Sùng Thị Xía- nữ cán bộ người Mông tiêu biểu

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/10/2020 | 1:09:21 PM

YênBái - Vượt qua những rào cản, tập tục lạc hậu của vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Sùng Thị Xía, người phụ nữ Mông ở thôn Bu Cao, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đã vươn lên khẳng định vai trò của một cán bộ xã năng động, hết lòng vì bà con dân bản.

Chị Sùng Thị Xía (giữa) trao đổi công tác phòng chống dịch Covid-19 với cán bộ y tế huyện và lãnh đạo xã Suối Bu.
Chị Sùng Thị Xía (giữa) trao đổi công tác phòng chống dịch Covid-19 với cán bộ y tế huyện và lãnh đạo xã Suối Bu.

Dù đã hẹn trước nhưng đến UBND xã Suối Bu chúng tôi lại được thông tin chị Xía đã đi cơ sở. Hỏi ra mới biết chị vừa vội đi triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 dưới thôn. Không muốn để mất thời gian, chúng tôi xuống tận thôn để gặp chị và cũng muốn tận mắt thấy, tai nghe về những việc chị làm. 

Tới hội trường thôn, từ ngoài đã nghe giọng nữ cán bộ sang sảng tuyên truyền về các biện pháp phòng, tránh Covid-19 cho bà con dân bản. Từng lời nói, hành động và cử chỉ của chị càng thêm thuyết phục chúng tôi. 

Chị kể: "Hơn 2 tháng nay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, hầu như tôi vắng bóng ở nhà, hết trực rồi lại họp chỉ đạo công việc vì xã chỉ duy nhất có một phó chủ tịch, công việc giao mình phải cố gắng hoàn thành. Làm cán bộ là công bộc của dân thì việc gì có lợi cho dân phải làm là chuyện đương nhiên”. 

Xuất phát từ những suy nghĩ ấy mà trong suốt thời gian cao điểm, chị luôn có mặt ở tất cả các chốt phòng dịch của xã để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc kiểm soát người qua lại để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ, của tỉnh về công tác phòng chống Covid-19, cũng như vừa chống dịch hiệu quả vừa ổn định đời sống và chăm lo phát triển kinh tế. 

Là con thứ 7 trong gia đình có tới 8 anh chị em, cuộc sống của đồng bào Mông nói chung, gia đình chị nói riêng vào những năm 1980 vô cùng khó khăn, nguồn sống chủ yếu dựa vào trồng lúa nương, trồng ngô, sắn. Những năm thời tiết thuận lợi cũng vẫn thường thiếu ăn từ 3 đến 4 tháng, còn thiên tai khắc nghiệt, mất mùa thì đói kém quanh năm. 

Là con gái lớn trong gia đình, hàng ngày ngoài thời gian đi học, về nhà chị còn phải phụ giúp gia đình mọi công việc. Bên cạnh cái đói, cái nghèo, chị còn bị ảnh hưởng bởi những phong tục lạc hậu, với quan điểm của người Mông: "Con trai giỏi, biết chữ, là con của mình. Còn con gái có giỏi giang đến mấy đi lấy chồng cũng là con của nhà người ta nên không cần phải học nhiều mà phải ở nhà phụ giúp gia đình”. 

Chính bởi quan niệm ấy mà chị sớm phải nghỉ học khi chưa qua bậc tiểu học. Đến năm 18 tuổi chị được gả chồng. Sau nhiều năm nghỉ học, một chút con chữ được các thầy cô giáo dạy dỗ dần mất đi, chị thuộc diện hội viên phụ nữ tái mù chữ. 

Không cam chịu mãi đói nghèo và thất học, dù gia đình nhà chồng cũng thuộc diện hộ nghèo trong thôn, kinh tế khó khăn, thiếu thốn nhưng với nghị lực và ý chí vươn lên để thay đổi cuộc sống chị đã vượt qua mọi tự ty, mặc cảm và những quan niệm cổ hủ để xin phép gia đình và thuyết phục chồng đồng ý cho chị tham gia lớp học xóa mù do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với UBND xã mở tại thôn. 

Miệt mài học tập và khi đã có kiến thức, chị được Đảng ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu và hội viên tín cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã; đại biểu HĐND xã Suối Bu, nhiệm kỳ 1999 - 2006. Từ đó, cuộc đời chị như sang một trang khác. Với trách nhiệm của người cán bộ Hội Phụ nữ xã và vốn kiến thức được học tập rồi tự trau dồi, chị đã tích cực vận động chị em vào Hội, cùng xây dựng phong trào, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong cuộc sống của đồng bào mình. 

Nhờ vậy, nhiều chị em phụ nữ Mông được tham gia học xóa mù, được đi sinh hoạt Hội, được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như lao động sản xuất. 

Cùng với đó, chị cũng vận động chị em phụ nữ tham gia xây dựng Quỹ Hội để giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo; đề xuất với Đảng ủy, chính quyền xã cho chị em được tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ. 

Nhờ đó đến nay đã có rất nhiều phụ nữ trên địa bàn xã, cả phụ nữ người Mông trưởng thành, được cân nhắc hoặc bố trí các công việc ở xã, điều mà trước đây rất khó khăn không chỉ ở xã Suối Bu mà còn nhiều xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc Mông. 



Là người con của đồng bào, trong cương vị lãnh đạo xã, chị Sùng Thị Xía luôn gần gũi, gắn bó và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. 

Không chỉ vậy, với sự chủ động, khéo léo, gần dân, sát dân, chị đã vận động những người cao tuổi, các chị em, thanh thiếu niên và đặc biệt là trưởng các dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng động viên họ khuyên bảo con cháu thay đổi nếp nghĩ lạc hậu và cùng ủng hộ chị mở được 6 lớp học xóa mù chữ trong toàn xã, mỗi đợt mở lớp có từ 50 đến102 học viên, chủ yếu là nữ dân tộc Mông đi học. 

Chị cũng thường xuyên vận động các gia đình cho trẻ đến trường, đến lớp đúng độ tuổi, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bởi hơn ai hết chị quá hiểu những thiệt thòi, nghèo đói do tư tưởng lạc hậu, do thất học mang lại. 

Nhờ đó, từ chỗ tỷ lệ phụ nữ người Mông của xã đọc thông viết thạo chỉ đếm trên đầu ngón tay nay đã có tới 90% chị em biết chữ; trẻ em đúng độ tuổi đến trường đạt 98%. Nhiệt tình, năng nổ trong mọi hoạt động, năm 2001, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. 

Xác định là một cán bộ đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để có thêm kiến thức phục vụ công tác, giúp đỡ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là thay đổi nếp sống, cách nghĩ và những hủ tục lạc hậu của đồng bào, chị tiếp tục vận động các gia đình cho con em đến trường, phụ nữ tham gia các lớp xóa mù chữ rồi cùng cấp ủy, chính quyền xã, đội ngũ đảng viên, già làng, trưởng dòng họ trong xã, trong thôn vận động đồng bào Mông thôn Bu Cao hạ sơn để ổn định cuộc sống. 

Năm 2008, ban đầu mới có 50 hộ hạ sơn, đến nay đã có 121 hộ định cư nơi ở mới, các hộ đều có nước sạch, điện sinh hoạt, nhà ở ngày càng khang trang. Để góp phần nâng cao đời sống, chất lượng giống nòi, chị tích cực tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ không sinh con thứ 3, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục lạc hậu trong việc tang, việc cưới. 

Chị vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, khai hoang và mở rộng diện tích lúa nước để bảo đảm lương thực; hàng năm duy trì sản xuất gần 70 ha lúa nước hai vụ, trồng 185 ha chè, mỗi năm trồng từ 200 ha ngô trở lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đúng đối tượng, kịp thời trợ giúp người khó khăn và hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. 

Ngày càng khẳng định và phát huy được năng lực trong công tác, từ năm 1999 đến nay chị Xía liên tục được Đảng ủy tin tưởng giao nhiệm vụ, trọng trách mới. Hiện nay, chị là đại biểu HĐND huyện khóa XI, đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu. 

Trong công tác, chị luôn gần gũi, gắn bó và tôn trọng nhân dân; quan tâm chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chị đã góp phần cùng Đảng bộ xã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra hàng năm và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều năm liền chị được các cấp, các ngành tuyên dương khen thưởng. Gần đây nhất, chị là nữ cán bộ tiêu biểu được Huyện ủy Văn Chấn tuyên dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2019.

Vượt qua những rào cản và hủ tục lạc hậu để trở thành người cán bộ xã năng động, nhiệt tình, hết lòng vì cuộc sống của đồng bào, tấm gương và ý chí vươn lên của chị Sùng Thị Xía - nữ cán bộ người dân tộc thiểu số thật đáng khâm phục! Chị trở thành một điển hình tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thanh Tân

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục