Đời còn một chút vinh danh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/11/2020 | 7:41:33 AM

YênBái - Có lẽ bởi gắn bó với nhau từ gian nan mà tình thầy trò thêm khăng khít, dù thời gian trôi qua đã ngót nửa thế kỷ song những gương mặt và cái tên ngày ấy nguyên trong ký ức... Trước mái đầu tóc bạc của lớp thầy cô khả kính, lớp "học trò tóc bạc” vẫn luôn một điều thầy hai điều em.

Các cựu giáo viên, học sinh khóa 1972 - 1975 Trường cấp IIIA (Nay là Trường THPT Nguyễn Huệ) thăm Nhà Quốc hội.
Các cựu giáo viên, học sinh khóa 1972 - 1975 Trường cấp IIIA (Nay là Trường THPT Nguyễn Huệ) thăm Nhà Quốc hội.

Cuối tháng Bảy, anh Đặng Quang Khánh - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái thay mặt các cựu học sinh khóa 1972 - 1975 Trường cấp IIIA (nay là Trường THPT Nguyễn Huệ) đến mời tôi đi dự kỷ niệm 45 năm ngày tốt nghiệp ra trường. 

Thoắt thôi, đã ngót nửa thế kỷ, tôi bước vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy” và các anh chị cũng ngoại lục tuần. 

Cuộc hội ngộ diễn ra tại Nhà Quốc hội, nơi anh Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm đăng cai tổ chức. Cùng gặp gỡ tri ân, hẳn dụng ý muốn giới thiệu với các thầy, cô giáo và bạn đồng học một công trình mang tầm cỡ khu vực của nền kiến trúc Việt Nam; nơi lưu giữ nhiều di vật về quá trình phát triển của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử cùng hoạt động của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Ngót trăm bạn học, từ quê hương Yên Bái xuôi về, nhiều người hiện định cư tại Hà Nội, có bạn từ Sài Gòn, Đà Lạt cũng gắng bay ra. Thầy cô giáo cũng vậy: Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam.., trên hai chục người đã từng trực tiếp tham gia giảng dạy. 

Thời gian như nước qua cầu, vẫn nhớ và có sự liên hệ để mời về, quả là đáng khâm phục. Nếu không xuất phát từ truyền thống tôn sư trọng đạo, từ nghĩa tình thầy trò sâu nặng chắc khó có cuộc hội tụ đông và vui này. 

Câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Đình Lưu - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, người từng nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục tại Trường cấp IIIA gợi nhớ về cái thời dạy học gian khổ. 

Ấy là năm 1972, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, tôi được phân công lên Yên Bái và về làm giáo viên tại nhà trường. Hai mươi mốt tuổi, so với học sinh lúc bấy giờ chẳng chênh lệch là bao. 

Vì là giáo viên trẻ, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 8B (tương đương với lớp 10 bây giờ) và dạy Văn ba lớp A,B,C. 

Đương lúc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt, thị xã Yên Bái bị ném bom hủy diệt; Nhà máy Thủy điện Thác Bà không mấy ngày không bị oanh kích. 

Tình hình buộc các trường học phải sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng cho thầy trò; đồng thời, duy trì hoạt động dạy và học. Trường cấp IIIA sơ tán vào khu Thanh Hùng, xã Tân Thịnh thuộc vùng ven thị xã. 

Khỏi phải nói về sự vất vả, học trò ngày ngày đội mũ rơm đến trường; lớp học là nhà nửa chìm, nửa nổi nấp dưới tán rừng có giao thông hào với loạt hầm chữ A bao quanh. Đang giờ học, hễ có báo động máy bay địch bắn phá là thầy trò lại phải tạm ngừng lên lớp tỏa vào hầm ẩn náu. 

Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa dầm gió bấc thì cùng cực vì đường đất trơn trượt và rừng đầy muỗi vắt. Ấy vậy mà, cái sự học không hề bị gián đoạn. 

Thầy dù nhà tranh, đèn dầu vẫn miệt mài soạn giáo án đêm đêm để ngày mai lên lớp; còn học trò theo gia đình sơ tán tận Thịnh Hưng, Văn Lãng, Văn Tiến của huyện Yên Bình quãng đường ngót trên chục cây số cũng miệt mài cuốc bộ đến trường không bỏ buổi. 

Có lẽ bởi gắn bó với nhau từ gian nan mà tình thầy trò thêm khăng khít, dù thời gian trôi qua đã ngót nửa thế kỷ song những gương mặt và cái tên ngày ấy nguyên trong ký ức: Phùng Quốc Hiển, Hoàng Mạnh Cường, Phan Duy Tú, Nguyễn Thị Minh Hà, Vũ Thị Tường Mai… 

Tôi nhớ nhất là chuyện có học sinh lên bảng trả bài, vì một lý do nào đó hôm ấy em không thuộc. Dù đã học kỹ bộ môn tâm lý giáo dục trong trường sư phạm, lại từng đọc cuốn sách viết về người thầy giáo mẫu mực Ma ka ren kô của nền giáo dục Xô-viết song do sốc nổi tuổi trẻ và thiếu kinh nghiệm nên hạ bút cho em điểm 0. 

Về nhà suy nghĩ lại cứ ân hận mãi và đành tìm giải pháp vi phạm quy chế cho em kiểm tra lại mà bỏ điểm cũ. Không biết trong nghề dạy học đã mấy giáo viên hành xử giống tôi nhưng từ đấy tự mình thấy bình tĩnh hơn, chịu rèn giũa hơn để trở thành một người thầy chuẩn mực trong mắt các thế hệ học trò. 

Gặp nhau, lứa học sinh ngày ấy hầu hết đã nên ông nên bà. Vậy mà chuyện cứ râm ran mày tao như thời tuổi hoa niên. Các anh chị, nhiều người giữ vị trí trọng trách trong các cơ quan công quyền, quân đội, công an, khoa học, giáo dục, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; đóng góp không ít cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Trung ương và địa phương. 

Trước mái đầu tóc bạc của lớp thầy cô khả kính, họ luôn một điều thầy hai điều em. Thế mới biết lời dạy người xưa "nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã sâu rễ bền gốc trong tâm thức người Việt tự bao đời. 

Thay mặt hơn trăm bạn bè cùng trang lứa, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phùng Quốc Hiển gửi lời tri ân tới các thầy, cô giáo đã đồng hành dìu dắt suốt ba năm trung học phổ thông, tạo tiền đề để học sinh vững vàng bước tiếp trong cuộc sống. 

Những tiếng vỗ tay, những bó hoa trao tặng nhưng đẹp nhất vẫn là những nụ cười tươi trẻ sau gần nửa thế kỷ tái ngộ. Thầy giáo dạy bộ môn Vật lý Lê Văn Thịnh, quê gốc Hải Phòng đã ngoại tám mươi tuổi cũng rất vui mừng trong buổi gặp mặt hôm nay. 

Phấn khởi, thầy nhắc lại bao kỷ niệm với lớp học trò và cao hứng hát "Bài ca người giáo viên nhân dân” sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân vốn được coi là ngành ca của nghề dạy học: "Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/Bài ca ấy, loài hoa ấy/Đẹp như em, người giáo viên nhân dân…”. 

Giọng người già mà ở buổi gặp gỡ này xem ra còn khỏe khoắn tràn đầy sức trẻ. Cảm động nữa là tâm sự của cô giáo Trương Thị Mai Hương, giáo viên Toán, quê gốc Hà Nội. Cô kể về ngày chân ướt chân ráo lên Yên Bái cùng học sinh vào rừng lấy nứa dựng lớp học. 

Gái thủ đô, cả đời chưa biết cây nứa, cây mai, con sên, con vắt mà bây giờ phải học bó củi, vác cây cực đến phát khóc. Gắn bó ngót chục năm trời với Yên Bái (1971 - 1979) tới lúc được chuyển vùng về xuôi thì lại thấy nhớ, rõ là "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. 

Nhiều lần muốn trở lại thăm song gánh nặng áo cơm nuôi con, bám nghề nên chưa thực hiện được. Gần đây có thảnh thơi hơn, được con cháu bố trí đưa tới nơi lại đúng dịp hè thành ra chẳng gặp được ai là người quen cũ. 

Thơ thẩn chốn sân trường, bây giờ nhà cao tầng, hàng cây bóng mát đã thay thế lớp học mái lá, tường đất năm xưa. Bồi hồi sống lại ký ức một thời gian khó "Về cùng lớp học hàng cây/Ba lô kỷ niệm đong đầy tiếng ve/Phượng hồng thấp lửa trưa hè/Trống trường năm ấy giờ nghe vẫn còn”. 

Còn và còn nữa, cô giáo Lê Thị Liên, Nguyễn Thị Dung, thầy giáo Đinh Văn Long, Trần Văn Thành, Đỗ Đình Trụ…, thế hệ giáo viên "Ba sẵn sàng” xung phong lên Yên Bái dạy học. Cả tuổi thanh xuân của họ đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo miền núi. Ai cũng muốn kể, muốn bộc lộ cảm xúc cho thỏa nỗi niềm để rồi sau trở về vẫn in đậm dấu ấn cuộc hội ngộ hôm nay.

Bữa cơm giao lưu nồng ấm tình người. Lớp "học trò tóc bạc” quây quần bên các thầy, cô giáo cũ nhất là những người làm công tác chủ nhiệm để mà hỏi han; để mà thổ lộ cả những điều còn giữ trong lòng mấy chục năm nay giờ mới có dịp giãi bày. 

Không khí sôi nổi, hòa đồng bao trùm căn phòng ăn vốn dĩ trang nghiêm của tòa nhà Quốc hội. Giữa cái say nồng của tình thầy trò, bằng hữu, có ai đó kể câu chuyện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết bức thư tay gửi cô giáo dạy thời tiểu học Đặng Thị Phúc nhân dịp chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019. 

Ngoài kính chúc thầy cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới. Ở cuối bức thư, ông không quên gửi lời tri ân tới cô giáo "Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”. 

Niềm vui của cô Phúc cũng là niềm vui của những người làm nghề lái con đò tri thức đưa bao thế hệ học trò đến bến bờ vui. Và bất giác trong tôi thoáng lại câu thơ mình viết ngày nào "Nơi này đứng lớp lần đầu/Tóc xanh nay đã vương màu khói mây/ Lặng nghe ai gọi tiếng thầy/Thanh tao có một chút này vinh danh”.

Thế Quynh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục