Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020)

Nối gần biển đảo quê hương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2020 | 1:39:23 PM

Hơn một năm trước, ngày 20/3/2019 thực sự là dấu mốc lịch sử đối với những người làm công tác tuyên truyền nói riêng, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung khi lần đầu tiên, Tỉnh ủy Yên Bái và Đảng ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam thực hiện ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền về biển đảo.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết ra quân làm sạch bờ biển.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết ra quân làm sạch bờ biển.

Bao năm khắc khoải hướng về biển đảo quê hương với mơ ước một lần được đến thăm, được sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với những người lính Hải quân của những người làm báo tỉnh nhà nay đã trở thành hiện thực. Để rồi ngay trong dịp cuối năm 2019, đã có 3 phóng viên, nhà báo của Báo Yên Bái và Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái được biên chế làm thành viên của các đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ thay, thu quân, tặng quà tết cho các tuyến đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. 

Hành trình ấy với những trải nghiệm không thể nào quên đã giúp chúng tôi thêm niềm tin yêu với biển đảo, với những chiến sĩ anh dũng, kiên cường ngày đêm bám trụ gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nếu hơn 20 ngày đêm của cuộc hành trình là một "cuộc viễn chinh” đến với biển đảo quê hương thì tôi là một hành khách đã có những trải nghiệm thật sự tuyệt vời, không chỉ bởi việc khám phá những điều lý thú trên chặng đường đã đi qua mà còn là cảm nhận về những đổi thay đang "cựa mình” thức dậy. 

Thú thật, tôi đã bắt đầu chuyến hành trình ấy với mục tiêu "chinh phục thử thách” hơn là suy nghĩ mình sẽ học được gì, sẽ tuyên truyền được gì. Bao suy nghĩ về những điều hấp dẫn phía trước đã vẽ ra trong tôi bức tranh xán lạn về việc thực hiện những mong muốn, dự định của cá nhân mình. 

Dẫn bước tôi đến với chuyến hành trình còn là cơ hội thử sức mình, thể hiện năng lực tìm tòi, sự nhanh nhạy cần có của một người trẻ qua việc cọ xát với chuyến đi dài ngày và có tầm ảnh hưởng lớn như thế... 

Để rồi, tôi thực sự đã bị cuốn vào một chuyến đi đầy thú vị, được gặp những đồng nghiệp tài năng, được giao lưu, trao đổi, chia sẻ với những người lính hải quân có thừa bản lĩnh… Những điều ấy khiến tôi thực sự nhận ra: thời gian chưa bao giờ ngừng trôi, cuộc sống không bao giờ ngừng phát triển và điều gì chưa mắt thấy, tai nghe, chứng minh rõ ràng thì chỉ là một phần sự thật… Những chân lý giản đơn ấy vốn luôn tồn tại trong chúng ta nhưng để thực sự trở thành chân lý sống của mỗi con người thì cần phải qua trải nghiệm. 

Chuyến đi ấy đối với tôi là cả một khóa học vô cùng phong phú về chủ đề biển đảo, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau: địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội... khiến tôi miệt mài với việc tìm hiểu, tra cứu các thông tin liên quan để có được kiến thức đầy đủ. Tôi thấy mình như bị cuốn vào chuyến hành trình nhưng bởi một sức hút khác - sức hút của lượng thông tin hàm súc trong mỗi vùng đất tôi đặt chân đến, mỗi con người tôi được gặp. 

Có lẽ cái cảm giác chính mình mong muốn nắm bắt và nhận thức mới chính là hạnh phúc thật sự của sự mở mang tri thức. Khi những thắc mắc, những hoài nghi, những câu hỏi được lật mở, thế giới mà tôi chưa có dịp khám phá hiện rõ hơn qua những hình ảnh, thông tin cụ thể và chính xác. 

Những cái tên đảo, tên người lần lượt đi qua trong đầu thật sinh động như đã phần nào thu hẹp cái xa xôi, lạ lẫm để tôi cảm nhận rõ hơn, đầy đủ hơn dáng dấp quê hương. Trên chuyến hành trình ấy, tôi có dịp trở về với lịch sử cùng những năm tháng, những địa danh, chiến tích và những cái tên đã góp phần khẳng định "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam". 

Để rồi trước mắt tôi là sóng nước quê hương nặng tình giữa những dữ dội của hôm qua và bao đằm thắm của cuộc sống mới hôm nay như lời ca khúc Biển hát chiều nay của nhạc sỹ Hồng Đăng: "Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam! Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương. Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương"… 

Tôi tự hào khi được giới thiệu về Yên Bái quê mình trong những cuộc gặp gỡ, trò chuyện; rồi háo hức được nghe kể về những vùng miền trên khắp đất nước. Từ sự khám phá đó, tình yêu đến dịu dàng cho những miền đất dẫu tôi chưa một lần đặt chân đến, với những con người tôi chưa hề biết mặt. 

Tôi yêu sự chân chất giản dị nhưng kiên quyết của những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm giàu cho quê hương, yêu vẻ đẹp kiên cường của anh bộ đội "đứng gác trời khuya đảo vắng" giữ bình yên Tổ quốc nơi đầu sóng, yêu cả bữa cơm chiều chênh vênh trong gió lộng, yêu những trái tim biết truyền cảm hứng từ rung động tuyệt vời trước sự giao hòa giữa biển trời bao la tươi đẹp và lòng người náo nức vui say như lời nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn trong bài hát Tình em biển cả: "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Non nước mây trời lòng ta mê say. Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát. Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát"

Tôi yêu cả câu chuyện "Góp đá xây Trường Sa”, yêu lá thư gửi đảo xa, yêu cái tình người, tình dân tộc trong bài học giản dị mà sâu sắc của cha ông "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", tình yêu tôi vỗ bến ước mơ giống như bao mơ ước của các em nhỏ trên đảo xa: "mai sau lớn lên, cháu sẽ làm phi công để lái máy bay quay trở về bảo vệ biển đảo”. 

Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi biết rồi sẽ đến một ngày những cái tên như: Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc... sẽ không còn gợi lên sự xa xôi với bất kỳ người dân Việt Nam nào; những tuyến đường, những cây cầu được nối dài như chính tình yêu và sự gắn bó ruột thịt giữa đất liền và hải đảo, và rồi, người dân cả nước sẽ luôn luôn háo hức, chờ mong những chuyến tàu chở niềm vui kết nối đảo xa với đất liền... 

Những bạn bè, đồng nghiệp của tôi sẽ có dịp biết hơn, hiểu hơn về biển và hải đảo qua những câu chuyện của tôi; để rồi chúng tôi sẽ cùng tự hào và tự tin mỗi khi có dịp khoe với bạn bè khắp nơi về biển đảo quê hương; trẻ con trên khắp cả nước biết yêu hơn câu hát từ khơi xa, ngợi ca vẻ đẹp của con người và cuộc sống trên biển; những người trẻ hăm hở cống hiến nhiệt tình và sáng tạo để Việt Nam trở thành quốc gia "mạnh về biển - giàu lên từ biển"; du khách thập phương nô nức đến với đảo du lịch, đảo kinh tế, đến với những tuyệt tác của tự nhiên và những công trình kiên cố xây nên từ bàn tay khối óc của con người trên những hòn đảo xinh đẹp… 

Giữa giấc mơ đầy ắp những mênh mông, rộn ràng và tươi sáng ấy, trong tôi vẫn song hành nỗi lo âu của một nhà báo miền núi đã và đang trưởng thành hơn trong suy nghĩ và nhận thức về khái niệm tình yêu quê hương, yêu biển đảo. Phải chăng sự thay đổi khiến tôi ý thức hơn về những trăn trở mình chưa một lần gọi tên khi xem những tin tức, nghe những câu chuyện thời sự trên Biển Đông!? 

Trong khi những nỗ lực hết mình của Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể và nhân dân đang được thực hiện để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đi đúng hướng thì vẫn còn đâu đó những thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội sai lệch nhằm gây mơ hồ, làm hoang mang người dân. Liệu những người tiếp cận luồng thông tin đó có đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, tích cực, có tính xây dựng không hay chỉ tạo nên những thái độ tiêu cực không nên có, làm cho thực tế thêm phức tạp!? Rất may, đó chỉ là một vài thành phần không hiểu biết và không đủ sức làm lung lay ý chí kiên cường, niềm tin bất diệt của nhân dân cả nước hướng về biển đảo thiêng liêng. 

Và tôi tin tình yêu, niềm tự hào sẽ hóa sức mạnh khi mỗi người Việt Nam sẵn sàng hành động và gieo hành động bằng chính phần công sức dù nhỏ bé của mình với những việc làm thiết thực xuất phát từ tình yêu ruột thịt, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Một khi cuộc đấu tranh ấy đến gần hơn, sâu hơn với mỗi cá nhân, sức mạnh đoàn kết của "một dân tộc gan góc" ắt sẽ làm nên lịch sử. 

Chuyến hành trình đã kết thúc từ lâu nhưng đối với tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc, và thú thực, ước mơ được tiếp tục đến với biển đảo quê hương trong tôi vẫn như mới, khi tôi thật sự nhận ra và muốn chia sẻ tất cả những điều này. Bởi tôi tin, khi tình yêu và nhiệt tình lan tỏa, sẽ có thật nhiều những người bạn đồng hành với tôi trên hành trình hiện thực hóa những ước mơ. 

Trở về, tôi thực sự cảm ơn Tỉnh ủy Yên Bái, Đảng ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam, cơ quan Báo Yên Bái đã cho tôi có được cơ hội: được đi, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và được trở thành "người lính hải quân” hơn 20 ngày đêm trên biển. Chuyến đi ấy thực sự đã nối gần chúng tôi với biển đảo quê hương. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục làm nhịp cầu nối dài thêm nữa, để người dân trên khắp cả nước thực sự kiên trung với niềm tin son sắt: "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam"!
Thiên Cầm

Tags Biển đảo quê hương Tỉnh ủy Yên Bái Đảng ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam ký kết

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục