lên rất nhiều. 

Anh là một trong những hộ đầu tiên của bản có được nhà xây hai tầng và là hộ có kinh tế khá nhất, nhì ở đây. Nhớ lại những ngày đầy khó khăn khi người dân của thôn ở trên núi xuống tái định cư ở vùng đất này theo chính sách hỗ trợ di dời dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất của Nhà nước, anh Chang bảo, nếu không có sự hỗ trợ thì người dân Bu Cao sẽ không có được cuộc sống mới như ngày hôm nay. 

"Đồng bào Mông mình cũng chịu khó, hay lam, hay làm nhưng cuộc sỗng vẫn khó khăn là do chưa tìm được hướng đi đúng, chưa thay đổi được nhận thức trong cách làm kinh tế từ tự túc, tự cấp sang hàng hóa, làm ăn nhỏ lẻ” - anh Chang tâm sự. 

Đi từng ngõ, gõ từng nhà là cách mà anh Chang đã làm suốt 13 năm qua để giúp 127 hộ đồng bào Mông nơi đây thay đổi nhận thức. Và người dân Bu Cao cũng đã quá quen với công việc của Trưởng thôn Mùa A Chang, vừa gần gũi, vừa chia sẻ, lắng nghe ý kiến của bà con, giúp bà con phát triển kinh tế. "Bu Cao thay đổi là nhờ có trưởng thôn Chang” - đây là câu mà nhiều hộ dân ở đây đã nói khi được hỏi về những đóng góp của anh. 

Nhận thấy cây chè Shan trên mảnh đất Bu Cao mang lại nhiều giá trị, có thể giúp người dân thoát nghèo, anh mạnh dạn vận động người dân mở rộng diện tích, cải tạo, chăm sóc nâng cao chất lượng chè. Anh vận động người dân không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học, chăm sóc chè theo quy trình sản phẩm chè hữu cơ. 

Đến nay, Bu Cao đã trên 80 ha chè shan cổ thụ, năng suất đạt từ 100 - 110 tấn/năm và cây chè đã mang lại nguồn thu từ 1,5 đến 1,6 tỷ đồng mỗi năm cho người dân trong thôn. Ngoài ra, thu nhập từ chăn nuôi, trồng ngô hàng hóa cũng mang lại cho họ nguồn thu ổn định để mỗi năm Bu Cao lại có thêm những ngôi nhà xây mới. "Phố bản” cũng vì thế mà rộn ràng hơn. 

Giỏi vận động người dân làm kinh tế, anh Chang còn giỏi vận động người dân thay đổi những phong tục, tập quán không còn phù hợp với nếp sống mới. Không thách cưới cao, không để người chết quá 48 giờ trong nhà. Người dân Bu Cao giờ đã biết tham gia vệ sinh môi trường, dọn nhà sạch sẽ, nhà nào cũng có thùng đựng rác. Mỗi tháng 1 lần, trưởng thôn Chang lại vận động người dân cùng nhau vệ sinh môi trường trong thôn, nhắc nhở người dân ăn uống hợp vệ sinh, chấp hành nghiêm chủ trương, đường của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Những ngày này, anh lại đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, vệ sinh nhà cửa, hạn chế đi lại khi không có việc cần thiết để phòng, chống dịch. Câu chuyện về đại dịch COVID - 19 cũng không khiến người dân Bu Cao quá lo lắng, bởi họ đã hiểu rõ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo cách mà trưởng thôn Chang hướng dẫn. Đường ngõ xóm khang trang, nhà cửa kiên cố, sạch đẹp và lá quốc kỳ bay phấp phới trên nóc nhà văn hóa thôn là những điều mà tôi đã được tận mắt chứng kiến khi đến với Bu Cao. Cuộc sống của người dân giờ đã khác xưa rất nhiều, thành quả ấy có sự đóng góp quan trọng của những người đảng viên đi đầu như trưởng thôn Chang. 

Không chỉ ở Bu Cao hay Đồng Ruộng, những đảng viên người Mông vừa giỏi làm kinh tế, vừa giỏi làm dân vận đã xuất hiện ở nhiều địa phương vùng cao trong tỉnh như: đảng viên Giàng A Phử - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn; Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên Tráng Thị Nhà hay đảng viên Giàng A Vư, thôn Nà Nọi, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn… 

Sự chuyển mình mạnh mẽ và cuộc sống của đồng bào Mông nơi này đã có nhiều thay đổi lại một lần nữa thể hiện vai trò quan trọng của những người đảng viên "hai giỏi”- giỏi dẫn dắt đồng bào làm kinh tế và giỏi dân vận.  
Mạnh Cường

Tags Yên Bái đảng viên người dân tộc Mông hai giỏi

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục